Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không? Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều người. Cùng tìm hiểu để nhận thức đầy đủ về căn bệnh này và có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mình nhé!

1. Nhồi máu cơ tim nguy hiểm không?

Cơ tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vành. Khi mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, khiến vùng tim sau vị trí bị tắc không được nuôi dưỡng, dẫn đến tổn thương, thậm chí hoại tử, làm chết tế bào cơ tim. Hiện tượng này được gọi là nhồi máu cơ tim. 

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm. Vùng hoại tử càng rộng thì mức độ bệnh càng nặng. Ngoài ra, còn dựa trên vị trí nhồi máu ở mặt trước tim, huyết áp thấp dưới 30 mmhg, sốt,… Đặc biệt là các biến chứng kèm theo mà xếp bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào nhóm nguy cơ cao hay nguy cơ thấp hơn. Cùng là một bệnh lý nhồi máu cơ tim nhưng các mức độ nguy hiểm khác nhau, độ khó khăn khi điều trị cũng khác nhau.

Hình ảnh: Nhồi máu cơ tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Internet)
Hình ảnh: Nhồi máu cơ tim gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Internet)

2. Nhồi máu cơ tim gây ra biến chứng gì?

Nhồi máu cơ tim gây ra rối loạn nhịp tim

Đây là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể nhanh hoặc chậm so với tốc độ trung bình. Nặng nhất là rung thất rồi đến nhịp nhanh thất. Cũng coi là rất nặng nếu xuất hiện những rối loạn nhịp tim khác, nhất là rung nhĩ và bloc nhĩ thất cấp 3 kéo dài làm biến đổi huyết động, hạ huyết áp, suy tim. Các loạn nhịp tim thường gặp là loạn nhịp trên thất bao gồm nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang, nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ… và các loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất, rung thất…

Nhồi máu cơ tim gây ra các bloc nhĩ thất

Biến chứng này thường gặp ở nhồi máu cơ tim sau – dưới, chia thành 3 mức độ khác nhau với độ 3 là bloc tim hoàn toàn. Nhịp tim rất chậm kiểu nhịp thoát thất, có thể xảy ra rất đột ngột với tỷ lệ tử vong cao.

Xem thêm

https://thaythuocvietnam.vn/nguoi-bi-nhoi-mau-co-tim-nen-an-gi-kieng-gi-de-dam-bao-suc-khoe/

Nhồi máu cơ tim gây ra các biến chứng suy bơm

Biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim (nhất là khi khối hoại tử càng lớn) là suy thất trái, suy tâm thu, suy tâm trương. Mức nặng nhất của suy bơm là “sốc do tim”. Sốc là giảm tưới máu mô. Biểu hiện không chỉ là trụy mạch (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg) mà còn có thiểu niệu, vô niệu, rối loạn ý thức, đầu chi nhợt, lạnh ẩm, toan huyết (có khi biểu hiện bằng thở chu kỳ).

Nhồi máu cơ tim gây ra các biến chứng cơ học

Thường xảy ra trong tuần đầu tiên với các nguy cơ vỡ thành tự do thất trái; vỡ (thủng, rách) vách liên thất làm xuất hiện một âm thổi tâm thu mới; đứt rách hoặc rối loạn chức năng cơ nhú ở cột cơ của một trong hai lá van. Làm sa van, sinh ra hở hai lá cấp với triệu chứng phụt ngược rất rõ, xuất hiện một âm thổi tâm thu mới.

Nhồi máu cơ tim gây ra các biến chứng huyết khối, thuyên tắc

Biến chứng này gây nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim khiến vùng hoại tử lan rộng hoặc thêm hoại tử cơ tim mới gây thuyên tắc đại tuần hoàn (thường xuất hiện sau 1-3 tuần). Nếu người bị nhồi máu cơ tim đã nằm bất động lâu ngày hay lạm dụng thuốc lợi tiểu khiến máu cô đặc hơn thì càng dễ xảy ra biến chứng thuyên tắc động mạch phổi.

Nhồi máu cơ tim gây ra các biến chứng sớm khác

Viêm màng ngoài tim cấp hay thậm chí biến chứng nặng nề nhất là đột tử cũng có khả năng xảy ra khi bị nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim gây ra các biến chứng muộn

Hội chứng Dressler (xảy ra muộn ở tuần thứ 3 – 10). Sốt, đau ngực khi hít vào sâu. Tăng bạch cầu, tăng tốc độ máu lắng, tăng hiệu giá “kháng thể kháng cơ tim”. Phình thất. Đau thắt ngực (20 – 30%). Nhồi máu cơ tim tái phát (5 – 20%). Viêm quanh khớp vai sau nhồi máu cơ tim với biểu hiện đau, cứng, thay đổi vận mạch da

3. Cách xử trí biến chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim cấp cần được xử trí kịp thời ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Với điều trị ban đầu, cho người bệnh nằm bất động tại giường, thở oxy. Dùng các thuốc cần thiết như thuốc giảm đau, thuốc chống kết tập tiểu cầu, nitroglycerin. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thực hiện các biện pháp tiêu huyết khối, can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành để tái tưới máu cơ tim. Sau khi được cấp cứu thành công, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi. Dùng thuốc là bắt buộc nhưng cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập đều đặn dựa trên ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

4. Cách dự phòng biến chứng nhồi máu cơ tim

Dinh dưỡng khoa học: Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản như cá, tôm, sò biển… Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, sữa chua, các món canh (súp) dễ ăn. Kiêng các món ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ.

Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp: Luyện tập thể dục thể thao vừa sức (nên dựa vào ý kiến của bác sĩ khi làm nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức và cảm nhận của bản thân)

Thay đổi lối sống: Thường xuyên theo dõi cân nặng, bỏ hút thuốc, kiểm soát tốt huyết áp, giữ tâm lý thoải mái. Thời gian biểu khoa học, điều độ.

DS Thu Trang

Theo Nội khoa Việt Nam

 

 

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận