Người có bệnh lý nền cần làm gì để phòng Covid-19?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh trong cộng đồng với ước tính có khoảng 35-50% dân số sống trong vùng cách ly (tương đương với 35-50 triệu người). Điều này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với những người có bệnh lý nền, sức đề kháng kém, bởi việc tới các cơ sở y tế để khám- điều trị và lấy thuốc định kỳ sẽ bị hạn chế. Vậy người có bệnh lý nền phòng Covid-19 như thế nào?

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, những người có các bệnh nền (đường hô hấp, huyết áp, tim mạch, nội tiết..) sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Đồng thời, những người này khi mắc phải sẽ mất rất nhiều thời gian để điều trị với nguy cơ biến chứng và tỉ lệ tử vong cao hơn. Điều này bắt nguồn từ việc người có bệnh lý nền có hệ thống miễn dịch yếu hơn người bình thường,

Việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại gần đây, diễn biến ngày càng phức tạp, lại sống trong vùng cách ly đặc biệt là các khu chung cư cao tầng, cuộc sống người có bệnh lý nền gặp muôn vàn khó khăn nhất là việc kiểm soát bệnh. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích của thầy thuốc Việt Nam.

Người có bệnh lý nền phòng Covid-19 như thế nào?
Người có bệnh lý nền phòng Covid-19 như thế nào?

1. Chuẩn bị đủ thuốc và các sản phẩm thiết yếu phòng Covid-19

  • Với người có bệnh lý nền như THA, đái tháo đường, bướu cổ… thì việc đầu tiên chính là chuẩn bị đủ một số lượng thuốc điều trị ứng với thời gian giãn cách. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn để được tư vấn số thuốc, loại thuốc cần có trong thời gian giãn cách. Nếu bạn không gọi được cho bác sĩ của mình, thì theo đơn thuốc mới nhất bạn cần mua lượng thuốc dữ trữ trong khoảng thời gian tương ứng với giãn cách (nên ước lượng khoảng 30 ngày)
  • Sau thuốc là những sản phẩm thiết yếu khác có liên quan tới bệnh lý mà bạn đang sử dụng có hiệu quả trước đó như: sữa chuyên biệt, thực phẩm hỗ trợ, thiết bị kiểm tra chỉ số (máy huyết áp cá nhân, que thử đường huyết…). Cũng cần chuẩn bị một số các loại thuốc điều trị các bệnh lý thông thường mà bạn vẫn hay bị mắc như: tiêu hóa, viêm đường hô hấp trên…Bạn có thể chuẩn bị bổ sung một số loại thực phẩm hỗ trợ như Vitamin C, D viên sủi.

2. Chuẩn bị tâm lý ổn định phòng ngừa Covid-19 hiệu quả nhất

Cần xác định thời gian giãn cách vì dịch bệnh có thể lâu hơn dự kiến nhất là khi bạn sống trong chung cư cao tầng. Hãy đặt giả thiết tòa nhà của bạn có F0, như vậy cầu thang máy là nơi không hề an toàn, có thể hàng tuần bạn nên chỉ ở trong căn hộ mà không ra ngoài. Bạn phải phải chuẩn bị tâm lý thích ứng với tình huống này. Hãy xây dựng một kế hoạch hoạt động hàng ngày phù hợp với sức khỏe của mình. Điều này giúp cho bạn vừa đảm bảo được sức khỏe ổn định vừa có tinh thần vui vẻ, lạc quan khi giãn cách. Hãy nhớ rằng tinh thần suy sụp, bệnh lý sẽ nặng nề hơn. Nếu tâm trạng chán nản, tức tối, cáu gắt, bạn nên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các thành viên trong gia đình, đó là cách giả toả căng thẳng hiệu quả. Và luôn nhủ rằng, các bạn không đơn độc trong mùa dịch Covid-19 bởi vẫn có người thân và chính quyền quan tâm, hỗ trợ khi bạn cần.

3. Đo huyết áp, đường huyết đúng cách và đúng giờ

Chỉ số đường huyết, huyết áp rất quan trọng với người bị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Việc theo dõi các chỉ số giúp chúng ta kiểm soát tốt bệnh tật, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, như đột quỵ, biến chứng tiểu đường…. Chỉ số huyết áp cũng là lời cảnh báo để chúng ta điều chỉnh hành vi sinh hoạt khoa học hơn, nghĩa là chúng ta chấp nhận sống “hòa thuận” với bệnh tật. Để có được chỉ số chính xác bạn cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ cách sử dụng thiết bị (Máy đo huyết áp, máy thử tiểu đường..), ngay đo mấy lần, đo vào thời điểm nào? Và bạn cần ghi các chỉ số vào sổ để theo dõi..

Một vài lưu ý khi đo các chỉ số huyết áp, đường huyết tại nhà:

– Huyết áp: Nên đo huyết áp 2 lần một ngày:

  • Buổi sáng: đo trước khi ăn sáng và uống thuốc huyết áp
  • Buổi chiều: đo sau ăn 1 giờ.
  • Không ăn uống hay nói chuyện khi đo, chuẩn bị tâm lý thoải mái.
  • Nếu là lần đầu đo huyết áp bạn nên đo cả hai tay, chọn cánh tay có huyết áp cao hơn để đo cho những lần sau.

– Đường huyết:

  • Nếu bạn là bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1, bạn nên đo đường huyết ít nhất 2-3 lần mỗi ngày trước các bữa ăn sáng và chiều, có thể đo thêm trước khi ăn trưa nếu bạn muốn theo dõi chỉ số 3 lần/ ngày.
  • Còn nếu bạn là mắc bệnh đái tháo đường type 2, ngoài đo đường huyết 3 lần/ngày như trên, bạn nên đo đường huyết sau ăn 1-2h, trước khi ngủ, hoặc lúc 2-3h sáng khi nghi ngờ có cơn hạ đường huyết.
  • Trong trường hợp bạn thay đổi chế độ dinh dưỡng, luyện tập hay cảm thấy đường huyết quá cao hoặc quá thấp (vã mồ hôi, run rẩy, có cảm giác đói bụng …) bạn cũng nên thử lại đường huyết.
Theo dõi huyết áp và đường huyết đúng giờ để nắm tình hình sức khỏe
Theo dõi huyết áp và đường huyết đúng giờ để nắm tình hình sức khỏe

4. Đánh giá các chỉ số huyết áp và đường huyết như thế nào?

Chỉ số huyết áp

+ Huyết áp bình thường: là khi huyết áp tâm thu <130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg. Chỉ số huyết áp này kết hợp với cảm nhận cơ thể thấy khỏe khoắn, ngủ ngon giấc, thích hoạt động, vui vẻ nghĩa là bạn đang có trạng thái tốt. Bạn cần giữ ổn định liều lượng thuốc đang uống hàng ngày cũng như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như thời gian qua.

+ Huyết áp cao: Huyết áp tâm thu ( HATT) trên 135 mmHg và huyết áp tâm trương(HATTr) trên 90mmHg. Nếu bạn đo được huyết áp ở mức cao, bạn cần kiểm tra máy đo huyết áp và đo lại huyết áp sau 5-10 phút cả 2 tay. Dưới đây là bảng phân loại cấp độ tăng huyết áp của VNHA:

  • THA độ 1: HATT 140 – 159 mmHg và/hoặc HATTr 90 – 99 mmHg.
  • THA độ 2: HATT 160 – 179 mmHg và/hoặc HATTr 100 – 109 mmHg.
  • THA độ 3: HATT ≥ 180 mmHg và/hoặc HATTr ≥ 110 mmHg.
  • THA tâm thu đơn độc: HATT ≥ 140 mmHg và HATTr < 90 mmHg.

Sau khi xác định lại, chỉ số huyết áp của bạn ở mức độ 3, hoặc có xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng nào như đau tức ngực, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, thở gấp hoặc choáng váng thì bạn cần đến khoa cấp cứu ngay để được bác sĩ kiểm soát kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ.

Chỉ số đường huyết

+ Đường huyết bình thường: chỉ số đường huyết trước ăn là 4,4- 7,2 mmol/L (80-130 mg/dL), sau ăn <10 mmol/L(180 mg/dL). Đây là chỉ số an toàn cho hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường của Bộ Y tế, với chỉ số này bạn nên tiếp tục uống thuốc theo đơn của bác sĩ và giữ chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ.

+ Đường huyết cao: chỉ số đường huyết trước ăn 7.7-13 mmol/L (140-300 mg/dL) hoặc sau ăn 1-2h > 10 mmol/L (180 mg/dL), thấy có cảm giác mệt, khát, tiểu nhiều, tiểu đêm, tê bì tay chân, mắt mờ,… bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn và luyện tập. Nếu vẫn không cải thiện nên tư vấn bác sĩ để được điều chỉnh lại đơn thuốc.

+ Nguy hiểm: đường huyết quá cao hay quá thấp đều có ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.

  • Hạ đường huyết: chỉ số trước ăn < 70mg/dL, và có hoặc không có kèm theo các cảm giác đói bụng, mệt mỏi, hóa mắt chóng mặt, vã mồ hôi,… (Lưu ý khả năng bị hạ đường tiếp theo ở những người đã có một lần hạ đường huyết là rất cao) bạn nên uống ngay một ly sữa không béo, hoặc 4 thì cà phê đường; thử đo lại đường huyết sau 15-20 phút, nếu vẫn còn thấp bạn gọi điện báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí. Nếu có triệu chứng nặng hơn phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
  • Tăng đường huyết trên 600mg/dL, hoặc trên 300 mg/dl kèm theo có triệu chứng rõ thì bạn có nguy cơ nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, nặng hơn là tử vong. Vì vậy, bạn nên vào bệnh viện để được xử trí.

5. Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ

Uống thuốc đúng và đủ theo chỉ dẫn bác sĩ điều trị. Không tự ý bỏ thuốc, giảm liều, tăng liều khi chưa có ý kiến tư vấn.  Điều đó sẽ giúp ích cho bạn trong việc kiểm soát bệnh nền của bản thân. Đừng nghĩ tới việc tự ý ngưng thuốc khi thấy huyết áp của bạn không tăng, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng (ví dụ: đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp…) bất cứ lúc nào.

6. Dinh dưỡng, luyện tập thể thao phù hợp phòng Covid-19

  • Bạn nên hỏi ý kiến của các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng, giảm lượng muối, đường trong các bữa ăn ( <6g muối hay 1 thìa cà phê / ngày).
  • Uống đủ nước hàng ngày (người trưởng thành mỗi ngày uống từ 1,5 lít tới 2 lít nước mỗi ngày) tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn chứa nhiều cholesterol và acid béo no.
  • Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục hàng ngày để duy trì sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, phòng Covid-19. Trong trường hợp hạn chế ra ngoài hoặc ở trong khu cách ly, không có không gian đủ lớn để thực hiện các bài tập luyện thông thường, bạn hãy chọn phương pháp thiền, yoga hay bài thở bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc viện.
  • Mỗi ngày duy trì tập khoảng 30-60 phút. Nên tập tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm. Không nên tập vận động các bài tập quá sức, điều đó sẽ làm tăng gánh nặng lên hệ tim mạch.

7. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhà và xung quanh

  • Nhà vệ sinh phải luôn sạch sẽ, thông thoáng.
  • Hạn chế bật điều hòa và đóng kín cửa vì như vậy sẽ tạo môi trường cho virus corona lây truyền.
  • Thường xuyên lau sàn nhà, cửa, các vật dụng xung quanh như mặt bàn, mặt kính, tay nắm cửa…bằng dung dịch có chất sát khuẩn vì đây là các vật dụng mà virus dễ bám nhất.

Xem thêm

Những phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19

8. Giữ an toàn cá nhân khi đi ra ngoài

– Hạn chế ra nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhiều người đặc biệt là người đang là F1, F2, F3…hoặc người tới từ vùng có dịch.

– Khi bắt buộc phải đi ra ngoài thì cần tuân thủ nghiêm túc phòng bệnh theo nguyên tắc 5K của ngành y tế.

– Nguy cơ lây nhiễm chéo virus tại các phòng khám, bệnh viện ra rất cao, vì vậy khi phải tới phòng khám, bệnh viện, bạn cần:

  • Đeo khẩu trang y tế trong suốt thời gian tại bệnh viện
  • Đem nước sát khuẩn và thường xuyên sát khuẩn tay
  • Hạn chế tiếp cận với các vật nhẵn, vật bằng kính, kim loại
  • Hạn chế đi cầu thang máy tại bệnh viện
  • Cần có chai dung dịch súc miệng có chất sát khuẩn y tế (hoặc nước muối sinh lý): súc miệng hầu,họng sau 30-45 phút/lần.

10. Tiêm vắc xin ngay khi có cơ hội để phòng Covid-19 nhanh, an toàn

Tiêm vacxin là giải pháp phòng Covid-19 hiệu quả
Tiêm vacxin là giải pháp phòng Covid-19 hiệu quả

Người trên 65 tuổi và đang mắc bệnh nền là một trong các đối tượng được ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Hãy sẵn sàng tiêm hai mũi vacxin Covid-19 để có thể phòng ngừa dịch bệnh.

Người có bệnh lý nền, nhưng bệnh lý đang ổn định thì tiêm vacxin Covid-19 chính là cách tối ưu để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe,tính mạng trước dịch bệnh. Chỉ khi đang bị bệnh cấp tính thì không nên tiêm vào thời điểm đó.

  • Hãy liên lạc với bác sĩ để được tư vấn rõ hơn về việc uống thuốc điều trị và tiêm vacxin. Điều quan trọng là rất ít các loại thuốc đang sử dụng ảnh hưởng đến việc tiêm vacxin và ngược lại.
  • Sau khi tiêm vacxin, bạn vẫn phải uống thuốc bình thường và đo huyết áp mỗi 4-6h trong 24h đầu sau khi tiêm vacxin.
  • Không nên tiêm vacxin khi bạn đang bị bệnh cấp tính, có bệnh nền chưa ổn định, có tiền sử dị ứng, phụ nữ mang thai và cho con bú,…
  • Khai báo đầy đủ tình trạng bệnh của bạn với bác sĩ trước khi tiến hành tiêm vacxin. Theo quy định người trên 65 tuổi mà có bệnh nền sẽ được tiêm tại các bệnh viện đa khoa.

Tóm lại, Covid -19 là một đại dịch rất dễ lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền trước đó. Hy vọng qua bài này, bạn đọc có thể có thêm kiến thức, bổ sung vào hành trang cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, góp phần giảm thiểu những tổn thất không đáng có do dịch bệnh, giảm ám lực cho hệ thống y tế.

BS. Hà Linh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận