Những dấu hiệu bệnh tim bạn không nên bỏ qua

Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh lý nguy hiểm hàng đầu, gây tử vong cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đôi khi, những dấu hiệu bệnh tim sẽ không rõ ràng và người bệnh thường chủ quan bỏ qua chúng, dẫn đến nhiều hậu quả biến chứng không lường. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về những triệu chứng bệnh tim chính là yếu tố tiên quyết giúp bạn và người thân tránh được nguy hiểm.

1. Những dấu hiệu bệnh tim cần biết

Một số dấu hiệu bệnh tim thường gặp mà bạn không nên lơ là như:

1.1. Khó thở

Khó thở là tình trạng thường thấy ở những người mắc bệnh tim. Người bệnh gặp phải triệu chứng này khi gắng sức, nặng hơn có thể gặp cả khi nghỉ ngơi lúc bạn nằm xuống hoặc đi ngủ. Có một số trường hợp người bệnh không thể nằm xuống mà phải ngồi để thở. Triệu chứng này thể hiện tình trạng suy tim, tim đột ngột giảm chức năng co bóp, làm gián đoạn quá trình tống máu đi nuôi cơ thể.

1.2. Cảm thấy tức nặng hoặc đau ngực

Đau tức ngực có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác từ nhẹ tới nặng, tuy nhiên triệu chứng này gặp ở người bệnh tim mạch là phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất. Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh sẽ có cảm giác căng, lồng ngực như bị ép chắc hay đè nén. Cơn đau có thể lan sau lưng, vùng cổ, hàm, vai. Biểu hiện này thường có tính chu kỳ, kéo dài khoảng 5-10 phút, xảy ra khi người bệnh gắng sức hay vận động, cơn đau hết khi nghỉ ngơi sau đó quay lại với tần suất và cường độ có thể thay đổi.

Người bệnh khi có triệu chứng đau ngực kéo dài cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, không nên phớt lờ dù chỉ là thoáng qua, vì đây cũng có thể là một dấu hiệu bệnh tim, cụ thể là nhồi máu cơ tim cấp.

Đau ngực là một trong những dấu hiệu bệnh tim thường gặp

1.3. Biểu hiện phù

Đối với người bị bệnh suy tim thì tình trạng phù cũng là một dấu hiệu bệnh tim hay xuất hiện về chiều, khi đứng lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc phù vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy tim bạn không bơm máu hiệu quả như bình thường. Khi suy tim nặng hơn, biểu hiện phù sẽ rõ ràng và dễ nhận thấy, đôi khi phù toàn thân nếu không được điều trị kịp thời.

1.4. Biểu hiện tím

Mặt tím tái, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu là triệu chứng bệnh tim gặp ở những bệnh nhân bị gián đoạn hoặc rối loạn nhịp tim ở mức độ nghiêm trọng.

1.5. Ho kéo dài

Biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng của những bệnh lý khác nên người bệnh thường bỏ qua. Nhưng nếu bạn bị bệnh tim hoặc biết mình có nguy cơ, hãy đặc biệt chú ý đến dấu hiệu bệnh tim này.

Khi máu không được bơm đi nuôi cơ thể, gây ứ lại ở phổi làm cho người bệnh bị ho thành cơn kéo dài và dai dẳng. Cơn ho cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh tim như thuốc ức chế men chuyển.

1.6. Cảm thấy mệt mỏi

Kiệt sức quá mức hay cơ thể luôn mệt mỏi mà không giải thích được cũng có thể là dấu hiệu bệnh tim, đặc biệt đối với phụ nữ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu cơ thể bạn đang cảm thấy không khỏe kể cả khi hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Bệnh tiểu đường gây ra cảm giác mệt mỏi (Nguồn: Internet)

Cơ thể mệt mỏi cũng là dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn bệnh lý tim mạch nào đó

1.7. Cảm thấy tim đập nhanh hoặc hồi hộp trống ngực

Hồi hộp trống ngực là tình trạng đập bất thường của tim và cũng là  dấu hiệu bệnh tim khá phổ biến cảnh báo các bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tim phải đập nhanh hơn để bù lại việc suy giảm chức năng bơm máu.

