Nguyên nhân và cách điều trị tình trạng ho ra máu

hạnh
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Ho ra máu là một triệu chứng cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm của đường hô hấp. Triệu chứng này không thể coi thường vì trong nhiều trường hợp nó được xem là một cấp cứu nội khoa, nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Nguyên nhân ho ra máu là gì?

Tổn thương phổi-phế quản

Lao phổi

Là nguyên nhân hay gặp nhất, chiếm từ 30% đến 50%, ho ra máu trong lao phổi có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng hoặc rất nặng, thường kèm theo các triệu chứng như ho kéo dài, sốt, sút cân.

Ho ra máu do lao phổi rất thường gặp, thường từ 30-50%

Ho ra máu do lao phổi rất thường gặp, thường từ 30-50%

Ung thư phổi

Chiếm 15% đến 30% nguyên nhân gây ho ra máu. Ho ra máu trong bệnh này tái diễn nhiều lần, có kèm theo ho khạc đờm mạn tính.

Giãn phế quản

Chiếm 20% đến 30% nguyên nhân ho ra máu. Ho ra máu mức độ nhẹ, máu sẫm màu.

Do nhiễm khuẩn phổi – phế quản

Áp xe phổi, viêm phổi hoại tử cũng là bệnh hay gặp gây ra ho ra máu.

Nguyên nhân tim mạch

Ho ra máu gặp trong bệnh suy tim trái, hẹp van 2 lá, cao áp động mạch phổi nguyên phát.

Nguyên nhân khác

Bệnh bạch cầu cấp tính và mạn tính, bệnh xuất huyết Dangue, xuất huyết do giảm tiểu cầu,…

Cơ chế bệnh sinh ho ra máu

Do dập vỡ động mạch hệ thống

Đây là cơ chế ho ra máu thường gặp nhất, hay gặp trong tổn thương viêm xơ ở phổi, bệnh u phế quản, giãn phế quản,… Do có sự tăng sinh mạch máu ở tổn thương viêm hoại tử, khối u, tổn thương xơ, nhất là xơ giãn phế quản sau lao,…khiến bệnh nhân có ho ra máu.

Dập vỡ động mạch phổi lớn trong phế quản

Do áp xe phổi phá hủy nhu mô hoặc u phổi bào mòn, mạch máu bị dập vỡ, phình động tĩnh mạch, phình động mạch rasmussen ở thành hang lao bị vỡ, làm cho người bệnh có ho ra máu và thường là mức độ nặng.

Ho ra máu nguồn gốc từ tuần hoàn phổi

Do tuần hoàn phổi tăng áp lực ở chỗ nối tiếp (đoạn dừng lại Von- Hayek) giữa mạch máu phế quản với mạch máu phổi bị vỡ gây ho ra máu, thường gặp trong các bệnh phù phổi huyết động; nhồi máu phổi. Khi áp lực tuần hoàn phổi càng tăng thì ho ra máu càng nặng nề.

Do chảy máu trong phế nang

Cơ chế do tổn thương màng phế nang mao mạch, hay gặp trong hội chứng lupus ban đỏ rải rác, hội chứng Goodpasture.

Do rối loạn đông máu trong bệnh nội khoa

Hội chứng rối loạn đông máu chảy máu trong các bệnh suy tủy, bệnh bạch cầu cấp, dùng các thuốc chống đông kéo dài.

Làm gì khi bị ho ra máu tại nhà

  • Vệ sinh họng miệng sạch sẽ: Khi bị ho ra máu, cần sử dụng các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng hoặc nước muối vệ sinh họng miệng sạch sẽ vào sáng và tối. Việc làm này sẽ giúp sát khuẩn, loại bỏ vi khuẩn, virus có trong miệng họng, tránh nhiễm trùng. Ngoài ra còn giúp dịu cảm giác đau, ngứa rát trong cổ họng, giúp nhanh lành các tổn thương.
  • Bảo vệ cổ họng khi đi ra ngoài: đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc đến nơi đông người tránh hít phải bụi bẩn trong không khí. Quàng khăn giữ ấm cổ khi thời tiết lạnh, đông đến.
  • Ngoài ra sử dụng máy duy trì độ ẩm không khí tránh làm khô niêm mạc họng…
Vệ sinh cổ họng, súc miệng sạch sẽ vào sáng, tối

Vệ sinh họng, súc miệng sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn vào sáng, tối

Điều trị ho ra máu như thế nào?

Biện pháp không dùng thuốc

Bất động

Khi bệnh nhân đang ho ra máu, cần đặt bệnh nhân nằm đầu thấp và nghiêng mặt về bên nghi ngờ có tổn thương để tránh máu chảy ra từ bên phổi tổn thương trào sang bên phổi lành làm bít tắc phế quản và gây suy hô hấp cấp và tử vong . Động viên bệnh nhân và tránh thăm khám, hỏi han quá nhiều.

Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc

  • Ăn các món ăn giàu chất dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, canh, súp…
  • Ăn nhiều các loại rau củ quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể như cam, bưởi, ổi,…
  • Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

Ho ra máu nên uống gì?

Thuốc cầm máu

Sử dụng các nhóm thuốc là dẫn chất của tinh chất hậu yên như pituitrin, glanduitrin, hypantin, hoặc các thuốc hóa tổng hợp như cyclonamin 250mg/2ml, liều 2-4 ống tiêm tĩnh mạch hoặc pha truyền tĩnh mạch), sandostatin (cơ chế hoạt động: giảm lượng máu lưu thông trong nội tạng nhờ ức chế các hormone hoạt mạch như glucagon, vasoactive intestinal polypeptide .…).

Sử dụng thuốc cầm máu khi gặp tình trạng ho ra máu

Sử dụng thuốc cầm máu khi gặp tình trạng ho ra máu

Bên cạnh đó có thể sử dụng các thuốc làm giảm thời gian và thể tích máu chảy như tranexamic tiêm đường tĩnh mạch liều 0.5-1g/lần, 2-3 lần/ngày; uống 1-1.5 g/lần, 2-3 lần/ngày.

Thuốc giảm ho

Bệnh nhân ho nhiều có thể dùng các thuốc giảm ho như codein, morphin (tiêm dưới da 1 ống 0,01 g hoặc 1/2 ống pha loãng với dung dịch glucoza ưu trương 30% 20ml tiêm tĩnh mạch chậm),…Bên cạnh đó kết hợp thêm các thuốc an thần có tác dụng trấn tĩnh tinh thần cho người bệnh và giảm phản xạ ho (Seduxen hoặc Gacdenal, dùng dạng tiêm hay dạng viên là tùy thuộc vào tình trạng hô hấp của người bệnh và mức độ ho ra máu. Liều dùng: Gacdenal 0,10g hoặc seduxen 10mg tiêm bắp thịt 1 ống x 2 lần/24 giờ).

Kháng sinh phòng bội nhiễm

Khi người bệnh bị ho ra máu, một phần máu sẽ bị đọng trong lòng phế quản, môi trường này thích hợp cho các loại vi khuẩn  sinh sôi phát triển. Do đó để dự phòng nguy cơ nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm cho người bệnh một số loại thuốc kháng sinh, ngăn ngừa bội nhiễm.

Điều trị nguyên nhân

Cần tìm ra các nguyên nhân gây ra ho ra máu để có hướng xử trí và điều trị phù hợp, ví dụ như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản,… nhờ vào khám lâm sàng và các xét nghiệm như chụp X-quang phổi, cấy đờm.

Giảm ho ra máu nhờ các mẹo dân gian

  • Sử dụng mộc nhĩ trắng: đây là loại thực phẩm giàu albumin, đường, chất béo và sinh tố nhóm B, có tác dụng giảm ho ra máu rất tốt. Có thể chưng mộc nhĩ trắng cùng với đường phèn và táo tàu để ăn nhiều lần trong ngày.
  • Sử dụng rau ngổ: rau ngổ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như Vitamin B, C, protid, glucid, caroten, tinh dầu có hoạt tính sát khuẩn, Flavonoid và Coumarin có tác dụng cầm máu.

Các biện pháp khác

Truyền máu khi có chỉ định

Khi bệnh nhân mất máu quá nhiều sẽ được bác sĩ chỉ định truyền máu kịp thời nhằm giảm những tai biến có thể xảy ra cho người bệnh.

Các điều trị can thiệp

  • Nội soi phế quản cầm máu: Thường hay áp dụng trong trường hợp ho máu tái phát hoặc ho ra máu nặng sau các biện pháp điều trị khác.
  • Gây tắc động mạch phế quản: Là một kỹ thuật quan trọng trong điều trị ho máu nặng. Thủ thuật này giúp làm ngừng chảy máu, và đồng thời loại bỏ động mạch phế quản bệnh lý ra khỏi tuần hoàn chung, ngăn ngừa ho ra máu tái phát.

BS.Lê Hạnh

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận