Những nguyên nhân cao huyết áp bạn cần biết để phòng tránh
Ngoại trừ các trường hợp tăng huyết áp vô căn, một số nguyên nhân cao huyết áp như bệnh lý cushing, cường giáp, do dùng thuốc… nếu được phát hiện có thể loại bỏ được tình trạng này.
Nội dung bài viêt
1. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là gì?
Huyết áp là áp lực của máu lưu thông tác động lên thành mạch. Nhằm đưa máu tới nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.
- Chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg được coi là cao huyết áp
Huyết áp được thể hiện dưới dạng chỉ số huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương. Ví dụ 120/80 mmHg.
Gọi là cao huyết áp khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg.
Cao huyết áp gây nhiều hệ quả xấu lên các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim, mắt, não, thận… Có thể kể đến một vài tai biến nguy hiểm như chảy máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, phù phổi cấp gây khó thở…
Cao huyết áp có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm mà không có triệu chứng gì. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm tăng huyết áp bằng cách kiểm tra huyết áp định kỳ thường xuyên là vô cùng quan trọng.
2. Các nguyên nhân cao huyết áp
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tăng huyết áp. Đó là nguyên nhân tiên phát và nguyên nhân thứ phát. Đối với một số nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi bệnh.
2.1 Tăng huyết áp tiên phát (Cao huyết áp tiên phát)
- Béo phì là một yếu tố nguy cơ của cao huyết áp (Ảnh internet)
Đại đa số các trường hợp cao huyết áp ở người lớn là không có căn nguyên. Còn gọi là tăng huyết áp tiên phát hay tăng huyết áp nguyên phát, hay tăng huyết áp vô căn. Loại này chiếm tới 95% các trường hợp cao huyết áp.
Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Các yếu tố này bao gồm:
- Nam giới hoặc phụ nữ đã mãn kinh
- Tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị tăng huyết áp
- Hút thuốc lá, uống rượu bia
- Thừa cân béo phì
- Lối sống ít vận động
- Rối loạn mỡ máu
Trong đó, các yếu nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu, béo phì, ít vận động… có thể thay đổi được. Để phòng tránh bệnh tăng huyết áp, cần cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ này.
2.2 Tăng huyết áp thứ phát
Tăng huyết áp thứ phát hay còn gọi là tăng huyết áp có căn nguyên. Loại này chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp tăng huyết áp. Tuy nhiên có thể điều trị khỏi nếu phát hiện được nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp tăng huyết áp cần lưu ý tìm căn nguyên bao gồm:
- Phát hiện tăng huyết áp ở người trẻ <30 tuổi hoặc người già >60 tuổi.
- Tăng huyết áp khó khống chế bằng thuốc
- Tăng huyết áp tiến triển nhanh hoặc ác tính
- Có các biểu hiện bệnh lý cơ quan khác có thể là nguyên nhân của tăng huyết áp.
Sau đây là các nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát hay gặp nhất:
2.2.1 Các bệnh về thận:
– Viêm cầu thận:
Viêm cầu thận cấp hay mạn đều làm tổn thương lỗ lọc ở cầu thận gây thoát protein ra ngoài nước tiểu. Theo các báo cáo chỉ ra rằng khoảng trên 50% các bệnh nhân bị viêm cầu thận có tăng huyết áp.
– Sỏi thận:
Sỏi thận cũng là một nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp thường gặp.
– Bệnh thận đa nang:
Bệnh thận đa nang là bệnh lý di truyền trong đó có xuất hiện nhiều u nang trong thận. Các nang trong thận làm ngăn cản chức năng hoạt động bình thường của thận, và có thể gây tăng huyết áp.
– Hẹp động mạch thận:
Hẹp một hoặc cả hai bên động mạch thận gây ra tăng huyết áp nặng. Do giảm lưu lượng máu qua thận sẽ kích hoạt bộ máy cạnh cầu thận của thận. Dẫn tới tăng tiết aldosterone là chất có tác dụng hấp thu muối và nước. Hậu quả là huyết áp tăng.
2.2.2 Các bệnh lý nội tiết:
– U tủy thượng thận:
U tủy thượng thận làm rối loạn chức năng tuyến thượng thận. Các hormone adrenalin và noradrenalin sẽ tăng cao trong máu dẫn tới tăng huyết áp.
– Hội chứng Cushing:
Đó là tình trạng tăng nồng độ cortisol máu bệnh lý gây ảnh hưởng lên toàn cơ thể. Biểu hiện là tăng huyết áp kèm biến đổi kiểu hình như béo mặt, rậm lông, nhiều trứng cá, loãng xương…
– Cường aldosterone:
Aldosterone là một hormone của cơ thể có tác dụng giữ muối và nước. Nếu tăng cao sẽ làm huyết áp của người bệnh tăng lên, gây bệnh tăng huyết áp.
– Cường giáp:
Cường giáp gặp trong một số bệnh lý tuyến giáp như basedow, bướu nhân tuyến giáp… Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể dẫn tới cao huyết áp.
2.2.3 Các bệnh tim mạch:
– Hẹp động mạch chủ:
Động mạch chủ bị thu hẹp, khiến tim phải bơm mạnh hơn để đẩy máu nuôi cơ thể. Lâu ngày dẫn tới tăng áp lực máu trong lòng mạch, thể hiện bằng huyết áp tăng cao.
– Hở van động mạch chủ:
Hở van động mạch chủ làm giãn buồng tim trái, là một nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp thứ phát.
– Hẹp xơ vữa động mạch chủ bụng:
Hẹp xơ vữa động mạch chủ bụng mà có làm ảnh hưởng tới động mạch thận cũng dẫn tới tình trạng tăng huyết áp ở người bệnh.
2.2.4 Nhiễm độc thai nghén:
Tăng huyết áp là một trong các biểu hiện của tình trạng nhiễm độc thai nghén. Hậu quả làm tăng các nguy cơ cho cả mẹ và con như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
2.2.5 Yếu tố tâm thần:
Một vài nghiên cứu đã chứng minh, căng thẳng stress làm tăng trị số huyết áp. Lâu ngày có thể góp phần hình thành bệnh lý tăng huyết áp.
2.2.6 Sử dụng một số thuốc:
- Một số loại thuốc có thể là nguyên nhân cao huyết áp
– Các thuốc nhóm glucocorticoid:
Các thuốc thuộc nhóm này như prednisolone, medrol, dexamethasone… Đây là những thuốc thường bị lạm dụng để giảm đau, chống viêm trong các bệnh lý cơ xương khớp, hen suyễn… Ngoài ra những thuốc này còn gây tác dụng phụ là tăng huyết áp.
– Các thuốc cường alpha giao cảm:
Các thuốc cường alpha giao cảm như thuốc nhỏ mũi chữa ngạt mũi… cũng là thủ phạm gây bệnh huyết áp cao ít người biết đến. Do vậy cần lưu ý sử dụng đúng theo chỉ định của bác sỹ, tránh dùng bừa bãi.
Xem thêm
– Cam thảo:
Cam thảo là vị thuốc bắc quen thuộc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Nhiều người có thói quen sử dụng nước cam thảo thay nước uống hàng ngày. Tuy nhiên, cam thảo khi dùng thường xuyên hoặc dùng quá nhiều làm tăng nồng độ mineralocorticoid nội sinh. Lâu ngày dẫn tới cao huyết áp.
– Thuốc tránh thai:
Thuốc tránh thai có chứa các thành phần estrogen và hoặc progesterone có thể gây tác dụng phụ là tăng huyết áp cho người dùng.
Việc hiểu biết về các nguyên nhân tăng huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ của căn bệnh này sẽ góp phần giảm thiểu được hệ lụy xấu của tăng huyết áp gây ra cho mỗi người dân và cho xã hội.
BS Huyền Hương