Những câu hỏi thường gặp với bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi. Hiện nay bệnh cao huyết áp chiếm 8-12% dân số và đang cóa xu hướng gia tăng.
Nội dung bài viêt
1. Cao huyết áp gây hậu quả gì?
Chỉ số huyết áp từ trên 140/90mmHg thì được gọi là huyết áp cao. Thành động mạch chịu áp lực quá tải do cao huyết áp gây ra có thể làm tổn thương nghiêm trọng nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể. Nói chung, huyết áp càng cao hay càng để lâu không kiểm soát thì tổn thương càng lớn. Nếu không biết huyết áp của mình thì cần được thầy thuốc kiểm tra. Có ý thức về huyết áp và hiểu biết cần phải làm gì nếu có huyết áp cao sẽ giúp phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng do huyết áp cao có thể gây ra như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa.
- Huyết áp cao có thể gây ra như đột quỵ suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa (Ảnh: ST)
Nếu huyết áp luôn tốt khi đo ở nhà nhưng lại luôn cao khi đo tại phòng mạch hay bệnh viện thì có đáng lo không?
Hiện tượng này có thể do hội chứng “áo choàng trắng” tức cao huyết áp tạm thời mỗi khi gặp thầy thuốc dưới tác động của yếu tố tâm lý. Bằng phương pháp đo huyết áp 24 giờ, thầy thuốc sẽ giúp xác định đó là cao huyết áp chỉ xảy ra khi đi khám bệnh hay có bệnh cao huyết áp thực sự. Ở những người này, tuy huyết áp vẫn bình thường khi đo ở nhà nhưng vẫn nên kiểm tra thường xuyên hơn và vẫn nên theo chế độ kiểm soát chỉ số huyết áp như thay đổi chế độ ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, thực hành vận động và giảm stress.
2. Huyết áp cao có di truyền không?
Nếu bố, mẹ bị huyết áp cao thì xác suất con bị huyết áp cao sẽ cao hơn. Cao huyết áp là bệnh có thể hạn chế dù có lưu hành trong gia đình. Thường ta có thể phòng ngừa cao huyết áp bằng những biện pháp sau:
- duy trì cân nặng hợp lý,
- luôn có lối sống năng động,
- ăn nhiều hoa quả và rau,
- giảm ăn mặn,
- hạn chế rượu bia.
Không nên cho rằng chỉ có thuốc mới giảm được huyết áp cao. Thay đổi lối sống cũng rất quan trọng, ví dụ như chế độ ăn nhiều rau quả, đi bộ hàng ngày và không hút thuốc lá. Thay đổi lối sống còn có thể làm cho thuốc hiệu quả hơn và đôi khi có thể làm giảm huyết áp đủ để giảm liều lượng thuốc hàng ngày. Việc sử dụng thuốc cần sử dụng hàng ngày, đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
3. Bệnh cao huyết áp hoạt động thể lực như thế nào?
Hoạt động thể lực, tập thể dục là biện pháp quan trọng để giữ gìn sức khỏe nói chung và phòng bệnh huyết áp cao nói riêng. Ít nhất 30 phút tập thể dục vừa phải hàng ngày hay 5 ngày mỗi tuần có thể giúp phòng hoặc kiểm soát cao huyết áp. Nếu quá bận thì chia làm nhiều lần mỗi lần 10 phút; hoặc để ôtô xa cơ quan, xuống xe buýt trước vài bến đỗ để đi bộ, nửa giờ lau rửa xe, lao động ở vườn nhà… cũng có ích.
4. Cao huyết áp giảm cân như thế nào?
Mỗi kilogram giảm được là mỗi bước quan trọng để hạ huyết áp. Cần cố gắng đạt được chỉ số khối lượng cơ thể tối ưu (BMI – Body Mass Index từ 18 đến 23) để phòng tránh và điều trị huyết áp cao cũng như nhiều bệnh lý khác như tim mạch, đái tháo đường. Thầy thuốc sẽ cho biết nên giảm mấy kilogram và làm cách nào tốt nhất để đạt được sự giảm cân.
5. Phòng và điều trị bệnh cao huyết áp
5.1. Những lưu ý để phòng bệnh cao huyết áp
- uống thuốc và áp dụng chế độ ăn nhạt, ăn đủ dinh dưỡng để kiểm soát chỉ số huyết áp dưới mức 140/90mmHg;
- Nếu bị béo phì, nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ rau quả, trái cây;
- ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật tốt hơn là chất đạm từ thịt gia súc, gia cầm;
- không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị bệnh đái tháo đường;
- hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa mà nên dùng dầu hướng dương, dầu vừng, dầu đậu nành;
- nên ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ;
- Điều trị các bệnh kèm theo.
- Ngoài ra bắt buộc phải bỏ những thói quen xấu như uống nhiều rượu; hút thuốc lào, thuốc lá; giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái căng thẳng, xúc động, lo âu; thường xuyên tập thể dục vừa sức ít nhất 45 phút mỗi ngày, 3 lần trong một tuần.
5.2. Tuân thủ các quy định về điều trị bệnh cao huyết áp
Trong điều trị cao huyết áp, việc dùng thuốc để khống chế huyết áp dưới mức 140/90mmHg là rất cần thiết.
Ở gia đình, người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, khám lại đúng kỳ hẹn, không nên tự ý mua thuốc hạ huyết áp để uống hay uống thuốc theo chỉ dẫn của người quen, lối xóm hay bạn bè không phải là bác sĩ.
Theo cách điều trị tăng huyết áp hiện nay, các thầy thuốc phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp với liều thấp có hiệu quả hơn là sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp với liều cao. Các nhóm thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng hiện nay bao gồm: nhóm thuốc lợi tiểu; nhóm thuốc chẹn kênh canxi; nhóm thuốc ức chế thụ thể bêta; nhóm thuốc ức chế thụ thể alpha; nhóm thuốc ức chế men chuyển; nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II.
5.3. Những lưu ý khi điều trị cao huyết áp tại nhà
Khi điều trị tăng huyết áp tại nhà cần tránh 3 sai lầm sau đây: Tự mua thuốc hạ huyết áp để uống. Đã có nhiều trường hợp phải đến bệnh viện cấp cứu do tự uống thuốc hạ huyết áp; chỉ chữa bệnh khi huyết áp tăng cao và ngừng thuốc khi huyết về bình thường; uống lâu dài với một đơn thuốc mà không khám lại để đánh giá diễn tiến của bệnh.
Xem thêm
6. Theo dõi tiến triển của bệnh
Để bảo đảm hiệu quả trong quá trình điều trị và theo dõi huyết áp tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ các cách sau:
- Phải có sổ theo dõi huyết áp: trong sổ ghi số đo huyết áp mỗi ngày 1-3 lần, triệu chứng bất thường trong ngày, thuốc uống trong ngày. Bệnh nhân cần đưa sổ này cho bác sĩ điều trị mỗi lần tái khám.
- Cách dùng máy đo huyết áp điện tử tại nhà: Khi theo dõi huyết áp tại nhà chỉ nên đo huyết áp 1-3 lần trong ngày, mỗi lần đo huyết áp nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình 2 lần đo. Cần nhớ phải nằm nghỉ tuyệt đối khoảng 15 phút trước khi đo. Trước khi đo huyết áp 30 phút không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá. Không nên đo huyết áp sau khi ăn hoặc khi mới ngủ dậy.
- Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ thì nên chủ động tới bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám, không chờ đến hẹn để chủ động ngăn ngừa tai biến do tăng huyết áp.
Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp