Nhận dạng căn bệnh chết người – Ung thư vú
Ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở nước ta. Đây cũng là căn bệnh đứng thứ tư về tỷ lệ tử vong trong số các bệnh ung thư. Ước tính có đến hơn 6000 người chết vì ung thư vú ở Việt Nam năm 2018. Hãy cùng tìm hiểu về ung thư vú và dấu hiệu nhận biết căn bệnh chết người này.
Nội dung bài viêt
1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tuyến vú. Các tế bào ung thư có nguồn gốc từ tế bào tuyến vú. Bệnh thường biểu hiện bằng các khối bất thường ở tuyến vú. Ở giai đoạn muộn, các tế bào ung thư di căn tới xương, phổi, não… gây nên triệu chứng ở các cơ quan này.
Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa đột biến gen ức chế u BRCA-1, BRCA-2 nằm trên nhiễm sắc thể 13 và 17 với bệnh ung thư vú. Một số yếu tố khác có liên quan đến bệnh như tuổi có kinh lần đầu, tuổi sinh con đầu tiên…cũng được công nhận.
- Ung thư vú là bệnh ác tính của tuyến vú. (Ảnh Internet)
2. Những người có nguy cơ mắc ung thư vú là:
Tỷ lệ nữ giới mắc ung thư vú cao hơn nam giới rất nhiều lần. Chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân mắc ung thư vú là nam giới.
Những người phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú là:
- Có người thân trong gia đình như bà, mẹ, dì, chị em gái mắc ung thư vú.
- Người có bệnh lý lành tính về vú khác.
- Tuổi có kinh lần đầu sớm hơn 12 tuổi.
- Tuổi sinh con lần đầu muộn, từ 30 tuổi trở lên.
- Những người không sinh con hoặc không cho con bú. Người ta cho rằng cho con bú từ 6 tháng trở lên giúp phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ trẻ.
- Người có dùng thuốc tránh thai thường xuyên.
- Người đang dùng thuốc Estrogen thay thế kéo dài sau mãn kinh.
- Tuổi mãn kinh từ 55 tuổi trở lên.
- Người cao tuổi từ 70-74 tuổi.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư vú cũng gặp ở những người sau, ở cả nam và nữ:
- Người có tiền sử tiếp xúc với tia xạ, ví dụ từng xạ trị để điều trị một bệnh ung thư vùng ngực như ung thư phổi.
- Người uống rượu, tiếp xúc với thuốc trừ sâu (đặc biệt là DDT).
3. Ung thư vú có biểu hiện gì?
Ung thư vú có biểu hiện gì là điều cần được quan tâm hàng đầu. Bởi vì nếu bạn có kiến thức về ung thư vú và dấu hiệu nhận biết thì mới phát hiện được bệnh kịp thời.
Các triệu chứng của bệnh ung thư vú bao gồm:
- Xuất hiện khối u trên ngực. Khối u kích thước khoảng 1cm trở lên, không gây đau đớn, có thể sờ nắn được.
- Sự thay đổi núm vú. Người bệnh có thể nhận thấy dịch tiết bất thường tại vú. Dịch màu hồng hoặc lẫn máu. Hoặc núm vú bị tụt vào trong.
- Người bệnh có cảm giác ngực sưng lên, tấy đỏ. Hình dáng, kích thước bầu ngực thay đổi.
- Xuất hiện các vết sần, nhăn, lồi lõm bất thường trên ngực.
- Đau ngực. Người bệnh có thể đau âm ỉ hàng ngày kéo dài. Hoặc cảm giác căng tức do khối u phát triển chèn ép mô vú. Có khi cảm giác nhói đau như có luồng điện chạy qua.
- Hạch ở nách hoặc hạch thượng đòn. Khi xuất hiện khối u hoặc khối sưng đau ở vùng nách hoặc vùng trên xương đòn trong thời gian dài mà không rõ nguyên nhân, rất có thể đó là hạch ung thư di căn.
- Ở giai đoạn muộn, khối ung thư xâm lấn ra ngoài da gây lở loét, chảy máu, chảy dịch hôi thối. Ung thư vú có thể di căn tới xương, phổi, não, gan… Người bệnh đau nhiều.
- Các dấu hiệu của ung thư vú (Ảnh Internet)
4. Khi nào nên đi khám sàng lọc ung thư vú:
Vậy, khi nào thì người phụ nữ nên đi khám sàng lọc ung thư vú? Câu trả lời là mỗi người phụ nữ từ 20 tuổi trở lên cần tự khám sàng lọc ung thư vú tại nhà mỗi tháng một lần.
Thời gian khám vú vào một ngày cố định hàng tháng, tốt nhất là sau khi hết kỳ kinh nguyệt.
Các bước tự khám vú tại nhà là:
- Bước 1: Cởi bỏ áo ngực. Đứng trước gương và thả lỏng hai tay. Quan sát kĩ xem có các dấu hiệu bất thường nào trên ngực hay không.
- Bước 2: Sau đó, giơ hai tay lên đầu. Tiếp tục quan sát xem có dấu hiệu gì khác thường không.
- Bước 3: Tiếp đến, giữ nguyên tay trái giơ lên cao. Tay phải khám ngực trái. Nắn nhẹ núm vú để kiểm tra có chảy dịch không. Bắt đầu day nhẹ từ quầng vú ra đến bầu vú xem có u cục gì không. Ấn nhẹ vùng hõm nách xem có hạch không.
- Bước 4: Tiếp tục với tư thế nằm. Khám vú tương tự như tư thế đứng.
- Bước 5: Đổi tay và thực hiện khám với bên còn lại.
Nếu tự khám tại nhà phát hiện bất kỳ triệu chứng khác thường nào, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
- Các bước tự khám vú tại nhà (Ảnh Internet)
5. Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư vú:
Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư vú là:
- Chụp X-Quang tuyến vú.
- Siêu âm tuyến vú.
- Chụp MRI tuyến vú.
- Sinh thiết mô, tế bào làm giải phẫu bệnh.
Các xét nghiệm hiện nay có độ chính xác cao, có thể chẩn đoán ung thư vú từ giai đoạn sớm.
Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi bệnh đến 90%. Vì vậy, bạn nên tự trang bị cho mình những kiến thức về ung thư vú và cách thực hiện khám vú tại nhà hàng tháng để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cho người nhà. Phát hiện bệnh sớm một ngày là thêm một cơ hội sống cho người bệnh.
BS. Hồng Hạnh
Bệnh Viện Ung Bướu Thanh Hóa