Những căn bệnh tim mạch phổ biến nhất hiện nay

Hệ tim mạch hay hệ tuần hoàn bao gồm các cơ quan: tim, động mạch, tĩnh mạch và hệ thống mao mạch. Chúng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống thông qua việc đưa máu và chất dinh dưỡng cần thiết đến các cơ quan trong cơ thể. Tại đây quá trình trao đổi chất ở tế bào được diễn ra. Những bất thường về cấu trúc hay chức năng của các cơ quan trong hệ tim mạch sẽ dẫn đến các bệnh lý không chỉ làm giảm chất lượng của sống mà còn rất nguy hiểm, với tỉ lệ tử vong cao. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin sơ lược về các căn bệnh tim mạch phổ biến nhất hiện nay. 

1. Bệnh tim mạch là gì?

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) bệnh tim mạch được định nghĩa là các bệnh lý do sự rối loạn của tim và hệ thống mạch máu. Chúng bao gồm: bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Các bệnh tim mạch gây ra gánh nặng khổng lồ lên hệ thống y tế và nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm các bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm có đến 17,7 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh tim mạch. Con số này tại Việt Nam là 200.000 người, tương đương 30,3% tổng số người chết vì tất cả các nguyên nhân.

Mỗi năm có đến 17,7 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh tim mạch (Số liệu được đăng trên Tạp chí Y khoa The Lancet)

2. Các bệnh lý tim mạch phổ biến

2.1 Bệnh động mạch vành

Tim đóng vai trò như một chiếc máy bơm vừa đẩy vừa hút giúp máu tuần hoàn trong khắp cơ thể. Chính vì nhiệm vụ này mà tế bào cơ tim có nhu cầu oxy rất cao. Quả tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch vành. Ở trạng thái bình thường, hệ thống mạch vành mềm mại và có sự đàn hồi lớn giúp dòng máu dễ dàng lưu thông đến nuôi dưỡng tế bào cơ tim.

Bệnh động mạch vành xảy ra khi các mảng xơ vữa hình thành bên trong lòng động mạch, khiến cho chúng mất đi tính mềm mại và trở nên xơ cứng kém đàn hồi dẫn đến lượng máu lưu thông bị giảm đi, nhu cầu oxy của cơ tim không được đảm bảo. Nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra hoại tử cơ tim, tạo thành tổn thương vĩnh viễn. 

Các mảng xơ vữa là nguyên nhân chính gây nên bệnh động mạch vành

Ngoài nguyên nhân kể trên còn có thể gặp trường hợp giảm lưu lượng máu do mạch vành bị co thắt tạm thời. Xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với không khí lạnh, sử dụng thuốc lá, chất kích thích hay bị căng thẳng tâm lý kéo dài.

Các triệu chứng có thể gặp của bệnh động mạch vành là: mệt mỏi, hụt hơi, cảm giác nặng ngực, tê bì vùng ngực, đau thắt ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực.

Trong các triệu chứng kể trên, đau ngực là triệu chứng hay gặp nhất. Cơn đau thắt ngực điển hình trong bệnh mạch vành thường xuất hiện trong thời gian ngắn khoảng từ 30 giây đến vài phút. Vị trí đau ở sau xương ức lan lên van, cổ, cánh tay bên trái. Cảm giác đau như có ai đó bóp chặt đè ép lồng ngực, có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi. 

Trong trường hợp nặng nề nhất, mạch vành bị tắc hoàn toàn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa bong ra, dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một cấp cứu tim mạch đe doạ đến tính mạng người bệnh, cần phải được xử lý tái thông mạch máu kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết, đặt stent nong mạch vành hoặc mổ bắc cầu động mạch vành tại các trung tâm tim mạch lớn.

Bệnh động mạch vành có thể gây ra các biến chứng nặng nề như suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử. 

2.2 Tăng huyết áp

Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch. Nó được xác định dựa trên 2 chỉ số: Huyết áp tâm thu(HATT)/Huyết áp tâm trương(HATTr) (đơn vị tính là mmHg), trong đó:

–  Huyết áp tâm thu: Là chỉ số ở trên, có giá trị cao hơn, thể hiện áp lực dòng máu khi tim đang co bóp đẩy máu đi

– Huyết áp tâm trượng: là chỉ số ở dưới, có giá trị thấp hơn, thể hiện áp lực dòng máu khi tim ở giai đoạn nghỉ giữa hai lần co bóp liên tiếp. 

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực của máu lên thành động mạch tăng cao. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế (ISH) năm 2020, tăng huyết áp được phân thành các mức độ: 

– Huyết áp bình thường: HATT < 130mmHg và HATTr < 85mmHg 

– Huyết áp bình thường – cao (tiền tăng huyết áp): HATT 130-139mmHg và/hoặc HATTr 85-89mmHg

– Tăng huyết áp độ 1: HATT 140 – 159mmHg và/hoặc HATTr 90-99mmHg

– Tăng huyết áp độ 2: HATT 160mmHg và/hoặc HATTr   100mmHg

– Cơn tăng huyết áp: HATT >180mmHg và/hoặc HATTr >110mmHg

– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: HATT 140mmHg và HATTr < 90mmHg

Một vài tổ chức khác đưa ra các mức phân loại khác nhau nhưng đều thống nhất chẩn đoán tăng huyết áp khi HATT > 140mmHg.

Theo các nghiên cứu, có đến 90% các trường tăng huyết áp là vô căn, 10% còn lại do các nguyên nhân có thể kể đến như: hẹp động mạch thận, suy thận cấp hoặc mạn tính, u thượng thận, bệnh lý tuyến giáp, sử dụng một số loại thuốc,…

Tăng huyết áp là một căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như: suy tim; đột quỵ não; nhồi máu cơ tim; xuất huyết võng mạc, phù gai thị dẫn tới mù lòa, các bệnh mạch máu ngoại vi,..

Để phòng ngừa cũng như điều trị tăng huyết áp, việc đầu tiên cần làm là xây dựng một lối sống lành mạnh. Sau đó các bác sỹ mới xem xét đến việc dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân. Việc kê đơn thuốc cần được tối ưu theo từng cá nhân, người bệnh phải uống thuốc đều đặn, tái khám thường xuyên để được chỉnh liều và theo dõi các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

2.3 Suy tim 

Suy tim là tình trạng bất thường về cấu trúc và chức năng khiến cho tim không đủ khả năng bơm máu để phục vụ nhu cầu của cơ thể. Đây là một hội chứng phức tạp là hậu quả cuối cùng của các bệnh lý tim mạch. Suy tim làm tăng tỉ lệ tái nhập viện của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. Người bị suy tim phải đối mặt với những biến chứng nặng nề như: rối loạn nhịp tim; tổn thương van tim; phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi; tổn thương gan, thận; thậm chí là đột tử.

Có nhiều cách phân loại suy tim khác nhau. Theo giải phẫu người ta chia thành: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ. Theo diễn tiến của bệnh được chia thành: suy cấp và suy tim mạn.

– Suy tim trái: đặc trưng nhất là tình trạng khó thở. Nguyên nhân do ứ trệ máu trong hệ thống mạch máu phổi. Khó thở xuất hiện khi bệnh nhân gắng sức hoặc khó thở kịch phát về ban đêm. Ở giai đoạn nặng người bệnh có thể gặp các cơn hen tim, phù phổi cấp với triệu chứng khó thở dữ dội, kích thích vật vã và ho khạc bọt hồng. Trường hợp này cần phải cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

– Suy tim phải: có sự ứ trệ máu trong hệ thống tuần hoàn ngoại biên. Gây ra các triệu chứng như phù chân, gan to, báng bụng, tĩnh mạch cổ nổi.

– Suy tim toàn bộ: bệnh nhân có cả triệu chứng của suy tim phải và suy tim trái.

– Suy tim cấp tính: là tình trạng suy tim xảy ra đột ngột. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân suy tim mạn tính. Chỉ 20% mới khởi phát do một nguyên nhân khác. Người bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh rơi vào tình trạng sốc tim và tử vong.

– Suy tim mạn tính: là tình trạng suy tim ở giai đoạn ổn định.

Các triệu chứng thường gặp của suy tim

Để chẩn đoán suy tim, ngoài khai thác bệnh sử tiền sử gia đình, khám lâm sàng, người bệnh còn cần được làm một số xét nghiệm và cận lâm sàng như: siêu âm tim, điện tim, chụp X quang ngực, xét nghiệm BNP, NT-proBNP.

Bệnh nhân bị suy tim cần được điều trị và quản lý bệnh tại phòng khám chuyên khoa tim mạch. Khi không đáp ứng với điều trị nội khoa bằng thuốc uống, có thể xem xét cấy máy CRT, máy ICD hoặc ghép tim ở bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn. 

2.4 Rối loạn nhịp tim

Thông thường, một chu kỳ tim sẽ bắt đầu bằng việc nút xoang phát nhịp sau đó dòng điện sẽ được dẫn truyền đến nút nhĩ thất, bó His và mạng lưới Purkinjer. Sự dẫn truyền này diễn ra một cách nhịp nhàng tạo thành các chu kỳ tim đều đặn. Ở trạng thái sinh lý bình thường, tần số tim của một người khỏe mạnh sẽ nằm trong khoảng 60 – 100 chu kỳ/phút

Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về số lượng nhịp tim (tim đập quá nhanh, quá chậm hay lúc nhanh lúc chậm) hoặc về nơi phát nhịp (không phải nút xoang phát nhịp) hoặc là tình trạng hệ thống dẫn truyền nhịp đã nói ở trên bị tổn thương làm cho quả tim co bóp không đồng bộ. 

Tình trạng rối loạn nhịp diễn ra kéo dài sẽ làm suy giảm chức năng của tim, biểu hiện thành các triệu chứng lâm sàng như: hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh, đánh trống ngực, hụt hơi, khó thở, ngất,…

Ghi điện tâm đồ (ECG) là phương pháp thông dụng nhất để chẩn đoán rối loạn nhịp. Trong trường hợp khó hơn, bệnh nhân sẽ được đeo máy theo dõi điện tim (Holter ECG) 24h để ghi lại tất cả hoạt động điện học của tim kể cả lúc bệnh nhân vận động hay nghỉ ngơi.

2.5 Bệnh lý van tim

Hệ thống van tim là các lá van với cấu trúc thanh mảnh, mềm mại và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Có 4 loại van tim là: van ba lá (van nhĩ-thất phải), van hai lá (van nhĩ-thất trái), van động mạch chủ và van động mạch phổi. Chúng có vai trò đảm bảo máu lưu thông giữa các buồng tim theo một chiều nhất định. Bệnh lý van tim xảy ra khi các thành phần trên bị tổn thương. Đó có thể là việc các lá van mất đi độ mềm mại, dày lên, dính vào nhau hoặc vôi hóa. Các dây chằng cố định bị sa xuống, bị đứt

Có 2 dạng thường gặp nhất của nhóm bệnh lý van tim là:

– Hẹp van tim: xảy ra khi van tim không thể mở hoàn toàn dẫn đến việc bơm máu qua van gặp khó khăn, tim sẽ phải hoạt động với công suất lớn hơn, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim và các biến chứng nguy hiểm khác.

– Hở van tim (trào ngược van tim): xảy ra khi van tim không thể đóng chặt, làm cho một lượng máu trào ngược lại qua van. Hậu quả là làm cho lượng máu chảy đến các bộ phận của cơ thể ít đi, đồng thời tim cũng phải hoạt động nhiều hơn đều bù đắp phần máu trào ngược.

– Hẹp hở van phối hợp: thường gặp là hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ.

2.6 Bệnh cơ tim

Là nhóm bệnh lý xảy ra khi cấu trúc cơ tim bị thay đổi dẫn đến hậu quả là chức năng của cơ tim bị biến đổi theo, làm cho khả năng bơm máu của tim bị giảm. Thường gặp nhất là bệnh viêm cơ tim (nguyên nhân do nhiễm trùng, thuốc, chất gây độc tim, bệnh hệ thống như sarcoidosis) và bệnh cơ tim giãn.

2.7 Bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh mạch máu ngoại biên là tình trạng các mảng xơ vữa và huyết khối làm tắc nghẽn các mạch máu ngoại biên của cơ thể. Các mạch máu này không bao gồm mạch vành, mạch máu não và các mạch máu bên trong cơ quan. Động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên là những mạch máu thường gặp bệnh lý này nhất. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra tình trạng hoại tử chi dẫn đến phải cắt cụt chi, tháo khớp hoặc làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.

2.8 Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là những dị tật bất thường ở tim của trẻ. Chúng có thể là dị tật của cơ tim, van tim hoặc buồng tim. Đây là nhóm dị tật thường gặp nhất trong số các dị tật ở trẻ sơ sinh. 

Thời điểm xảy ra các dị tật tim là lúc bào thai và sẽ tồn tại đến sau khi trẻ sinh ra. Chúng dẫn đến hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng. Gây nên những tác động lớn đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là tử vong. 

3. Những ai cần tầm soát bệnh tim?

Việc tầm soát bệnh tim mạch giúp chúng ta phát hiện các nguy cơ tim mạch (rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp), phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch để điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Các đối tượng sau nên đi tầm soát bệnh lý tim mạch 2 lần/ năm

3.1 Người cao tuổi

Ở người cao tuổi, hệ thống tim mạch bị lão hóa. Mạch máu giảm tính đàn hồi và bị xơ vữa làm cho lòng mạch bị hẹp lại. Đây là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp. Để thích nghi, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn nhằm đảm bảo việc bơm máu đi khắp cơ thể, lâu dần sẽ dẫn đến suy tim và các bệnh lý khác như thiếu máu cơ tim, đột quỵ não,.. Vì vậy người cao tuổi cần được tầm soát các bệnh lý tim mạch một cách thường xuyên.

3.2 Trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch

Thông thường nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh lý về tim mạch, thì bạn cần đi tầm soát bệnh lý tim mạch một cách thường xuyên. Nguyên nhân là do các bệnh lý tim mạch thường có yếu tố di truyền. Cộng với việc chế độ ăn uống, sinh hoạt giống nhau giữa các thành viên ( ăn mặn, hút thuốc lá thụ động,..) cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

3.3 Người béo phì

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. Có 2 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Thứ nhất, béo phì sẽ làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, khi các mảng xơ vữa này bong ra sẽ dẫn đến tạo thành các cục huyết khối và gây ra tình trạng tắc mạch. Thứ hai, tình trạng béo phì sẽ làm tim phải hoạt động nhiều hơn, lâu dài sẽ làm suy giảm chức năng của tim. 

3.4 Người mắc bệnh lý nguy cơ tim mạch

Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Lipid là hai bệnh lý làm gia tăng tình trạng xơ vữa động mạch từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra các bệnh lý nội tiết như cường giáp, suy giúp,..; bệnh lý thận như viêm cầu thận, suy thận cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Vì vậy người mắc các bệnh lý này cần được tầm soát bệnh lý tim mạch một cách thường xuyên.

3.5 Người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh

Chế độ ăn uống nhiều đồ chiên rán, các nội tạng động vật, thức ăn chứa nhiều đường, nhiều muối, ít bổ sung chất xơ và vitamin là một nguyên nhân không nhỏ gây ra bệnh lý tim mạch ở người Việt Nam. Bên cạnh đó lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động thể lực, thức khuya, stress kéo dài do công việc cũng là các yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các biến cố tim mạch.   

3.6 Người hút thuốc lá

Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7000 hóa chất. Hút thuốc lá thường xuyên làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch

Khói thuốc lá có chứa hơn 7000 hóa chất, rất nhiều trong số chúng gây ảnh hưởng lên hệ tim mạch. Ví dụ như khí Carbon Monoxide trong khói thuốc thay thế một lượng đáng kể oxy trong máu, để cung cấp đủ nhu cầu oxy của cơ thể tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim. Một chất khác có trong khói thuốc là Nicotine, đây là thành phần gây nghiện của thuốc lá. Khi vào trong cơ thể, Nicotine sẽ kích thích quá trình sản sinh ra hormon Adrenaline làm tim đập mạnh và nhanh hơn, huyết áp tăng cao.

4. Cách phòng bệnh tim mạch

Các nghiên cứu đã chỉ ra, có hai nhóm yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng mắc các bệnh lý tim mạch, đó là:

– Các yếu tố có thể thay đổi: 

+ Chế độ ăn uống nhiều muối, nhiều chất béo bão hoà; 

+ Lối sống tĩnh tại, ít vận động; 

+ Tình trạng thừa cân béo phì; 

+ Hút thuốc lá; uống nhiều rượu; 

+ Tăng huyết áp;

+ Căng thẳng tâm lý. 

– Các yếu tố không thể thay đổi:

+ Trên 65 tuổi;

+ Yếu tố di truyền; 

+ Giới tính;

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng

Để phòng tránh các bệnh tim mạch, cần phải thay đổi các yếu tố nguy cơ của bệnh. Cụ thể là cần tập thể dục thường xuyên và phù hợp với lứa tuổi cũng như thể trạng. Xây dựng chế độ ăn hợp lý, hạn chế chất béo, nội tạng động vật; giảm muối, giảm đường; tăng cường bổ sung chất xơ và vitamin. Bỏ thuốc lá và hạn chế uống đồ uống có cồn như rượu, bia. Duy trì tâm lý thoải mái, tích cực. Kiểm soát huyết áp nằm trong mức ổn định. 

BS Nguyễn Việt Hưng

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyễn
Nguyễn
6 tháng trước

bài viết hay quá ạ