Nguyên nhân gây mụn bọc và cách khắc phục hiệu quả

Mụn bọc là một thể nặng hơn của mụn trứng cá. Tình trạng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.  Loại mụn này gây nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh và nếu không xử trí kịp thời sẽ gây tổn thương cho làn da của bạn, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, giảm sự tự tin khi giao tiếp. Vậy nguyên nhân gây mụn bọc là do đâu và cách khắc phục như thế nào?

1. Mụn bọc là gì?

Mụn bọc (hay còn gọi là mụn mủ) là tình trạng tổn thương da phức tạp và có biểu hiện nghiêm trọng hơn các loại mụn khác. Đây là kết quả của quá trình viêm nhiễm trên bề mặt da hay do da tiết quá nhiều dầu nhờn kết hợp với bụi bẩn tích tụ khiến lỗ chân lông bị bít tắc, tạo điều kiện khiến vi khuẩn Propionibacterium phát triển và hình thành mụn bọc.

Mụn bọc là những vết mụn viêm sưng, có dịch mủ bên trong

Mụn bọc dưới da dễ khiến nhiều người bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Thực chất, đây là một thể nặng của mụn trứng cá bị viêm nhiễm nhiễm. Biểu hiện thường thấy là các nốt mụn sưng đỏ, cứng xung quanh, vùng nhân mụn có dịch mủ màu vàng hoặc trắng, có thể nổi rõ hoặc nằm sâu trong da. Mụn bọc lâu ngày nếu không xử trí sẽ hình thành ổ khuẩn sâu, có thể gây áp xe, các ổ áp xe có thể thông nhau và hình thành ổ to hơn. Hoặc nếu xử trí sai cách, vô tình chạm tay vào khiến nốt mụn bị vỡ ra sẽ gây viêm nhiễm đến các vùng da xung quanh, gây đau đớn, khó chịu. Mụn vỡ ra sẽ để lại thâm hoặc sẹo gây mất thẩm mỹ.

2. Mụn bọc tiến triển như thế nào?

Mụn bọc thường có kích thước khá lớn và có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên khuôn mặt như trán, cằm, má… Mụn bọc hình thành và phát triển qua 3 giai đoạn.

2.1. Giai đoạn 1

Mụn trứng cá kết hợp với tình trạng bít tắc lỗ chân lông do bụi bẩn, sợi bã nhờn hay vi khuẩn tấn công khiến dịch mủ hình thành. Mụn bọc mủ trong giai đoạn này khá nhỏ và chưa nhận biết rõ ràng.

2.2. Giai đoạn 2

Mụn bắt đầu sưng to lên sau khoảng 2 -3 ngày, gây cảm giác đau nhức nhiều đồng thời bên trong chứa dịch mủ vàng hoặc trắng. Ở giai đoạn này tốt nhất là không nên chạm tay hay xử lý nốt mụn vì sẽ khiến mụn bị vỡ, dẫn đến nguy cơ sẹo thâm, sẹo rỗ trên da.

Giai đoạn mụn sưng to tuyệt đối không chạm tay vào để tránh vỡ nốt mụn

2.3. Giai đoạn 3

Đây là giai đoạn nhân mụn chín và mủ được đẩy lên khỏi bề mặt da. Bạn có thể tiến hành lấy nhân mụn vào thời điểm này. Cần đảm bảo vệ sinh vùng da mụn và dụng cụ lấy nhân mụn thật sạch sẽ để ngăn ngừa viêm nhiễm vùng nhân mụn bị vỡ và loại bỏ hết dịch mủ máu, tránh tái phát. Sau khi đẩy hết nhân mụn, da sẽ dần lành lại và có thể sẽ để lại vết thâm mụn, thậm chí để lại sẹo nếu xử lý không tốt.

3. Nguyên nhân gây mụn bọc

Nguyên nhân hình thành mụn bọc có lẽ là câu hỏi được rất nhiều bạn quan tâm.

3.1. Lượng dầu và bã nhờn tiết ra nhiều

Gan và thận được biết đến với vai trò bài tiết các chất thải dư thừa, độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, khi các cơ quan này hoạt động kém hiệu quả sẽ gây rối loạn chức năng của hệ bài tiết. Trong trường hợp này, cơ thể sẽ đẩy mạnh quá trình hoạt động của hệ nội tiết khiến da tiết nhiều dầu và sợi bã nhờn hơn, thu hút nhiều bụi bẩn, tế bào da chết hình thành mụn.

3.2. Lỗ chân lông bị bít tắc

Việc hệ nội tiết hoạt động quá mạnh cũng dẫn đến hệ quả là chức năng tiết bã nhờn của nang lông bị ảnh hưởng, tiết nhiều dầu khiến da mặt luôn bóng nhờn. Lượng dầu quá nhiều khiến lỗ chân lông bị bít tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành mụn. Đồng thời việc vệ sinh da không đúng cách sẽ khiến mụn bọc ở cằm, mũi hay má dễ dàng phát triển.

3.3. Do vi khuẩn

Một nguyên nhân khác có thể hình thành nên mụn bọc là do cơ thể phản ứng quá mức với vi khuẩn gây mụn trứng cá Propionibacterium acnes gây nên tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng và nguy cơ cao phát triển thành mụn bọc.

Vi khuẩn gây mụn trứng cá cũng là nguyên nhân hình thành mụn bọc

3.4. Do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học sẽ làm cho cơ thể rơi vào tình trạng stress do gan và thận hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến rối loạn các cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế, việc ăn nhiều thức ăn không lành mạnh như đồ ăn nhiều dầu mỡ, chua, cay, nóng…hay chế độ sinh hoạt không đảm bảo khoa học (thức khuya, hay căng thẳng…) đều ảnh hưởng hệ nội tiết, gây mụn bọc. Nếu tình trạng kéo dài quá lâu có khả năng gây nhiễm độc gan rất nguy hiểm.

3.5. Do yếu tố di truyền

Một số trường hợp bị mụn do di truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra chính xác gen liên quan đến tình trạng này. Nếu mụn bọc do di truyền từ các thành viên trong gia định thì đến một thời điểm nào đó, tình trạng này sẽ hết. Không có biện pháp điều trị triệt để song bạn có thể cải thiện phần nào nhờ chăm sóc da đúng cách và chăm sóc sức khỏe tốt.

4. Cần làm gì để mụn bọc nhanh lành?

4.1. Xây dựng chu trình chăm sóc da phù hợp

Chăm sóc da đúng cách và phù hợp với từng loại da góp phần giúp làn da trở nên khỏe đẹp và ngăn ngừa mụn hình thành. Một số điều cần lưu ý trong quá trình chăm sóc da như:

  • Tẩy trang kỹ nếu có trang điểm hoặc hoạt động sau một ngày dài.
  • Rửa mặt 2 lần/ngày mỗi sáng và tối bằng sữa rửa mặt dành riêng cho da mụn.
  • Thoa kem dưỡng ẩm cấp ẩm cho da sau khi rửa mặt.
  • Có thể đắp mặt nạ 2 lần/tuần để cung cấp nước cho da cũng như lấy sạch vi khuẩn và bã nhờn từ lỗ chân lông.
  • Thoa kem chống nắng mỗi ngày. Nên lựa chọn sản phẩm có độ chống nắng cao, không chứa dầu và không gây mụn.
  • Không được sờ vào các nốt mụn đang sưng viêm.
  • Đảm bảo rửa tay thật sạch trước khi tiến hành chăm sóc da.

Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp 

4.2. Sử dụng thuốc bôi tại chỗ

Khi bị mụn bọc mủ, bạn cần đến thăm khám tại cơ sở chuyên khoa da liễu để được tư vấn, hướng dẫn liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng da của bạn. Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc bôi trực tiếp lên vết mụn để giúp tiêu diệt vi khuẩn, thu nhỏ mụn và giảm sưng viêm bao gồm sản phẩm chứa kháng sinh hay chứa hoạt chất đặc trị mụn như benzoyl peroxide, hydrocortisone, axit salicylic, retinoids…

Ngoài ra, các dưỡng chất có trong các loại thực phẩm tự nhiên như tinh chất lô hội, vitamin E, tinh chất nano curcumin có trong nghệ… cũng góp phần hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa mụn phát triển.

4.3. Sử dụng thuốc uống

Ở các trường hợp bị nặng, việc bôi thuốc không hiệu quả, mụn tái xuất liên tục, bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc uống như:

  • Kháng sinh đường uống: Giảm sưng viêm và giảm hoạt động của vi khuẩn. Kháng sinh phù hợp thường được chỉ định là minocycline, tetracycline, doxycycline…
  • Thuốc tránh thai: Giúp cân bằng nội tiết tố, giảm nguy cơ tiết bã nhờn, giảm tình trạng mụn bọc.
  • Isotretinoin: Đây là một dạng chiết xuất của vitamin A, có tác dụng mạnh hơn retinoids. Thuốc được sử dụng hằng ngày và hiệu quả cao với mụn trứng cá và mụn bọc. Lưu ý không sử dụng hoạt chất này cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai vì có thể gây tác dụng không mong muốn.

Sử dụng các loại thuốc đường uống có hiệu quả cao hơn thuốc bôi

4.4. Các phương pháp hỗ trợ điều trị khác

Nếu phương pháp sử dụng thuốc điều trị không có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp hỗ trợ điều trị khác như dùng ánh sáng xanh, tia laser, tiêm thuốc…

DS Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận