U xơ tử cung
U xơ tử cung à một bệnh lành tính, thường gặp nhất trong các khối u của tử cung. Vậy nguyên nhân, biểu hiện cũng như cách điều trị u xơ tử cung như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung được định nghĩa là khối u lành tính ở tử cung, hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chủ yếu trong độ tuổi 30 – 50. U xơ tử cung còn được gọi là u cơ tử cung vì có cấu tạo từ tổ chức liên kết và cơ trơn tử cung. Một người có thể có một hoặc nhiều u xơ, các khối u này thường không đồng nhất về vị trí, kích thước. Một số nghiên cứu cho thấy, có tới 70% phụ nữ da trắng và hơn 80% phụ nữ da gốc Phi được chẩn đoán là mắc u xơ tử cung trong độ tuổi sinh sản. Hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác tỷ lệ mắc u xơ tử cung tại nước ta vì nhiều khi đường kính khối u quá nhỏ không thể phát hiện trên lâm sàng.
Nguyên nhân gây u xơ tử cung
Nguyên nhân gây u xơ tử cung đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Người ta cho rằng yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với quá trình hình thành các khối u. Ngoài ra, các hormone sinh dục nữ (estrogen và progesterone) có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của khối. Bởi các triệu chứng u xơ tử cung thường thuyên giảm khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. U xơ tử cung phổ biến hơn ở một số nhóm đối tượng như:
- Phụ nữ da đen.
- Phụ nữ chưa từng mang thai.
- Phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái mắc u xơ tử cung.
- Phụ nữ béo phì, thừa cân.
Dấu hiệu nhận biết bệnh u xơ cổ tử cung
U xơ tử cung kích thường nhỏ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các khối u nhỏ chủ yếu được phát hiện do đi khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung hoặc đi khám vì lý do vô sinh, chậm có thai. Ước tính có khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và 25% trong số đó có triệu chứng nặng cần điều trị. Triệu chứng u xơ tử cung rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối u. Một số triệu chứng thường gặp của u xơ tử cung gồm:
- Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.
- Đi tiểu nhiều.
- Táo bón.
- Đau lưng.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau tức vùng hạ vị hoặc vùng hố chậu kéo dài.
- Mệt mỏi, thiếu máu.
- Vô sinh, sảy thai, sinh non,…
Xem thêm: https://thaythuocvietnam.vn/dau-hieu-u-xo-tu-cung/
Các loại u xơ tử cung
Tùy theo vị trí có thể phân chia u xơ tử cung như sau
U xơ dưới phúc mạc
Các khối u nằm ở dưới phúc mạc có thể có cuống hoặc không. Thông thường, u xơ dưới phúc mạc được phát hiện do biến chứng chèn ép tạng xung quanh. U xơ tử cung dưới phúc mạc có thể phát triển về phía ổ bụng, hố chậu hoặc dây chằng rộng gây chèn ép niệu quản, làm thay đổi vị trí ống dẫn trứng. Điều này gây ra tình trạng chẩn đoán nhầm là khối u buồng trứng.
U kẽ/ U trong lớp cơ tử cung
Đây là dạng u xơ tử cung gặp nhiều nhất. Người bệnh có thể có nhiều khối u với kích thước lớn nhỏ khác nhau. U xơ thường phát triển từ phần giữa của cơ tử cung, đối xứng. Kích thước khối u tăng lên sẽ gây biến dạng tử cung, chèn ép buồng tử cung.
U dưới niêm mạc
U dưới niêm mạc thường chỉ có một khối u kèm theo các bất thường của niêm mạc tử cung. Đây cũng là loại u xơ tử cung gây ra nhiều triệu chứng nhất như xuất huyết âm đạo bất thường. Khi khối u phát triển sẽ lấp kín buồng tử cung, làm hoại tử niêm mạc tử cung. Nếu u xơ tử cung dưới niêm mạc có cuống nó sẽ phát dịch chuyển đến gần âm đạo nên còn được gọi là polyp tử cung.
Biến chứng u xơ tử cung
Hầu hết các trường hợp u xơ tử cung nhỏ không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu kích thước khối u lớn có thể gây chèn ép, xuất huyết bất thường,…
Xuất huyết tử cung bất thường
Đây là biến chứng thường gặp nhất của u xơ tử cung do khối u phát triển làm biến dạng tử cung. Mức độ xuất huyết tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u. Cơ chế gây xuất huyết tử cung do u xơ hiện nay chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, quan điểm được nhiều người chấp nhận là do sự thay đổi diện tích bề mặt niêm mạc, bất thường mạch máu tử cung kết hợp với sự thay đổi của hệ thống cầm máu tại nội mạc tử cung.