1.8. Các triệu chứng khác

Ngoài những dấu hiệu bệnh tim kể trên, người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời khi gặp những triệu chứng khác như buồn nôn, chán ăn, hay lo lắng, căng thẳng…

2. Cần làm gì khi có các dấu hiệu bệnh tim?

Khi có các dấu hiệu bệnh tim, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi người. Bác sĩ sẽ chỉ định những cận lâm sàng cần thiết, giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.

2.1. Khám tim mạch

Bệnh tim mạch được ví như “kẻ giết người thầm lặng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, người bệnh nên lắng nghe cơ thể, chú ý những triệu chứng khác thường để kịp thời điều trị, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm không mong muốn. Lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, đạt chất lượng cùng đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn tim mạch cao và giàu kinh nghiệm là điều cần thiết giúp chẩn đoán chính xác bệnh và việc điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất.

2.2. Làm các cận lâm sàng

2.2.1. Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (ECG) là kỹ thuật ghi lại hoạt động điện của tim, là xét nghiệm cơ bản nhất và vô cùng quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch như: nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, suy tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ…

Điện tâm đồ là kỹ thuật cơ bản, dễ thực hiện

2.2.2. Chụp x quang ngực

Chụp X-quang ngực là hình ảnh chụp lại phần ngực bằng tia X-quang, trong phim chụp bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh của các cơ quan trong lồng ngực như tim, phổi… Những thay đổi về kích thước và hình dạng tim gợi ý cho bác sĩ những bệnh như suy tim hay bệnh lý về van tim.

2.2.3. Siêu âm tim

Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tim khi bạn có những dấu hiệu bệnh tim như khó thở, đau ngực…. Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp khảo sát cấu trúc, chức năng của tim và các mạch máu lớn nuôi tim. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau và không gây tác dụng phụ cho bệnh nhân.

2.2.4. Siêu âm mạch máu

Phương pháp siêu âm mạch máu đang là phương pháp phổ biến áp dụng để kiểm tra, đánh giá hệ tuần hoàn trong cơ thể, từ đó xác định vị trí tắc nghẽn do các cục máu đông gây ra, khảo sát dòng máu lưu thông có bất thường hay không và phòng ngừa huyết khối gây thuyên tắc các mạch máu nuôi tim.

2.2.5. Chụp động mạch vành

Chụp động mạch vành là phương pháp chụp cản quang dưới màn hình tăng sáng, giúp các bác sĩ chuyên khoa nắm được giải phẫu của động mạch vành, xem động mạch vành có bị hẹp hay không và mức độ hẹp có nghiêm trọng không. Những trường hợp sẽ được chỉ định chụp động mạch vành như người bệnh có vấn đề đau ngực hay mắc phải một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp thất, bệnh van tim…

2.2.6. Chụp cộng hưởng từ tim mạch

Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán cho các bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh lý ở tim.

Chụp cộng hưởng từ tim cũng được chỉ định giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý tim mạch

2.2.7. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là xét nghiệm cơ bản và dễ thực hiện nhất, cung cấp nhiều thông tin, hữu ích trong nhiều trường hợp. Trong đó, xét nghiệm troponin T là xét nghiệm xác định nồng độ của troponin T – một trong những thành phần của bộ máy co cơ tim và co cơ xương có trong huyết thanh và huyết tương của cơ thể người, từ đó giúp phát hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cũng như những bệnh lý tim mạch sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.

Trên thực tế, những dấu hiệu bệnh tim ban đầu thường không rõ ràng, dễ lầm tưởng với những bệnh lý khác. Điều đó làm người bệnh chủ quan, không đi khám dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng sau này. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường hãy đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp đúng cách và kịp thời.

DS Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận