Nguyên nhân bệnh bướu cổ: Hiểu để phòng bệnh

Hầu hết mọi người đều biết thiếu iod là nguyên nhân gây ra bướu cổ. Nhưng có phải tất cả các trường hợp hợp bướu cổ đều bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu iod hay không thì nhiều người vẫn chưa rõ. Vậy thực tế có bao nhiêu nguyên nhân gây bệnh bướu cổ?

1. Những dấu hiệu phát hiện bệnh bướu cổ

Bướu cổ có 3 dạng đó là: Lành tính, ác tính và rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp, suy giáp). Trong đó, lành tính là dạng thường gặp nhất chiếm 80%. Bướu cổ lành tính hay còn được biết đến với tên gọi là bướu cổ đơn thuần. Đa phần khi bướu cổ còn nhỏ thường không gây ra những dấu hiệu điển hình. Các dấu hiệu sẽ rõ và dễ nhận biết hơn khi bướu cổ đủ lớn gây áp lực lên khí quản và thực quản. Những dấu hiệu giúp phát hiện bướu cổ gồm:

  • Cổ sưng to hơn bình thường
  • Cảm giác khó thở, nhất là khi nằm ngửa hoặc khi vươn cánh tay lên
  • Cảm giác vướng, khó nuốt
  • Ho
  • Khàn tiếng
  • Đau ở khu vực của tuyến giáp
Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ
Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ

2. Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ thường gặp

Bướu cổ thường xảy ra do sự thay đổi chức năng hoặc cấu trúc của tuyến giáp, khiến nó trở nên to ra. Các nguyên nhân gây bệnh bướu cổ thường gặp gồm:

Thiếu iod

Iod là một khoáng chất vi lượng được tìm thấy tự nhiên trong cá và thực phẩm từ thực vật. Nó giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi không có đủ iod trong cơ thể, mức độ hormone sẽ giảm xuống. Điều này kích thích giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ tuyến yên, khiến tuyến giáp to ra nhằm tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn.

Những người có chế độ ăn uống ít iod tiềm ẩn nhiều khả năng bị bệnh bướu cổ hơn. Những người sống trong đất liền hoặc ở độ cao thường bị thiếu iod, do không được tiếp cận với các thực phẩm có hàm lượng iod cao tự nhiên, từ đó có nguy cơ bị bướu cổ. Ngoài ra, một số thực phẩm như bắp cải, bông cải xanh và súp lơ trắng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt iod bằng cách ức chế sản xuất hormone tuyến giáp.

Tuyến giáp hoạt động bất thường

Cả hai tuyến giáp hoạt động quá mức và kém hoạt động, được gọi là cường giáp và suy giáp, đều có khả năng gây ra bệnh bướu cổ.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một nguyên nhân phổ biến gây bướu cổ suy giáp. Đây là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó có sự phá hủy tuyến giáp bởi hệ thống miễn dịch của chính mình. Khi tuyến bị tổn thương, nó sẽ ít có khả năng cung cấp đầy đủ hormon tuyến giáp. Tuyến yên cảm nhận mức hormone tuyến giáp thấp và tiết ra nhiều TSH hơn để kích thích tuyến giáp. Sự kích thích này làm cho tuyến giáp phát triển, có thể sinh ra bướu cổ.

Một nguyên nhân phổ biến khác của bệnh bướu cổ cường giáp là bệnh Graves. Trong trường hợp này, hệ thống miễn dịch của một người tạo ra một loại protein, được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI). Cũng như TSH, TSI kích thích tuyến giáp mở rộng tạo ra bướu cổ. Tuy nhiên, TSI cũng kích thích tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp (gây ra cường giáp). Vì tuyến yên cảm nhận được quá nhiều hormone tuyến giáp, nó sẽ ngừng tiết TSH. Mặc dù vậy, tuyến giáp vẫn tiếp tục phát triển và tạo ra hormone tuyến giáp. Do đó, bệnh Graves sinh ra bướu cổ và cường giáp.

Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi về nồng độ hormone ở những giai đoạn cụ thể trong cuộc đời cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ trong một số trường hợp. Đặc biệt, những thay đổi về hormone trong thời kỳ dậy thì, mang thai và mãn kinh có thể dẫn đến những tác động này. Điều này cũng lý giải vì sao nguy cơ mắc bướu cổ ở nữ giới cao hơn nam giới.

Ví dụ, khi mang thai, một loại hormone được gọi là gonadotropin màng đệm ở người (HCG) được sản xuất. Việc tăng sản xuất hormone này có thể dẫn đến sưng tuyến giáp.

Thuốc

Có một số loại thuốc có khả năng gây bướu cổ trong một số trường hợp. Ví dụ, lithium, một loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tâm lý hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần, đôi khi có thể dẫn đến bệnh bướu cổ. Ngoài ra, Amiodarone  – thuốc điều trị loạn nhịp tim mức độ nặng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.

Xạ trị

Điều trị bức xạ hướng vào vùng cổ hoặc ngực nơi có tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp và có khả năng gây ra bướu cổ. Điều này thường thấy với những bệnh nhân đã trải qua quá trình xạ trị ung thư vùng cổ.

Nốt hoặc nang trong tuyến giáp

Các nốt hoặc u nang tuyến giáp là sự phát triển mô rắn hoặc chứa chất lỏng bên trong tuyến giáp. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan, và có thể là nguyên nhân bệnh bướu cổ. Phần lớn các nốt này là lành tính, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể là ác tính.

3. Một số nguyên nhân gây bệnh bướu cổ hiếm gặp

Ngoài những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh bướu cổ, còn có nhiều yếu tố khác ít phổ biến hơn. Một số nguyên nhân bướu cổ hiếm gặp như:

  • Khiếm khuyết di truyền
  • Do chấn thương
  • Do nhiễm trùng
  • Hút thuốc lá
  • Ăn một lượng rất lớn các loại thực phẩm nhất định như đậu nành, đậu phộng hoặc các loại rau thuộc họ cải

4. Chữa bướu cổ như thế nào cho hiệu quả?

Điều trị bướu cổ
Điều trị bướu cổ

Nếu bướu cổ nhỏ và chưa có các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, bác sĩ sẽ khuyên người mắc chỉ cần theo dõi và thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý.

Các phương pháp điều trị tuyến giáp mở rộng bao gồm:

  • Bổ sung iod: Người bệnh nên bổ sung đủ lượng iod cơ thể cần thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc sử dụng thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia.
  • Thuốc: Levothyroxine (Levothroid®, Synthroid®) là một liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Nó được kê đơn nếu nguyên nhân bệnh bướu cổ là do tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Các loại thuốc khác được kê đơn nếu nguyên nhân bệnh bướu cổ là do tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp). Những loại thuốc này bao gồm methimazole (Tapazole®) và propylthiouracil. Bác sĩ có thể kê đơn aspirin hoặc thuốc corticosteroid nếu bướu cổ do viêm.
  • Điều trị bằng iốt phóng xạ: Phương pháp điều trị này, được sử dụng trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, liên quan đến việc uống iod phóng xạ bằng đường uống. Iod đi đến tuyến giáp và giết chết các tế bào tuyến giáp, làm co lại tuyến. Sau khi điều trị bằng iod phóng xạ, người bệnh thường phải dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại của mình.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Có thể cần phẫu thuật nếu bướu cổ lớn và gây khó thở và nuốt. Phẫu thuật đôi khi cũng được sử dụng để loại bỏ các nốt sần. Nếu bị ung thư thì phải phẫu thuật. Tùy thuộc vào số lượng tuyến giáp bị loại bỏ, người bệnh có thể phải điều trị thay thế hormone tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại của mình.

Xem thêm

Những dấu hiệu bướu cổ dễ nhận biết

5. Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bướu cổ bằng cách nào?

Để phòng bệnh bướu hiệu quả, cách tốt nhất là ngăn ngừa nguyên nhân bệnh bướu cổ. Do đó, bạn có thể áp dụng các cách sau để phòng ngừa bướu cổ:

  • Bổ sung iod đúng cách bao gồm đúng lượng, đúng thời điểm thông qua thức ăn tự nhiên.
  • Cân đối chế độ ăn với các loại thực phẩm gây hại cho tuyến giáp như các loại rau cải, đồ ăn đóng gói, chế biến sẵn,…
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại.
  • Nếu bạn nhận thấy có bất kỳ biểu hiện của bướu cổ nào thì nên khi khám sớm.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Tóm lại, để phòng bệnh bướu cổ, bạn nên ngăn chặn những nguyên nhân bệnh bướu cổ càng sớm càng tốt.

BS. Nguyễn Thị Nga

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận