Nguyên nhân đi ngoài phân sống ở người lớn và cách điều trị

Đi ngoài phân sống ở người lớn là một tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp. Nó đem đến nhiều sự phiền toái cho người mắc phải, không chỉ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể mà còn bị gầy sút cân do không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Vì vậy hãy cùng nhau đi tìm hiểu cách điều trị, cải thiện triệu chứng cũng như những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đi ngoài phân sống thông qua bài viết ngày hôm nay.  

1. Đi ngoài phân sống ở người lớn là gì?

Sau khi được đưa vào cơ thể, thức ăn sẽ được các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hấp thu, chuyển hóa thành năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu. Thành phần cặn bã còn lại sẽ được đào thải ra ngoài dưới dạng phân. 

Quá trình này sẽ có sự tham gia của các enzym tiêu hóa (enzym thủy phân tinh bột, enzym phân giải protein, enzym phân hủy chất béo,…) và các lợi khuẩn tồn tại trong hệ thống ống tiêu hóa (dạ dày, ruột non, ruột già).

Khi có sự thiếu hụt các enzym tiêu hóa hoặc loạn khuẩn đường ruột. Quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị rối loạn và hậu quả là diễn ra tình trạng đi ngoài phân sống ở người lớn. Hiểu đơn giản là ăn thức ăn gì thì sẽ đi ngoài ra chính loại thức ăn đó. Phân sẽ có màu ngả vàng – xanh, mùi chua, nát, lợn cợn, lổn nhổn, không thành khuôn, nhìn rõ được mẩu vụn thức ăn chưa tiêu hóa

  Đi ngoài phân sống ở người lớn là một tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp

2. Nguyên nhân gây đi ngoài phân sống:

2.1 Nhiễm khuẩn đường ruột

Là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng đi ngoài phân sống ở người lớn. Có thể do vi khuẩn (E.Coli, Salmonella, Shigella, Tụ cầu vàng,..), vi rút (rotavirus, norovirus) hoặc ký sinh trùng (Giardia, Cryptosporidium, Toxoplasmosis).

Đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột là người cao tuổi bởi khi đó hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa đã suy yếu làm cho khả năng chống chọi với bệnh tật giảm đi và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân trên.

Ngoài ra môi trường sống không đảm bảo, điều kiện vệ sinh kém cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột.

2.2 Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Thông thường đường ruột của chúng ta có chứa khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn trong số đó 85% là vi khuẩn có lợi và 15% còn lại là vi khuẩn có hại. Lợi khuẩn có chức năng ức chế sự phát triển của hại khuẩn đồng thời hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tổng hợp một số loại vitamin quan trọng.

Khi có sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cụ thể là sự thiếu hụt các lợi khuẩn, hại khuẩn sẽ nhân cơ hội để phát triển, gây bệnh.

Ở trạng thái bình thường, bên trong đường ruột có sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại

2.3 Do bệnh lý đường tiêu hóa

– Bệnh Crohn:

+ Là bệnh viêm ruột mạn tính, có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào kể cả ruột non lẫn ruột già. Hiện tại vẫn chưa rõ cơ chế nhưng giả thiết cho rằng bệnh thông qua trung gian miễn dịch được ủng hộ nhiều nhất.

+ Bệnh tiến triển mạn tính, có đôi lúc không có triệu chứng khiến nhiều người lầm tưởng bệnh đã khỏi. Nếu không được điều trị bệnh Crohn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc như suy dinh dưỡng do sự suy giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng; tắc ruột do viêm nhiều lần gây sẹo hẹp thành ruột; ung thư hóa, đặc biệt là ung thư đại tràng ở người 50 tuổi trở lên.

 

Trong bệnh Crohn cả ruột non lẫn ruột già đều có thể bị tổn thương

– Hội chứng ruột kích thích: là một tình trạng rối loạn tiêu hóa chức năng, có tính chất mạn tính. Đặc trưng bởi tình trạng táo bón xen lẫn tiêu chảy, đi ngoài cảm giác không hết phân, đi ngoài phân sống, không thành khuôn. Khác với bệnh Crohn, ở Hội chứng ruột kích thích, đường ruột không có tổn thương về mặt giải phẫu hay cấu trúc do đó không làm tăng nguy cơ tiến triển ung thư đại trực tràng. 

2.4 Do bệnh lý toàn thân khác

Một số bệnh lý toàn thân gây ra tình trạng đi ngoài phân sống ở người lớn có thể kể đến là các bệnh lý nội tiết như: tuyến giáp, đái tháo đường,…; các rối loạn tâm lý như: trầm cảm, rối loạn lo âu

2.5 Do những nguyên nhân khác

Hội chứng không dung nạp Lactose: nguyên nhân do sự thiếu hụt enzym Lactase để có thể tiêu hóa Lactose (một loại đường có trong sữa). Người mắc hội chứng này sẽ gặp phải tình trạng buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy đi ngoài phân sống sau khi uống sữa. Bệnh có thể là nguyên phát hoặc thứ phát sau tình trạng viêm ruột non kéo dài, phẫu thuật cắt ruột non. 

Việc sử dụng kháng sinh kéo dài; sử dụng nhiều rượu bia; chế độ ăn không hợp lý, nhiều đồ chế biến sẵn, ít chất xơ;… cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn tới hiện tượng đi ngoài phân sống ở người lớn

3. Điều trị đi ngoài phân sống ở người lớn như thế nào?

Trong trường hợp bạn bị đi ngoài phân sống kéo dài nên đến cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám một cách toàn diện, tìm nguyên nhân gây bệnh từ đó có phương án điều trị thích hợp.

3.1 Loại trừ nguyên nhân gây tình trạng đi ngoài phân sống ở người lớn

Đối với trường hợp đi ngoài phân sống ở người lớn có nguyên nhân nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn, bệnh nhân cần được sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định, đủ liều lượng và thời gian để tránh hiện tượng đi kháng kháng sinh cũng như việc mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột do sử dụng kháng sinh kéo dài.

Đối với nguyên nhân do virus, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn nguyên, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Bổ sung nước và điện giải đầy đủ. Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa. Nghỉ ngơi hợp lý. Và tốt nhất vẫn là phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh môi trường sống, ăn các thực phẩm đã được nấu chín kỹ, rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn lây.

Đối với các bệnh lý toàn thân gây ra tình trạng đi ngoài phân sống ở người lớn, bệnh nhân sẽ được điều trị song song giữa cải thiện triệu chứng và bệnh chính như: điều trị các rối loạn tâm lý, kiểm soát đường huyết bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm ở bệnh nhân đái tháo đường, bổ sung hormon giáp ở bệnh nhân suy giáp,…

3.2 Bổ sung men tiêu hóa và men vi sinh

Giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đi ngoài phân sống ở người lớn.

Men vi sinh có chứa các lợi khuẩn tiêu hóa, giúp tái lập sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Tốt nhất nên sử dụng men vi sinh vào buổi sáng hay ngay sau bữa ăn sáng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bởi vì lúc này axit dạ dày đã được thức ăn trung hòa hết nên không còn khả năng tiêu diệt các lợi khuẩn.

Các loại men tiêu hóa như men tiêu tinh bột, tiêu đạm, tiêu chất béo ( ví dụ là men alpha amylase kết hợp papain, pepsin, trypsin) chỉ nên sử dụng dưới 10 ngày để tránh tình trạng ức chế việc bài tiết các men tiêu hóa của cơ thể.

Bổ sung men vi sinh giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đi ngoài phân sống ở người lớn

3.3 Xây dựng chế độ ăn uống thích hợp

Phối hợp đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm

Tăng cường bổ sung chất xơ, các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Nên chế biến thức ăn ở dạng lỏng, dễ hấp thu như cháo, súp.

Chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày để cơ thể hấp thu được tối đa các chất dinh dưỡng 

Cần hạn chế các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm có mùi tanh, rượu bia, sữa (đối với trường hợp mắc hội chứng không dung nạp Lactose).

BS. Nguyễn Việt Hưng

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận