Những điều cần biết về bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin
Bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin chỉ gặp ở 5% tổng số bệnh nhân tiểu đường nhưng lại thường mắc phải ở những người trẻ dưới 30 tuổi trong đó có cả trẻ em. Vì thế, khi mới phát hiện bệnh, bệnh nhân thường có xu hướng không muốn chấp nhận sự thật, sợ hãi về những tác động của bệnh đến cuộc sống.
Nội dung bài viêt
1. Bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin là gì?
Bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin chính là tên gọi khác của tiểu đường type 1. Gọi là tiểu đường phụ thuộc Insulin vì bệnh nhân không còn khả năng tự sản xuất insulin mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào Insulin ngoại sinh để điều hòa đường huyết.
Insulin là hormone tiết ra từ tế bào -đảo tụy, là hormon duy nhất trong cơ thể có khả năng đưa đường từ máu vào trong tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Tuy nhiên, vì 1 số lý do chưa rõ ràng mà cơ thể sinh ra tự kháng thể phá hủy các tế bào beta đảo tụy của chính mình. Hậu quả là tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin và gây ra tình trạng tăng đường huyết gọi là tiểu đường type 1 hay đái tháo đường phụ thuộc Insulin.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết đã được đưa ra:
- Do tiền sử gia đình có người bị tiểu đường type 1
- Do có tiền sử nhiễm virus
- Do tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ độc hại
2. Phân biệt với bệnh đái tháo đường không phụ thuộc Insulin
Bạn cần phân biệt bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin với đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường không phụ thuộc Insulin chính là tên gọi khác của tiểu đường type 2.
Ở những bệnh nhân này, cơ thể không mất hoàn toàn khả năng sản xuất insulin như tiểu đường type 1. Mà do tế bào kháng lại insulin khiến cho insulin hoạt động không hiệu quả để vận chuyển đường vào trong. Cơ thể phản ứng với tình trạng này bằng cách tăng cường sản xuất Insulin từ tuyến tụy. Lâu dần, tuyến tụy hoạt động quá tải sẽ bị suy giảm chức năng dẫn đến thiếu Insulin.
Ở bệnh nhân tiểu đường type 2 thông thường thời gian đầu vẫn chưa phải tiêm Insulin như tiểu đường type 1. Chỉ khi các loại thuốc tây không thể kiểm soát được đường huyết, chức năng của tuyến tụy suy giảm nhiều thì bệnh nhân tiểu đường type 2 mới phải tiêm Insulin.
Xem thêm
3. Triệu chứng của tiểu đường phụ thuộc insulin
- Triệu chứng tiểu đường type 1
- Tiểu nhiều: là triệu chứng chính của cả tiểu đường type 1 và type 2. Bạn có thể đi tiểu nhiều lần cả ngày và đêm với thể tích nước tiểu lên tới 3l, cao hơn so với bình thường 1-2l. Tiểu nhiều là do đường huyết trong máu tăng cao nên cơ thể phải đào thải glucose qua thận. Thận lúc này cũng sẽ lọc ra nhiều nước hơn (do đường làm tăng áp suất thẩm thấu trong ống thận). Kết quả là bạn bị tiểu nhiều
- Khát nhiều: nếu bạn cảm thấy khát nhiều và cơn khát của bạn mạnh hơn bình thường và vẫn tiếp tục ngay cả khi bạn vừa uống nước. Đó có thể là triệu chứng của tiểu đường phụ thuộc Insulin. Nguyên nhân là do cơ thể bạn mất một lượng nước lớn do đi tiểu nhiều nên cần bù lại.
- Mệt nhiều: Mệt nhiều có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Ở bệnh tiểu đường type 1, đường từ máu không được vận chuyển vào trong tế bào do thiếu Insulin. Từ đó dẫn đến tế bào thiếu năng lượng để hoạt động và biểu hiện thành triệu chứng mệt nhiều
- Gầy nhiều: Khi tế bào thiếu năng lượng để hoạt động, cơ thể sẽ thoái hóa cơ và chất béo thành ceton để sử dụng làm nguồn năng lượng thay thế. Do đó, bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin sút cân rất nhanh.
4. Đối mặt với tiểu đường phụ thuộc Insulin
Khi bạn mới phát hiện mình bị tiểu đường type 1, có thể bạn rất hoang mang, lo lắng và không dám đối mặt với sự thật. Tuy nhiên, hãy bình tâm vì bạn có sự hỗ trợ của các y bác sĩ trong quá trình điều trị. Hơn nữa, chỉ cần bạn kiểm soát ổn định đường huyết, bạn có thể sống vui khỏe cùng bệnh tiểu đường. Trên thế giới, đã có rất nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường phụ thuộc Insulin sống thọ đến hơn 90 tuổi và hãy tin rằng bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó khi biết cách kiểm soát một số vấn đề sau:
4.1. Kiểm soát đường huyết
- Bạn cần tuân thủ liều lượng Insulin theo chỉ định của bác sĩ.
- Học cách đếm lượng carb trong mỗi bữa ăn. Xét nghiệm đường huyết tại nhà trước và sau ăn để hiểu được đáp ứng của cơ thể. Từ đó kịp thời phát hiện những bất thường về đường huyết để điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và liều lượng Insulin
4.2. Nỗi sợ khi tiêm Insulin
- Insulin dạng tiêm
Tiêm Insulin là chỉ định cho mọi bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, một số người mắc phải chứng sợ tiêm với các triệu chứng như: chóng mặt, đánh trống ngực, đổ mồ hôi run sợ. Để giải quyết được nỗi sợ này, bạn có thể tập theo bài tập thư giãn sau:
- Ngồi trên ghế thoải mái, nhắm mắt lại
- Hít vào thật chậm và thật sâu để phổi của bạn căng đầy
- Giữ hơi thở này đếm 3 giây, thở ra hết mức có thể trong 5 giây
- Lặp lại chuỗi này trong hai nhịp thở nữa
- Hãy mở mắt và nhận ra bất kỳ sự khác biệt nhỏ nào về cảm giác của bạn, cả về cơ thể và tâm trí của bạn. Với một chút luyện tập, theo thời gian, bạn sẽ có thể nhận thấy cảm giác thư giãn
4.3. Vượt qua cơn hạ đường huyết
- Các biểu hiện của hạ đường huyết
Tụt đường huyết là một trong những vấn đề mà bệnh nhân tiểu đường type 1 nào cũng gặp phải ít nhất 1 lần. Nó xảy ra khi đường trong máu bạn xuống dưới 3.9 mmol/L. Tụt đường huyết có triệu chứng run chân tay, vã mồ hôi, đánh trống ngực, nhìn mờ. Để xử trí nhanh cơn hạ đường huyết, bạn có thể ăn 1 viên glucose, uống nước ngọt hoặc nước hoa quả (200ml). Kiểm tra lại đường máu sau 15 – 20 phút. Nếu đường huyết vẫn dưới 5 mmol/L thì ăn thêm các thực phẩm chứa tinh bột/đường.
Bạn không được coi thường cơn hạ đường huyết vì nó vô cùng nguy hiểm, nếu để đường máu dưới 3 mmol/L bạn có thể rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong chỉ trong 30 phút.
Để phòng ngừa cơn hạ đường huyết, bạn cần:
- Xác định xem mức đường huyết của bạn thường xuống thấp vào thời điểm nào trong ngày. Có phải do một hoạt động cụ thể nào không? Hay tụt đường huyết do ốm? Ví dụ nếu như bạn thấy đường huyết của mình xuống thấp ngay trước bữa trưa. Bạn có thể ăn trưa sớm hơn một chút hoặc ăn nhẹ trước bữa trưa.
- Tập thể dục làm tăng độ nhạy cảm với Insulin trong 48h, vì thế nếu bạn bị tụt đường huyết sau tập luyện, hãy xin ý kiến bác sĩ giảm đơn vị Insulin hoặc ăn nhẹ trước khi tập luyện.
- Rượu có thể gây hạ đường huyết, vì thế hãy hạn chế
- Ốm có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Vì thế khi bạn ốm, hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn bình thường.
4.4. Đề phòng nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể có quá ít Insulin để cho phép các tế bào hấp thụ glucose làm năng lượng. Thoái hóa quá nhiều cơ, chất béo chuyển thành ceton để sử dụng làm nguồn năng lượng thay thế. Khi thể ceton tích tụ quá nhiều trong máu sẽ gây nhiễm toan máu. Triệu chứng của nhiễm toan ceton là bệnh nhân bị nôn mửa, mất nước, thở gấp, thở nông để đào thải ceton ra ngoài. Nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm toan ceton xảy ra khi:
- Mức đường huyết cao kéo dài trên 15 mmol/L
- Thiếu Insulin
- Do bệnh tật hoặc nhiễm trùng
- Căng thẳng kéo dài
Cách duy nhất để phòng ngừa nhiễm toan ceton chính là tránh để cơ thể rơi vào 1 trong những tình trạng trên và kiểm tra đường huyết tại nhà thường xuyên.
Bạn hoàn toàn có thể sống khỏe cùng bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin nếu hiểu rõ về bệnh và cơ thể. Đừng bi quan khi mắc phải căn bệnh này vì còn những căn bệnh khác như ung thư có thể cướp đi cơ hội sống của chúng ta.