Chèn ép
U xơ tử cung phát triển to lên sẽ gây chèn ép các cơ quan quanh vùng chậu. Nếu chèn ép lên niệu quản, bàng quang sẽ gây ứ nước ở thận, rối loạn tiểu tiện. Chèn ép lên trực tràng gây táo bón. Trong một số trường hợp, u xơ có thể chèn ép lên tĩnh mạch vùng chậu gây ứ huyết, thuyên tắc mạch dẫn đến thuyên tắc phổi. Khi đó, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Thoái hóa
Thoái hóa cũng là một trong những biến chứng thường gặp của u xơ tử cung. Các dạng thoái hóa gồm thoái hóa kính, thoái hóa nang, hoại sinh vô khuẩn. Trong đó:
- Thoái hóa kính thường gặp nhất, chiếm 60% các trường hợp thoái hóa.
- Thoái hóa nang hiếm gặp hơn, thường xuất hiện sau thoái hóa kính.
- Hoại sinh vô khuẩn gặp khi mang thai
Hiếm muộn, vô sinh
Mặc dù u xơ tử cung không phải là nguyên nhân tuyệt đối gây hiếm muộn. Tuy nhiên, người mắc u xơ tử cung dưới niêm mạc có nguy cơ thụ thai thấp hơn và nguy cơ sảy thai cao hơn so với bình thường. U xơ trong cơ tử cung cũng gây biến dạng tử cung, chèn ép buồng tử cung nên có thể làm giảm tỷ lệ thụ thai và tăng tỷ lệ sảy thai, sảy thai liên tiếp.
Bất thường trong thai kỳ
Một số nghiên cứu cho thấy u xơ tử cung có thể làm tăng nguy cơ ngôi bất thường, sinh non và mổ lấy thai. Vì vậy, trong thai kỳ cần đặc biệt theo dõi sự phát triển của u xơ tử cung để bảo vệ sức khỏe của mẹ cũng như em bé.
Điều trị u xơ tử cung
Việc điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào độ tuổi, triệu chứng, kích thước, vị trí cũng như số lượng khối u. Hai phương pháp điều trị u xơ tử cung chính là điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Sử dụng thuốc
Điều trị nội khoa u xơ tử cung được chỉ định trong một số trường hợp như:
- U xơ tử cung gây rong kinh nhưng chưa gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như gầy sút, thiếu máu nặng, suy giảm chất lượng sống nghiêm trọng.
- U xơ tử cung chưa chèn ép lòng tử cung, sảy thai liên tiếp hoặc vô sinh.
- U xơ tử cung chưa chèn ép nặng niệu quản gây thận ứ nước, suy thận mạn.
- Cải thiện thể trạng, giảm kích thước khối u trước khi thực hiện phẫu thuật.
Hiện nay, đã có nhiều nhóm thuốc điều trị u xơ tử cung và mang lại hiệu quả tích cực. Một số nhóm thuốc thường được kết hợp sử dụng bao gồm:
Acid tranexamic
Acid tranexamic là một dẫn chất tổng hợp của lysin có tác dụng ức chế sự phân hủy fibrin trong cục máu đông. Acid tranexamic được chứng minh là làm giảm đáng kể lượng máu xuất huyết do u xơ tử cung gây ra. Các nghiên cứu chứng minh rằng acid tranexamic được sử dụng đối với bệnh nhân bị cường kinh và kiểm soát chảy máu trong can thiệp ngoại khoa. Acid tranexamic được sử dụng dưới dạng viên uống hoặc đường tiêm.
Thuốc tránh thai kết hợp
Thuốc tránh thai kết hợp được khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp xuất huyết nặng do u xơ tử cung sau khi đã điều trị đợt xuất huyết cấp.
Dụng cụ tử cung chứa Levonorgestrel
Dụng cụ tử cung chứa Levonorgestrel được sử dụng điều trị tình trạng cường kinh của bệnh nhân u xơ tử cung. Dụng cụ này làm giảm đáng kể lượng máu bị mất bằng cách giảm phân bào nội mạc tử cung và tăng cường quá trình chết theo chương trình của tế bào. Đây cũng có thể là lựa chọn nhằm hạn chế nguy cơ phẫu thuật trong trường hợp cường kinh là triệu chứng chính của bệnh. Trước khi đặt dụng cụ tử cung, bệnh nhân cần được điều trị ổn định qua đợt xuất huyết, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…
GnRH đồng vận
GnRH đồng vận có thể làm giảm kích thước u xơ tử cung.Bên cạnh đó, GnRH còn được khuyến cáo sử dụng cho người bệnh có triệu chứng nhằm cải thiện nồng độ huyết sắc tố trước phẫu thuật. Do đó, nó thường được dùng trước khi phẫu thuật 1-3 tháng để giảm lượng máu bị mất và giúp quá trình thực hiện dễ dàng hơn.
Thuốc điều hòa chọn lọc thụ thể Progesterone
Mifepristone: Được khuyến cáo cho bệnh nhân u xơ tử cung có xuất huyết tử cung bất thường, đau tức vùng hạ vị, thiếu máu và thống kinh.
UPA: Hiện nay, UPA là một trong những lựa chọn đầu tay trong điều trị u xơ tử cung. UPA làm giảm các triệu chứng cường kinh, đau tức vùng hạ vị nhờ cơ chế giảm máu kinh. UPA cũng được chỉ định để làm nhỏ kích thước u xơ, cải thiện tình trạng thiếu máu trước phẫu thuật.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, phẫu thuật điều trị u xơ tử cung được chỉ định. Các trường hợp này bao gồm:
- U xơ quá to, gây cảm giác khó chịu ở người bệnh lớn tuổi, không có nhu cầu sinh thêm con.
- U xơ tử cung có biến chứng nặng như xuất huyết tử cung bất thường, sảy thai liên tiếp.
- Điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.
Bóc u xơ tử cung: Bóc u xơ tử cung thường được chỉ định trong trường hợp mong muốn bảo tồn tử cung để mang thai. Các phương pháp bóc u xơ tử cung gồm:
- Phẫu thuật nội soi buồng tử cung.
- Mổ hở thành bụng.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng
Cắt tử cung do u xơ tử cung: Đây là phẫu thuật điều trị triệt để u xơ tử cung. Các phương pháp cắt tử cung gồm:
- Phẫu thuật cắt tử cung qua mổ hở ngả bụng.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt tử cung.
- Phẫu thuật cắt tử cung ngả âm đạo.
Chi phí điều trị bệnh
Trên thực tế, chi phí điều trị u xơ tử cung là không cố định.Chi phí điều trị rất khó ước lượng vì tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng điều trị của mỗi người là khác nhau. Cùng với đó, điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa cũng có sự khác biệt về chi phí. Vì vậy, người bệnh muốn xác đinh chính xác chi phi điều trị cần đến cơ sở y tế để thăm khám và được các bác sĩ tư vấn chi tiết.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa u xơ tử cung đặc hiệu. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Duy trì chế độ ăn khoa học: Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, protein. Ăn nhiều rau xanh, sữa và các sản phẩm từ sữa. Hạn chế mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế các loại thịt đỏ.
- Luyện tập thể dục thường xuyên: Luyện tập thường xuyên giúp chị em có một cơ thể dẻo dai, thúc đẩy khí huyết lưu thông, giảm nguy cơ mắc u xơ tử cung.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì BMi trong khoảng 18-23kg/m2.
- Uống đủ nước hàng ngày.
- Làm việc, lao động vừa phải, điều độ.
- Hạn chế căng thẳng, stress.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.
- Không nạo phá thai bừa bãi.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần.
Dinh dưỡng cho bệnh u xơ tử cung
Loại thực phẩm tốt cho người u xơ tử cung cần không làm tăng nồng độ estrogen trong máu. Các thực phẩm được cho là tốt với người u xơ tử cung là:
- Rau xanh và trái cây tươi: Cải xoăn, cải thìa, ớt chuông, bí ngô, cà chua, cà rốt, củ cải, súp lơ xanh, cam, chanh, bưởi, ổi,… chứa nhiều vitamin, khoáng chất và giàu chất chống oxy hóa.
- Các loại thịt trắng: Thịt gà, thịt vịt,… được cho là tốt hơn so với các loại thịt đỏ.
- Các loại cá: Cá hồi, cá thu, cá ngừ,… chứa nhiều acid béo làm giảm tình trạng viêm, hạn chế sự phát triển của khối u.
- Ngũ cốc: Yến mạch, gạo lứt,… giàu chất xơ, protein và chất chống oxy hóa.