Rong kinh
Bị rong kinh là hiện tượng thường gặp ở rất nhiều phụ nữ. Cụ thể, đây là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 1 tuần và lượng máu mất đi vượt quá 80ml.
Rong kinh là hiện tượng máu chảy từ đường sinh dục kéo dài trên 7 ngày và đúng chu kỳ. Một chu kỳ kinh bình thường trung bình từ 28 đến 32 ngày. Thời gian hành kinh từ 3 – 5 ngày với lượng máu mất đi khoảng 50 – 80 ml/chu kỳ. Khi bị rong kinh, lượng máu mất đi vượt quá 80 ml/chu kỳ kinh nguyệt.
Phân biệt rong kinh với rong huyết ở chỗ, rong huyết là hiện tượng ra máu từ đường sinh dục kéo dài trên 7 ngày và không có chu kỳ. Nói một cách khác, rong huyết là ra máu không liên quan đến kỳ kinh. Còn rong kinh là ra máu kinh kéo dài trên 7 ngày.
Rong kinh- nguyên nhân do đâu?
Rong kinh cơ năng: thường hay gặp nhất là thời kì dậy thì và tiền mãn kinh ở phụ nữ. Trong độ tuổi sinh sản; thường xuất hiện nhất là sau khi sinh, dùng thuốc phá thai và dùng các loại thuốc tránh thai.
Rong kinh do nguyên nhân thực thể: Là do tổn thương thực thể ở tử cung hoặc buồng trứng. Ngoài ra một số thuốc tránh thai cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng này, nhất là các loại thuốc tránh thai khẩn cấp.
Biểu hiện khi bị rong kinh:
– Có ngày đèn đỏ kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh vượt quá 80ml/ chu kỳ kinh nguyệt.
– Kinh nguyệt ra nhiều, mỗi lần thay băng phải cần đến 2 băng vệ sinh và phải thay băng liên tục mỗi giờ.
– Về ban đêm, kinh nguyệt ra nhiều và vẫn phải thay băng liên tục.
– Chị em có dấu hiệu mệt mỏi, thở dốc, có những triệu chứng của thiếu máu nếu như rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài.
– Máu kinh đóng thành từng cục lớn và hay bị đau bụng dưới.
Tình trạng này xảy ra ở mỗi người là khác nhau. Việc tự điều trị không tuân theo sự hướng dẫn của thầy thuốc có nhiều nguy cơ gây biến chứng cho sức khỏe của bạn.
Do đó, khi nghi ngờ mình bị rong kinh, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám xác định nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.