Mất ngủ ở người trẻ tuổi – những nguy hiểm và hướng xử trí
Mất ngủ là một hội chứng do nhiều nguyên nhân. Trước đây, bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là từ 60 tuổi. Tuy nhiên, gần đây, hội chứng mất ngủ không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà dần dần xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi. Vậy nguyên nhân mất ngủ ở những người trẻ tuổi là gì? Những nguy hiểm khó lường và chữa mất ngủ như thế nào?
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân mất ngủ ở người trẻ tuổi
Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi, nguyên nhân mất ngủ thường do:
Áp lực trong công việc, học tập
Cuộc sống hiện đại buộc những người trẻ phải quay cuồng vào học tập công việc. Áp lực từ các bài thi, deadline, làm hệ thần kinh luôn ở trạng thái kích thích. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ.
“Nghiện” các thiết bị công nghệ – nguyên nhân mất ngủ hàng đầu của giới trẻ
- “Nghiện” điện thoại là nguyên nhân mất ngủ hàng đầu của giới trẻ
Người trẻ có thói quen sử dụng máy tính, điện thoại… trước khi đi ngủ. Sóng điện thoại, máy tính là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh, nhức mắt, mỏi mắt… dẫn tới mất ngủ, khó ngủ.
Sử dụng chất kích thích
Chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá càng ngày càng phổ biến trong cuộc sống của giới trẻ. Những chất như nicotin, caffein trong các loại đồ uống này khiến bộ não hưng phấn, tỉnh táo và không có cảm giác muốn ngủ. Sau đó, giấc ngủ của bạn sẽ rối loạn giờ sinh lý, và gây ra chứng mất ngủ.
Mất cân bằng hưng phấn và ức chế
Bởi người trẻ có một cuộc sống sôi động nên lịch sinh hoạt là không cố định. Thói quen ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ không khoa học, không theo giờ sinh học khiến rối loạn hormone. Điều này gây ra chứng mất ngủ ở người trẻ
Ngoài ra, mất ngủ ở người trẻ tuổi còn do các bệnh thực thể. Các bệnh thần kinh, suy nhược cơ thể, bệnh dị ứng, xương khớp,…có thể ảnh hưởng đến thần kinh và gây mất ngủ.
2. Những nguy hiểm của chứng mất ngủ ở người trẻ tuổi
Thiếu ngủ gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng về cả thể chát, tinh thần của bạn. Khi mất ngủ, cơ thể sẽ phải chịu những hệ lụy sau:
Tăng huyết áp
Giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây căng thẳng. Cơ thể phản ứng lại với những căng thẳng này bằng cách tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Nếu kéo dài, mất ngủ sẽ gây ra bệnh tăng huyết áp mạn tính.
Đe dọa hôn nhân
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc nằm chung giường với một người mắc chứng ngủ có thể gây bất lợi cho hôn nhân.
- Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến hôn nhân
Cáu kỉnh, rối loạn tâm lý do mất ngủ gây ra có thể gây trầm cảm, lo âu cho đối tác và cả những xung đột trong hôn nhân.
Trầm cảm
Bệnh trầm cảm trong giới trẻ đang có chiều hướng tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do mất ngủ.
Một đêm mất ngủ khiến tâm trạng của bạn trở nên cáu kỉnh vào sáng hôm sau. Đồng thời, cuối cùng, thiếu ngủ kinh niên sẽ làm tăng nguy cơ bệnh trầm cảm.
Hình ảnh chụp não cho thấy mất ngủ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não. Từ đó làm tối loạn tâm thần. Một số chuyên gia cho rằng, chỉ cần một đêm mất ngủ sẽ làm thay đổi chức năng hoạt động của não, đặc biệt là ở những người hay lo âu. Những người không ngủ từ 7-8 tiếng/ngày, thậm chí kể cả không có tiền sử trầm cảm, vẫn có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm nếu giấc ngủ không được bảo đảm
Mất tập trung
Nếu giấc ngủ bị gián đoạn, bộ não chỉ có thể dành rất ít thời gian cho trạng thái REM (giai đoạn ngủ sâu và mơ). Trạng thái này vô cùng cần thiết, giúp đầu óc được nghỉ ngơi lúc ngủ.
- Mất ngủ gây mất tập trung
Hậu quả là con người sẽ cảm thấy chậm chạp và khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ và ghi nhớ. Những người có được giấc ngủ REM thường có cảm giác tốt hơn về nhận thức, cảm nhận tốt hơn về hạnh phúc. Từ đó, tâm trạng cũng được cải thiện đáng kể. Ngược lại, mất ngủ làm bạn mất tập trung, giảm hiệu suất công việc.
Nguy cơ tăng cân và ung thư do mất ngủ
Thiếu ngủ làm chậm quá trình trao đổi chất nên làm tăng lượng đường trong máu. Từ đó gia tăng nguy cơ bệnh béo phì. Hơn nữa, theo các chuyên gia về sức khỏe, mất ngủ là nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn thực phẩm không lành mạnh.
Nguyên nhân là bởi tầm nhìn về thực phẩm bị che mờ trong vùng trung tâm của não ở những người mất ngủ. Khi giấc ngủ bị thiếu hụt, người ta có xu hướng tìm những thực phẩm kém chất lượng và tiêu thụ những loại thực phẩm này
Mất ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư. Một cuộc nghiên cứu thực hiện ở Anh vào năm 2008 cho thấy, những phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày có nguy cơ hơn mắc bệnh ung thư vú. Một nghiên cứu khác tại Trường Y Harvard cho kết quả, ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm làm tăng nguy cơ phát triển khối u đại trực tràng. Lý giải khoa học là do hormone melatonin được sản xuất ra trong khi ngủ vô cùng quan trọng. Hormon này có thể chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u. Khi mất ngủ, hormone này giảm đi rất nhiều, và tăng nguy cơ ung thư.
3. Phương pháp khắc phục và chữa mất ngủ ở người trẻ tuổi
Điều chỉnh thời gian biểu
Với chứng mất ngủ ở người trẻ tuổi hoàn toàn có thể khắc phục. Vậy nên, khi mắc chứng mất ngủ, hãy khởi động lại cơ thể, bắt đầu công cuộc chữa mất ngủ. Đầu tiên, chỉnh sinh hoạt, sắp xếp thời gian làm việc một cách khoa học. Điều này giúp việc đi ngủ đúng giờ, và dậy đúng giờ. Theo đó, người trẻ tuổi cần lên lịch cụ thể, khoa học cho học tập, làm việc và có cả thời gian nghỉ thư giãn.
Xem thêm
Thư giãn tâm lý
Trước khi bước vào giấc ngủ 1 tiếng thì bạn nên gác lại toàn bộ công việc còn dang dở. Sau đó thả lỏng cơ thể và để tâm trí được thoải mái nhất bằng cách nghe nhạc hay đọc một cuốn sách mà bạn yêu thích. Đây là cách tránh căng thẳng trước khi ngủ.
Thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ
Nếu đã áp dụng các biện pháp thông thường trên mà vẫn cảm thấy khó ngủ thì các loại thực phẩm chức năng hay thuốc ngủ đôi khi là cần thiết. Nhưng đây không phải là biện pháp được khuyến khích. Vì vậy, bạn nên sử dụng thuốc ngủ hay kể cả thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ một cách hạn chế và khi thật cần thiết. Thuốc gây buồn ngủ sẽ tạo tác động ức chế hệ thần kinh. Điều này khiến cơ thể rơi vào trạng thái ngủ mà không phải xuất phát từ giấc ngủ tự nhiên. Do đó sẽ cực kì nguy hiểm khi lạm dụng nó. Những loại thuốc này nên được chỉ định bởi bác sĩ.
Bên cạnh đó, tập thể dục và vận động thường sẽ xuyên giúp cơ thể xua tan đi mệt mỏi. Một vài gợi ý như tắm nước ấm trước khi đi ngủ, xoa bóp, massage, ngâm chân với nước nóng pha muối sẽ tạo cho bạn tinh thần thoải mái dễ chịu, giúp chúng ta dễ chìm vào giấc ngủ sâu hơn.
Đừng coi thường chứng mất ngủ. Nếu người trẻ mắc chứng này, việc chữa mất ngủ càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.
BS Hồ Phương Thùy
Theo Nội khoa Việt Nam