Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ và cách chăm sóc

Chàm sữa là một loại bệnh viêm da cơ địa, thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là bệnh da liễu thường tái phát nhiều lần khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, cào gãi gây mất ngủ và có thể gây nhiễm khuẩn da nếu không điều trị sớm. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ những hiểu biết về nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ và cách chăm sóc.

1. Bệnh chàm sữa là gì?

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh 

Chàm sữa hay còn được gọi là lác sữa là hiện tượng viêm da cơ địa do phản ứng trên da ở trẻ nhỏ, thường gặp ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi, vị trí thường gặp là ở mặt, hai má, có thể lan lên da đầu thường biểu hiện mụn nước màu đỏ, có thể vỡ ra khô, đóng vảy, bệnh làm trẻ ngứa nhiều. Chàm sữa thường sẽ tự khỏi khi trẻ được 2-4 tuổi, nếu như đến độ tuổi này trẻ vẫn không khỏi thì bệnh sẽ tiến triển, kéo dài, dễ tái phát thành bệnh chàm thể tạng ở người lớn. Bệnh chàm sữa tuy không lây nhưng nếu các bậc cha mẹ không chú ý điều trị sớm cho trẻ  bệnh sẽ trở nên khó chữa trị và kéo dài.

2. Vì sao trẻ sơ sinh hay bị bệnh chàm sữa?

Vì sao trẻ sơ sinh hay bị bệnh chàm sữa?

Hiện nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng theo một số nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân chính sau.

Những bệnh lý da liễu liên quan đến dị ứng, miễn dịch như các loại chàm, viêm da cơ địa thường tác động lên những đối tượng có sức khoẻ làn da kém, bệnh thường tác động lên các đối tượng người già, trẻ em, những người suy giảm miễn dịch,…Chính vì vậy, chàm sữa thường tác động đến da của trẻ sơ sinh, làn da nhạy cảm và non yếu, đặc biệt bệnh này thường xuất hiện vào mùa đông hanh khô, khi da bé trở nên khô ráp, thiếu độ ẩm, dinh dưỡng. 

Bệnh chàm sữa cũng có thể do các nguyên nhân đến từ sữa mẹ. Nếu trong thời gian cho con bú, người mẹ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thức ăn chứa nhiều đạm, thức uống chứa cồn, những loại thức ăn đồ uống này có thể qua sữa mẹ, nếu bé có cơ địa dị ứng với các loại thực phẩm này trẻ có thể xuất hiện chàm sữa.

Một số các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh chàm sữa thường gặp ở trẻ có cơ địa dễ dị ứng. Bên cạnh đó, bệnh có tính chất gia đình, thường nếu cha mẹ có bệnh dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa … thì trẻ sinh ra dễ mắc chàm sữa.  

Ngoài ra chàm sữa ở trẻ có liên quan đến các chất gây dị ứng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài như mạt bụi, bọ chét, ve nấm mốc,… thường có trong chăn, gối, nệm, ga trải giường, thảm hoặc lông động vật nuôi như chó, mèo… cũng có thể gây dị ứng và gây bệnh chàm sữa.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh và biến chứng

    Dấu hiệu nhận biết chàm sữa ở trẻ sơ sinh và biến chứng

– Chàm sữa thường xuất hiện ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi và xuất hiện trên da ở khu vực trên mặt, hai má, đối xứng, có thể lan ra da đầu, toàn cơ thể, tay chân, nhưng chừa các lỗ tự nhiên (mắt, mũi, miệng),…

– Tổn thương da thường tiến triển qua 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn tấy đỏ: Biểu hiện da trẻ đỏ, ngứa và có các mụn nhỏ li ti
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn bắt đầu xuất hiện mụn nước trên nền da đỏ, tập trung thành từng đám.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn chảy dịch, xuất tiết, lúc này các mụn nước vỡ ra chảy dịch.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn đóng vảy, lúc này dịch tiết khô dần và đóng thành vảy màu vàng.
  • Giai đoạn 5: Giai đoạn bong vảy là lúc các vảy tiết bong ra lúc đó da dần trở lại bình thường.
  • Một số trẻ ngoài biểu hiện ngoài da có thể biểu hiện thêm tình trạng dị ứng khác như viêm mũi, ho nhiều trong bệnh cảnh hen.
  • Trẻ bị chàm sữa sẽ ngứa nhiều, khó chịu, hay khóc, khó ngủ, ít bú, trẻ sẽ gãi liên tục dẫn đến mụn nước có thể vỡ ra sớm và chảy máu, nếu không điều trị sớm và đúng cách, bệnh chàm sữa có thể gây biến chứng nhiễm trùng da và có thể gây sẹo trên da ảnh hưởng thẩm mỹ cho trẻ về sau.

4. Làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa?

       

Làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa?

– Trẻ mắc chàm sữa thường dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn thức ăn dễ gây dị ứng vậy nên điều đầu tiên bậc cha mẹ cần loại bỏ các tác nhân dễ gây dị ứng cho trẻ, giữ vệ sinh môi trường, giường chiếu sạch sẽ, tránh xa động vật nuôi có nhiều lông, hàng ngày tắm cho trẻ bằng các loại dầu tắm tốt cho làn da chàm, da nhạy cảm, cần sử dụng thêm thuốc để giữ ẩm cho da.

– Người mẹ khi cho con bú cần tránh ăn, uống các loại thực phẩm dễ qua đường sữa mẹ gây dị ứng cho trẻ như đồ ăn chứa nhiều đạm, hải sản, rượu, bia, …

– Bên cạnh đó trẻ bị chàm sữa có thể ở nhiều giai đoạn và mức độ khác nhau nên phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, khi dùng thuốc cho trẻ bậc cha mẹ cần theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua và sử dụng thuốc, có thể gây biến chứng nặng cho trẻ. 

– Không tự ý dùng kháng sinh liều cao điều trị , trừ khi trẻ bị nhiễm trùng da, vì kháng sinh có thể gây phản ứng thuốc hay còn gọi là phản vệ thuốc, có thể gây biến chứng nặng cho trẻ. 

– Đối với các vết nổi đỏ hoặc mụn nước hay tiết dịch thì nên dùng thuốc dạng dung dịch có có tính sát khuẩn nhẹ.

– Đối với giai đoạn khô da, tróc vảy nên bôi loại thuốc chứa corticoid nồng độ thấp để bôi trong thời gian ngắn 5-7 ngày.

– Không được dùng thuốc chứa hàm lượng corticoid liều cao của người lớn để bôi cho trẻ vì có thể gây teo da, mất màu da, thậm chí gây suy tuyến thượng thận ở trẻ nếu sử dụng lâu dài. Loại thuốc chứa corticoid nếu muốn dùng cho trẻ các bậc cha mẹ phải được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy chàm sữa là một bệnh khá thường gặp ở trẻ sơ sinh và không quá nguy hiểm nhưng các bậc cha mẹ cần lưu ý nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ và cách chăm sóc trẻ đúng cách để tránh gây khó chịu cho trẻ và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

BS Trần Hưng Trà

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận