Ngưỡng mộ người thầy lớn của ngành nội khoa
Đã gần 17 năm kể từ ngày GS Đặng Văn Chung qua đời vì một căn bệnh nan y, những hình ảnh về một người thầy lớn, một thầy thuốc lâm sàng đại tài nhưng luôn sống giản dị và gần gũi với các thế hệ học trò, với người bệnh vẫn luôn còn mãi trong tâm trí tôi.
Là một trong các cựu bác sĩ Nội trú tại bệnh viện những khóa đầu của chuyên ngành Nội khoa, tôi có may mắn là được đi theo, được học hỏi, được thầy chỉ dẫn cho những kinh nghiệm, những bài học lâm sàng vô cùng quý giá.
Nhớ lại những ngày tháng đó, tôi luôn nhớ tới một người thầy lớn có vốn kiến thức vô cùng uyên thâm và toàn diện, có những kinh nghiệm lâm sàng vô cùng phong phú và nhạy bén.
Tô cứ nghĩ mãi hồi đó làm gì có những máy móc hiện đại như bây giờ đâu, nhưng thầy Chung với cách hỏi bệnh tỷ mỷ, cách thăm khám lâm sàng toàn diện, những kinh nghiệm lâm sàng được đúc kết qua nhiều năm nên thầy đã luôn đưa ra chẩn đoán bệnh rất chính xác.
Có một lần, thầy Đinh Văn Tài, một chuyên gia Tim mạch bị mệt phải nằm viện. Thầy Phạm Gia Khải và tôi có mời thầy Chung xem cho thầy Tài. Sau khi thăm khám, thầy động viên với thầy Tài là “thôi cứ an tâm nhé”, nhưng bước ra khỏi phòng, thầy xúc động nói ngay với chúng tôi “Tài nó bị ung thư gan rồi”. Tôi cũng giật mình vì thầy Tài trước đây rất khỏe, triệu chứng lâm sàng hiện tại cũng không điển hình, nhưng một người thầy giàu kinh nghiệm lâm sàng như thầy Chung đã chẩn đoán ngay ra bệnh.
Thầy Chung rất chú ý đến vấn đề đối chiếu giữa lâm sàng và giải phẫu bệnh. Mỗi khi có bệnh nhân bị tử vong, bác sĩ Nội trú chúng tôi đều phải xuống xem mổ tử thi, ghi chép đầy đủ các tổn thương và cân nặng của từng phủ tạng một để sáng hôm sau báo cáo cụ thể với thầy trong buổi giao ban.
Lúc thầy lâm bệnh đã nặng, khi anh em Bộ môn đến thăm, thầy vẫn cố gắng dặn dò rằng: Còn một điều tôi chưa làm được nhưng các anh phải cố gắng thực hiện, đó là xây dựng cho được chuyên khoa “Sexology”. Ngày nay thấy có nhiều bệnh nhân muốn được tư vấn, thăm khám trong lĩnh vực này, chúng tôi lại càng thấy tầm nhìn chiến lược của thầy từ những ngày xa xôi đó.
Vào những năm 1970, khi đất nước còn muôn vàn khó khăn tài liệu giáo khoa về y học còn vô cùng hiếm hoi thì 2 cuốn sách về “Bệnh học nội khoa” và “Điều trị học” chứa đựng kho kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng rất quý báu của thầy đã thực sự là những cuốn cẩm nang, những cuốn sách gối đầu giường cho bao thế hệ bác sĩ.
Những thế hệ học trò chúng em luôn luôn nhớ đến thầy với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Chúng em nguyện sẽ mãi nhớ những lời thầy đã chỉ dẫn để có thể cố gắng làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ vinh quang của một người thầy thuốc và thầy giáo mà xã hội đã tin tưởng giao phó!
GS.TS Nguyễn Lân Việt
Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam
Trích trong cuốn “Đặng Văn Chung – Cuộc đời và sự nghiệp” – NXB Y học