Nếu không hiểu biết, có lẽ mẹ đã mất con!
Trong 1000 đứa trẻ đi tiêm chủng vắc xin thì có thể sẽ có 1 trong số đó có biểu hiện sốc phản vệ. Người mẹ trẻ đã nghĩ như vậy. Nhưng điều chị chỉ dám nghĩ ấy đã xảy đến với chính đứa con bé bỏng của chị. Thật khó khăn khi phải trải qua cơn hoạn nạn này.
Như bao người mẹ khác, một buổi sáng nọ, chị đưa con gái của mình đến cơ sở y tế để nộp sổ tiêm chủng vắc xin cho con theo đúng lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế. Hai mẹ con chị gần như là người đến sớm nhất vì chị nghĩ đến sớm, về sớm để cho con có thời gian nghỉ ngơi.
Mọi chuyện diễn ra thật bình thường và đúng quy trình. Sau khi được tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBe Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib; cô con gái bé nhỏ của chị vẫn rất hoạt bát và chơi đùa vui vẻ. Bằng những tìm hiểu từ trước đó, khi mà xung quanh việc cho con đi tiêm vắc xin ComBe Five đang có quá nhiều điều khiến cha mẹ lo lắng, chị đã cùng con ở lại cơ sở y tế gần 1 giờ đồng hồ để theo dõi phản ứng của thuốc ra sao. Tưởng như câu chuyện đi tiêm vắc xin này đã kết thúc tròn trịa ở đây vì cô con gái nhỏ của chị vẫn biểu hiện rất bình thường.
Nhưng không… khoảng 9 giờ, chị đưa con về nhà, bé vẫn chơi và cảm giác buồn ngủ. Theo lẽ thường tình, chị nghĩ chắc do con buồn ngủ nên vẫn cho con bú và ru con ngủ như thường ngày. Cô con gái của chị rên lên những tiếng ậm ừ rồi choàng tỉnh sau 30 phút. Có lẽ là do chỗ tiêm của con bây giờ mới khiến con đau nên con mới rên lên như vậy – chị nghĩ rồi bồng con dậy ru con tiếp. Trong vòng tay của chị, mắt cô bé lim dim và vẫn tiếp tục phát ra những tiếng rên nhỏ.
Linh tính của một người mẹ mách bảo chị rằng có chuyện chẳng lành. Chị bồng con ra sáng và như chết lặng khi thấy con tím tái hết mình mẩy, hai mắt con lừ đừ chỉ nhìn thấy lòng trắng. “Nhím ơi…Nhím à…Nhìn mẹ đi con…” – Chị liên tục gọi con nhưng đáp lại lời chị chỉ là những tiếng rên và sự co giật.
Và chị chợt nhớ ra những điều mà bản thân chị đã tìm hiểu từ trước khi cho con đi tiêm. Con gái của chị đã có những biểu hiện bất thường sau tiêm được khuyến cáo. Ngay lập tức, chị quấn con vào áo khoác và chạy sang nhờ hàng xóm chở đi cơ sở y tế. Phải làm sao đây? Con gái ngày càng tím tái và co giật nặng hơn. Nó khiến chị mất bình tĩnh. Chị khóc nghẹn lên từng hồi.
Ở bệnh viện, con đang được bác sĩ sưởi ấm bằng quạt sưởi, tiêm và hô hấp bằng tay; ánh đèn pin rọi vào mắt con… nhưng con vẫn không phải ứng. Chị không thể ngừng khóc được nữa. Trong hoang mang tột độ, chị bắt đầu gào thét. Thật khó để có thể tin rằng, điều chị mới nghĩ đến kia thôi, ngày hôm nay đã xảy đến với chị, ngay trên chính tính mạng con gái của chị.
Bác sĩ vẫn tiếp tục những thao tác cấp cứu. Sau vài lần lấy ven kết hợp với thở bình ô xy, con gái chị từ từ ấm lên và phản ứng trở lại với chị. Con đưa mắt nhìn rồi nắm lấy những ngón tay chị trong đau đớn. Thật may mắn biết bao vì con gái chị đã hồi tỉnh. Điều đó giống như chính bản thân chị được tái sinh lần hai vậy.
Sau biết bao những cung bậc cảm xúc đầy hoang mang, hỗn độn; giờ đây chị có thể bình tĩnh mà nói rằng, nếu ngày hôm nay, mẹ không hiểu biết thì có lẽ mẹ đã mất con mãi mãi. Nếu mẹ chủ quan với những suy nghĩ thường tình và không tìm hiểu kiến thức về tiêm chủng vắc xin cho trẻ trước đó thì mẹ sẽ không có cơ hội để nhìn thấy con bên mình nữa. Nếu mẹ không đưa con đến viện ngay khi phát hiện con có biểu hiện bất thường thì mẹ sẽ ân hận cả đời.
Xem thêm: Cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ đi tiêm vắc xin ComBe Five
Sau tiêm vắc xin, trẻ nhỏ cần được theo dõi đặc biệt. Bất kỳ một biểu hiện nào bất thường đều cần được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng cách. Cha mẹ hãy luôn dõi theo con sát sao từng biểu hiện dù là nhỏ nhất của trẻ trước và sau tiêm chủng. Bởi so với vắc xin Quinvaxem đã dùng trong hơn 8 năm qua phản ứng đến sớm hơn thì vắc xin ComBE Five phải 1-2 ngày sau tiêm mới xuất hiện phản ứng. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được chủ quan khi thấy con vẫn bình thường sau tiêm chủng trong khoảng thời gian theo dõi tại nơi tiêm hoặc tự xử trí khi không có hiểu biết về nó. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức khi phát hiện những biểu hiện bất thường của trẻ để được cấp cứu và điều trị đúng cách, kịp thời.
Tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng. Các bệnh tật đã có vắc xin phòng bệnh thì nên tiêm phòng cho trẻ. Song để đạt được hiệu quả mong muốn, cần có sự phối hợp chuẩn về quy trình tiêm chủng cũng như theo dõi và chăm sóc trẻ trước và sau khi tiêm. Bất kỳ một sơ xuất nào cũng có thể khiến trẻ tử vong ngoài mong muốn.
Thầy thuốc Việt Nam