Những điều cần biết về chế độ ăn cho người tiểu đường

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Thực tế, với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là 3 yếu tố không thể tách rời. Trong đó, dinh dưỡng nhằm duy trì mức đường huyết huyết trong máu ở giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở ngưỡng an toàn để ngăn ngừa và giảm các nguy cơ biến chứng. Nguyên nhân là do tất cả biến chứng cho bệnh nhân đái đường đều do đường máu tăng gây nên, kiểm soát trong giới hạn bình thường sẽ giúp ngăn ngừa, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường”. Vậy chế độ ăn cho người tiểu đường có gì khác biệt? Cùng tìm hiểu về chế độ ăn cho người tiểu đường qua bài viết dưới đây.

1. Người bệnh tiểu đường không nên ăn kiêng quá mức.

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh. Thế nhưng đại đa số người bệnh đái tháo đường thường ăn ít hơn nhu cầu dinh dưỡng khiến một thời gian sau bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Hơn nữa, người bị tiểu đường còn sợ tăng đường huyết mà bỏ hoàn toàn tinh bột, chỉ ăn thịt khiến bệnh nhân cứ nhìn thấy thịt là sợ. Việc ăn quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như suy thận, gout. Quan trọng là bệnh nhân nên ăn uống giữ ổn định chất tinh bột trong các bữa ăn, không nên ăn quá nhiều.

Một chế độ ăn cho người tiểu đường hợp lý phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín để cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu.

Xem thêm

https://thaythuocvietnam.vn/thuc-don-mau-cho-nguoi-bi-benh-tieu-duong/

2. Chế độ ăn cho người tiểu đường

Hiểu rõ về các thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường giúp lựa chọn được thực phẩm phong phú, ăn ngon miệng mà không sợ tăng chỉ số đường huyết trong máu. Cần ghi nhớ nguyên tắc chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: bánh mì đen, gạo lứt, rau củ quả có nhiều trong chế độ ăn cho người tiểu đường. Ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tuyệt đối không bỏ bữa.

Chế độ ăn cho người tiểu đường
Chế độ ăn cho người tiểu đường (Ảnh: Internet)

Ví dụ, bánh mì trắng chỉ số đường huyết là 100, gạo trắng là 83 nhưng khoai sọ là 58, khoai lang chế biến vừa chín tới là 54 nhưng nếu hầm nhừ quá thì chỉ số đường huyết tăng lên. Tương tự, trong củ từ lượng đường là  51, sắn 50. Như vậy chúng ta có thể bớt cơm ăn khoai, chỉ số đường huyết thấp thì lượng glucose máu sau ăn không tăng

Trong nhóm rau củ cải, cà rốt chỉ số đường huyết là 49, rau muống là 10, hạt lạc, đậu tương 18, đậu đỏ 49, sữa gầy, sữa chua… Vì thế, người bệnh ăn canh đậu tương rất tốt, ăn lạc cũng không sao và cũng có thể ăn sữa chua, sữa gầy chứ không phải bị tiểu đường là kiêng tuyệt đối các thực phẩm này.

3. Người bệnh tiểu đường có thể tham khảo các thực đơn mẫu.

Bữa sáng có thể ăn bát bún mọc như người bình thường nhưng ăn thêm nhiều rau sống, giá đỗ. Khi ăn với nhiều rau thì chỉ số đường huyết không tăng hoặc tăng ít sau bữa ăn.

Bữa trưa có thể ăn hai lưng bát cơm, cơm có cá, nộm mướp đắng, bát canh bí. Thực đơn này gần giống như bữa ăn của người không bệnh, nhưng người tiểu đường cần lưu ý ăn nhiều rau hơn và cơm luôn phải có giới hạn. Bữa tối có thể một nửa bát cơm với đậu phụ rán, su su xào thịt bò hoặc canh cua nấu khoai sọ.

Bữa phụ có thể ăn một cốc sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt dành cho bệnh nhân kèm theo một miếng đu đủ khoảng 150-200g

Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong chế độ ăn cho người tiểu đường

Protein (chất đạm):

Lượng protein nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt nhất là đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm. Trong chế độ dinh dưỡng của tiểu đường tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.

Lipit (chất béo):

Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà. Các chất béo đặc biệt là các chất axit béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch nhưng mặt khác chất béo lại cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do gluxit cung cấp) vì vậy nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương… Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần còn giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Gluxit (chất bột đường):

Trong bệnh tiểu đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể vì thế chế độ ăn phải hạn chế gluxit (chất bột đường). Nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Hết sức hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt…). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

Cách phân chia thức ăn theo hàm lượng gluxit

Loại có hàm lượng gluxit ≤ 5%: người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, dưa hấu, nho ta, nhót chín… (sử dụng không hạn chế).

Loại có hàm lượng gluxit từ 10-20%: nên ăn hạn chế (một tuần có thể ăn 2-3 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín, sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan…).

Loại có hàm lượng gluxit từ ≥ 20%: cần kiêng hay hạn chế tối đa vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô…).

Với người bị tiểu đường nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng Insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

Thầy thuốc Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận