Nên uống Smecta trước hay sau ăn tốt hơn?

Smecta là một thuốc được chỉ định trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em trên 2 tuổi và người lớn. Ngoài ra, thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng của tiêu chảy mạn tính và các chứng đau liên quan tới rối loạn chức năng ruột ở người lớn. Vậy, nên sử dụng thuốc như thế nào, liều dùng là bao nhiêu? Cần lưu ý gì khi dùng Smecta? Để có thể trả lời cho các câu hỏi này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Tiêu chảy đặc trưng bởi tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều nước, số lần đại tiện ≥ 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Đối với tiêu chảy cấp, mục tiêu chính trong điều trị là ngăn mất nước, với các phương pháp điều trị chính bao gồm liệu pháp bù dịch đường uống (ORS), cho ăn đường miệng, và bổ sung kẽm. Hiện nay, diosmectite được lựa chọn trong nhiều khuyến cáo điều trị tiêu chảy ở trẻ em và người lớn.

1. Thuốc Smecta uống khi nào sẽ là tốt nhất?

Smecta được sản xuất bởi Beaufour Ipsen Industrie (Pháp). Hoạt chất chính trong Smecta là Diosmectit, thành phần này thuộc danh mục thuốc không kê đơn theo Thông tư số 07/2017/TT-BYT. Mặc dù thuộc nhóm thuốc không kê đơn, nhưng nên tránh sử dụng Smecta lâu dài.

Diosmectite được cấu tạo từ aluminum magnesium silicate, đây là một chất hấp phụ tự nhiên có trong đất sét, có cấu trúc phiến nhiều lớp với độ quánh dẻo cao.

Thuốc bột pha hỗn dịch uống Smecta 3g điều trị tiêu chảy

Về cơ chế tác dụng, diosmectite có khả năng bám dính và hấp phụ cao, tạo thành hàng rào bảo vệ lớp niêm mạc đường tiêu hóa khi bị các tác nhân lạ xâm hại. Ngoài ra, hoạt chất này có khả năng hấp phụ các độc tố vi khuẩn, tác nhân gây bệnh ở ruột.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hoạt chất diosmectite có tác dụng làm giảm lượng phân, giảm tần suất tiêu chảy ở trẻ em. Đồng thời, rút ngắn thời gian hồi phục ở người lớn (thời gian từ khi dùng liều thuốc đầu tiên cho đến lần tiêu phân khuôn hoặc phân cứng đầu tiên).

Vì đặc tính hấp phụ của diosmectite có thể ảnh hưởng đến thời gian và/hoặc tỷ lệ hấp thu các chất khác, bao gồm cả quá trình hấp thu thức ăn tại ống tiêu hoá. Vì vậy, khuyến cáo nên uống Smecta xa bữa ăn. Theo thông tin từ nhà sản xuất, thời điểm tốt nhất nên dùng thuốc là vào thời gian sau bữa ăn chính, có thể là 30 phút – 1 tiếng sau khi ăn.

2. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Smecta

Smecta được dùng qua đường uống. Khối lượng thuốc trong gói phải được pha thành hỗn dịch uống ngay trước khi sử dụng.

2.1. Liều dùng thuốc Smecta cho người lớn

Điều trị tiêu chảy cấp

Liều dùng thông thường là 3 gói/ngày. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của chứng tiêu chảy, liều hàng ngày có thể tăng gấp đôi (6 gói) trong những ngày đầu điều trị.

Chỉ định khác

Trung bình 3 gói/ngày.

2.2. Liều dùng thuốc Smecta cho trẻ em

Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ trên 2 tuổi

Thường dùng 2 gói/ngày. Tuy nhiên, thực tế thường tăng liều gấp đôi (4 gói/ngày) trong 3 ngày đầu điều trị. 4 ngày tiếp theo dùng 2 gói/ngày.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Smecta để điều trị tiêu chảy

Tác dụng không mong muốn

– Thường gặp: Táo bón (với tỷ lệ khoảng 7% ở người lớn và 1% ở trẻ em), nên ngừng dùng thuốc nếu táo bón xảy ra. Trong trường hợp sử dụng lại diosmectite thì khởi đầu với liều thấp.

– Ít gặp: Nôn, nổi ban.

– Hiếm gặp: Mày đay.

– Một số tác dụng phụ không rõ tần suất bao gồm ngứa, phù mạch, khó thở,…

Phản ứng bất lợi thường gặp nhất khi sử dụng Smecta là táo bón

Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc cho những người dị ứng với diosmectite hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Trẻ em và trẻ vị thành niên

Ngoài việc dùng thuốc Smecta để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ, điều quan trọng hơn cả là cần bù nước và điện giải sớm bằng dung dịch uống Oresol nhằm tránh mất nước.

Phụ nữ có thai, cho con bú

Cho đến nay, còn thiếu các dữ liệu lâm sàng đối với việc dùng Smecta trong thời kỳ mang thai hay giai đoạn cho con bú. Các nghiên cứu trên động vật không đủ bằng chứng thuyết phục để kết luận về độc tính của thuốc lên khả năng sinh sản. Vì vậy, Smecta không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Xem thêm

Tác dụng của thuốc Smecta trong điều trị tiêu chảy

4. Cách bảo quản thuốc Smecta

Điều kiện bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ dưới 30ºC.

Không sử dụng thuốc sau hạn sử dụng được ghi trên hộp.

Các cách dùng Smecta kèm với các thực phẩm khác (thức ăn, sữa,…)

Đối với trẻ em, bột thuốc trong gói có thể được pha với 50ml nước, khuấy kỹ để được thành hỗn dịch uống, cho vào bình để trẻ uống dần trong ngày. Hoặc là trộn kỹ bột thuốc với thức ăn dạng bán lỏng như nước ép trái cây, nước canh, rau củ nghiền, thức ăn cho trẻ em,…

Có thể pha thuốc vào nước, các dịch lỏng khác để cho trẻ uống dần trong ngày

5. Lợi ích và sự cần thiết phải tuân thủ liều điều trị và khuyến cáo cho người dùng

Như chúng ta đã biết, với cấu trúc độ nhầy cao, từng lớp của Smecta, mà sản phẩm này có khả năng rất tốt trong việc bao phủ niêm mạc tiêu hóa. Khi Smecta tương tác với glycoprotein của chất nhầy sẽ làm tăng sức chịu đựng của lớp gel dính trên niêm mạc khi bị tác nhân có hại xâm nhập. Nên việc tuân thủ đúng liều điều trị không những giúp thuyên giảm các triệu chứng của tiêu chảy ở trẻ, mà còn giúp niêm mạc ruột được phục hồi, tránh bị tái phát lại.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, Smecta đã được chứng minh về khả năng hấp phụ hơi trong đường ruột ở người lớn. Đồng thời, thuốc có tác dụng phục hồi tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa trở về bình thường ở trẻ em.

Do vậy, để đạt được hiệu quả tốt, thì người dùng cần tuân thủ điều trị (đúng liều và đúng chỉ định) là vô cùng quan trọng.

Cảnh báo và thận trọng

– Thận trọng dùng thuốc với những người có tiền sử táo bón nặng.

– Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên: Chỉ được dùng Smecta trong trường hợp tiêu chảy cấp. Ngoài ra, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, khi điều trị tiêu chảy cũng cần sử dụng dung dịch bù nước và điện giải (Oresol) càng sớm càng tốt. Lượng dịch cần bù bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch phải được điều chỉnh phù hợp với mức độ tiêu chảy, độ tuổi và thể trạng của mỗi người.

– Tránh sử dụng Smecta cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

– Thuốc có chứa glucose và sucrose. Khuyến cáo không nên dùng thuốc cho người không dung nạp fructose, hội chứng kém hấp thu glucose và galactose, hoặc những người thiếu enzym tiêu hóa sucrase và isomaltase.

– Mỗi gói Smecta có chứa khoảng 0,679 g glucose. Do đó, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng.

– Thuốc chứa một lượng nhỏ ethanol (cồn), với lượng thấp hơn 100mg/liều hàng ngày.

– Tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để có hướng xử trí tiếp theo nếu như:

+ Các triệu chứng tiêu chảy cấp không thuyên giảm sau 3 ngày.

+ Có sốt cao hoặc nôn kèm theo đau bụng.

Quá liều

Sử dụng Smecta quá liều khuyến cáo có thể gây táo bón cấp tính hoặc hình thành các chất không tan trong ruột.

Một số biện pháp kết hợp để phòng bệnh tiêu chảy

– Khi bị tiêu chảy, cơ thể không chỉ mất nước mà còn mất đi các chất khoáng, chất điện giải như kali, natri. Vì vậy, cần uống nhiều dịch ngọt hoặc mặn để bù lại lượng dịch đã mất do tiêu chảy (nhu cầu lượng dịch trung bình ở người lớn là 2 lít/ngày).

–  Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua,…

– Hạn chế thức ăn cay mặn, nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas,… vì những thực phẩm này có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Nói “không” với thức ăn cay nóng, dầu mỡ cũng là một cách cải thiện tình trạng táo bón

– Lactose là loại đường có trong hầu hết các loại sữa động vật. Khi tiêu chảy xảy ra, men lactase trong ruột bị suy giảm. Trong khi đó, đây là loại men có tác dụng tiêu hóa và hấp thụ đường lactose. Lactose không được tiêu hóa sẽ chuyển thành acid lactic, góp phần làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy.

Nên thay thế sữa động vật bằng các loại sữa hạt, sữa đậu nành hay sữa không chứa lactose khi bị tiêu chảy.

Hoạt chất diosmectite trong Smecta đã được chứng minh đạt hiệu quả cao trong điều trị tiêu chảy cấp ở cả trẻ em và người lớn. Hiện nay, Smecta là một biệt dược phổ biến, có thể tìm mua dễ dàng tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, nhằm hạn chế các tác dụng không mong muốn và để đạt được hiệu quả điều trị một cách an toàn, tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc.

DS. Lê Hải Ngân Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận