Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
Táo bón ở trẻ là một trong các lý do thường gặp nhất khiến cha mẹ phải đưa bé đến khám bác sĩ nhi khoa, chiếm 3-5% các trường hợp. Ước tính có khoảng 1/3 trẻ em trong độ tuổi từ 6-12 tuổi có mắc táo bón ở một thời điểm nào đó trong năm. Vậy nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là gì? Tại sao táo bón ở trẻ dai dẳng và hay tái phát.
1. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
Khoảng 95% trẻ nhỏ bị táo bón chức năng nghĩa là không phải do bệnh lý đường ruột, hay toàn cơ thể mà chủ yếu do sinh hoạt không hợp lý như:
- Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là gì? (Ảnh internet)
1.1. Sinh hoạt chưa hợp lý
Phần lớn các trường hợp táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng, nghĩa là không phải do bệnh lý đường ruột hay của toàn cơ thể mà chủ yếu do sinh hoạt chưa hợp lý. Nín nhịn không chịu đi tiêu, uống không đủ nước hoặc ăn ít chất xơ là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị táo bón.
- Nhịn đi vệ sinh là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ (Ảnh internet)
Theo các bác sĩ, nhiều bé bị táo bón vì nín nhịn đi vệ sinh vì một số lý do có khi khá bất ngờ như nhà vệ sinh khiến bé không cảm thấy thoải mái, hoặc vì trẻ đang “bận” và bỏ qua nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh. Trẻ có thể nhịn đi vệ sinh chỉ đơn giản vì bé bị đau do rách hậu môn.
Nhịn đi vệ sinh khiến phân ở lâu trong cơ thể, lớn và khô cứng. Bé phải gắng sức hơn trong những lần đi vệ sinh sau. Sự “cố gắng” này có khi gây rách hậu môn, chảy máu khiến bé lại càng sợ hơn. Nhịn đi vệ sinh vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ gây táo bón mà còn có thể gây ra các bệnh lý khác cho trẻ.
1.2. Bé bị ép đi vệ sinh, gây ra chứng sợ đi vệ sinh
Nhiều bậc phụ huynh thiết lập cho con một lịch trình giờ giấc đi vệ sinh cố định. Hệ quả là ngay cả khi con có nhu cầu muốn nhưng mẹ vẫn cố ép con phải đi vệ sinh. Việc làm này dễ khiến bé có cảm giác sợ hãi và tìm cách phản kháng lại. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, bé sẽ sinh ra thói sợ đi vệ sinh và dễ dẫn đến bị táo bón.
- Ép bé đi vệ sinh có thể khiến bé sợ hãi (Ảnh internet)
Để tạo lập thói quen tự giác đi vệ sinh cho bé, cha mẹ phải am hiểu các giai đoạn phát triển của bé. Trẻ em cần được học cách biểu đạt các nhu cầu cơ bản của mình tùy vào nhận thức và lứa tuổi của trẻ.
1.3. Trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa
Chỉ khoảng 5% các trường hợp táo bón ở trẻ em là do bệnh lý thực thể. Một số bệnh thường gây táo bón ở lứa tuổi này là các bệnh lý bẩm sinh như bệnh đại tràng vô hạch bẩm sinh (bệnh Hirschsprung), các loại dị dạng hậu môn (không hậu môn, hẹp hậu môn, hậu môn có màng ngăn), bệnh suy giáp bẩm sinh, các bất thường bẩm sinh ở tủy sống, các bệnh lý về não.
1.4. Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi chế độ ăn uống cũng là một trong các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
– Việc bé đổi từ bú mẹ sang bú bình hoặc sữa công thức không phù hợp cũng rất dễ gây táo bón.
– Bé rất dễ bị táo bón trong những ngày đầu tiên tập ăn dặm. Dạ dày của bé đã quen xử lý sữa mẹ, lỏng và dễ tiêu hóa. Khi ăn dặm, bé phải tập tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn nên dễ bị táo bón hơn.
– Ngũ cốc, bánh mì, mì, khoai tây góp phần gây táo bón nếu trẻ ăn quá nhiều.
– Trẻ ăn ít rau sẽ dễ bị táo bón.
- Bé ăn ít rau sẽ dễ bị táo bón (Ảnh internet)
– Tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
– Cho trẻ ăn quá nhiều các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn). Trẻ ăn quá nhiều chất đạm khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, gây nên sự rối loạn.
– Trẻ uống ít nước cũng rất dễ bị táo bón. Mỗi ngày, nên cho trẻ uống từ 1.5 đến 2l nước để hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
1.5. Thay đổi thói quen
Bất kì thay đổi nào trong thói quen hằng ngày cũng có thể gây táo bón ở trẻ. Đây là nguyên nhân có thể dễ dàng nhận thấy. Có nhiều trẻ bị táo bón lúc bắt đầu đi học, tiếp xúc với một môi trường mới. Đi du lịch, đi vệ sinh ở một nơi mới có thể khiến bé cảm thấy không an toàn. Cảm giác đó khiến bé sợ hãi và có tâm lý muốn nhịn đi vệ sinh.
1.6. Sử dụng thuốc không hợp lý
Một số trường hợp trẻ bị táo bón là do sử dụng một số thuốc không hợp lý. Cha mẹ cần biết các loại chống trầm cảm, thuốc giảm đau gây nghiện (codein), thuốc chống co giật, …cũng có thể gây táo bón.
1.7. Dị ứng protein sữa bò
Với một số trẻ, dị ứng protein sữa bò cũng có thể gây ra hiện tượng táo bón.
Ngoài ra, nguyên nhân gây táo bón ở trẻ cũng có thể là do trẻ bị ngộ độc kim loại nặng, đái tháo đường, các dạng rối loạn về hành vi (chậm phát triển tâm thần vận động, tự kỷ, trầm cảm)… dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cha mẹ cần theo dõi sát sao hành vi và những vấn đề bất thường đối với sức khỏe của trẻ để có những điều chỉnh phù hợp.
Xem thêm: Cách phòng bệnh táo bón ở trẻ em
2. Tại sao táo bón ở trẻ dai dẳng và hay tái phát
Rất nhiều trẻ mặc dù đã được điều trị táo bón theo chỉ dẫn của các bác sỹ nhưng trẻ vẫn hay bị táo bón tái phát. Vậy đâu là nguyên nhân khiến táo bón ở trẻ tái phát?
2.1. Lạm dụng thuốc nhuận tràng
Đa số thuốc nhuận tràng chỉ điều trị triệu chứng, giải quyết tình trạng táo bón tức thời, thường tái phát khi dừng thuốc đột ngột. Khi lạm dụng thuốc có thể tác động xấu lên màng nhầy ruột, gây lệ thuộc thuốc. Hậu quả là nhu động hoạt động kém dần đi, phản xạ đại tiện bị mất dần khiến táo bón ngày càng dai dẳng, trở thành mãn tính rất nguy hiểm.
2.2. Thường xuyên tháo thụt nhiều lần
Thụt hậu môn là phương pháp cuối cùng giúp trẻ trị táo bón đi ngoài được và chỉ tiến hành khi thực sự cần thiết, vì nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng không tốt đến phản xạ tự nhiên của cơ hậu môn, mất phản xạ tự đi ngoài. Nhất là trong quá trình thụt rất dễ làm trầy xước và chảy máu hậu môn, có thể gây nhiễm trùng. Ngoài ra nếu thụt thường xuyên trẻ sẽ không tự đại tiện, táo bón ở trẻ dễ tái phát và ngày càng khó chữa hơn.
2.3. Không cho trẻ vận động
Trẻ ngồi trong cũi, xe đẩy nhiều giờ hay mải ngồi xem hoạt hình, nghịch điện thoại, chơi trò chơi… Những điều này dẫn đến việc
nhu động ruột ít được kích thích hoạt động gây táo bón thường xuyên và kéo dài. Thường xuyên thay đổi khu vực chơi, kích thích trẻ di chuyển hay chạy nhảy là điều bố mẹ nên làm thay vì cho trẻ ngồi 1 chỗ quá nhiều.
2.4. Bổ sung nhiều đạm, thiếu chất xơ
Việc bổ sung quá nhiều đạm (thịt, cá, trứng…) hay cho trẻ uống nhiều sữa ngoại dễ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng khiến táo bón nặng nề, dai dẳng hơn.
2.5. Trẻ nóng trong, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn uống ít nước
Quan điểm của Đông y cho rằng, ngoài chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không hợp lý thì nguyên nhân gây bệnh táo bón mạn tính còn do âm hư huyết nhiệt, dân gian hay gọi là “nóng trong”. Vì vậy để giải quyết tận gốc táo bón do nóng trong cần hạn chế các đồ ăn cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, nên uống đủ nước, ăn các thực phẩm, thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát bên trong cơ thể trẻ như rau má, rau diếp cá, Atiso, thực phẩm giàu vitamin C.
2.6. Không kiên trì bổ sung chất xơ, không tập phản xạ đại tiện cho trẻ
Việc tập phản xạ đại tiện hàng ngày cho trẻ là vấn đề cốt lõi trong điều trị táo bón, chấm dứt tình trạng táo bón kéo dài, dễ tái phát. Các chuyên gia y tế khuyên nên bổ sung chất xơ có ích cho việc tập phản xạ đại tiện của trẻ, giúp phân tơi xốp, dễ đào thải
Trên đây là các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ thường gặp và nguyên nhân khiến táo bón ở trẻ tái phát dai dẳng. Cha mẹ có thể dựa vào đó để có cách phòng chống táo ở trẻ cũng như thiết lập được chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón.
GS.TS Nguyễn Khánh Trạch
Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam
Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai