Nhận biết triệu chứng zona thần kinh và cách giảm nhẹ triệu chứng

Bệnh zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng do virus, thường xuất hiện với các triệu chứng đau nhức và khó chịu tại vị trí tổn thương. Bệnh có thể gây biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí ở một số trường hợp nghiêm trọng, zona thần kinh có thể gây mù hoặc tử vong. Hiểu về tình trạng này sẽ giúp bạn sớm nhận biết và biết cách làm giảm triệu chứng zona thần kinh. 

1. Zona thần kinh là gì?

Zona thần kinh là bệnh lý gây ảnh hưởng đến thần kinh. Đây là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây bệnh thủy đậu varicella zoster virus (VZV) gây nên. Loại virus này hướng da thần kinh gây bệnh thủy đậu. Sau khi điều trị dứt điểm bệnh thủy đậu, virus này vẫn còn trú ngụ bên trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Khi có điều kiện thuận lợi như chấn thương thể chất, tinh thần hay do hệ miễn dịch suy giảm,…thì chúng sẽ tái hoạt động. Do đó, ở đối tượng càng lớn tuổi hay những người bị suy giảm miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh càng cao với triệu chứng bệnh diễn ra nghiêm trọng hơn.

Bệnh zona thần kinh

2. Triệu chứng zona thần kinh thường gặp

Bệnh zona thần kinh thường xuất hiện các triệu chứng sau: 

Khi bệnh mới khởi phát, chưa gây tổn thương, các triệu chứng báo hiệu thường gặp phải như đau rát, dấm dứt ở vùng bệnh hoặc có cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh hay đau đầu,… 

Ở vùng da tổn thương sắp nổi mụn nước sẽ có cảm giác bị châm chích, nóng căng rát. Khi chạm vào vết thương, hay dùng tay gãi sẽ gây đau nhức dữ dội và kéo dài. Các mảng màu hồng, hình tròn, có gờ cao hơn bề mặt da xuất hiện dọc theo dây thần kinh.

Các nốt mụn nước li ti mọc thành chùm như chùm nho sẽ xuất hiện trên các mảng đỏ này sau khoảng 1 – 2 giờ. Các chùm mụn  nước thường xuất hiện ở một bên, dọc theo đường đi của dây thần kinh. Mặt, lưng, thắt lưng, cổ, vùng giữa các xương sườn…là những vị trí chúng thường xuất hiện. Các mụn này chứa dịch trong, căng, rất khó vỡ. Về sau, chúng bắt đầu đục dần và vỡ ra tạo thành các vết loét. Tại vùng da bị mụn nước thường rất đau và bỏng rát. 

Mụn xẹp lại, khô và đóng kết vảy thường sau 3 – 4 ngày. 20 – 30 ngày là khoảng thời gian kể từ khi xuất hiện mụn nước cho đến khi vỡ và lành lại. Khi khỏi tại vị trí tổn thương có thể để lại sẹo nhạt màu hơn so với vùng da bình thường xung quanh. Cũng có trường hợp mụn nước có thể bị viêm, hoại tử, hậu quả là để lại sẹo xấu.

Bệnh zona mà nó có thể gây nên những tổn thương khác nhau tùy từng vị trí phát triển:

  • Zona thần kinh ở đầu: Gây tổn thương ở các sợi dây thần kinh sọ não hoặc hạch não tủy; thần kinh thính giác, mặt, vành tai và gây nên các rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng nghe.
  • Zona thần kinh ở cổ: Xuất hiện những tổn thương tập trung ở vùng vành tai, gáy sẽ gây tổn thương ở vai, cổ và mặt ngoài chi trên.
  • Zona sọ não: Tổn thương ở dây thần kinh III
  • Zona mắt: Tổn thương ở mi trên dọc mắt, niêm mạc mũi, cánh mũi. Nặng hơn có thể gây biến chứng như viêm mống mắt, rối loạn đồng tử, viêm màng tiếp hợp hoặc để lại sẹo quanh hốc mắt,…
  • Ngoài các vị trí nêu trên, đôi khi zona thần kinh còn xảy ra ở bộ phận sinh dục, hông, cánh tay, xương cùng và ụ ngồi,… 

Những vị trí phát triển bệnh zona thần kinh

Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh zona thần kinh còn gây đau nhức ở quanh khu vực bệnh. Tình trạng này xuất hiện là do vi khuẩn gây bệnh tấn công dây thần kinh cảm giác.

Ngoài các tổn thương trên da, còn có thể bị tổn thương ở các cơ quan khác trên cơ thể như phổi, gan, não,…thậm chí dẫn đến tử vong trong trường hợp bị suy giảm miễn dịch. 

3. Triệu chứng zona thần kinh dễ nhầm với bệnh gì?

Triệu chứng zona thần kinh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý da liễu khác do có các triệu chứng như phát ban, viêm da, nổi mụn nước. Do đó, việc nhầm lẫn dẫn đến điều trị bệnh giống như điều trị da liễu khác, sẽ không đem lại hiệu quả và có thể gây biến chứng nặng hơn. 

Phân biệt triệu chứng zona thần kinh với bệnh giời leo

Triệu chứng zona thần kinh dễ nhầm lẫn với bệnh giời leo

Trong dân gian, bệnh giời leo là tên gọi để chỉ tổn thương bên ngoài da do tiếp xúc với con giời leo hoặc các loại côn trùng khác. Biểu hiện trên da của bệnh zona thần kinh khá giống với bệnh giời leo nên rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy các điểm khác biệt nếu bạn chú ý vào những điểm sau: 

Biểu hiện Zona thần kinh Giời leo
Vị trí xuất hiện Phổ biến nhất ở cổ, vai, cánh tay hoặc đầu, quanh mắt, trán. Tổn thương thường dọc theo các dây thần kinh, Có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí da nào. Thường khu trú tại vùng da tiếp xúc với côn trùng. 
Đặc điểm của vùng da tổn thương Tại vùng da bị đỏ sẽ hình thành những mụn nước nhỏ chứa dịch trong suốt, khó vỡ và thường tập trung thành cụm. Các mụn này chứa dịch trong, căng, rất khó vỡ. Về sau, chúng bắt đầu đục dần và vỡ ra tạo thành các vết loét, đóng vảy và để lại sẹo. Các triệu chứng xuất hiện trên da: da đỏ, ngứa rát và có thể xuất hiện các mụn nước mọc hoặc không.
Thời gian từ khi phát bệnh đến khi khỏi bệnh Tính từ thời điểm phát sinh tổn thương da đến lúc lành sẹo kéo dài từ 20 – 30 ngày. Thời gian từ khi triệu chứng phát sinh đến khi lành sẹo chỉ kéo dài dưới 10 ngày.
Các triệu chứng khác Triệu chứng toàn thân khác: mệt mỏi, đau đầu, có thể xuất hiện các hạch lân cận

Phân biệt triệu chứng zona thần kinh và kiến ba khoang cắn

Zona thần kinh có những biểu hiện khá tương đồng với kiến ba khoang gây bệnh ngoài da. Điều này khiến cho nhiều người bị nhầm lẫn, dẫn đến lựa chọn phương pháp điều trị, làm mất thời gian và không đem lại hiệu quả. 

Bệnh ngoài da do kiến ba khoang gây ra thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa là chủ yếu. Ở nước ta, bệnh có thể bùng phát thành dịch, nhất là mùa thu và mùa đông. Kiến ba khoang có thể tiết dịch làm da bị phỏng, nổi nhiều mụn nước đau rát nhưng không có biểu hiện ngứa ngáy. Người bệnh sẽ có cảm giác vùng da tiếp xúc với chất dịch bị nóng rát khó chịu, sau đó xuất hiện các vết phỏng giống như bỏng da.

Các vùng da như cổ, mặt, tay, chân,…đây là vị trí dễ dàng bị kiến ba khoang tấn công. Nhất là khu vực da có nhiều nếp gấp, không được che chắn bảo vệ bằng quần áo. Thông thường sau 5 – 7 ngày thì vết thương trên da do kiến ba khoang gây ra sẽ dần khô và lành lại. Tuy nhiên, tại vị trí tổn thương sẽ gây ra vết thâm, sẹo khá lâu.

4. Cần làm gì để giảm triệu chứng zona thần kinh?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh zona thần kinh. Tuy nhiên, việc điều trị kịp thời bằng các thuốc kháng virus có thể tăng tốc độ lành bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh, cần đến bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị sớm.

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định một số thuốc điều trị toàn thân như: các thuốc chống virus acyclovir để ngăn chặn sự phát triển của chúng. Co thể dùng kháng sinh phòng nhiễm khuẩn, kháng viêm, chống phù nề khi có tình trạng bội nhiễm.

Điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus giúp giảm triệu chứng zona thần kinh

Trong trường hợp cơn đau kéo dài, cảm giác ngứa gây khó chịu, bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa. Ngoài ra, bạn có thể tắm nước mát hoặc sử dụng gạc mát đắp lên các mụn nước để giảm tình trạng ngứa và đau do zona thần kinh.

Ngoài ra, để nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể cho dùng thuốc tăng cường miễn dịch. Có thể sử dụng thuốc mỡ kháng viêm, chống virus bôi vào vùng da có mụn nước bị tổn thương để tránh để lại sẹo, đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ. 

Mặt khác, để hạn chế gây ra các biến chứng, giúp bệnh mau khỏi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Có chế độ ăn khoa học: bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và kẽm (cam, gan động vật, bơ,…), thực phẩm giàu lysine (sữa, cá, các loại đậu, pho mát…), vitamin B6, B12… nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, bệnh nhanh chóng hồi phục. Hạn chế tinh bột, chất béo hoặc đường, rượu bia.
Lupus ban đỏ kiêng ăn gì?

Những thực phẩm nên bổ sung ở bệnh nhân bị zona thần kinh

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc mỗi ngày. Hãy giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng.
  • Tập luyện thể dục thể thao một cách tích cực, giúp tăng cường sức khỏe. 
  • Dùng khăn sạch thấm nước và đắp lên vùng bệnh để giảm đau và làm khô vết phồng rộp. Không nên gãi ngứa nhằm tránh gây bội nhiễm.
  • Mặc quần áo rộng để tránh ma sát với vùng bệnh, làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh cho vùng da lành khác.

Bệnh Zona thần kinh có thể gây ra rất nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, bạn nên có biện pháp làm nhẹ triệu chứng bệnh zona càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Bên cạnh đó, bạn nên có kế hoạch chăm sóc tại nhà với một chế độ dinh dưỡng và thể dục thường xuyên giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, phòng bệnh tái phát.

BS Chu Thị Thanh Hoài

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận