Những điều cần biết về đột quỵ não
Đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đột quỵ não đã và đang là vấn đề thời sự trên toàn Thế giới. Dự phòng đột quỵ dễ dàng hơn rất nhiều so với điều trị đột quỵ. Hơn nữa, khi đột quỵ đã xảy ra thì thái độ xử trí ngay từ những giây phút đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng.
Nội dung bài viêt
1. Đột quỵ não là gì?
1.1. Định nghĩa đột quỵ não
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới: Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương khu trú của não, tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.
1.2. Đặc điểm của đột quỵ não
- Xảy ra đột ngột
- Có biểu hiện tổn thương chức năng của não: liệt chi; liệt mặt; rối loạn cảm giác; rối loạn ngôn ngữ; rối loạn ý thức; rối loạn tâm thần…
- Triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ
- Nguyên nhân do tổn thương mạch máu não, loại trừ nguyên nhân chấn thương
2. Hai thể bệnh của đột quỵ não
Đột quỵ não là một bệnh lý do nguyên nhân tổn thương mạch máu cấp máu cho não. Nên theo cơ chế tổn thương mạch máu thì đột quỵ não được chia 2 thể chính:
- 2 thể đột quỵ não
Đột quỵ nhồi máu não (Do nghẽn/ tắc mạch máu)
Đột quỵ nhồi máu não do các nguyên nhân hẹp hoặc tắc động mạch não. Dẫn tới vùng não bị giảm hoặc ngừng cấp máu bị tổn thương.
Đột quỵ chảy máu não (Do vỡ mạch máu)
Đột quỵ chảy máu não do mạch máu bị vỡ ra, máu chảy tràn vào tổ chức não hoặc các khoang chứa dịch bao quanh tổ chức não.
3. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Tuổi (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền… Chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố này. Tuy nhiên, việc nhận thức về vấn đề này cung cấp thông tin về những đối tượng nào cần đề cao công tác dự phòng.
Các yếu tố nguy cơ thay đổi được
4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp; đái tháo đường; béo thể trung tâm (béo bụng) và rối loạn lipid máu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi khác như: nghiện rượu, hút thuốc lá, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các bệnh lý tim mạch, căng thẳng tâm lý…
4. Triệu chứng đột quỵ não
Triệu chứng tai biến mạch máu não rất phong phú và đa dạng. Tùy thuộc thể đột quỵ, vị trí tổn thương, kích thước tổn thương… mà các triệu chứng ở các bệnh nhân có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, có một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ.
Điểm đáng chú ý là các triệu chứng này xuất hiện đột ngột. Có thể trong hoàn cảnh bệnh nhân đang khỏe mạnh và sinh hoạt hoàn toàn bình thường.
- Các triệu chứng đột quỵ não
5. Các xét nghiệm cần làm
Các bệnh nhân đột quỵ cần được làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bệnh phối hợp và toàn trạng sức khỏe.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu để phát hiện đái tháo đường; rối loạn lipid máu; chức năng gan – thận…
Điện tim
Điện tim để phát hiện các loạn nhịp tim, đặc biệt rung nhĩ.
Siêu âm tim
Siêu âm tim: đánh giá cấu trúc tim, van tim và chức năng co bóp của tim. Các tổn thương van tim, suy tim là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Siêu âm mạch máu
Siêu âm mạch máu: siêu âm mạch máu não đoạn ngoài sọ (đoạn cổ) cho phép phát hiện các mảng vữa xơ. Siêu âm Doppler xuyên sọ cho phép đánh giá tốc độ dòng máu các mạch máu lớn đoạn trong sọ.
- Hình ảnh siêu âm động mạch cảnh bình thường: lớp nội mạc trơn nhẵn, đều đặn
- Hình ảnh siêu âm vữa xơ động mạch:
mảng vữa xơ (mũi tên màu trắng) gây chít hẹp lòng mạch
Cắt lớp vi tính sọ não
Cắt lớp vi tính sọ não: là một xét nghiệm chuyên biệt cho phép chẩn đoán xem bệnh nhân có bị đột quỵ não không. Nếu bị đột quỵ thì là thể đột quỵ gì (chảy máu hay nhồi máu), vị trí tổn thương, mức độ tổn thương…
Cộng hưởng từ sọ não
Cộng hưởng từ sọ não: cho phép phát hiện sớm và khảo sát chi tiết hơn các tổn thương nhồi máu não, đặc biệt nhồi máu não giai đoạn sớm 24 giờ đầu. Nhìn chung, cắt lớp vi tính là xét nghiệm rẻ tiền hơn, thời gian làm nhanh hơn cộng hưởng từ nên được ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ.
Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên biệt khác tùy thuộc từng bệnh nhân.
6. Hậu quả của đột quỵ não
Hầu hết người bệnh đều gặp phải những biến chứng tai biến mạch máu não. Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh tim mạch và ung thư. Điều trị tai biến mạch máu não cũng đòi hỏi thời gian lâu dài, rất tốn kém.
Tai biến mạch máu não là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề nhất trong các bệnh nội khoa.
6.1. Đột quỵ não mức độ nhẹ
Đột quỵ não mức độ nhẹ để lại di chứng ít và nhẹ
Liệt nửa người
Liệt nửa người thường bắt đầu hồi phục sau 2-4 tuần và kéo dài nhiều tháng tiếp sau.
Co cứng cơ
Sau khoảng 4-6 tuần, người bệnh chuyển sang giai đoạn liệt cứng (cơ vùng liệt tăng trương lực) gây vận động khó khăn, đau nhức cơ khớp. Đặc biệt hay gặp đau khớp vai.
Rối loạn ngôn ngữ
Bệnh nhân nói khó hơn bình thường hoặc không hiểu lời nói.
6.2. Các trường hợp đột quỵ mức độ nặng
Các trường hợp đột quỵ mức độ nặng để lại di chứng nhiều và rất nặng nề:
Rối loạn ý thức
Tri giác, trí nhớ suy giảm
Rối loạn tâm thần, trầm cảm
Suy dinh dưỡng
Viêm phổi
Nguyên nhân bị viêm phổi là do bệnh nhân nằm một chỗ do liệt, suy giảm sức đề kháng, dễ nuốt sặc…
Loét vùng tì đè
Những vùng bị tì đè trực tiếp xuống mặt giường khi nằm rất dễ bị loét (gót chân, vùng xương cùng – cụt, vùng lưng, vùng chẩm…)
Đại tiện – tiểu tiện không tự chủ
Một số hậu quả khác:
Một số biến chứng khác có thể gặp là co giật động kinh; huyết khối tĩnh mạch sâu; biến dạng tư thế; tăng huyết áp; loạn nhịp tim…
Đặc biệt, bệnh nhân đã bị đột quỵ não thì nguy cơ bị đột quỵ tái diễn rất cao so với người chưa từng bị đột quỵ.
7. Điều trị đột quỵ não
Bệnh nhân đột quỵ não cần được điều trị ở các cơ sở chuyên khoa có khả năng cấp cứu – điều trị đột quỵ. Để điều trị hiệu quả đòi hỏi có một chiến lược điều trị toàn diện tốt:
Đảm bảo chức năng sống
+ Nếu bệnh nhân không tự thở được cần cho thở máy.
+ Nếu chức năng tim – mạch ngừng trệ hoặc suy giảm cần cho thuốc duy trì hoạt động tim, duy trì huyết áp. Đối với huyết áp, quy tắc chung là không cho thuốc hạ áp khi huyết áp tâm thu là dưới 180 và huyết áp tâm trương dưới 120 mmHg…
Điều chỉnh các hằng số sinh lý
Các chỉ số sinh hóa phản ánh chứng năng của thận, gan,… như đường huyết, nước điện – giải… cần được điều chỉnh hợp lý. Các yếu tố này rối loạn sẽ ảnh hưởng xấu đến tình trạng nặng nề, khả năng phục hồi và tiên lượng bệnh.
Chống phù não
Bằng nhiều biện pháp khác nhau như đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao 30 độ, tăng thông khí phổi, hạ nhiệt độ cơ thể và dùng các thuốc tương ứng (manitol, glycerol…)
Điều trị theo thể bệnh
Có hai thể đột quỵ não là đột quỵ chảy máu và đột quỵ thiếu máu (hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não).
Ngoài nguyên tắc xử lý chung cho cả hai thể, thì mỗi thể bệnh còn được điều trị riêng ở mức độ đặc hiệu nhất định.
Điều trị triệu chứng, biến chứng
Nếu bệnh nhân có biểu hiện kích thích vật vã thì cho uống thuốc an thần, nếu có sốt, bội nhiễm cho kháng sinh hạ sốt, nếu bệnh nhân có cơn đau cần cho giảm đau, mất ngủ thì cho thuốc ngủ…
Đặc biệt, ngay từ giai đoạn bệnh cấp tính, bệnh nhân đột quỵ cần được điều trị tốt các yếu tố nguy cơ đang có và phòng tránh các yếu tố nguy cơ chưa mắc phải một cách hiệu quả.
Có thể dùng các thuốc bảo vệ – dinh dưỡng thần kinh làm tăng điều biến tuần hoàn não (đối với đột quỵ thiếu máu thì dùng ngay còn với đột quỵ chảy máu cần trì hoãn khoảng 2 tuần tính từ khi khởi phát).
Bệnh nhân đột quỵ não cũng phải tránh hoàn cảnh phát bệnh (căng thẳng tâm lý, thể xác, giữ gìn không phơi mưa, nắng, giá rét khi thay đổi thời tiết).
8. Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não
Việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não là rất quan trọng bởi nó là tiền đề, điều kiện đảm bảo cho việc điều trị thành công.
Chế độ dinh dưỡng
Bệnh nhân đột quỵ cần ăn đủ lượng calo, thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều hoa quả, uống đủ nước…
Chăm sóc hộ lý
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhất là vùng sinh – môn (vùng cơ quan sinh dục và hậu môn).
- Tập thở sâu thở mạnh kèm vỗ rung lồng ngực để tránh viêm nhiễm đường hô hấp.
- Nếu bệnh nhân ăn uống qua sonde phải cho ăn uống đúng cách (thức ăn đủ lỏng; nhiệt độ thức ăn đủ ấm; cần kiểm tra trước khi cho ăn; đủ thành phần dinh dưỡng đạm – mỡ – tinh bột và sinh tố; sau lần bơm thức ăn cuối cùng của mỗi bữa ăn qua sonde phải bơm khoảng 20ml nước lọc ngâm trong sonde trạn để thức ăn lên men trong sonde).
- Nếu bệnh nhân mang các sonde khác như sonde tiểu, dẫn lưu,… cần chăm sóc cho đúng cách, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn.
Phục hồi chức năng
- Cần sớm phục hồi chức năng cho người bệnh
- Phải vận động sớm cho bệnh nhân, nếu được thì tiến hành ngay từ ngày đầu tiên.
- Để tay chân ở tư thế sinh lý.
- Tập vận động chủ động và/hoặc thụ động tùy theo từng bệnh nhân.
- Xoa bóp từ ngọn chi lên gốc chi cho lưu thông huyết, trách loét mục…
Tổ chức Đột quỵ Thế giới đưa ra khẩu hiệu “Thời gian là não” với dụng ý nhắc: thời gian cấp cứu có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ não; cần có xử trí đúng, khẩn trương và chính xác ngay khi phát hiện bệnh.
Hiểu biết của cộng đồng về bệnh và cách xử trí có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị và khả năng hồi phục của bệnh nhân. Đồng thời, cộng đồng sẽ nắm được những nguyên nhân gây bệnh để từ đó có các phương pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.
PGS. TS Nguyễn Minh Hiện
TS. BS Phạm Đình Đài – ThS. BS Đặng Phúc Đức
Khoa Đột quỵ – Bệnh viện 103