Lupus ban đỏ: Nguyên nhân và điều trị
Lupus ban đỏ là bệnh khá phổ biến, với triệu chứng đa dạng, phức tạp nhưng ít người biết đến, nên những hiểu biết về bệnh còn hạn chế. Bài viết này, xin gửi đến quý bạn đọc cái nhìn tổng quan về lupus ban đỏ.
Nội dung bài viêt
1. Lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn. Trong cơ thể, có nhiều hệ cơ quan với những chức năng riêng biệt làm việc trong một thể thống nhất, trong đó, cơ quan có vai trò chính bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân lạ từ bên ngoài được gọi là hệ miễn dịch. Bằng cách nào đó mà hệ miễn dịch làm việc chống lại chính những thành phần của cơ thể thì quá trình bệnh lý xảy ra và loại bệnh có cơ chế như trên được gọi là bệnh tự miễn.
Lupus ban đỏ gồm 2 loại: Lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE: Discoid Lupus erythematosus) và lupus ban đỏ hệ thống (SLE: Systemic lupus erythematosus).
- Lupus ban đỏ dạng đĩa hay còn gọi là lupus ban đỏ thể da kinh điển (biểu hiện tổn thương da dạng đĩa kéo dài nếu không được điều trị). Chỉ có tổn thương trên da không có tổn thương cơ quan khác. Ít phổ biến hơn nhưng tiên lượng tốt hơn rất nhiều so với lupus ban đỏ hệ thống và có khoảng 1-3% bệnh nhân chuyển thành lupus ban đỏ hệ thống.
- Lupus ban đỏ hệ thống là thể lupus có tổn thương đa cơ quan như da-niêm mạc, cơ-xương-khớp, thận, tim mạch, thần kinh, máu, phổi, hệ tiêu hóa,… thường tiến triển mạn tính xen kẽ giữa các đợt cấp và các đợt lui bệnh. Là chủ đề chính của chúng ta hôm nay vì mức độ phổ biến cũng như tính chất nặng của bệnh.
2. Ai có nguy cơ mắc phải bệnh lupus ban đỏ?
Căn nguyên của bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và các rối loạn miễn dịch nên không khó hiểu khi:
- Người có người thân (càng gần thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt là sinh đôi cùng trứng) bị lupus ban đỏ hệ thống hoặc các bệnh tự miễn khác.
- Chủng tộc khác nhau, tỷ lệ mắc bệnh khác nhau: Người da màu mắc nhiều hơn người da trắng.
- Hormon sinh dục nữ (Estrogen): Nữ mắc nhiều hơn nam, tỉ lệ 9/1. Gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở 16-50 tuổi (độ tuổi sinh đẻ).
- Người bệnh đã mắc các bệnh tự miễn khác: Xơ cứng bì, vảy nến, viêm khớp dạng thấp,…
Yếu tố môi trường:
- Ánh sáng mặt trời.
- Sau nhiễm virus hoặc nhiễm trùng nói chung.
- Thuốc tránh thai cũng có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.
3. Nguyên nhân gây lupus ban đỏ là gì?
Hiện nay, căn nguyên gây bệnh chưa được biết rõ ràng, được cho là rất phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố được cho là liên quan trực tiếp đến bệnh gồm:
- Di truyền: Đã xác định được 1 số “gen” có liên quan đến bệnh, những người mang gen có khả năng biểu hiện bệnh cao hơn những người không mang gen. Trong đó phải kể đến sự liên quan rõ ràng giữa giới tính nữ và hormon sinh dục nữ đến sự hình thành và biểu hiện bệnh.
- Rối loạn miễn dịch: Rất phức tạp, hình thành nên các chất tấn công chính các thành phần của cơ thể.
- Môi trường: Tác nhân lạ từ môi trường có thể khởi phát quá trình rối loạn miễn dịch, có thể kể đến như ánh nắng mặt trời, virus, vi khuẩn, hóa chất, thuốc,…
Ngoài ra, một số thuốc có khả năng gây bệnh đã được xác định: Hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamid, phenytoin, D-penicillamine. Biểu hiện chủ yếu trên da và toàn thân, ngưng các thuốc trên biểu hiện bệnh sẽ mất đi trong vài ngày hoặc vài tháng
4. Triệu chứng nhận biết bệnh lupus ban đỏ
Biểu hiện đa cơ quan:
- Toàn thân: Sốt kéo dài không thành cơn là biểu hiện thường gặp xuất hiện trong 50-80% các trường hợp, kèm theo mệt mỏi, gầy sút.
- Biểu hiện ở cơ xương khớp: Xuất hiện ở 90-100% trường hợp.
Đặc điểm: đau khớp, viêm khớp lành tính không có hủy hoại khớp, tuy nhiên những tổn thương dây chằng, bao khớp có thể làm biến dạng khớp, yếu cơ, đau cơ.
- Da, niêm mạc: Gặp 70% các trường hợp, có ¼ trường hợp bệnh khởi phát bằng triệu chứng về da, niêm mạc làm cho bệnh nhân cứ nghĩ đây chỉ là một tổn thương da thông thường. Biểu hiện rất đa dạng:
Ban cánh bướm: Ban phẳng, màu hồng, mũi và gò má hai bên (giống hình con bướm), có thể biến mất hoàn toàn.
- Ban cánh bướm
Ban dạng đĩa: Màu hồng, có gờ xung quanh, nổi cao hơn mặt da, có thể bong vảy kèm teo da ở vùng trung tâm (có lòng nhạt màu và thấp hơn giống cái đĩa), thường để lại sẹo, gặp ở trên đầu có thể gây rụng tóc không mọc lại (do teo da).
- Lupus ban đỏ dạng đĩa
Tính nhạy cảm với ánh sáng: Tổn thương da kiểu viêm (đỏ, đau, cứng) ở vùng hở, sau khi tiếp xúc với ánh nắng, vào bóng dâm tổn thương da vẫn tồn tại khoảng vài ngày, biến mất để lại vết thâm.
- Thận: Gặp trong 70-80% các trường hợp, do tổn thương các mạch máu ở thận hậu quả cuối cùng đưa đến suy thận.
- Tâm – thần kinh: Gặp trong 30-40% trường hợp bệnh. Với các biểu hiện như: Động kinh toàn thể, đau đầu, ngất, loạn thần, tâm thần.
- Tim mạch: Biểu hiện như đau ngực, khó thở, hồi hộp – trống ngực do xuất hiện các rối loạn nhịp.
- Máu: Thiếu máu (da xanh,nhợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế), dễ chảy máu, chảy máu lâu cẩm, dễ nhiễm trùng tái đi tái lại (do rối loạn miễn dịch kèm theo giảm bạch cầu).
5. Cách chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ
Tiêu chuẩn phân loại bệnh lupus ban đỏ được công bố lần đầu tiên vào năm 1971, qua 50 năm đã có nhiều lần sửa đổi, nhằm hướng tới nâng cao khả năng chẩn đoán đúng bệnh và chẩn đoán bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Điểm chung là đều dựa vào cả những triệu chứng lâm sàng kể trên và triệu chứng về mặt xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Hiện nay, nước ta đang áp dụng phổ biến hai bộ tiêu chuẩn là ACR/1997 và SLICC/2012.
6. Bệnh lupus ban đỏ được điều trị như thế nào?
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh chưa rõ nguyên nhân nên đến nay chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu. Mục tiêu của điều trị lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng bệnh trong đợt cấp, dự phòng các tổn thương nội tạng và các đợt bệnh tái phát.
Điều trị Lupus ban đỏ hệ thống được chia ra làm hai phần.
Điều trị không dùng thuốc
Khi bệnh nhân được chẩn đoán là mắc bệnh thì bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân một số biện pháp tránh các nguyên nhân gây ra bệnh như phải sử dụng khăn hoặc tấm vải che chắn cho da, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hạn chế gắng sức, hạn chế lao động mạnh, hạn chế thai nghén. Trong trường hợp bệnh nhân cần phải có thai thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ ít nhất là 6 tháng trước khi dự định có thai.
Điều trị dùng thuốc
Các thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống được chia làm 4 nhóm chính gồm: Các thuốc chống viêm, giảm đau không steroid; thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh hơn nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ hơn nên chỉ được chỉ định cho các trường hợp bệnh nặng; thuốc chống sốt rét tổng hợp như hydroxychloroquine, chloroquine và các thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra các liệu pháp khác như thay huyết tương (PEX), lọc máu cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh.
Tóm lại, lupus ban đỏ hệ thống là một căn bệnh mãn tính nên người bệnh cần phải tuân thủ điều trị thường xuyên. Nếu như bệnh nhân bỏ thuốc, các ảnh hưởng của cơ quan nội tạng sẽ phát triển âm thầm trong cơ thể. Và khi bệnh nhân quay trở lại thì các tổn thương đã quá nặng và có thể sẽ không điều trị được nữa. Do đó, khi đã được chẩn đoán bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì cần phải được theo dõi y tế một cách hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bệnh nhân cũng phải tuân thủ các chế độ điều trị của bác sĩ, mặc dù liều lượng thuốc điều trị hàng ngày có thể rất thấp và ít tác dụng phụ nhưng rất quan trọng để duy trì việc dự phòng các tổn thương nội tạng, dự phòng các đợt bùng phát bệnh.
Xem thêm
7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lupus?
Dự phòng mắc bệnh:
- Ngoại trừ lupus ban đỏ hệ thống do thuốc là chúng ta có thể dự phòng bằng cách chỉ sử dụng các loại thuốc nguy cơ gây bệnh khi thật sự cần thiết dưới dự chỉ định của bác sĩ.
- Trường hợp không do thuốc thì chưa rõ căn nguyên, vậy chúng ta chỉ có thể tập trung vào dự phòng mắc bệnh bằng giảm các yếu tố nguy cơ:
Sử dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với ánh nắng: Quần áo nắng, mũ, dù, kem chống nắng,…
Tránh những stress, căng thẳng tâm lý.
Sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, sử dụng những thực phẩm không lành mạnh, tập thể dục thường xuyên,…
Dự phòng các đợt nặng lên của bệnh khi đã mắc bệnh:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
- Chú trọng dinh dưỡng đặc biệt bổ sung vitamin D (do hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời có thể gây thiếu vitamin D).
- Tránh sử dụng các thuốc có khả năng gây bệnh.
- Hướng dẫn người bệnh những dấu hiệu báo hiệu nặng bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.
- Người bệnh tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm.
BS. Trương Hậu