Nhiễm độc thủy ngân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiệt kế là thiết bị y tế có chứa thành phần thủy ngân, đây là thiết bị khá phổ biến trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị này thiếu cẩn trọng có thể gây phát tán thủy ngân ra môi trường gây ảnh hướng lớn đối với sức khỏe. Vậy thủy ngân là gì? Nhiễm độc thủy ngân gây nguy hiểm như thế nào đến với sức khỏe?

1. Thủy ngân là gì?

Thủy ngân là một nguyên tố hóa học và kim loại duy nhất tồn tại dưới dạng lỏng ở nhiệt độ phòng

Thủy ngân là kim loại lỏng, dễ bay hơi, không màu, không mùi. Khi vô tình làm đổ hoặc rơi ra bên ngoài môi trường, thủy ngân biến đổi thành những giọt nhỏ và phân tán rộng ra môi trường xung quanh. Đặc biệt trong điều kiện thông gió và nhiệt độ tăng, tốc độ bay hơi của thủy ngân có thể diễn ra nhanh hơn. 

Khi thủy ngân được giải phóng ra môi trường, chúng sẽ không phân hủy mà tồn tại trong môi trường, tuần hoàn trong không khí, đất, nước. Sau đó các hợp chất hóa học phức tạp của thủy ngân được tạo thành và biến đổi thành nhiều dạng khác nhau. 

Trong đó, thủy ngân nguyên tố là dạng thủy ngân phổ biến nhất trong không khí. Thủy ngân tuy ít độc nhưng khi bị biến đổi thành dạng hữu cơ, dạng hơi, muối và các hợp chất, chúng có thể gây tổn thương hệ thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, gan thận và hệ thống miễn dịch. Đặc biệt khi chúng ta ăn uống và sử dụng nguồn nước, động thực vật bị nhiễm thủy ngân trong môi trường bên ngoài. 

2. Nguyên nhân nào dẫn tới ngộ độc thủy ngân?

Thủy ngân giải phóng từ các chất thải được sinh ra từ các hoạt động từ nhà máy nhiệt điện, các lò đốt rác, cháy rừng, vỡ nhiệt kế,…. Và có thể chúng ta vô tình tiếp xúc với chúng thông qua các con đường:

  • Hít phải hơi thủy ngân qua đường không khí
  • Ngấm vào cơ thể khi ăn các loài hải sản như cá mập, cá vược, cá kiếm,… Khi chúng ta vô tình ăn phải những con cá bị nhiễm, chất độc thủy ngân sẽ được hấp thu vào máu sau đó di chuyển tới mô não. Đối với bà bầu khi ăn các loại hải sản bị nhiễm thủy ngân, chúng còn lây truyền qua nhau thai đến thai nhị và não thai nhi.
  • Hít, nuốt phải thủy ngân có trong các loại thuốc uống, thuốc xịt muỗi, tiếp xúc với pin hay một số loại thuốc từ thảo dược. 
  • Xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc hít phải khi tiếp xúc với các loại sơn sản xuất nhựa mủ, sơn chống thấm hoặc có trong một số loại mỹ phẩm,….

Nguyên nhân gây ngộ độc thủy ngân

3. Dấu hiệu ngộ độc thủy ngân

Một trong những dấu hiệu ngộ độc thủy ngân sớm nhất là người bị nhiễm có cảm giác tê và đau nhói ở ngón tay, môi. Triệu chứng ngộ độc thủy ngân này sẽ phụ thuộc vào dạng tồn tại, thời gian cũng như cường độ tiếp xúc của người bị nhiễm. Nếu tiếp xúc với dạng thủy ngân nguyên tố, vô cơ sẽ gây ra ngộ độc cấp tính, còn đối với dạng hữu cơ sẽ gây ngộ độc mãn tính. 

Dấu hiệu khi bị nhiễm độc thủy ngân 

Nhiễm độc cấp tính

Nguyên nhân thường là do vỡ nhiệt kế, bình chứa hoặc hỏa hoạn làm phân tán thủy ngân ra bên ngoài. Hơi thủy ngân tỏa ra cùng với nồng độ cao, khi hít phải sẽ gây nguy hiểm đến cơ quan trong cơ thể:

  • Gây viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa với những triệu chứng ho, khó thở, đau ngực, người nhiễm có thể bị sốt.
  • Gây viêm thận, giảm clo huyết, nhiễm axit.

Ngoài ra, khi nuốt phải thủy ngân có thể gây viêm loét miệng, viêm đường tiêu hóa với các triệu chứng bỏng rát, nôn ra máu.

Sau đó, người bệnh sẽ có triệu chứng khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, và tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Nhiễm độc thủy ngân mãn tính

Tiếp xúc với nồng độ thấp kéo dài sẽ xuất hiện các triệu chứng trên hệ tiêu hóa hệ thống thần kinh, hệ hô hấp, tiết niệu….:

  • Triệu chứng ngộ độc thủy ngân trên đường tiêu hóa như gây viêm ruột, xuất huyết, viêm lợi, miệng có vị đắng khó chịu, loét niêm mạc, bờ răng lợi có thể xuất hiện một đường viền thủy ngân màu xanh.
  • Đối với hệ thần kinh: Có các triệu chứng bệnh Parkinson với biểu hiện chân tay run rẩy, run trong khi nghỉ và các chức năng vận động bị suy giảm, rối loạn tâm thần kinh, hay quên, mất ngủ, kém ăn, buồn bã.
  • Tiếp xúc mãn tính với thủy ngân người bệnh có thể gặp các vấn đề về thị giác như run phần mí mắt, nhìn đôi, nhìn mờ, đau mắt gây rối loạn thị giác, viêm màng tiếp hợp.
  • Nếu tiếp xúc trong một thời gian mà không phát hiện và điều trị kịp thời, thủy ngân có thể gây ung thư, biến đổi gen và gây quái thai.

Trong lịch sử đã không ít lần chứng kiến nhiều người bị ngộ độc thủy ngân. Trong đó điển hình là bệnh Minamata do ăn cá và sò nhiễm độc methyl thủy ngân, đã khiến 17.000 người bị nhiễm độc, làm 1484 người tử vong tại vịnh Minamata tỉnh Kumamoto Nhật Bản.

Do ăn cá và sò nhiễm độc methyl thủy ngân, 17.000 người bị nhiễm độc, 1484 người tại Nhật Bản đã tử vong

4. Điều trị ngộ độc thủy nhân như thế nào?

Cách xử lý tình huống ngộ độc thủy ngân

Khi các thiết bị y tế, cặp nhiệt kế không may bị vỡ, mọi người có thể tham khảo các bước xử lý sau đây: 

  • Nhanh chóng đưa người thân ra khỏi phòng để tránh thủy ngân bay hơi trong không khí, vô tình hít vào làm hại phổi. 
  • Thay toàn bộ quần áo phòng trường hợp thủy ngân có thể bắn vào người. 
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng và rửa mắt, mũi bằng nước muối sinh lý. 
  • Ngâm quần áo dính thủy ngân vào nước lạnh trộn với xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ C, sau đó tiếp tục ngâm với nước tẩy ở nhiệt độ cao trong vòng 20 phút, cuối cùng xả qua với nước.
  • Vệ sinh thu dọn các hạt thủy ngân bắn ra bên ngoài, khi dọn cần đeo găng tay và các trang phục bảo hộ. Dùng bông tăm hoặc giấy mỏng để dọn thủy ngân. Sau khi thu gom thủy ngân, cần hết sức cẩn thận để trong hộp kín, tránh làm phát tán thủy ngân ra bên ngoài đặc biệt là môi trường nước.
  • Trong trường hợp bản thân hoặc người nhà vô tình ngậm cặp nhiệt kế bị vỡ thì không nên tìm cách lấy thủy ngân ra bằng phương pháp móc họng hoặc bắt trẻ nôn ra. Thay vào đó cần lập tức gọi cấp cứu và trong thời gian đợi đơn vị y tế, người nhà hoặc bản thân cần uống thật nhiều nước và không được hoảng loạn.

Bước sơ cứu và xử lý ban đầu tốt sẽ giúp hạn chế và ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thủy ngân 

Điều trị ngộ độc thủy ngân

  • Điều trị ban đầu ngộ độc thủy ngân, bước đầu các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn của người bị nhiễm. 
  • Tiếp theo là nhanh chóng loại bỏ các chất độc có ở da bằng cách cởi bỏ quần áo, rửa da, mắt. 
  • Khi bệnh nhân bị ngộ độc do nuốt không gây nôn, cần chú ý không rửa dạ dày, vì nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản rất cao. Không dùng than hoạt khi không có tác dụng hấp phụ kim loại. 
  • Trong trường hợp ngộ độc thủy ngân vô cơ, người bệnh cần được truyền dịch gấp để ngăn ngừa trụy tim mạch. Phần niêm mạc hầu họng nếu bị tổn thương, phù nề nhiều cần đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. 
  • Khi có triệu chứng toàn thân là dấu hiệu cho thấy thủy ngân hữu cơ đã chuyển thành thủy ngân vô cơ, lúc này người bệnh cần phải dùng tới các thuốc giải độc đặc hiệu ngay.  

5. Các cách phòng tránh ngộ độc thủy ngân

Một khi phơi nhiễm thủy ngân sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Do đó, để hạn chế việc phân tán thủy ngân ra môi trường, các cơ quan ban ngành cần có những quy định giới hạn chất thải chứa thủy ngân, kiểm soát thủy ngân ở ngưỡng cho phép tiếp xúc với môi trường.  

Bên cạnh đó trên những sản phẩm có chứa thủy ngân, các loại thuốc, vật tư y tế cần có những thông báo, quy định và hướng dẫn cụ thể khi sử dụng. 

Để phòng tránh người thân đặc biệt là trẻ nhỏ vô tình nuốt phải thủy ngân tại nhà, các bậc phụ huynh cẩn thận: 

  • Không đặt các vật dụng chứa thủy ngân như nhiệt kế trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. 
  • Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế. 
  • Khi đo nhiệt độ cho trẻ, phụ huynh phải luôn luôn bên cạnh trẻ và quan sát trong suốt thời gian trẻ sử dụng.
  • Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc những vị trí mà trẻ không thể với tới.

Qua bài viết trên, hy vọng mọi người đã hiểu được thủy ngân là gì, dấu hiệu ngộ độc thủy ngân và cách phòng tránh nhiễm độc như thế nào. Nếu có những bất thường về sức khỏe hoặc có những câu hỏi liên quan, các bạn hãy để lại thông tin tại website thaythuocvietnam.vn, các bác sĩ của chúng tôi sẽ giúp mọi người giải đáp những thắc mắc trên.

Đặng Thái Sơn

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận