Nấm da đầu có lây không? Trị dứt điểm được không?

Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, thuận lợi cho sự phát triển của các chủng nấm, nấm tạp cũng như nấm gây bệnh. Bệnh nấm da đầu là một trong những loại nấm phổ biến, và khó điều trị. Vậy nấm da đầu có lây không? Việc tìm ra cách chữa trị nấm đã trở thành mong muốn cấp thiết của nhiều người.

1. Nấm da đầu là bệnh gì?

Nấm da đầu

Nấm da đầu là một dạng nhiễm trùng xảy ra ở da đầu do nấm sợi xâm nhập vào sợi tóc gây nên. Bệnh thường khu trú ở vùng đỉnh đầu và 2 bên thái dương tạo thành những đám bong da lan tỏa hoặc khu trú trong tóc lành xen kẽ tóc bị cụt, gần gốc.

Người bị nấm da đầu thường xuyên bị ngứa ngáy, khó chịu. Bệnh có thể gây hói đầu, rụng tóc, bong vảy, loét hoặc chảy mủ.

Bệnh nấm da đầu rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác về da đầu như: bệnh á sừng, bệnh vảy nến, gàu,…

2. Nguyên nhân gây nấm da đầu:

Nguyên nhân nấm da đầu

Vi khuẩn Trichophyton và Microsporum chính là 2 loại nấm sợi điển hình khiến bệnh nấm da đầu lây từ người này sang người khác.

Sự phát triển của hai loại nấm trên sau một thời gian dài, nếu không được chữa trị kịp thời và tận gốc sẽ gây ra tình trạng rụng tóc từng mảng, da đầu có thể bị nhiễm trùng nặng, từ đó gây lên rụng tóc dẫn đến bị hói đầu hoặc để lại sẹo vĩnh viễn.

3. Các yếu tố nguy cơ gây nấm da đầu: 

Vật nuôi bị nhiễm nấm sẽ lây cho người

Dưới đây là những yếu tố khiến cho hai loại nấm này có thể sinh sống và phát triển ở vùng da đầu:

  • Vệ sinh da đầu không sạch sẽ: Lượng mồ hôi được tiết ra trên da đầu bẩn là môi trường vô cùng có lợi cho nấm sợi sinh sôi và phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, gội đầu không đúng cách khiến cho da đầu bị trầy xước sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong.
  • Sản phẩm sử dụng không phù hợp: Việc sử dụng những sản phẩm chăm sóc tóc và da đầu không phù hợp cũng sẽ khiến da đầu của bạn bị tổn thương. Từ đó khiến nấm hình thành. 
  • Lây nhiễm từ người bị bệnh: Dùng chung đồ dùng với những người bị nấm da đầu như: khăn lau đầu, mũ, gối, lược,… thì nguy cơ bạn bị nhiễm nấm cũng rất là cao 
  • Nguồn nước bẩn: Sử dụng nguồn nước có chứa nấm gây bệnh để tắm gội hàng ngày sẽ khiến chúng ta rất dễ bị nấm da đầu.
  • Do thói quen xấu: Lười gội đầu, để tóc ẩm ướt rồi đi ngủ, gội đầu vào buổi tối, để đầu rất bẩn mới gội là những thói quen không tốt tạo điều kiện thuận lợi để cho nấm và vi khuẩn phát triển.
  • Nhiễm nấm từ vật nuôi: Nếu các con vật như chó, mèo,… không được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên rất dễ bị nhiễm nấm, khi bạn tiếp xúc với chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những đồ vật thì rất dễ bị lây bệnh.

4. Bệnh nấm da đầu có lây không? 

Như đã nói, nấm da đầu rất dễ lây lan từ người này sang người khác, từ vật nuôi bị bệnh sang người. Các mảng vảy màu trắng bong tróc từ da đầu của người bị nấm, da của vật nuôi thường có chứa các tế bào nấm và chúng bám vào quần áo, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Sau đó, nấm da đầu có thể lây lan qua 2 con đường chủ yếu:

Lây qua con đường trực tiếp: Tiếp xúc, ôm ấp và ngủ chung với người – vật nuôi bị nấm.

Lây qua con đường gián tiếp: Sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người bị nấm như khăn lau tóc, mũ, gối, lược,…

Bệnh nấm da đầu có chữa được không? Câu trả lời là có, bệnh có thể được điều trị dứt điểm bằng thuốc chống nấm trong 6–8 tuần. Khi thấy có dấu hiệu nấm da đầu, bạn cần nhanh chóng đi khám, điều trị kịp thời, đúng phương pháp và có chế độ gội đầu hợp lý.

5. Cách ngăn chặn lây lan nấm da đầu:

5.1 Giữ tóc và da đầu luôn sạch sẽ :

Để ngăn chặn lây lan nấm da đầu, cần gội đầu thường xuyên, xả nước nhiều lần để tẩy sạch xà phòng. Luôn giữ tóc khô ráo, sạch sẽ và lưu ý nên sấy khô tóc sau khi gội hay dính nước mưa để tránh nấm phát triển. 

Giữ tóc và da đầu luôn sạch sẽ

5.2 Không dùng chung các đồ dùng cá nhân:

Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như lược, mũ, khăn lau. Vì nấm có thể bám lên những vật dụng này khi người bệnh sử dụng.

Không dùng chung các đồ dùng cá nhân

5.3 Vệ sinh thú cưng

Tắm rửa thường xuyên cho thú cưng. Nếu bạn phát hiện trên lông da của thú nuôi xuất hiện vảy gàu, lông rụng từng mảng, nhờn dính, viêm đỏ,… thì cần đưa ngay đến bệnh viện thú y để khám điều trị, cách ly xa nơi sinh hoạt của gia đình để tránh lây lan bệnh.

5.4 Những thói quen tốt giúp giảm tình trạng nấm da đầu:

Lựa chọn một sản phẩm gội đầu phù hợp và có nguồn gốc từ thiên nhiên

  • Kiểm soát cơn ngứa, không cào gãi quá mạnh tay.
  • Sử dụng dầu gội phù hợp, có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp bảo vệ da đầu hiệu quả. Tuyệt đối không nên dùng các sản phẩm dầu gội có chứa các thành phần như: Paraben và Methylisothiazolinone (chất bảo quản), Diethanolamine (chất điều chỉnh độ pH), Propylene glycol (chất giữ ẩm có thể gây kích ứng), Sodium laureth (chất tẩy rửa, chất nhũ hóa),…
  • Giặt chăn gối, mũ sạch sẽ, đặc biệt không nên đội mũ quá chật, để hạn chế tạo ra môi trường ẩm ướt có lợi cho nấm. Phơi đồ ở những nơi thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời để nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn.
  • Không nên nhuộm tóc khi bị nấm, vì thuốc nhuộm có thể gây hại và kích thích da đầu.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học: Bạn nên bổ sung thật nhiều rau xanh và trái cây nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Bài thuốc dân gian: Áp dụng các bài thuốc dân gian có thể giúp bạn điều trị nấm da đầu:
  • Lá trầu không: Sử dụng 10 – 15 lá trầu không tươi, vò sơ đun nấu nước gội đầu. Hàm lượng Tanin, Chavicol, Carvacrol,… có trong loại lá này sẽ giảm được triệu chứng ngứa ngáy do nấm gây ra.
  • Lá ổi: Hái một nắm lá tươi, rửa sạch rồi đun nấu nước gội đầu. Nhờ chất chát – Tanin có trong lá ổi giúp tế bào chết trên da đầu dần dần được loại bỏ, các vị trí da đầu bị tổn thương cũng nhanh chóng lành lại,
  • Vỏ bưởi: Gội đầu với nước vỏ bưởi 3 lần/tuần để đem lại hiệu quả tốt. Các tinh chất có trong vỏ bưởi còn có thể tiêu diệt được bào tử nấm, đồng thời kích thích tóc mọc khỏe và dày hơn.

Gội đầu với nước vỏ bưởi

Những mẹo dân gian tuy hiệu quả nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể. Vì thế, khi có triệu chứng ngứa da đầu dai dẳng, nốt sần nhỏ hay vảy rải rác trên da đầu, tóc dễ gãy rung,… nên đi khám và có lời khuyên của bác sỹ để có thể điều trị tốt nhất, tránh tự ý ở nhà thực hiện các biện pháp này tại nhà làm bệnh nặng hơn.

Như vậy thông qua bài viết, chúng ta đã phần nào giải đáp được câu hỏi: Nấm da đầu có lây không? Trị dứt điểm được không?

DS Lưu Thị Bảo Yến

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận