Mụn cóc dưới bàn chân có nguy hiểm không?

Mụn cóc là một vấn đề da liễu phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị mụn cóc, nó có thể gây đau đớn, khó chịu, hoặc gây mất thẩm mỹ ở người bệnh. Mụn cóc gây ra bởi nguyên nhân gì, và mụn cóc ở dưới bàn chân có nguy hiểm không, ngăn ngừa chúng như thế nào, hãy cùng tìm hiểu với những thông tin dưới đây nhé.

1. Mụn cóc ở chân là gì?

Mụn cóc là một cục u nhỏ hoặc khối u trên da thường nổi lên trên bàn tay hoặc bàn chân. Mụn cóc ở chân có thể mọc riêng lẻ hoặc mọc thành cụm. Lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị mụn cóc hơn. Hầu hết mụn cóc không gây đau đớn, nhưng mụn cóc ở chân có thể gây khó chịu khi đi lại.

Mụn cóc ở chân và mụn cóc nói chung thường có cùng màu với da và có bề mặt sần sùi khi chạm vào. Đôi khi nó có màu nâu sẫm hoặc xám, có nhiều kích thước và hình dáng.

Mụn cóc có màu đen

Mụn cóc ở chân được gây ra bởi virus HPV. Có hơn 100 loại virus HPV có thể gây ra các loại mụn cóc khác nhau. Khi bạn bị nhiễm virus HPV, có thể mất 1 năm để mụn cóc phát triển và trở nên rõ ràng. Những vị trí dễ dàng xảy ra mụn cóc nhất là những vết trầy xước hoặc vết cắt. Mụn cóc rất dễ bị lây lan ở những nơi công cộng như bể bơi hoặc nhà tắm công cộng nơi mọi người đi chân trần.

2. Cách chữa mụn cóc ở chân

Mụn cóc thường vô hại và chúng có thể tự biến mất trong vòng 1 đến 2 năm. Chúng có thể tồn tại lâu hơn ở người lớn hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, mụn cóc thường có thể gây ra sự khó chịu cho người bệnh và các vấn đề về thẩm mỹ nên chúng ta có thể tham khảo một số cách chữa mụn cóc dưới đây nếu mắc phải căn bệnh này.

2.1. Chăm sóc tại nhà

Để điều trị mụn cóc tại nhà, hãy đảm bảo rằng bạn vệ sinh thật sạch vị trí bị bệnh, băng kín để ngăn ngừa virus HPV lây lan trên các bộ phận khác của cơ thể hoặc người khác. Bất cứ khi nào bạn chạm vào mụn cóc hoặc thay băng, hãy nhớ rửa tay sạch bằng xà phòng để diệt vi trùng trên tay.

Dùng băng keo trong điều trị mụn cóc

Bạn có thể mua tại hiệu thuốc các chế phẩm có chứa hoạt chất acid salicylic hoặc acid lactic, acyclovir,… bôi vào vị trí mụn để làm bong tróc các lớp da bị nhiễm trùng và ngăn ngừa virus. Nhưng những phương pháp này thường phải mất thời gian vài tháng mới phát huy tác dụng tốt và thường hiệu quả trên tay hơn vị trí mụn cóc ở chân. Để có hiệu quả nhất, hãy ngâm mụn cóc trong nước ấm trong 10 phút rồi dùng đá bọt chà xát lên vùng da bị nhiễm trùng. Bôi thuốc và băng che mụn cóc lại.

Hãy nên nhớ rằng mụn cóc ở chân thường rất cứng đầu và có thể mất một thời gian để chúng biến mất. Các phương pháp điều trị không đảm bảo hiệu quả mụn cóc vẫn có thể mọc lại.

2.2.Thăm khám tại các cơ sở y tế

Nếu mụn cóc ở chân của bạn không biến mất, bạn có thể đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để bác sỹ da liễu thăm khám, điều trị được tốt nhất.

+ Bạn có thể trải qua một cuộc phẫu thuật nhỏ để lấy đi nhân mụn cóc từ chân bằng kỹ thuật laser. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục điều trị thêm bằng các loại thuốc không kê đơn để đảm bảo vết mụn cóc ở chân biến mất hoàn toàn.

+ Phương pháp đông lạnh: Các bác sỹ sẽ thường bôi một lớp nito lỏng lên vị trí mụn cóc ở chân bạn. Chất lỏng này lạnh và sẽ phá hủy lớp tế bào trên cùng của da, làm bong dần vết mụn cóc. Phương pháp này thường phải áp dụng trong nhiều tuần để đạt kết quả tốt.

Điều trị tại các cơ sở y tế với những vết mụn cóc lớn

+ Cắt và đốt: Bác sỹ có thể dùng dụng cụ để đốt và cạo vết mụn cóc của bạn. Đầu tiên, bác sỹ gây tê vùng điều trị, sau đó dùng một dụng cụ điện để đốt vết mụn. Nạo bao gồm việc sử dụng dao hoặc dụng cụ hình thìa để cạo mụn cóc.

3. Ngăn ngừa mụn cóc ở chân như thế nào?

Bạn không thể tự bảo vệ mình hoàn toàn khỏi mụn cóc, nhưng những điều sau đây bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc và lây lan chúng.

– Tiếp xúc da là con đường lây nhiễm phổ biến của mụn cóc, ai đó chạm vào mụn cóc của người bệnh có thể dễ dàng nhiễm virus và phát triển mụn cóc. Thực hành vệ sinh tốt khi tiếp xúc với người bị mụn cóc.

– Virus HPV có thể phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt, ấm áp. Để tránh việc lây nhiễm virus có thể gây ra mụn cóc ở chân, hãy giữ cho chân của bạn luôn khô ráo, đi dép ở những nơi công cộng như nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng, phòng thay đồ.

– Nếu trên chân của bạn xuất hiện vết mụn cóc đầu tiên, đừng chạm vào mụn cóc để tránh lây lan đến vị trí mới trên da của bạn. Rửa tay thật sạch sau khi bôi thuốc điều trị mụn cóc.

Nhìn chung, mụn cóc vô hại và không gây nhiều rủi ro cho sức khỏe của bạn. Nếu mụn cóc kích thước nhỏ, mà không bị thay đổi nhiều về hình dạng hoặc màu sắc, bạn có thể không cần đến gặp bác sỹ mà có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc.

Nếu tình trạng mụn cóc ở chân của bạn phát triển, dai dẳng, hãy đến các cơ sở y tế để được điều trị tốt nhất cho tình trạng bệnh của mình.

DS Vũ Thị Nhung

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận