Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mụn nội tiết và cách điều trị
Mụn là một vấn đề phổ biến về da mà gần như ai trong chúng ta cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt mụn nội tiết được xem là nỗi ám ảnh kinh hoàng, ảnh hưởng thẩm mỹ, gây tự ti trong giao tiếp. Vậy mụn nội tiếp là gì và làm sao để nhận biết mụn nội tiết để có phương án điều trị hợp lí?
Nội dung bài viêt
1. Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết xảy ra khi có sự thay đổi hormone trong cơ thể
Mụn nội tiết (tên khoa học là Hormonal acne) là mụn xuất hiện khi cơ thể gặp phải các sự thay đổi hormone, mụn có thể gặp ở cả nam và nữ cũng như bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên hay gặp nhất ở tuổi dậy thì và ở các bé gái.
Nguyên nhân chính gây mụn là do mất cân bằng hormone dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của tuyến nhờn gây bít tắc nang lông, gia tăng sản sinh vi khuẩn gây mụn. Từ đó gây ra viêm đỏ trên da và bắt đầu xuất hiện mụn. Chúng có thể phát triển từ mụn đầu trắng, mụn đầu đen sang mụn viêm, mụn mủ, u nang.
2. Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mụn nội tiết
Mặc dù mụn nội tiết diễn ra không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe, tuy nhiên mụn nội tiết kéo dai dẳng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây tự ti trong giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người mắc. Vì vậy chúng ta cần phát hiện sớm tình trạng mụn để có phương án điều trị và chăm sóc đúng, kịp thời.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mụn nội tiết bao gồm:
- Thường xuyên xuất hiện mụn bọc và mụn mủ: Khác với mụn đầu trắng và mụn đầu đen, mụn nội tiết thường có biểu hiện viêm và sưng tấy đỏ. Mụn xuất hiện tại một vị trí và kéo dài dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần. Vì thuộc dạng mụn có u nang lớn và sâu nên mụn nội tiết đòi hỏi 1 phương pháp điều trị chuyên khoa thay vì chỉ là những phương pháp bôi thông thường.
- Vị trí: Xuất hiện ở vùng cằm và xương hàm là một trong những dấu hiệu điển hình của mụn nội tiết. Sở dĩ mụn nội tiết đặc trưng với vị trí ở phần dưới mặt là do các hormone dư thừa bên trong cơ thể kích thích tuyến dầu phát triển, mà phần lớn các tuyến dầu lại tập trung ở vùng da cằm và quai hàm. Các nốt mụn khá dày mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
Mụn nội tiết thường xuất hiện ở vùng cằm vùng quai hàm dưới dạng mụn mủ, mụn bọc
- Mụn xuất hiện nhiều ngay cả khi đã qua tuổi dậy thì, mãn kinh: Mụn nội tiết không chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì hay mãn kinh mà có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bất kỳ sự thay đổi hay rối loạn nội tiết tố đều có thể gây mụn. Độ tuổi 20-30 tuổi là giai đoạn mang thai và sinh nở của phụ nữ, dẫn đến rối loạn nội tiết tố, cũng dễ gây mụn không kém. Vì thế, khi đã bước sang độ tuổi vị thành niên hoặc đã trải qua chu kỳ sinh sản, nhưng những nốt mụn sưng viêm cứ liên tục tái phát trên da là dấu hiệu nghĩ đến bị mụn nội tiết
- Khi căng thẳng stress, cơ thể thường sản sinh hormone cortisol. Đây là dạng hormone có thể kích thích sự phát triển của mụn viêm, mụn bọc nghiêm trọng.
Mụn dễ xuất hiện khi stress căng thẳng
- Mụn vẫn xuất hiện mặc dù đã có chế độ chăm sóc da hợp lí, khoa học
- Một đặc điểm khá ở mụn nội tiết là mụn sẽ tái phát 1 tháng 1 lần, tượng tự như chu kỳ kinh nguyệt, ngay cả với phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh. Điều này có liên quan mật thiết với nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể
3. Mụn nội tiết điều trị như thế nào?
Mụn nội tiết thường kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục nên chúng ta khá lo ngại liệu có thể điều trị mụn nội tiết hiệu quả và dứt điểm hay không. Vì mụn nội tiết thuộc dạng mụn có u nang lớn và sâu nên nó đòi hỏi 1 phương pháp điều trị chuyên khoa thay vì chỉ là những phương pháp bôi thông thường. Chúng ta cần khám và tuân theo chỉ định của bác sỹ để có phương án điều trị hợp lý. Cách tốt nhất là sử dụng thuốc để cân bằng nội tiết, giảm tiết dầu và hạn chế mụn hình thành. Phương án này sẽ giúp điều trị từ trong lẫn ngoài nhằm điều trị hiệu quả hơn. Một số biện pháp điều trị mụn nội tiết có thể kể đến như:
- Thuốc tránh thai: Thuốc có khả năng cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể, giúp giảm tình trạng mụn nội tiết nên chúng được sử dụng để điều trị mụn nội tiết. Chống chỉ định cho những người có tiền sử huyết khối, tăng huyết áp, hoặc ung thư vú……
Thuốc tránh thai đường uống khá hiệu quả trong việc sử dụng để điều trị mụn nội tiết
- Thuốc chống androgen: Thuốc chống androgen hoạt động dựa trên cơ chế giảm nội tiết tố nam androgen. Androgen là hormon tự nhiên có ở cả nam và nữ. Tuy nhiên khi hàm lượng androgen quá cao, chúng có thể gây ra các vấn đề về mụn trứng cá do can thiệp vào việc điều chỉnh các nang lông cũng như tăng sản xuất bã nhờn. Nói cách khác thuốc chống androgen có thể ngăn cơ thể bạn sản xuất nhiều androgen hơn và giúp ổn định nồng độ hormone.
- Retinoids: Phù hợp điều trị các dạng mụn nội tiết ở thể nhẹ. Retinoids có gốc vitamin A có vai trò điều chỉnh tiết bã nhờn, thông thoáng lỗ chân lông và thường được sử dụng dưới dạng bôi ngoài da. Tuy nhiên trong quá trình điều trị với Retinoids chúng ta nên sử dụng vào buổi tối hay thoa kem chống nắng đầy đủ vì Retinoids sẽ bị bất hoạt dưới tác động của tia UV, tăng nguy cơ cháy nắng.
4. Chế độ chăm sóc da cho người bị mụn nội tiết
- Làm sạch da 2 lần 1 ngày: Mụn nội tiết diễn ra khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh + bụi bẩn hàng ngày có thể gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện tích tụ vi khuẩn gây ra mụn. Vì vậy cần làm sạch da mỗi ngày, tốt nhất là 2 lần vào sáng và tối giúp da sạch sẽ, giảm mụn hình thành.
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ: Khi bị mụn nội tiết, da mặt rất nhạy cảm nên ta cần dùng các loại sữa rửa mặt không có tính chà xát, tốt nhất là dạng gel và dịu nhẹ để tránh tổn thương da.
Rửa mặt 2 lần 1 ngày với các loại gel rửa mặt dịu nhẹ
- Sử dụng nước cân bằng da cấp ẩm, sạch sâu, se khít lỗ chân lông. Toner có nhiều tác dụng làm sạch sâu và cần thiết ngay cả khi chúng ta không bị mụn nội tiết
- Dưỡng ẩm đầy đủ cho da: Mặc dù khi mụn nội tiết, da chúng ta tiết nhiều nhờn mụn nhưng việc dưỡng ẩm cũng rất cần thiết. Việc dưỡng ẩm đúng cách sẽ giúp da không bị mất nước thiếu ẩm, hạn chế da tiết dầu. Ngược lại nếu không cấp đủ ẩm và nước cho da thì tình trạng mụn sẽ trở nên tồi tệ hơn.
- Hạn chế trang điểm: Việc sử dụng quá nhiều mỹ phẩm trang điểm sẽ khiến da bị bít tắc lỗ chân lông, mụn hình thành. Do đó đặc biệt khi bị mụn nội tiết ta nên hạn chế trang điểm để tránh mụn phát triển tồi tệ hơn.
- Chống nắng đầy đủ: Việc bị mụn nội tiết khiến da nhạy cảm, dễ tổn thương, vì thế chúng ta cần bảo vệ làn da được tác động của ánh nắng mặt trời bằng cách thoa kem chống nắng và che chắn da thật kỹ.
Chống nắng đầu đủ là cần thiết trong điều tị mụn trứng cá
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: Ngoài việc chăm sóc da thì chế độ ăn và sinh hoạt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị mụn. Chúng ta cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày hỗ trợ điều trị mụn. Chúng ta nên uống các loại nước ép như nước rau má, nước cam, bột sắn dây,…giúp cân bằng nội tiết, điều trị mụn từ bên trong. Và đặc biệt cần hạn chế các loại đồ uống nhiều đường, dễ gây nóng như đồ uống có gas, cafe, trà sữa,…
Bổ sung các loại nước ép giúp cân bằng nội tiết
Mụn nội tiết mặc dù dai dẳng và khó chữa tuy nhiên chỉ cần chúng ta có phương án điều trị chăm sóc đúng và kịp thời thì một làn da khỏe mạnh, sạch mụn sẽ đến với chúng ta.
BS Phạm Thị Hoa