Mọc mụn ở cằm có phải do rối loạn nội tiết?

Mụn ở cằm là một hiện tượng về da phổ biến ở cả nam và nữ, xảy ra trong suốt giai đoạn dậy thì. Mụn mọc dưới cằm có thể xuất hiện với nhiều tình trạng nặng nhẹ khác nhau, đôi khi ở dạng mụn trứng cá, mụn cám, mụn đầu đen hoặc mụn ẩn. Vậy nguyên nhân gây mụn ở cằm là do đâu và cách cải thiện như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!

1. Tình trạng mọc mụn ở cằm như thế nào?

Người ta thường thấy mụn ở cằm sẽ xuất hiện dưới dạng mụn trứng cá sưng đỏ, có mủ là chủ yếu. Mụn ảnh hưởng ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ thường lên mụn khi đến kỳ kinh nguyệt. Vị trí mụn mọc đôi khi ở cằm, quai hàm hoặc quanh má dưới. Thông thường, da sẽ tự bài tiết một lớp dầu mỏng và phân bố trên bề mặt da giúp da luôn được mềm mịn và bỏng bẩy. Tuy nhiên, khi hệ nội tiết bị rối loạn sẽ khiến lượng dầu trên da được sản xuất quá mức, lượng dầu thừa kết hợp với bụi bẩn, vi khuẩn gây bít tắc lỗ chân lông khiến da luôn trong tình trạng quá tải, bí bách dẫn đến hình thành mụn dưới cằm.

Mọc mụn ở cằm phần lớn là do rối loạn hệ nội tiết trong cơ thể

Thêm một điều kiện thuận lợi nữa cho tình trạng mọc mụn dưới cằm chính là thói quen chạm tay lên mặt để nặn mụn vô tình khiến nốt mụn bị viêm nhiễm, bụi bẩn bám vào và phát tán bã nhờn. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo rằng tuyệt đối không được nặn mụn ở vị trí cằm vì bất kỳ lý do gì.

2. Các nguyên nhân nào gây ra mọc mụn ở cằm?

2.1 Rối loạn nội tiết tố

Theo nghiên cứu, việc mọc mụn ở cằm thường xảy ra vào nửa sau của chu kỳ hoặc trong 7-10 ngày trước kỳ kinh nguyệt do thay đổi nội tiết tố. Bởi vì trong thời gian nửa đầu chu kỳ, lượng hormone estrogen trong máu tăng cao và vào nửa sau (từ ngày 14 đến ngày 28) thì lượng hormone progesterone sẽ nổi trội hơn để thay thế. Đồng thời tại thời điểm này, cơ thể cũng sản xuất nhiều hormone sinh dục nam testosterone hơn – loại hormone làm tăng sinh tuyến dầu và gây bít tắc lỗ chân lông. Hệ quả là tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển và hình thành mụn.

2.2 Do rối loạn giấc ngủ

Căng thẳng kéo dài hay chế độ sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya dậy sớm, mất ngủ buổi đêm cũng đều là nguyên nhân gây nổi mụn cao hơn người bình thường. Theo một số nghiên cứu cho thấy, nguy cơ căng thẳng tâm lý sẽ tăng 14% đối với mỗi giờ ngủ bị mất đi trong một đêm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc và chức năng của da.

Ngủ không đủ giấc tăng khả năng nổi mụn ở cằm

Ngoài ra, tình trạng tăng glucose máu do tăng sự đề kháng insulin cũng là nguyên nhân hình thành mụn dưới cằm. Đây được xem là yếu tố kết nối tình trạng thiếu ngủ với việc nổi mụn. Mặt khác, stress cả về thể chất lẫn tinh thần cũng sẽ làm tăng nồng độ hormone cortisol – hormone gây căng thẳng trong cơ thể đóng vai trò sản xuất bã nhờn, khiến da dễ nổi mụn. Vì vậy, rối loạn giấc ngủ, stress kéo dài sẽ khiến da ngày càng xỉn màu, thiếu sức sống.

2.3. Do những nguyên nhân khác

2.3.1. Dùng thuốc tránh thai hằng ngày

Việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày có công dụng giúp chống lại sự hình thành mụn trứng cá trên da vì chúng giúp làm giảm nội tiết tố androgen lưu thông trong máu, gián tiếp làm giảm việc sản xuất bã nhờn. Tuy nhiên, nếu ngừng thuốc đột ngột, các hormone sẽ hoạt động trở lại dẫn đến việc tăng tiết bã nhờn, gây nổi mụn ở cằm.

2.3.2. Dị ứng với mỹ phẩm

Hạn chế dùng mỹ phẩm

Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ khiến làn da dễ bị kích ứng, gây đỏ rát và nổi nhiều loại mụn và mụn ở cằm cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, người tiêu dùng cần xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, đừng quá ham rẻ mà sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến làn da của bạn, gây mất thẩm mỹ và giảm sự tự tin khi giao tiếp.

2.3.3. Đắp mặt nạ không đúng cách

Các bác sĩ da liễu khuyên chỉ nên đắp mặt nạ với tần suất từ 1-3 lần/tuần. Mặt nạ chứa nhiều dưỡng chất cấp ẩm giúp làn da luôn căng mọng, tươi tắn và xử lý một số vấn đề khác của da như làm sạch, loại bỏ mụn… Nếu bạn quá lạm dụng việc đắp mặt nạ hằng ngày sẽ khiến da bị bí bách, xảy ra tình trạng ứ trệ hơi thở, không khí ẩm, ấm lưu thông sau mặt nạ. Đồng thời, lượng dầu và mồ hôi trên da cũng bị giữ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, gây bít tắc lỗ chân lông và xuất hiện các tình trạng nổi mụn cằm.

Bác sĩ khuyên không nên đắp mặt nạ hằng ngày

2.3.4. Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh và khoa học

Chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ cũng là nguyên nhân mọc mụn. Ăn nhiều đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, sử dụng đồ uống có gas, bia, rượu, chế độ ăn thiếu rau xanh, không uống đủ nước… có thể gây nên tình trạng mụn trứng cá. Khi đó, mụn không chỉ xuất hiện ở cằm mà còn có mặt ở nhiều vị trí khác trên gương mặt.

3. Cải thiện nổi mụn ở cằm như thế nào?

Để cải thiện hiệu quả tình trạng mụn ở cằm, trước tiên mỗi người cần phải xây dựng thói quen chăm sóc da hằng ngày, cụ thể như rửa mặt 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, độ pH phù hợp với làn da để làm sạch sâu, loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn bám trên da.

Ngoài ra, việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng góp phần cải thiện rõ rệt, ngăn ngừa sự xuất hiện của mụn trứng cá, cụ thể là:

  • Uống nhiều nước từ 2-2.5 lít mỗi ngày để tăng cường chức năng bài tiết độc tố của thận.
Bổ sung nước cho cơ thể

Bổ sung đủ nước cho cơ thể góp phần cấp ẩm cho làn da

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp và khoa học, tăng cường ăn nhiều rau xanh, thực phẩm làm mát cơ thể, giúp thải bỏ độc tố như bí đao, mướp đắng, rau dền…
  • Hạn chế chống tay vào cằm, tuyệt đối không sờ, nặn mụn.
  • Giảm căng thẳng, mất ngủ kéo dài.
  • Giữ cho khăn trải giường, gối luôn sạch sẽ và nên giặt mỗi tuần một lần.
  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da có chứa các hoạt chất đặc trị như axit salicylic hoặc benzoyl peroxide, retinoids trị mụn tại chỗ.
  • Lựa chọn kem chống nắng không gây mụn sử dụng hằng ngày.

Nếu tình trạng nổi mụn quá nặng, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị mụn theo toa.

4. Thực phẩm giúp loại bỏ các nốt mụn ở cằm

Tình trạng nổi mụn ở cằm phần lớn là kết quả trực tiếp của sự rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, vì thế không có một chế độ ăn kiêng nào có thể loại bỏ hoàn toàn sự xuất hiện mụn ở cằm. Do đó, mỗi người cần thay đổi, xây dựng thói quen sống, chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học kết hợp với việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho cơ thể, điều trị mụn theo phác đồ của bác sĩ để góp phần cải thiện tình trạng nổi mụn ở cằm hiệu quả và nhanh chóng, giúp làn da luôn tươi tắn, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.

DS Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận