Nguyên nhân dẫn tới suy thận là gì?
Suy thận làm cho chức năng thận bị suy giảm, khả năng lọc máu và bài tiết chất thải, điều hoà thể tích máu,…đều bị ảnh hưởng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Việc xác định rõ nguyên nhân gây suy thận và kịp thời điều trị sẽ giúp bệnh nhân tránh được các nguy cơ như ghép thận, chạy thận nhân tạo…Hãy cùng tìm hiểu tất cả nguyên nhân gây suy thận tại bài viết dưới đây.
Nội dung bài viêt
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của suy thận cấp?
Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp là gì?
Có nhiều cách để phân loại nguyên nhân của bệnh suy thận cấp, tuy nhiên phổ biến nhất là phân loại theo cơ chế bệnh sinh.
Nguyên nhân trước thận (suy thận cấp chức năng).
Nhóm nguyên nhân này bao gồm tất cả các nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, dẫn tới giảm áp lực lọc cầu thận và gây ra thiểu niệu hoặc vô niệu:
Giảm thể tích tuần hoàn
- Mất máu: trong chấn thương, xuất huyết tiêu hoá, …
- Mất qua da: mất mồ hôi quá nhiều do vận động nặng kéo dài như làm việc nặng trong môi trường nhiệt độ cao mà không được bù đủ nước điện giải, bỏng nặng, bệnh nhân bị hội chứng tăng thân nhiệt ác tính, …
- Mất qua đường tiêu hoá: tiêu chảy, nôn, lỗ dò đường tiêu hoá, hút dịch tiêu hoá.
- Mất qua thận: điều trị lợi tiểu liều quá cao, đa niệu thẩm thấu trong đái tháo đường mất bù, tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng Natri máu hay dùng Manitol
- Giảm cung lượng tim: Hạ huyết áp trong các tình trạng sốc (tim, nhiễm trùng, phản vệ, xuất huyết), suy tim xung huyết, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim có chèn ép tim.
- Nguyên nhân gây giảm khối lượng tuần hoàn khác: giảm áp lực keo trong hội chứng thận hư, xơ gan mất bù, thiểu dưỡng.
Suy thận cấp do xuất huyết tiêu hoá
Do mạch thận
- Tắc tĩnh mạch thận
- Co thắt mạch thận do thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II, kháng viêm không steroid, ức chế calcineurines
- Nhồi máu động mạch thận
- Hẹp động mạch thận
- Xơ vữa mạch thận
Nguyên nhân tại thận (suy thận cấp thực thể)
Bệnh cầu thận và các mạch máu nhỏ trong thận
- Do viêm cầu thận thể tiến triển nhanh, thường gặp thể viêm cầu thận hoại tử và ngoài màng trong bệnh cảnh viêm mạch hoại tử, hoặc viêm cầu thận tăng sinh trong và ngoài màng trong bệnh cảnh của lupus, xơ cứng bì, ban xuất huyết dạng thấp.
- Viêm màng trong tim nhiễm khuẩn bán cấp gây viêm các mạch máu trong thận.
- Hội chứng tan máu tăng ure huyết, hội chứng tan máu giảm tiểu cầu.
- Đông máu rải rác trong lòng mạch.
- Nhiễm độc thai nghén.
- Bệnh kháng thể kháng màng đáy cầu thận: hội chứng Goodpasture.
- Do thuốc: cyclosporin, amphotericin B,…
Bệnh mô kẽ thận
- Nhiễm trùng: vi khuẩn( streptococcus, pneumococcus), virus( EBV, CMV, HIV), nấm, Mycoplasma.
- Nhiễm độc thuốc: Thường qua cơ chế miễn dịch- dị ứng. Kháng sinh: penicillin, rifampicin, vancomycin, quinolone, cephalosporin, …Lợi tiểu: thiazide, furosemide, …Thuốc khác: NSAID, ức chế men chuyển, allopurinol
- Xâm nhập tế bào ác tính vào mô kẽ thận: u lympho, bệnh bạch cầu, ung thư mô liên kết.
Bệnh ống thận: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận cấp thực thể (80%)
- Hoại tử thận sau thiếu máu do tình trạng suy thận trước thận nặng và kéo dài.
- Nhiễm độc thận:Do thuốc: Kháng sinh: aminoside, amphotericine B. Thuốc cản quang, hoá chất điều trị (ciplastin), thuốc gây mê. Do muối kim loại nặng: As, Pb, Hg. Do nọc độc rắn, mật cá lớn như cá trắm, mật động vật, nấm độc, nọc ong, thuốc thảo mộc.
- Tắc ống thận do sản phẩm phân huỷ từ tế bào: tiêu cơ vân, huyết tán trong lòng mạch do truyền nhầm nhóm máu.
- Bệnh thận chuỗi nhẹ
- Tăng calci máu
Nguyên nhân sau thận (suy thận cấp tắc nghẽn)
Các nguyên nhân gây tắc đường dẫn nước tiểu của thận, bao gồm:
- Tắc đường tiết niệu cao: sỏi niệu quản, cục máu đông, mẩu nhú thận hoại tử, lao làm teo hai niệu quản, khối u, xơ hoá phúc mạc thành sau, phẫu thuật thắt nhầm niệu quản.
- Tắc đường tiết niệu thấp: sỏi kẹt niệu đạo, hẹp niệu đạo, tắc ở cổ bàng quang (phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt) , hội chứng bàng quang do thần kinh, u vùng khung chậu lành hay ác tính (u trực tràng, tử cung).
Sỏi niệu quản
Cơ chế nào dẫn đến suy thận cấp
Sự lọc qua cầu thận được tạo ra bởi gradient áp lực từ cầu thận tới khoang Bowman. Áp lực cầu thận phụ thuộc đầu tiên vào dòng máu đến thận và được kiểm soát với sự đề kháng của động mạch đến và động mạch đi. Chức năng lọc của cầu thận trong suy thận cấp giảm hoặc mất hẳn, xảy ra theo cơ chế:
- Giảm dòng máu qua thận ( giảm thể tích, sốc).
- Tính đề kháng của tiểu động mạch đi giảm (giãn tiểu động mạch đi).
- Tính đề kháng của tiểu động mạch đến tăng( co tiểu động mạch đến).
- Tăng áp lực cầu thận tại khoang Bowman khi có tắc nghẽn trong long ống thận hoặc trên đường bài tiết.
- Giảm tính thấm của mạch máu thận.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của suy thận mạn?
Nguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn
Do bệnh cầu thận mãn tính
Trong bệnh suy thận mạn thường hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40%
- Bệnh cầu thận mạn nguyên phát: bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu, Xơ hoá cầu thận ổ đoạn, viêm cầu thận màng, viêm cầu thận tang sinh gian mạch, viêm cầu thận màng tăng sinh, viêm cầu thận tiến triển nhanh.
- Bệnh cầu thận thứ phát: Viêm cầu thận do bệnh hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch máu hệ thống, xơ cứng bì. Viêm cầu thận do các bệnh gây rối loạn chuyển hoá: bệnh đái tháo đường, bệnh nhiễm bột, đa u tuỷ xương.Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu
Bệnh ống- kẽ thận mạn tính
- Nguyên phát: nhiễm trùng tiết niệu, bệnh thận tắc nghẽn, sỏi tiết niệu.
- Thứ phát: bệnh tự miễn, bệnh thận do thuốc, đa u tuỷ.
Bệnh mạch thận
- Nguyên phát: viêm mạch máu do ANCA, loạn dưỡng xơ cơ gây hẹp động mạch thận
- Thứ phát: Xơ vữa động mạch và thuyên tắc do cholesterol gây huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch thận, tăng huyết áp gây xơ vữa mạch thận lành tính hoặc ác tinh.
Bệnh bẩm sinh di truyền hoặc không di truyền
Bệnh thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng Aport, hội chứng móng- xương bánh chè, hội chứng thận hư bẩm sinh
Không tìm thấy nguyên nhân
Cơ chế bệnh sinh của suy thận mạn
Mức lọc cầu thận giảm
Mức lọc cầu thận giảm
Một nephron bị tổn thương ở bất cứ một thành phần nào của nó thì không còn là nephron nguyên vẹn hay nephron này không còn tham gia vào chức năng thận mà đã bị loại khỏi nhóm chức năng. Lúc này các nephron còn lại sẽ gia tăng về cấu trúc và hoạt động chức năng để bù đắp cho sự giảm sút nephron. Khi số lượng nephron giảm đến một mức độ nào đó thì số nephron nguyên vẹn còn lại không đủ đảm bảo chức năng thận sẽ làm giảm mức lọc cầu thận.
Rối loạn tái hấp thu muối nước
Bệnh nhân suy thận mạn sẽ có tăng tái hấp thu muối nước. Do Renin được tăng tiết và tăng hoạt tính nên sẽ làm tăng nồng độ AngiotensinII, Angiotensin II làm tăng bài tiết aldosteron gây tăng tái hấp thu Natri và làm co tiểu động mạch đến gây ảnh hưởng huyết động mao mạch quanh ống thận cũng gây tăng tái hấp thu muối nước. Ngoài ra Angiotensin II trực tiếp làm tăng tái hấp thu Natri ở ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
Cường cận giáp trạng thứ phát
Do sự tăng nồng độ phosphor máu, giảm nồng độ calci máu, giảm tổng hợp calcitriol tại thận làm cho tuyến cận giáp tang sản xuất PTH để đáp ứng với tình trạng mất cân bằng calci- phospho.
Tổn thương xương
Sự giảm nồng độ calci trong máu làm tăng huy động calci từ xương vào máu gây rối loạn chu chuyển xương.
Thiếu máu
Thiếu Erythropoietin (EPO) dẫn tới không kích thích được tuỷ xương sản xuất đủ lượng hồng cầu.
Thiếu sắt
Tan máu: tế bào hồng cầu tăng phá huỷ
Thiếu dinh dưỡng: do phải giảm lượng đạm nạp vào cơ thể
Tăng tiết Renin và tăng hoạt tính của renin
Do cầu thận và mô kẽ thận bị tổn thương, xơ hoá và giảm lượng máu đến thận,do đó renin được bộ máy cạnh cầu thận tăng tiết.
Tăng huyết áp trong suy thận mạn
Cùng với việc quá tải thể tích do giữ nước và natri, tăng tiết renin gây tang huyết áp.
Xem thêm: Các giai đoạn trong suy thận mạn
Những đối tượng có nguy cơ mắc suy thận
Ai có nguy cơ cao mắc suy thận cấp?
- Sốc giảm thể tích, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn,…
- Bệnh nhân bị hội chứng thận hư, xơ gan mất bù, thiểu dưỡng
- Bệnh nhân có mắc các bệnh ở cầu thận, kẽ thận và ống thận
- Bệnh nhân có tắc nghẽn đường tiết niệu
Những ai có nguy cơ mắc suy thận mạn?
- Những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận đặc biệt là bệnh lý về cầu thận, bệnh ống thận mô kẽ như sỏi thận hay nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh mạch máu thận như viêm mạch máu do ANCA, bệnh nang thận và bệnh thận bẩm sinh như thiểu sản thận, nang tuỷ thận.
- Người bệnh mắc một số bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, xơ vữa động mạch, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, bệnh lý ác tính,…
- Bệnh nhân sử dụng một số thuốc gây suy giảm chức năng thận dài ngày như kháng sinh, NSAID, ức chế bơm proton,…
Cách phòng bệnh suy thận
Bỏ hút thuốc lá
Lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt cân nặng, thường xuyên tập thể dục, bỏ thuốc lá,…
Chế độ ăn:
- Bổ sung đủ nước 1,5- 2 lít nước một ngày.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây
- Ăn đủ lượng muối, không nêm mặn, hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ,..
Kiểm soát bệnh đang mắc :
- Kiểm soát tốt huyết áp <140/90 mmHg
- Kiểm soát tốt đường huyết: HbA1c =6.5
- Kiểm soát tốt mỡ máu
Không dùng thuốc một cách bùa bãi, phải dung đúng chỉ định bác sĩ
Khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện bất thường.