Không đi ngoài được thì ăn gì để nhanh khỏi?

Cuộc sống ngày càng phát triển kéo theo tần suất mắc bệnh táo bón cũng tăng dần. Vậy táo bón thực chất là gì, tại sao tình trạng khó đi ngoài xuất hiện và phòng tránh táo bón như thế nào là đúng? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Táo bón là gì?

1.1 Táo bón

Là tình trạng đại tiện ít, phân khô, cảm giác khó rặn khi đi đại tiện và có thể kèm đau rát khi đi ngoài. Thông thường, nếu người lớn không đi đại tiện trong vòng 3 ngày hoặc trẻ em không đi đại tiện trên 3 lần trong một tuần được gọi là táo bón.

 Ảnh minh họa tình trạng táo bón.

2. Những nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón?

2.1 Do bệnh lý: 

Có rất nhiều bệnh lý tại cơ quan tiêu hóa hoặc bệnh không phải trong cơ quan tiêu hóa gây ra tình trạng khó đi đại tiện. 

Những bệnh thuộc đường tiêu hóa gây táo bón: khối u trong đường tiêu hóa, sau các phẫu thuật tại đường tiêu hóa gây tắc nghẽn sự di chuyển của khối phân, bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh, trĩ, nứt kẽ hậu môn, tư thế trực tràng đổ ra trước… đều có thể là nguyên nhân gây chứng táo bón.

Những bệnh lý không thuốc hệ tiêu hóa nhưng vẫn gây ra khó đi ngoài: 

Bệnh lý thần kinh: đột quỵ, chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống, Parkinson, loạn sản thần kinh ruột… 

 Bệnh lý tâm thần: trầm cảm, rối loạn lo âu,… 

 Bệnh lý khác: suy giáp trạng, xơ cứng bì toàn thân, hạ kali máu, tăng canxi máu, nhược cơ, suy tuyến yên…

2.2 Do thói quen ăn uống không phù hợp

Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây tình trạng táo bón. Khi chúng ta ăn quá nhiều các loại thực phẩm như bánh quy, bánh mỳ, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán,… Lượng đường và chất béo động vật cao gây tình trạng khó tiêu, đầy bụng và khó đi ngoài. 

Ngược lại chất xơ giúp thúc đẩy tình trạng tiêu hóa của đường ruột. Chúng ta dễ dàng bổ sung chất xơ cho cơ thể bằng cách sử dụng các loại rau củ và trái cây: rau muống, rau cải, yến mạch,…

Một chế độ ăn giàu chất xơ, ăn vừa đủ tinh bột và chất béo theo nhu cầu sẽ giúp giảm nguy cơ táo bón.

2.3 Do thói quen sinh hoạt: 

Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực, hoặc đặc thù công việc ít di chuyển, thường xuyên nhịn đi đại tiện,… là những nguyên nhân gây ra chứng khó đi ngoài, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay.

2.4 Do những nguyên nhân khác: 

Phụ nữ có thai

Các loại thuốc có thể gây táo bón: thuốc chữa ho có thành phần Codein, các thuốc có nhôm, thuốc làm đặc phân, atropin, thuốc lợi tiểu…

3. Không đi ngoài được thì ăn gì?

      Ảnh minh họa thực phẩm giàu chất xơ cần bổ sung hằng ngày.

      Ảnh minh họa thực phẩm giàu chất xơ cần bổ sung hằng ngày.

3.1 Các thức ăn giàu chất xơ:

Chất xơ có hai loại: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Bạn cần có chế độ ăn bổ sung hợp lý cả hai loại chất xơ trên

Chất xơ hòa tan có tác dụng làm mềm phân, cải thiện tình trạng khó đi ngoài. Các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan: yến mạch, đậu hà lan, trái cây họ cam quýt, cà rốt, lúa mạch…

Chất xơ không hòa tan có tác dụng tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột. Các loại thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan: bông cải xanh, cà rốt, củ cải trắng, các loại đậu, đỗ… Tuy nhiên nếu chế độ ăn quá nhiều chất xơ không hòa tan có thể tụ lâu ở ruột làm và lên men làm cho ruột bị giãn ra. Lâu ngày có thể gây táo bón. Vì vậy bữa ăn hàng ngày cần ăn vừa đủ lượng chất xơ không hòa tan.

3.2 Các thực phẩm giúp nhuận tràng: 

Khoai lang, sữa chua, giá đỗ, rau mồng tơi, hạt chia, quả kiwi, lê, các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi…

3.3 Uống đủ nước để phân mềm, tránh táo bón:

Tùy theo từng lứa tuổi mà nhu cầu nước sẽ khác nhau, ví dụ người trưởng thành lượng nước cần là 40ml nước/kg cân nặng. Vào mùa hè lượng nước trong cơ thể mất đi nhiều hơn, vì vậy cũng cần uống nhiều nước hơn.               

4. Không đi ngoài được tránh ăn gì?

Tránh ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn để phòng ngừa táo bón.

Tránh ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn để phòng ngừa táo bón.

4.1 Sữa và các sản phẩm của sữa:

Việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa chứa nhiều đường lactose có thể gây đầy hơi, khó tiêu và khiến người bị táo bón trở nên khó chịu hơn. 

4.2 Thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn: 

Hầu hết các thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có rất ít chất xơ, nhiều tinh bột và chất béo. Những loại thực phẩm như xúc xích, thịt hộp, hamburger, pizza,… khi ăn nhiều có thể gây tình trạng khó tiêu, táo bón.

4.3 Đồ chiên: 

Thực phẩm chiên rán chứa nhiều chất béo và khó tiêu hóa, khi thức ăn đi chậm qua trực tràng có thể gây mất nước và làm cho phân bị khô, cứng.

4.4 Trứng, thịt đỏ: 

Đây là hai loại thực phẩm giàu protein nhưng ít chất xơ. Bạn không cần phải kiêng chúng hoàn toàn mà chỉ cần bổ sung thêm vào bữa ăn những thực phẩm giàu chất xơ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

4.5 Đồ ngọt: 

Kẹo, bánh ngọt, bánh quy và các món ăn khác có đường bổ sung không có lợi cho triệu chứng táo bón.

4.6 Đồ uống có cồn, chất kích thích: 

Rượu, chè, cà phê… Những đồ uống này có thể khiến hút nước trong thành ruột, gây táo bón hoặc làm nặng thêm tình trạng khó đi ngoài.

5. Cần làm gì để tránh tình trạng không đi ngoài được?

Đảm bảo chế độ ăn đủ chất xơ, hoa quả, uống đủ nước.

Tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, không nhịn đi đại tiện. Đối với trẻ nhỏ, không nên để trẻ quá sợ hãi và ám ảnh về chuyện vệ sinh mà gây ra tình trạng nhịn đi đại tiện.

Giữ cho bản thân trong trạng thái tinh thần thoải mái nhất, tránh lo nghĩ nhiều.

Tập thể dục, vận động với cường độ hợp lý.

Tránh sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước chè…

 Tập thể dục giúp giảm táo bón.

                            Tập thể dục giúp giảm táo bón.

Nếu tình trạng táo bón lâu ngày không cải thiện mặc dù bạn đã có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, hãy tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh và điều trị kịp thời. 

BS. Hoàng Ngọc Anh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận