Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng
Ngoài những vấn đề như thay khớp háng ở đâu tốt, thay khớp háng hết bao nhiêu tiền thì người bệnh và người nhà của bệnh nhân cũng cần phải chú ý tới việc chăm sóc bệnh nhân thay khớp háng sau đó. Từ chế độ ăn uống đến luyện tập để phục hồi, đặc biệt là cần nắm bắt những biến chứng sau thay khớp háng để có những chế độ chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Nội dung bài viêt
1. Khớp háng và vai trò của khớp háng
Khớp háng là một trong những khớp quan trọng nhất của cơ thể. Khớp háng là khớp giữa chỏm xương đùi và ổ chảo của xương chậu. Chức năng quan trọng đầu tiên của khớp háng là nâng đỡ sức nặng của cơ thể ở cả tư thế tĩnh (đứng) lẫn động (đi lại, chạy nhảy…). Ổ chảo của xương chậu hướng xuống dưới, ra ngoài và ra sau, trong khi cổ xương đùi thì hướng lên trên, vào trong và ra trước. Góc nghiêng này giúp xương đùi hoạt động dễ dàng quanh khớp hông nhưng cũng làm cho cổ xương đùi kém vững chắc. Vì vậy, ở người già nguy cơ gãy cổ xương đùi do té ngã là rất lớn do kèm yếu tố loãng xương.
Khớp háng có phần bao khớp rất chắc nhưng bao xơ thì chùng, không căng nên khớp háng có được các động tác rất rộng rãi, chỉ thua khớp vai và nhờ đó mà nâng đỡ được sức nặng của cơ thể.
Các động tác của khớp háng: xoay ngoài (300 khi duỗi thẳng, 500 khi gấp), xoay trong (400), duỗi hay ưỡn (200), gấp hay cúi (1400), dạng (500), khép (300 khi duỗi, 200 khi gấp).
Nếu khớp háng bị mòn hay bị tổn thương sẽ gây đau và khó đi lại, khả năng làm việc sút kém.
2. Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo
Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp phẫu thuật để điều trị các bệnh lý của khớp háng sau khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Thông thường, thay khớp háng sẽ làm cho người bệnh giảm đau, vận động khớp háng sẽ được cải thiện giúp người bệnh trở lại với sinh hoạt hàng ngày.
- Tóm tắt quá trình thay khớp háng (Ảnh: Internet)
3. Kỹ thuật thay khớp háng được phân biệt ra thành:
- Thay khớp háng toàn phần: (thay các mặt khớp của xương đùi và của ổ chảo): Áp dụng cho các trường hợp đau do viêm hay thoái hóa khớp háng, hoặc gãy cổ xương đùi ở người già.
- Thay khớp háng bán phần: Thường được chỉ định cho những người bị gãy xương đùi trong các trường hợp như: thể lực kém, gãy xương bệnh lý, loãng xương nặng, kéo nắn không đạt yêu cầu, trật khớp một số ngày, có các bệnh trước đó như viêm khớp dạng thấp (người trẻ), hoại tử vô mạch, bệnh thần kinh…
- Thay khớp đơn cực: chỉ thay chỏm và cổ xương đùi (trước đây thường dùng chỏm Moore bằng kim loại, hiện nay thay bằng các vật liệu nhân tạo khác).
- Thay khớp lưỡng cực: thay chỏm và cổ xương đùi cùng với thay ổ chảo nhưng phần thay cho ổ chảo không gắn chắc vào xương chậu.
- Hình ảnh khớp háng đã được thay (Ảnh: Internet)
4. Các biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng có thể gặp
Bao gồm:
- Viêm tắc tĩnh mạch sâu với hình thành các cục máu đông trong lòng mạch sau mổ thay khớp. Nguyên nhân có thể do ít vận động chân bên mổ hoặc do sang thương mạch máu trong quá trình phẫu thuật. Vì vậy, người bệnh nên tập dần chân bên mổ ngay sau khi tỉnh dậy với sự giúp đỡ của nhân viên y tế và có thể phải sử dụng thuốc chống đông máu khi có chỉ định. Đây là biến chứng thay khớp háng mà bệnh nhân thường xuyên nhiễm phải.
- Nhiễm khuẩn nông vùng vết mổ hoặc nhiễm khuẩn sâu bên trong khớp. Biến chứng này có thể xảy ra sớm hoặc muộn (thường gặp sau mổ vài năm).
- Trật khớp.
- Tổn thương thần kinh tọa.
- So le
- Lỏng khớp.
- Tử vong trong 30 ngày sau thay khớp.
- Cứng khớp.
- Tổn thương mạch máu hoặc gãy xương.
5. Tiên lượng của mổ thay khớp háng
- 80% có kết quả tốt với cải thiện vận động và hết đau.
- Tử vong trong vòng 30 ngày sau thay khớp hoàn toàn khoảng 0,5%.
- Sau thay khớp do gãy khớp háng, tỷ lệ tử vong trong 30 ngày là 2,4%.
- Tỷ lệ nhiễm khuẩn của mổ thay khớp háng là 1%.
- Tỷ lệ lỏng khớp sau 11 năm là 3%.
CNVLTL Nguyễn Thanh Thúy
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 04 – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh