Những cách chữa nhiệt miệng hiệu quả
Nhiệt miệng, còn được gọi là loét aphthous miệng. Đây là bệnh ở miệng miệng thường gặp nhất, ảnh hưởng tới khoảng 30% dân số và tuổi trung bình xuất hiện khoảng 30. Mặc dù bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không điều trị, sẽ vô cùng khó chịu. Vậy, chữa nhiệt miệng có nên dùng kháng sinh không, các phương pháp chữa nhiệt miệng nhanh và ở phụ nữ có thai, cho con bú điều trị như thế nào cho hiệu quả? Bài viết này sẽ thông tin đến các bạn một cách đầy đủ nhất về điều trị nhiệt miệng.
Nội dung bài viêt
1. Nhiệt miệng là gì?
Thương tổn cơ bản là các vết loét hình tròn hoặc hình ovan có kích thước to nhỏ khác nhau. Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, xung quanh vết loét có quầng đỏ, đáy vết loét có màu vàng hoặc màu xám. Bạn có thể gặp loét áp ở bất kỳ vị trí nào trong miệng, những vị trí hay gặp nhất là nơi có sang chấn lặp đi lặp lại. Ví dụ như niêm mạc môi dưới nơi răng nanh hay cắn vào, đầu lưỡi, phanh lưỡi, nơi hay va chạm thức ăn. Các vết loét mặc dù không ảnh hưởng đến toàn thân nhưng gây đau, khó chịu, ăn uống khó. Một vài trường hợp, nhiệt miệng tái diễn làm người bệnh sụt cân, lo lắng, giảm chất lượng cuộc sống.
- Khó chịu nhất của nhiệt miệng là đau rát – Ảnh Internet
Nguyên nhân của nhiệt miệng chưa xác định rõ nhưng những yếu tố liên quan đến nhiệt miệng như hormone, nóng, stress, nội tiết, viêm nhiễm…
2. Các phương pháp chữa nhiệt miệng nhanh
2.1. Chữa nhiệt miệng nhanh bằng thuốc tây y
– Thuốc sát khuẩn. Đầu tiên, vô cùng quan trọng là vệ sinh răng và mô lợi . Có thể súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn tại chỗ có chứa Chlorhexidine. Chất sát khuẩn này có tác dụng chống viêm, chống vi trùng, làm sạch niêm mạc đồng thời làm giảm thời gian loét, giảm đau, mau lành thương tổn.
– Thuốc chống viêm: Dạng mỡ, kem, thuốc súc miệng của triamcinolon, betamethason. Đây là các thuốc thuộc nhóm corticoid có tác dụng giảm triệu chứng đau, hàn gắn sớm thương tổn. Sử dụng thuốc này tại chỗ và trong thời gian ngắn không gây tác dụng phụ quá nghiêm trọng nên bạn không cần phải quá lo lắng.
– Điều trị tại chỗ: Bạn có thể dùng vaseline để tránh cọ xát ở vết loét.
– Các thuốc điều hòa miễn dịch. Trong một vài trường hợp tái phát dai dẳng, nguyên nhân do miễn dịch, bạn có thể cần đến các loại thuốc này dưới sự kê đơn của bác sĩ.
2.2. Chữa nhiệt miệng bằng mẹo dân gian
Chữa nhiệt miệng bằng bột sắn dây
Bột sắn dây là một trong những sản phẩm có thể giúp chữa nhiệt miệng nhanh chóng mà vô cùng an toàn cho người dùng. Loại bột này có thể dùng cho cả người lớn và trẻ em. Để chữa nhiệt miệng, bạn nên uống bột sắn dây mỗi ngày uống 2 lần, trong vòng 10 – 15 ngày. Hòa bột sắn dây với nước đun sôi để nguội. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên nấu chín bột sắn dây để an toàn cho sức khỏe của bé hơn.
- Chữa nhiệt miệng nhanh bằng bột sắn dây – Ảnh Internet
Bột sắn dây không chỉ dùng để điều trị nhiệt miệng mà còn hỗ trợ giải độc gan, làm mát cơ thể.
Cách chữa nhiệt miệng bằng rau diếp cá
Trong đông y, lá diếp cá có tính thanh nhiệt, làm mát cơ thể. Bạn chỉ cần chuẩn bị rau diếp cá tươi, sau đó rửa sạch. Đem lá diếp cá đâm hoặc xay nhuyễn cùng một chút muối rồi uống 2 – 3 lần mỗi ngày là bạn đã có một phương pháp chữa nhiệt miệng hiệu quả.
Cách chữa nhiệt miệng bằng mật ong
Mật ong được ví như một chất sát khuẩn tự nhiên. Cách chữa nhiệt miệng bằng mật ong vô cùng đơn giản và dễ áp dụng. Bạn chỉ cần lấy một chút mật ong vào bông tăm rồi thấm nhẹ chỗ loét sau mỗi bữa ăn. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 3 – 4 lần. Chỉ sau khoảng 3 ngày bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và vết nhiệt miệng giảm hẳn.
3. Điều trị nhiệt miệng đối với phụ nữ có thai và cho con bú
Ở phụ nữ có thai, miễn dịch bị suy giảm nên nhiệt miệng thường xuất hiện. Tuy nhiên, để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, bạn nên sử dụng các phương pháp dân gian trên để chữa nhiệt miệng. Trong trường hợp tái phát, dai dẳng, bạn nên đi khám để nhận được lời khuyên đúng nhất từ bác sĩ. Phụ nữ có thai không nên tự ý dùng thuốc tây, có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
4. Nhiệt miệng có nên dùng kháng sinh không?
Nhiệt miệng thông thường không cần dùng đến kháng sinh. Nhưng trong một vài trường hợp, nhiệt miệng do vi khuẩn, kháng sinh là cần thiết. Bạn hãy khám bác sĩ để được điều trị triệt để nhất.
5. Dinh dưỡng cho người bị nhiệt miệng
Theo dân gian, nhiệt miệng là có nguyên nhân từ nhiệt trong cơ thể. Vì vậy, để cân bằng lại, bạn cần sử dụng những đồ ăn có tính thanh, hàn.
Thiếu vitamin cũng là một trong những nguyên nhân của nhiệt miệng. Vì vậy bạn cần ăn thêm các thực phẩm có nhiều vitamin như rau củ quả, hàu, các loại trứng, sữa đậu nành, thịt gia cầm, các loại cá, ngũ cốc.. Bổ sung trái cây tươi vào thực đơn như cam, bưởi, chuối, đu đủ… là những thực phẩm rất giàu vitamin. Chúng làm lành các tổn thương ở niêm mạc và mô nướu đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Bổ sung rau quả tươi khi chữa nhiệt miệng – Ảnh Internet
Người bị nhiệt miệng nên tránh những thực phẩm đang ở nhiệt độ quá nóng: Khi niêm mạc bị bỏng, tổn thương sẽ thêm nghiêm trọng và lâu liền. Bạn cũng cần tránh những thức ăn có chứa nhiều muối, cay. Bởi những đồ ăn này ngoài việc làm tăng cảm giác đau rát cho bạn, nó còn khiến vết loét lâu liền
Thay vì cắn răng chịu đựng những cơn đau rát do nhiệt miệng gây ra, bạn nên lựa chọn các cách điều trị nhiệt miệng thích hợp để tránh nhiệt miệng lan rộng hơn trong khoang miệng.
BS Hồ Phương Thùy
Theo Nội khoa Việt Nam