Ngộ độc thịt cóc có nguy hiểm không – cách xử lý

Thịt cóc nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng độc tố trong một số bộ phận của cóc lại gây ra ngộ độc. Vậy ngộ độc thịt cóc có nguy hiểm không và cách xử lý là gì?

1. Nguyên nhân gây ngộ độc thịt cóc

Cóc là động vật lưỡng cư, thuộc bộ Ếch nhái hoặc có thể là bộ Không đuôi. Chúng có lớp da bên ngoài sần sùi và khi trưởng thành chúng thường sống trên cạn.

Vì sao ăn cóc có thể bị ngộ độc?

Từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng thịt cóc như một phương thuốc hiệu quả để chữa chứng kén ăn, chậm lớn cho trẻ, thực phẩm bổ dưỡng cho người già và tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy cho người bệnh. 

Dinh dưỡng trong thịt cóc cao hơn thịt bò, thịt lợn (53,37% protit, 12,66% lipit, rất ít gluxit), đặc biệt có nhiều axit amin cần thiết (Asparagine, Histidine, Tyrosine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan, Cystein, Threonine..)  Trong 100g thịt cóc có 55,4g đạm và 65mg kẽm, . Thịt cóc được chế biến dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc…

Trong đông y và dân gian, nhựa cóc, gan cóc được sử dụng dưới dạng cao để chống sưng, tiêu viêm; dùng ngoài da (da chưa bị tổn thương) điều trị nhọt độc, đầu đinh, sưng tấy…

Thịt cóc không có độc nhưng ngộ độc thịt cóc xảy ra do chế biến thịt cóc sai cách. Chất nhầy bài tiết của cóc (nhựa cóc) ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc, gan và buồng trứng lại có chứa hợp chất Bufotoxin là nguyên nhân gây ra ngộ độc thịt cóc.

Hợp chất Bufotoxin được chia làm ba nhóm: nhóm có tác dụng giống glycosid cường tim, nhóm dẫn xuất của steroid và nhóm dẫn xuất của hydroxyl và indol. Cả ba nhóm này đều là các chất độc bảng A, đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Người ta ước tính lượng Bufotoxin trong một con cóc có thể gây chết cho 4 – 5 người khỏe mạnh trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố Tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.

Cóc tía có thể gây chết người dù ăn bất cứ bộ phận nào

2. Triệu chứng và cách xử lý ngộ độc thịt cóc

2.1 Triệu chứng ngộ độc thịt cóc

Tác động sinh học của độc tố phụ thuộc vào cấu trúc hoá học: Bufagin tác động đến tim mạch như nhóm Glycoside tim mạch; Bufotenine gây ảo giác; Serotonin gây hạ huyết áp… Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống. 

Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc thịt cóc là hiện tượng rát bỏng, sưng phồng tại một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng… Chỉ vài phút sau khi bị hấp thụ độc tố, nạn nhân bắt đầu có hiện tượng nôn và buồn nôn. Đau bụng, tiêu chảy, không thở được, mệt, chóng mặt;

Sau đó khoảng 10 phút, cơ tim và cơ trơn khí phế quản bị tác động làm tăng co bóp khiến đường thở bị nghẹt, cơ tim thì co bóp mạnh lên, huyết áp tăng, nhịp tim chậm lại, rung thất, block nhĩ – thất, trụy tim, sốc, ngất.

Trên hệ thần kinh, độc tố có tác dụng gây tê cục bộ, với liều lượng lớn hơn, nạn nhân sẽ bị co giật rồi mất ý thức. Đa số nguyên nhân tử vong do ngộ độc thịt cóc vì tim suy. Trường hợp nặng nạn nhân bị ngộ độc thịt cóc sẽ dẫn đến suy thận, gan. Ở một số trường hợp, người ăn phải thịt cóc dính độc tố do quá trình chế biến cũng bị tử vong.

Hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc thịt cóc do chạm phải cóc. Tuy nhiên, khi “nhựa cóc” tiếp xúc với da hoặc niêm mạc sẽ gây ra dị ứng, bỏng rát, sưng phồng

2.2 Cách xử lý ngộ độc thịt cóc

Cần đưa người bị ngộ độc thịt cóc đến bệnh viện gần nhất

– Người bị ngộ độc thịt cóc có biểu hiện sớm, nhanh, dồn dập và có tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, ngay khi phát hiện bị ngộ độc thịt cóc cần phải sơ cứu nạn nhân bằng cách gây ói, sau đó đưa đến bệnh viện gần nhất. 

– Trường hợp nạn nhân bị sốc, ngất, mất ý thức cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu mà không đợi gây ói hay sơ cứu.

– Cấp cứu nạn nhân bằng các phương pháp: Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, điều trị triệu chứng, thở máy.

– Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo, lợi tiểu, lọc thận,…

– Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng …, nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc ngay lập tức nhiều lần bằng nước sạch. Gặp bác sĩ và sử dụng thuốc điều trị nếu bị kích ứng nghiêm trọng.

3. Lưu ý khi ăn thịt cóc để tránh bị ngộ độc

Ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây nguy hiểm

Mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Riêng loại cóc có mắt màu đỏ hay gọi là cóc tía có thể gây chết người dù ăn bất cứ bộ phận nào.

Để dự phòng ngộ độc thịt cóc, chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; 

Sơ chế thịt cóc theo đúng quy trình: 

– Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai

– Chặt bàn chân cóc, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn cóc.

– Loại bỏ hết tất cả ruột, gan, trứng, mật trong con cóc.

– Rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch.

– Chỉ sử dụng phần thịt và xương để chế biến thành thực phẩm. 

Trong quá trình chế biến thịt cóc, nếu để phần thịt hoặc xương bị dính chất độc cần phải loại bỏ ngay. Đặc biệt, tuyệt đối không thử nghiệm độc tố cóc có trong gan, mật.

Nguyên nhân chính gây ngộ độc thịt cóc do ăn phần bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) hoặc các bộ phận có chứa độc tố như ăn da, gan, trứng cóc. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên dùng thịt cóc làm thực phẩm. Thay vào đó sử dụng các thực phẩm khác như: gà, bò, cá, tôm, ếch, lươn… cũng có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn hơn.

Ngộ độc thịt cóc là vô cùng nguy hiểm và khó để xử lý, cần hết sức thận trọng khi sử dụng thịt cóc cũng như các chế phẩm từ cóc.

Lưu Thị Bảo Yến

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận