Nguyên nhân biểu hiện và phương pháp điều trị mụn thịt
Mụn thịt là hiện tượng thường gặp trên là da của mỗi người. Khi có mụn thịt xuất hiện trên cơ thể, chúng không gây đau mà chỉ xuất hiện những nốt sẩn trên cơ thể. Vì vậy việc khắc phục và điều trị sớm tình trạng trên nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ trên da nên được thực hiện sớm.
Nội dung bài viêt
1. Mụn thịt là gì?
Mụn thịt
Mụn thịt hay có tên khoa học là Syringomas, đây là các khối u lành tính, xảy ra do tình trạng tăng sinh collagen quá mức khiến cấu trúc da bị thay đổi hoặc do rối loạn hoạt động tuyến mồ hôi. Mụn thịt được mô tả là một vết sưng cứng giống như mụn nhọt (sẩn) trên da, thường hình thành thành cụm hoặc nhóm nhỏ lồi trên da của bạn, có thể ở bất kì vị trí nào trên cơ thể như: da mặt, bụng, lưng, thậm chí là bộ phận sinh dục.
Mụn thịt thường vô hại và không cần điều trị, tuy nhiên bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về việc loại bỏ mụn thịt nếu như bạn thấy không thích chúng xuất hiện trên da của mình.
2. Nguyên nhân gây mụn thịt
Theo các chuyên gia da liễu, hiện nay chưa xác định rõ nguyên nhân gây mụn thịt trên da người. Tuy nhiên có một số yếu tố đã được chứng minh có liên quan hoặc làm tăng khả năng mắc mụn thịt.
Một số yếu tố gây mụn thịt ở người
- Yếu tố trực tiếp: Hệ thống sắc tố collagen trong cơ thể bị rối loạn là yếu tố chính dẫn đến mụn thịt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng collagen là nhân tố quan trọng trong việc kết nối các tế bào, kích thích quá trình trao đổi chất, kết nối các mô dưới da thành cấu trúc hoàn chỉnh. Khi có sự tăng sinh quá mức collagen cùng với sự mất cân bằng hoạt động tuyến mồ hôi (sự phát triển quá mức của các tế bào trong tuyến mồ hôi) dẫn đến sự hình thành các nốt thịt cộm trên da.
- Yếu tố gián tiếp: chủ yếu do chế độ sinh hoạt không lành mạnh:
Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thực phẩm giàu chất béo… là yếu tố làm tăng nguy cơ bị mụn thịt.
Làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt có ảnh hưởng đến da như dưới ánh nắng mặt trời tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi…
Căng thẳng, stress kéo dài cũng là thủ phạm gây lão hoá da do tổn hại đến các sợi collagen trong cơ thể.
Tình trạng da ở mỗi người cũng làm tăng khả năng mắc mụn thịt. Ở những người da dầu thường có tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, ảnh hưởng đến cơ thể đào thải chất nhờn khỏi da, qua đó dẫn đến tình trạng mụn thịt trên da.
Một số đối tượng có nguy cơ bị mụn thịt: cha mẹ có người bị mụn thịt, người mắc bệnh lý đái tháo đường, người thường xuyên sử dụng sản phẩm chăm sóc da mà không làm sạch da kỹ, những người được chẩn đoán có hội chứng Down hoặc Marfan…
3. Các dấu hiệu nhận biết mụn thịt
Triệu chứng của mụn thịt rất dễ nhận biết thông qua mắt thường: Ban đầu trên da xuất hiện nốt nhỏ mụn bé như đầu kim, thích thước 1mm-5mm, thậm chí có thể là 2cm. Tính chất thịt sần sùi, nổi trên bề mặt da, có thể nằm rải rác tại các vị trí trên cơ thể hoặc nằm đơn lẻ độc lập. Màu sắc có thể màu vàng, mờ hoặc cùng màu sắc với da tự nhiên của bạn. Khi chạm vào bạn sẽ không cảm thấy đau rát hoặc nếu tác động lực vào mụn thịt da phần xung quanh sẽ đỏ nhẹ.
Mụn thịt thường gặp phổ biến ở trên mặt người bệnh
Các nốt mụn thịt có thể ở bất kì vị trí nào trên da: thông thường là trên mặt, trên ngực, nách, thậm chí ở vùng mông và háng. Tuỳ thuộc vào từng vị trí mà có gây hậu quả khác nhau đối với người bệnh: Mụn thịt ở mắt có thể gây sụp mi, ở dương vật có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sinh lý, ở hậu môn thì gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi đại tiện…
Mụn thịt có thể dễ nhầm lẫn với một số loại mụn khác do cùng chung đặc điểm đều nổi cục mụn sần trên bề mặt da, kích thước bé. Tuy nhiên mụn thịt không có tình trạng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) mà trong một số trường hợp chỉ gây ngứa ngáy cho người bệnh.
4. Điều trị mụn thịt như thế nào?
Như đã nói như trên, mụn thịt thường không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên mụn thịt ở vài vị trí như mi mắt, dương vật có thể gây hậu quả khôn lường . Mục đích của điều trị là giảm các triệu chứng cũng như loại bỏ mụn thịt hoàn toàn khỏi da của bạn.
4.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào từng loại da và các triệu chứng của bạn mà bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn cho bạn những loại thuốc thích hợp. Thuốc có thể là thuốc bôi, bạn có thể thoa lên da như kem dưỡng hoặc cũng có thể là thuốc uống dạng viên.
Sử dụng thuốc bôi có tác dụng điều trị mụn thịt hiệu quả
Có một số loại thuốc khác nhau mà các cơ sở y tế của bạn có thể sử dụng để điều trị mụn thịt nếu bạn không thích cách chúng xuất hiện trên da của mình. Các loại thuốc phổ biến nhất bao gồm:
- Isotretinoin bôi vào vị trí tổn thương vào buổi tối. Đây là một phương pháp điều trị phổ biến đối với mụn thịt do có thể làm giảm sự xuất hiện của loại mụn này.
- Atropin dung dịch 1%: thoa 1 lần/ngày có tác dụng điều trị ngứa và làm giảm kích thước tổn thương do mụn thịt.
- Tranilast (axit anthranilic): có tác dụng điều trị hiệu quả với mụn thịt, thuốc giúp giảm kích thước và giảm triệu chứng ngứa do mụn thịt gây ra.
Bên cạnh đó, việc tẩy tế bào chết thường xuyên cũng được chứng minh có tác dụng trong việc điều trị và phòng ngừa mụn thịt. Tẩy da chết thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, giúp da ít nổi mụn hơn. Một số sản phẩm tẩy tế bào chết lành tính thường dùng như: acid glycolic, acid salicylic, acid lactic…
4.2. Điều trị xâm lấn
Các phương pháp điều trị xâm lấn có vai trò hiệu quả trong việc loại bỏ những nốt mụn sần trên da gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bạn. Phương pháp phổ biến hiện nay thường được dùng như:
Sử dụng laze trong điều trị mụn thịt
- Trị liệu bằng laze: đây là phương pháp sử dụng công nghệ mới tiên tiến và phổ biến hiện nay. Sử dụng chùm ánh sáng và nhiệt chiếu vào cùng da bị mụn thịt nhằm giảm sự xuất hiện của các nốt mụn sần. Tùy thuộc vào tình trạng và vị trí của mỗi người mà sử dụng công suất khác nhau.
- Phẫu thuật: có thể thành công đối với vùng tổn thương nhỏ. Phương pháp này có thể lấy đi hoàn toàn mụn thịt trên da song dễ gây hậu quả hình thành sẹo và khả năng tái phát lại mụn thịt là khá cao.
- Phẫu thuật sử dụng bức xạ: phá hủy khối mụn thịt bằng cách sử dụng bức xạ ion hóa. Tuy nhiên đây là phương pháp không được khuyên dùng có có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể.
BS Nguyễn Thị Thu Hiền