Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn đái tháo đường type 2

Chế độ ăn, thuốc điều trị và tập luyện là 3 vấn đề không thể thiếu trong điều trị tiểu đường. Nếu biết các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn đái tháo đường type 2 dưới đây, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng trong việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp, không cần kiêng khem quá mức mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng trong chế độ ăn đái tháo đường type 2

1.1. Ăn nhiều bữa trong ngày

Bệnh nhân tiểu đường cần tránh để đường huyết tăng quá mức sau ăn và bỏ đói cơ thể gây hạ đường huyết. Đặc biệt là những bệnh nhân hay gặp tình trạng tụt đường huyết do tác dụng phụ của thuốc (VD: Diamicron). Vì thế bạn cần chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa mỗi ngày, 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Trong đó:

  • Ăn sáng: 20% tổng năng lượng/ngày.
  • Phụ sáng: 10% tổng năng lượng/ngày.
  • Ăn trưa: 25% tổng năng lượng/ngày.
  • Phụ chiều: 10% tổng năng lượng/ngày.
  • Ăn tối: 25% tổng năng lượng/ngày.
  • Phụ tối: 10% tổng năng lượng/ngày.

1.2. Sử dụng chất tạo ngọt thay cho đường cát

Người tiểu đường có thể sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo thay cho đường thường
Người tiểu đường có thể sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo thay cho đường thường

Nếu bạn là một người thích ăn đồ ngọt nhưng không may bị tiểu đường, có thể sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo để thay thế. Chất tạo ngọt là những chất có vị ngọt cao gấp nhiều lần so với đường saccharose nhưng lại có calo rất thấp. Một số chất tạo ngọt nhân tạo đã được cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận gồm: saccharin, cyclamate, aspartame,…

1.3. Ăn đúng giờ quy định

Ăn đúng giờ là một trong những nguyên tắc của chế độ ăn đái tháo đường type 2. Cơ thể bạn có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu và cân nặng tốt hơn khi bạn duy trì một lịch trình ăn uống đều đặn. Cố gắng thiết kế khẩu phần ăn vừa phải và nhất quán cho mỗi bữa. Hãy cố gắng ăn một lượng tương đương nhau mỗi ngày, thay vì ăn quá nhiều trong một ngày hoặc một bữa rồi bỏ qua bữa tiếp theo.

1.4. Ăn đủ 5 nhóm thực phẩm

 

5 nhóm chất cần thiết cho người tiểu đường
5 nhóm chất cần thiết cho người tiểu đường

5 nhóm thực phẩm chính trong chế độ dinh dưỡng gồm: ngũ cốc, chất đạm, chất béo, rau và hoa quả, sữa. Trong đó, ngũ cốc, sữa, hoa quả có chứa carbohydrate làm tăng đường huyết.  Protid, lipid, vitamin và khoáng chất không làm tăng đường huyết sau ăn. Bệnh nhân tiểu đường cần ăn uống đủ 5 nhóm thực phẩm này. Và dưới đây là những lưu ý về cách lựa chọn và khẩu phần của từng nhóm trong các bữa ăn.

2. Cách lựa chọn 5 nhóm thực phẩm trong chế độ ăn đái tháo đường type 2

2.1. Ngũ cốc

Ngũ cốc chính là nhóm thực phẩm giàu carbohydrate nhất, cung cấp nhiều năng lượng và gần như không thể thiếu trong các bữa ăn của người Việt Nam.

  • Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế các loại ngũ cốc tinh chế như cơm trắng, bánh mì trắng, bún, miến, phở được làm từ bột tinh chế. Những loại ngũ cốc tinh chế đã loại bỏ chất xơ, vitamin nhóm B nên sẽ làm tăng nhanh đường huyết sau ăn. 1 bát con cơm trắng chứa tới 45g carb = tổng lượng carb trong 1 bữa ăn chính.
  • Thay ngũ cốc tinh chế bằng các loại ngũ cốc nguyên cám: gạo lứt, gạo nâu, yến mạch nguyên cám, hạt kê,… Các loại ngũ cốc nguyên cám có hàm lượng chất xơ cao và giàu vitamin, khoáng chất nên vừa hấp thu chậm, làm chậm đường huyết sau ăn. Đồng thời còn hỗ trợ tiêu hóa cho bệnh nhân tiểu đường.

Xem thêm

https://thaythuocvietnam.vn/nguoi-bi-dai-thao-duong-nen-an-gi-thi-tot/

2.2. Chất đạm

  • Các cơ quan, cơ bắp và hệ thống miễn dịch của cơ thể được cấu tạo từ protein. Cơ thể cũng có thể chuyển hóa protein và acid amin thành glucose trong trường hợp thiếu năng lượng từ glucose.
  • Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,… vì sẽ khiến bệnh khó kiểm soát, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Một nghiên cứu trên 149,000 đàn ông và phụ nữ Hoa Kỳ chỉ ra việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 lên 48%.
  • Tránh các loại thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích vì chúng chứa nhiều chất béo chuyển hóa trans fat làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch
  • Lựa chọn các loại thịt trắng như cá, gia cầm bỏ da, trứng, hải sản, sữa (nên lựa chọn sữa ít béo hoặc tách béo, ít/không đường). Đạm thực vật từ đậu, đậu lăng, các sản phẩm từ đậu nành.

2.3. Chất béo

  • Lựa chọn các thực phẩm chứa chất béo tốt, là chất béo không no trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu), dầu thực vật (dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương), các loại hạt như hạt (hạt điều, óc chó, hạnh nhân), quả hạch, quả bơ.
  • Hạn chế các loại chất béo bão hòa trong mỡ, nội tạng động vật. Tránh xa các loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa transfat. Đây là 2 nhóm chất béo làm tăng cholesterol xấu LDL, triglycerid. Từ đó làm tăng nguy cơ xơ vữa thành mạch và gây ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Chất béo chuyển hóa có trong các nhóm thực phẩm sau:
  • Bánh các loại: bánh ngọt, bánh gato, bánh nướng và các thực phẩm nướng khác…
  • Đồ ăn nhanh: gà rán, pizza, khoai tây chiên…
  • Thực phẩm chiên rán nhiều dầu: bánh rán, bánh khoai, bánh chuối,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn: mì ăn liền, bắp rang bơ, snack,…
  • Bơ thực vật các dạng (dạng thỏi và dạng chứa trong chai)…
  • Vitamin và khoáng chất: có nhiều trong các loại rau củ, quả. Các vitamin và khoáng chất thường tham gia vào quá trình tổng hợp các enzyme điều hòa đường huyết.

2.4. Hoa quả & Rau

  • Trái cây và rau quả tự nhiên thường chứa ít calo, giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư. Và khi bạn bị tiểu đường sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh này hơn.
  • Trái cây: nên lựa chọn các loại trái cây ít đường như: bơ, cam, táo, ổi, lê, dâu tây, mận. Dưới đây là lượng carb trong 1 bát con các loại quả:
  • Bơ: 13g carb
  • Cam: 21g carb
  • Táo: 15g carb
  • Ổi: 24g carb
  • Lê: 16g carb
  • Dâu tây: 11g carb
  • Mận: 30g (3g carb), 55g (5g carb), 100g (9g carb)
  • Các loại trái cây nhiều đường có chứa lượng carb cao: Xoài 25g carb, nho 27g carb, chuối 34g carb, mít 38g carb, sầu riêng 66g carb.

Nếu ăn trái cây trong bữa phụ, bạn nên ăn lượng thức ăn tương đương 15g cab. Nếu ăn trong bữa chính, bạn cần cắt giảm lượng carb từ ngũ cốc để đảm bảo tổng lượng carb chỉ dao động quanh 45g carb.

  • Đa phần các loại rau đều chứa hàm lượng carb thấp. Ngoài ra, trong rau còn chứa hàm lượng chất xơ cao nên sẽ làm chậm việc hấp thu carb nên sẽ làm chậm việc tăng đường huyết sau ăn. Vì thế, bạn nên ưu tiên ăn rau vào đầu bữa ăn để no nhanh hơn và hạn chế ăn quá nhiều.

2.5. Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa là loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và đặc biệt là hàm lượng canxi cao. Sữa cũng được xếp vào nhóm thực phẩm carbohydrate cho bệnh nhân tiểu đường vì có chứa đường lactose.

  • Người bệnh tiểu đường nên hạn chế các loại sữa nguyên kem, sữa bột nguyên kem, sữa có đường vì các loại sữa này có lượng calo cao.
  • Bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn các loại sữa tách béo, sữa ít béo, sữa ít đường, sữa không đường và các loại sữa dành riêng cho người tiểu đường. Trong đó, sữa tách béo đã được loại bỏ lượng chất béo bão hòa trong sữa nên có hàm lượng calo thấp hơn.
  • Ngoài ra, với các bệnh nhân không dung nạp đường lactose, có thể uống các loại sữa hạt, sữa đậu nành, sữa gạo.

Dưới đây là bảng so sánh lượng carb trong một số loại sữa.

Loại sữa Thể tích hoặc khối lượng Lượng carb Lời khuyên sử dụng
Sữa đặc có đường 100gr 55gr Không nên uống
Sữa tươi có đường 180ml 14gr Chỉ nên uống 1 hộp mỗi ngày vào bữa phụ (chiều/tối)
Sữa tươi ít đường 180ml 12gr Chỉ nên uống 1 hộp mỗi ngày vào bữa phụ (chiều/tối)
Sữa tươi không đường 180ml 7gr 1-2 hộp/ngày
Sữa chua có đường 1 hộp 15gr Nếu sử dụng sau ăn thì nên cắt giảm lượng carb trong ngũ cốc. Ngoài ra, có thể sử dụng thay cho 1 bữa phụ
Sữa chua không đường 1 hộp 5gr 1-2 hộp/ngày
Sữa dành cho người tiểu đường 1 chai 24gr 3 chai mỗi tuần, nếu uống trong bữa chính cần cắt 1 nửa lượng carb

Trên đây là 4 nguyên tắc và cách lựa chọn 5 nhóm thực phẩm trong chế độ ăn đái tháo đường type 2. Hãy áp dụng vào các bữa ăn hàng ngày để kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận