Mụn nhọt ở mông: Nguyên nhân và Cách điều trị hiệu quả

Mụn nhọt ở mông khá phổ biến, gây nhiều bất tiện trong cuộc sống. Tuy nhiên vì mọc ở vị trí nhạy cảm nên không phải ai cũng đến thăm khám bác sĩ. Vậy nguyên nhân nào gây nên mụn nhọt ở mông, làm thế nào để phòng và trị mụn nhọt ở mông? Bạn hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu nhé! 

1. Nguyên nhân gây mụn nhọt ở mông

Mụn nhọt là tình trạng viêm cấp tính ở nang lông và xung quanh gây nên vết sưng đỏ, đau và nổi cục trên da, lúc đầu là sẩn nhỏ, sau có thể sưng tấy và có mủ.

Mụn nhọt ở mông

Mụn nhọt ở mông có thể do các nguyên nhân sau:

1.1. Viêm nang lông

Vùng da ở mông vẫn có các nang lông. Khi bạn mặc đồ chật, hoặc đồ bạn mặc ít thấm mồ hôi có thể gây ra viêm nang lông. Những loại vi khuẩn ký sinh trên da như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) khi da bị tổn thương hoặc gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi gây nên viêm nang lông tạo thành mụn nhọt.

Viêm nang lông gây mụn nhọt ở mông

1.2. Dày sừng nang lông

Khi bạn ngồi nhiều, vùng da mông dễ dày lên. Nếu vùng da này không được tẩy da chết và chăm sóc thường xuyên, keratin tích tụ tại nang lông gây nên dày sừng nang lông. Khi đấy vùng da mông trở nên thô ráp, sần sùi và dễ mọc các nốt sần cứng, sau đó tạo thành mụn nhọt.

1.3. Thay đổi nội tiết tố

Một lý do khiến cho mụn nhọt ở mông hay gặp ở nữ giới hơn là nam giới đó là do sự thay đổi nội tiết tố. Phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt, hoặc khi mang thai, hoặc do căng thẳng,… có sự thay đổi nội tiết gây nên rối loạn trong sự điều tiết bã nhờn, dễ gây nên mụn nhọt không chỉ ở mông mà còn ở các vùng khác như lưng, mặt, ngực,…

Thời kỳ mang thai nội tiết thay đổi dễ bị mụn nhọt 

1.4. Do chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây nên mụn nhọt không chỉ ở mông mà cả ở những vùng khác. Người ta nhận thấy đồ ăn cay nóng dễ gây nên mụn nhọt. Đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, chất kích thích cũng khiến gan mệt mỏi hoạt động kém hơn, thải độc kém hơn và gây nên mụn nhọt. Đồ ăn chứa nhiều tinh bột, đồ ăn nhiều đường cũng khiến bạn dễ nổi mụn hơn, dễ bị mụn nhọt ở mông hơn.

Chế độ ăn uống không lành mạnh là một nguyên nhân gây mụn nhọt ở mông

1.5. Do những nguyên nhân khác

Căng thẳng, lo âu là một trong những nguyên nhân gây nên mụn nhọt. Do khi căng thẳng dễ dẫn đến mất ngủ, rối loạn điều tiết nội tiết tố trong cơ thể, cũng như giảm hoạt động của gan. Ngoài ra có một số nguyên nhân khác gây nên mụn nhọt ở mông như ngồi lâu, ngồi quá nhiều; do cạo lông gây trầy xước da vùng mông; do tẩy da chết quá nhiều;…

2. Cách trị mụn nhọt ở mông?

Với trường hợp mụn nhọt ở mông ở mức độ nhẹ, bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng cách vệ sinh sạch sẽ vùng da mụn nhọt, sử dụng povidon iod hoặc kháng sinh bôi chấm lên nốt mụn nhọt, để khô, hạn chế ngồi nhiều; không sờ lên nốt mụn vì vi khuẩn ở tay có thể làm nốt mụn nhọt sưng tấy hơn; khi nốt mụn nhọt vỡ ra, bạn có thể vệ sinh với nước muối sinh lý, povidon iod, rồi bôi thêm kháng sinh. Nếu nốt mụn sưng to, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và chích rạch dẫn lưu mủ đúng cách. Không tự ý chích rạch tại nhà vì có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm.

3. Phòng ngừa mụn nhọt ở mông như thế nào?

3.1. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ giúp hạn chế viêm nang lông; giảm dầu thừa, mồ hôi và tế bào chết trên da, từ đấy hạn chế mụn nhọt. Đặc biệt sau khi tập luyện, làm việc đổ nhiều mồ hôi, bạn nên tắm luôn. Một cơ thể sạch sẽ thơm tho không chỉ giúp bạn phòng ngừa mụn nhọt ở mông mà còn phòng ngừa mụn nhọt ở các vùng khác trên cơ thể, giúp bạn tự tin hơn.

3.2. Lựa chọn quần áo phù hợp

Lựa chọn quần áo phù hợp là một trong những cách hiệu quả phòng ngừa mụn nhọt ở mông. Quần áo vừa vặn với cơ thể sẽ giúp hạn chế cọ xát lên vùng da này. Chất liệu quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi cũng hạn chế dầu thừa, hạn chế tích tụ mồ hôi, từ đấy hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn gây hại trên vùng da mông. Với đồ lót, bạn nên chọn chất liệu cotton hoặc các chất liệu thấm mồ hôi, thay đồ lót thường xuyên và không nên mặc đồ còn ẩm ướt.

Hạn chế mặc đồ bó sát giúp phòng ngừa mụn nhọt ở mông

3.3. Có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp

Chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp sẽ giúp bạn phòng ngừa mụn nhọt:

  • Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế đồ ngọt, đồ uống có ga, rượu bia, cà phê
  • Hạn chế ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ. Nếu công việc bắt buộc ngồi nhiều bạn hãy đứng lên hoặc thay đổi tư thế sau mỗi 2 tiếng, điều này không chỉ giảm áp lực cho mông mà còn giúp bạn giảm stress.
  • Ngủ đủ giấc giúp bạn giảm căng thẳng, điều hòa và phục hồi cơ thể, hạn chế mụn nhọt
  • Chăm sóc cho da thường xuyên, kể cả da mông để có một làn da khỏe đẹp tự tin.

3.4. Tẩy tế bào chết cho da

Vùng mông da thường dày hơn các vùng da khác. Tẩy tế bào chết thường xuyên giúp hạn chế dày sừng nang lông, thông thoáng lỗ chân lông, từ đó hạn chế mụn nhọt ở mông. Bạn có thể tẩy da chết với các sản phẩm chuyên dụng chứa AHA /BHA, hoặc sử dụng bông tắm, xơ mướp, bã cà phê, muối tắm,… để tẩy da chết ở mông, sau đó hãy bôi một lớp dưỡng ẩm nhẹ cho vùng da này mịn màng. Không tẩy da chết ở mông quá nhiều lần, tần suất hợp lý là khoảng 2 lần/ tuần.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn phần nào những thắc mắc về mụn nhọt ở mông. Nếu còn thắc mắc bạn hãy để lại câu hỏi hoặc đón đọc các bài viết tiếp theo về chủ đề này trên trang Thầy thuốc Việt Nam nhé!

DS. Đỗ Thị Thuỷ

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận