Mổ gai cột sống có chữa khỏi bệnh không?

Gai cột sống là sự phát triển thêm các gai xương trên thân đốt sống, đĩa sụn. Người bệnh gai cột sống thường có biểu hiện rõ ràng nhất là đau khi cử động, hạn chế vận động. Mổ gai cột sống nhằm loại bỏ đi các gai xương trên cột sống của người bệnh. Vậy phương pháp này được chỉ định khi nào và hiệu quả như thế nào? Mời bạn tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Khi nào nên mổ gai cột sống?

Gai cột sống không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, cuộc sống của người bệnh. Các gai xương này ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và không cần điều trị. Nếu gai xương gây ra các triệu chứng thì ưu tiên lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa để bảo toàn cột sống như dùng thuốc, vật lý trị liệu. Tuy nhiên, trong trường hợp phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả hoặc gai xương chèn ép lên thần kinh, tủy sống gây đau đớn không ngừng thì các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị. Ngoài ra, mổ gai cột sống cũng được thực hiện khi người bệnh có biến chứng như: Đại tiểu tiện không kiểm soát, rối loạn thần kinh thực vật.

Mổ gai cột sống có chữa khỏi được không?
Mổ gai cột sống có chữa khỏi bệnh không?

2. Phương pháp mổ gai cột sống

Mục đích của phẫu thuật gai cột sống là loại bỏ các mô xương nằm giảm áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh. Từ đó phục hồi hoạt động của tủy sống và giảm đau cho bệnh nhân. Tùy thuốc vào tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật nội soi

Ngày nay, phẫu thuật nội soi được áp dụng trong rất nhiều chuyên khoa khi giúp giảm tối đa mức độ can thiệp trên người bệnh. Thông thường, các bác sĩ chỉ cần rạch 2 – 4 vết rạch nhỏ ở lưng để đưa dụng cụ phẫu thuật và ống gắn camera vào. Thông qua camera để xác định vị trí và cắt bỏ gai xương.

Ưu điểm

  • Ít xâm lấn.
  • Dễ dàng chăm sóc vết mổ, hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
  • Người bệnh đau ít, mất máu ít và phục hồi nhanh sau phẫu thuật.
  • Ít xảy ra biến chứng.

Mổ mở

Trong trường hợp gai xương quá lớn, các triệu chứng bệnh trầm trọng, gai xương chèn ép lớn lên các cơ quan lân cận thì người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp mổ mở để loại bỏ gai xương.

Ưu điểm:

  • Bác sĩ có thể quan sát vị trí gai xương dễ dàng.
  • Không gian rộng để loại bỏ các gai xương.
  • Khả năng định hình lại cột sống tốt hơn so với phẫu thuật nội soi.

Nhược điểm

  • Đây là phẫu thuật có phạm vi xâm lấn lớn.
  • Bệnh nhân đau nhiều và lâu hơn.
  • Thời gian phục hồi sau phẫu thuật lâu hơn.
  • Nhiễm trùng vết mổ nếu không được chăm sóc đúng cách.

Phẫu thuật Laminectomy

Phẫu thuật Laminectomy là phẫu thuật tương đối phức tạp, thường được chỉ định trong một số trường hợp như gai cột sống chèn ép dây thần kinh hoặc hẹp ống sống gây kích ứng tủy sống. Phẫu thuật được thực hiện nhằm tạo ra một khoảng trống trong cột sống để giảm áp lực lên các rễ thần kinh bằng cách loại bỏ gai cột sống và lớp đệm – phần sau của đốt sống bị ảnh hưởng.

Ưu điểm

  • Thời gian nằm viện ngắn chỉ khoảng 1 – 4 ngày, thậm chí có những người có thể ra viện ngay trong ngày.
  • Thời gian hồi phục nhanh chóng. Thông thường sau phẫu thuật khoảng 4 – 6 tuần, người bệnh có thể phục hồi chức năng bình thường, sau 6 tuần các cơn đau sẽ biến mất hoàn toàn.

Nhược điểm

  • Có thể gây mất ổn định các đốt sống liền kề, nhưng không phổ biến.
  • Có thể làm tổn thương dây thần kinh cột sống hoặc rò rỉ dịch não tủy.

Phẫu thuật Foraminotomy

Phẫu thuật Foraminotomy hay còn gọi là phẫu thuật giải phóng lỗ liên hợp, đây là phương pháp phẫu thuật nhằm giảm áp lực lên các dây thần kinh. Tại cột sống, các rễ thần kinh đi qua khoảng mở giữa các đốt sống để ra ngoài. Các khoảng mở này gọi là lỗ liên hợp. Phẫu thuật được chỉ định khi gai cột sống chèn ép lên dây thần kinh và gây hẹp ống sống. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ có thể cắt bỏ hoặc mở rộng lỗ liên hợp nhằm mở rộng không gian cho đường đi của các dây thần kinh, giảm mức độ chèn ép và cải thiện hoàn toàn hoặc một phần các triệu chứng của gai cột sống. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể cắt bỏ một phần đốt sống để cải thiện các triệu chứng tốt hơn.

Phẫu thuật Foraminotomy
Phẫu thuật Foraminotomy

Ưu điểm

  • Đây là phương pháp phẫu thuật không quá phức tạp.
  • Mức độ xâm lấn ít.
  • Thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ khoảng 1 giờ.
  • Người bệnh có thể ra viện ngay ngày hôm sau.

Nhược điểm

  • Phẫu thuật không loại bỏ hết hoàn toàn các triệu chứng của gai cột sống, các triệu chứng này có thể quay lại sau một thời gian.
  • Có thể làm tổn thương dây thần kinh hoặc rò rỉ dịch não tủy.

3. Mổ gai cột sống có chữa khỏi dứt điểm bệnh không?

Mổ gai cột sống là phẫu thuật có tỷ lệ thành công tương đối cao, giúp người bệnh giảm nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh vẫn có khả năng tái phát bệnh ở vị trí đốt sống đã điều trị hoặc hình thành gai xương ở các vị trí khác của cột sống nếu không tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Dưới đây là một số nguyên tắc người bệnh cần tuân thủ để duy trì kết quả phẫu thuật:

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi hay dừng thuốc.
  • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn hoặc 6 tháng/lần.
  • Không làm việc nặng, sai tư thế làm ảnh hưởng xấu đến cột sống.
  • Hạn chế khuân vác.
  • Không cúi, ngồi quá lâu.
  • Tránh chơi những môn thể thao quá sức như cử tạ, chạy, đá bóng.
  • Tập yoga, bơi lội, đi bộ,… 30 phút mỗi ngày tăng cường sức dẻo dai của cột sống.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, thực phẩm chứa nhiều omega 3 như cá, dầu oliu, bơ, các loại hạt, trái cây giàu vitamin C. Bổ sung vitamin và khoáng chất. Hạn chế chất béo, các loại thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế chất béo và muối.
  • Không hút thuốc và sử dụng các chất kích thích.
  • Sử dụng đệm mềm, không sử dụng các loại đệm quá cứng.
  • Giảm cân, duy trì BMI từ 18 – 25 kg/m².

Xem thêm

Các bài tập hữu ích cho người bị gai cột sống

Phẫu thuật gai cột sống là phương pháp tối ưu nhằm giải quyết nhanh chóng các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Tuy nhiên, phẫu thuật ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và khá tốn kém nên đòi hỏi bác sĩ cần có kinh nghiệm và tay nghề cao để hạn chế tối đa các rủi ro. Người bệnh cần được khám và tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận