Mổ thoát vị đĩa đệm và những điều cần tuân thủ

Đĩa đệm là một cấu trúc gồm các lớp sợi xơ khá chắc chắn được xếp theo vòng tâm, bên trong có chứa nhân keo gelatin. Nhờ đặc tính đàn hồi và cấu tạo đặc biệt nên đĩa đệm giúp cơ thể vận động linh hoạt và giảm xóc, giảm chấn cho cơ thể. Khi bao sợi bên ngoài bị rách nhân keo bên trong ra thoát ra khỏi vị trí trung tâm giữa hai đốt sống, thường là phía sau gây chèn ép tủy sống gây đau và nhiều biến chứng nguy hiểm như teo cơ, yếu chi, liệt vận động. Vậy khi nào nên mổ thoát vị đĩa đệm? Có những lưu ý điều trị nào cho bệnh nhân? Tất cả sẽ được thaythuocvietnam giải đáp.

Khi nào cần mổ thoát vị đĩa đệm
Khi nào cần mổ thoát vị đĩa đệm

1. Thoát vị đĩa đệm

Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm, trong đó nguyên nhân hàng đầu phải kể đến là sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho cột sống cùng với tuổi tác, các chấn thương cột sống như ngã ngồi đập mông xuống đất, chấn thương tác động trực tiếp vào vùng cột sống; sau đó là các tư thế cúi, nghiêng, xoay người để nhấc vật nặng hoặc các tư thế ngồi không phân bổ lực đều lên các đốt sống làm tổn thương đĩa đệm, lâu ngày dẫn đến biến dạng cột sống và đĩa đệm.

Tùy vào vị trí đĩa đệm thoát vị và mức độ thoát vị mà triệu chứng khác nhau. Thoát vị đĩa đệm ở vùng cột sống thắt lưng hay gặp nhất (trên 90% các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống) gây đau thắt lưng cấp hay mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau cột sống cổ, đau vai gáy, đau cánh tay, hội chứng cổ – vai – cánh tay. Trường hợp nặng chèn ép vào tủy sống sẽ gây yếu cánh tay hoặc liệt tứ chi.

2. Thuốc trị thoát vị đĩa đệm

Tùy theo vị trí, tính chất tổn thương, biến chứng và mức độ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh mà lựa chọn điều trị dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Sử dụng thuốc kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng ở giai đoạn bệnh nhẹ mà khi đó bao xơ đĩa đệm chưa bị rách (lồi đĩa đệm). Với mục đích là giảm đau, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại làm giảm chèn ép thần kinh. Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp thì tỷ lệ thành công tới 95%.

Biện pháp dùng thuốc  bao gồm:

  • Thuốc giảm đau đơn thuần (paracetamol), giảm đau chống viêm Nsaid (diclofenac, meloxicam), uống, bôi hoặc tiêm tại chỗ.
  • Các thuốc giãn cơ như myonal và mydocalm được chỉ định trong các trường hợp đau do co cơ cạnh sống.
  • Các thuốc chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason… không được chỉ định dùng cho toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ, ngoại trừ một số trường hợp như đau nhiều không đáp ứng với các biện pháp trên, đặc biệt kèm phù tủy có thể dùng methylprednisolon đường tĩnh mạch liều cao, ngắn ngày, giảm liều nhanh nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và phải được theo dõi chặt chẽ các biến chứng.
  • Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison trong thời gian ngắn (2–4 tuần) với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-7 ngày cũng cho hiệu quả giảm đau khá tốt. Tuy nhiên, việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở y tế đảm bảo chuyên môn và điều kiện vô khuẩn.

3. Khi nào nên mổ thoát vị đĩa đệm

Khoảng 10% những người thoát vị đĩa đệm cần phải phẫu thuật. Nếu trong những trường hợp sau đây, bệnh nhân nên cân nhắc tiến hành mổ thoát vị đĩa đệm:

  •  Sử dụng thuốc điều trị không cải thiện triệu chứng sau 6 tuần.
  •  Gai cột sống gây chèn ép thần kinh cấp tính gây đau, liệt hoặc hội chứng đuôi ngựa bao gồm các dấu hiệu: Đau lưng dưới; mất hoặc thay đổi cảm giác nghiêm trọng khi ngồi trong tư thế yên ngựa, gặp khó khăn cho việc tiểu tiện (bí tiểu tiện) hoặc khó giữ (tiểu tiện mất kiểm soát), rối loạn chức năng tình dục một cách đột ngột.
  • Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.

4. Mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm nói chung khá an toàn, rủi ro rất hiếm, nhưng một vài trường hợp cũng có thể xảy ra như:

  • Nhiễm trùng.
  • Tổn thương thần kinh hoặc mạch máu.
  • Rò rỉ dịch tủy sống và chảy máu.

Sau phẫu thuật, tất cả cơn đau và các biến chứng của bệnh nhân sẽ được cải thiện, chỉ có 5% trường hợp tái phát.

Mổ thoát vị đĩa đệm có tiềm ẩn nguy hiểm không?
Mổ thoát vị đĩa đệm có tiềm ẩn nguy hiểm không?

5. Phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm

Đây là phương pháp giúp điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn nặng và các cách điều trị trước đó không mang đến hiệu quả. Phẫu thuật loại bỏ các phần thoát vị giảm chèn ép vào rễ thần kinh. Các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm cụ thể là:

  • Mổ mở thoát vị đĩa đệm: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một lỗ mở ở vòm đốt sống (lamina) làm giảm áp lực lên rễ thần kinh. Thủ thuật này được thực hiện thông qua một vết mổ nhỏ ở cổ hoặc thắt lưng, đôi khi với sự trợ giúp của kính hiển vi.
  • Phẫu thuật nội soi lấy thoát vị đĩa đệm: Là phương pháp phổ biến nhất thường được sử dụng cho thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng. Trong thủ thuật này, khối thoát vị gây áp lực lên rễ dây thần kinh sẽ được cắt bỏ. Trong một số trường hợp, toàn bộ đĩa đệm có thể được gỡ bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ đĩa đệm bằng dụng cụ đặc biệt thông qua một vết mổ nhỏ ở lưng hoặc cổ. Thủ thuật này ít xâm lấn, chỉ yêu cầu một vết rạch nhỏ nên khả năng hồi phục nhanh hơn. Tỷ lệ thành công khoảng cao, thời gian phẫu thuật ngắn.
  • Phẫu thuật nhân đĩa đệm cột sống: Phương pháp này loại bỏ nhân đĩa đệm cột sống, làm cho đĩa đệm cột sống nhỏ hơn, giảm áp lực lên rễ dây thần kinh. Phẫu thuật chỉ có thể thực hiện nếu lớp ngoài của đĩa đệm không bị tổn thương và có thể hiện bằng cách hút qua da hoặc chùm tia laser. Phẫu thuật này không gây tổn thương các mô lành xung quanh, ít gây biến chứng và thời gian phục hồi nhanh chóng.

Trong trường hợp phải loại bỏ hoàn toàn đĩa đệm bị thoát vị, thì sẽ phải tiến hành:

  • Hợp nhất cột sống:  Nối hai hoặc nhiều đốt sống thành một cấu trúc duy nhất. Mục đích của phẫu thuật này là để ngăn chặn sự chuyển động giữa hai khớp xương và ngăn ngừa tình trạng đau nhức. Mặt khác, khi các khớp xương được hợp nhất, chúng không còn di chuyển được như trước đây. Điều này giúp làm giảm áp lực đè nén lên dây thần kinh, cơ bắp và dây chằng không bị căng cứng, cảm giác đau và khó chịu sẽ biến mất.
  • Thay đĩa đệm nhân tạo: Phẫu thuật đĩa đệm nhân tạo thường được chỉ định ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng dưới. Đây không phải là lựa chọn tốt cho người đang gặp phải các vấn đề xương khớp như loãng xương, viêm khớp hoặc có nhiều hơn một đĩa đệm bị thoái hóa.

Xem thêm

Mách bạn 4 cách chữa thoát vị đĩa đệm từ Đông y hiệu quả cao

5. Chăm sóc sau mổ thoát vị đĩa đệm

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến một phòng phục hồi, được chăm sóc sức khỏe theo dõi các biến chứng sau phẫu thuật và gây mê. Tùy theo phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm mà thời gian nằm viện khác nhau. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn nên ở lại bệnh viện trong một vài ngày trong trường hợp phát sinh vấn đề hậu phẫu.

Tùy thuộc vào cường độ các hoạt động có liên quan đến nâng, đi và ngồi, người bệnh có thể trở lại làm việc trong 2–6 tuần. Nếu người bệnh làm một công việc phải nâng vật nặng hoặc vận hành máy móc hạng nặng, bác sĩ có thể khuyên nên nghỉ ngơi từ 6–8 tuần trước khi trở lại làm việc.

Chăm sóc sau mổ được thực hiện như sau:

Dinh dưỡng: người bệnh được chỉ định ăn uống sau 6h mổ. Có thể uống nước lọc, sữa, ăn thức ăn mềm, lỏng.

Những ngày sau đó, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trở lại. Lời khuyên là người sau mổ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để tránh táo bón và giúp cho vết mổ mau lành.

– Tập luyện:

Ngày đầu bệnh nhân có thể tập luyện tại giường với các động tác xoay trở, lật người, cử động tay chân,…

Những ngày tiếp thì nên tập đứng, ngồi, đi vài bước cho đến khi đi lại bình thường thì nên vận động tập luyện nhẹ.

BS. Trần Tuấn Anh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận