Những điều cần biết về thoái hóa cột sống thắt lưng
Béo phì, ít vận động, công việc văn phòng,… là một trong nhiều nguyên nhân khiến số lượng người bị thoái hóa cột sống thắt lưng ngày càng tăng và càng trẻ hóa, ảnh hưởng đến đến chất lượng cuộc sống của rất nhiều người. Vì thế, cần phát hiện và điều trị đúng cách để ngăn ngừa những nguy hại cho sức khỏe.
Nội dung bài viêt
- Giải phẫu cột sống thắt lưng và vị trí thường xảy ra thoái hóa
- Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
- Những ai có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng
- Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng biểu hiện như thế nào?
- Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng nguy hiểm như thế nào?
- Các cận lâm sàng cần làm
- Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?
- Cần làm gì để phòng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng?
Giải phẫu cột sống thắt lưng và vị trí thường xảy ra thoái hóa
Cột sống vùng thắt lưng có
- 5 đốt sống lớn, ở mặt trên và dưới của đốt sống có sụn khớp tiếp xúc với đĩa đệm.
- Các đĩa đệm: có tác dụng giúp cho cơ thể vận động linh hoạt hơn cũng như giảm chấn động, xóc khi cơ thể vận động và chịu lực hơn.
- Các dây chằng: gồm các dây chằng dọc trước và sau giúp cố định và gia tăng sự chắc chắn của cột sống. Tuy nhiên dây chằng dọc sau khi chạy đến cột sống thắt lưng thì phủ không hết mặt sau thân đốt, tạo thành hai vị trí rất yếu ở hai mặt sau bên đốt sống, và là nơi dễ gây ra thoát vị đĩa đệm nhất.
Là vùng chịu nhiều áp lực nhất khi phải nâng đỡ nửa trên cơ thể và các vật nặng mà chúng ta mang vác và thiếu sự gia cố của dây chằng sau. Điều này dễ dẫn đến chấn thương và thoái hóa, khiến đây là vùng cột sống dễ bị thoái hóa nhất đặc biệt là ở các đốt sống L4 – L5.
Giải phẫu đốt sống thắt lưng
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
Do sự lão hóa
Các nghiên cứu lớn về thoái hóa khớp từ lâu đã công nhận quá trình lão hóa là yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây thoái hóa xương, đặc biệt là ở cột sống. Một nghiên cứu đã báo cáo bằng chứng về thoái hóa cột sống tăng từ 16% ở tuổi 20 lên khoảng 98% ở tuổi 70.
Do thói quen lao động, làm việc
Người thừa cân, chấn thương lưng do sự cố, tải hàng ngày của cột sống (vặn, nâng, uốn cong và các tư thế không bằng miệng kéo dài) và rung toàn bộ cơ thể (chẳng hạn như lái xe), làm việc văn phòng, ít vận động hoặc lao động nặng nhọc sai tư thế khiến cột sống mất đi đường cong sinh lý, cả cơ thể gập cong về phía trước. là những yếu tố làm tăng cả khả năng và mức độ nghiêm trọng của chứng thoái hóa đốt sống.
Dinh dưỡng không cân đối
Chế độ dinh dưỡng thiếu Canxi, Magie, Glucosamine hoặc Collagen tuýp II khiến cột sống ngày càng hư hại, tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.
Do các nguyên nhân khác
Vai trò của di truyền: Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến sự hình thành các tế bào tạo xương và thoái hóa đĩa đệm.
Thoái hóa cột sống do chấn thương: Các chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vận động hoặc té ngã do tai nạn nếu không được điều trị dứt điểm, có thể khiến cột sống thắt lưng bị thoái hóa.
Những ai có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng
- Những người trên 60 tuổi
- Những người làm việc văn phòng, ít vận động hoặc làm các công việc nặng nhọc đòi hỏi khuân vác nặng, chịu rung chấn thường xuyên như lái xe, máy móc công nghiệp.
- Những người bị chấn thương cột sống.
- Những người béo phì: Tình trạng thừa cân béo phì sẽ làm cột sống phải gánh thêm nhiều áp lực, khiến cột sống thoái hóa sớm và rất dễ tổn thương.
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng biểu hiện như thế nào?
Bệnh có thể biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ thoái hóa và các biến chứng:
- Đau vùng cột sống thắt lưng: Các cơn có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội ở thắt lưng khiến người bệnh không thể làm việc hoặc vận động bình thường. Đau gia tăng khi vận động, mang vác hoặc sờ vào vùng cột sống bị thoái hóa. Đau có thể lan ra các vùng xung quanh cột sống và tỏa xuống mông và chân do chèn ép các rễ thần kinh. Đau đôi khi có thể giảm bớt ở một số tư thế như nằm ngửa, do làm giảm áp lực lên các đốt sống.
- Hạn chế vận động, đặc biệt là sau thời gian không hoạt động hoặc nghỉ ngơi, chẳng hạn như thức dậy sau một giấc ngủ ngắn. Bệnh nhân vận động đến một giới hạn nhất định sẽ cảm thấy đau hoặc bệnh nhân bị cứng khớp cần một thời gian để khởi động mới có thể hoạt động bình thường được.
- Dị cảm hoặc mất cảm giác: tê hoặc ngứa ran ở chân khi các rễ thần kinh bị chèn ép. Các biểu hiện thường gặp đó là đau nhói, cảm giác châm chích, nóng rát và tê ở các vùng từ mông đến hết chân.
Đau vùng thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng nguy hiểm như thế nào?
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Cụ thể:
- Thoát vị đĩa đệm: Cột sống thoái hóa, biến dạng dẫn đến trượt, lồi đĩa đệm. Khi này, đĩa đệm có thể gây chèn ép các rễ thần kinh, gây đau, thậm chí teo cơ, liệt…
- Teo cơ, liệt: Các rễ dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến teo cơ, một số trường hợp có thể dẫn tới liệt chi dưới do chèn ép quá mức hoặc thoát vị đĩa đệm.
- Rối loạn phối hợp và thăng bằng, đi lại khó khăn: Việc bệnh nhân bị teo cơ hay chèn ép dây thần kinh dẫn đến bệnh nhân không kiểm soát hoàn toàn được đôi chân của mình.
- Ảnh hưởng đến ruột, bằng quang và chức năng tình dục: Đôi khi bệnh nhân có thể mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, ảnh hưởng đến khả năng tình dục đối với nam giới như rối loạn cương dương, suy giảm khả năng tình dục và liệt dương.
- Bên cạnh đó, cơn đau âm ỉ cũng khiến bệnh nhân mất ngủ, lo lắng dẫn đến suy nhược thần kinh.
Các cận lâm sàng cần làm
Xquang cột sống
thường có các dấu hiệu của thoái hóa cột sống như:
Hình ảnh hẹp khe khớp
Hình ảnh đặc xương dưới sụn
Hình ảnh mọc gai xương
Chụp cộng hưởng từ
Thấy rõ trạng thái thoái hoá và thoát vị của đĩa đệm, vị trí đĩa đệm chèn ép thần kinh.
Chụp cắt lớp vi tính
Cũng có thể phát hiện được tổn thương xương, đĩa đệm, thần kinh và các phần cạnh sống lưng
Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng như thế nào?
Điều trị không phẫu thuật
Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh các động tác gắng sức, đặc biệt các động tác cúi người bê vác vật nặng làm tăng sức ép lên cột sống gây ra cơn đau và các biến chứng.
Các bài tập và vật lý trị liệu
Có tác dụng giảm đau, sửa chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp.
- Nhiệt điều trị: siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.
- Kéo dãn cột sống, phong bế khớp gian mỏm, xoa bóp.
- Tập luyện: đối với trường hợp đau thắt lưng mãn tính, bệnh nhân cần tập luyện thêm các bài tập làm giảm áp lực lên cột sống, sửa chữa tư thế và vững chắc các cơ, dây chằng cạnh sống.
Dùng thuốc giảm đau
Điều trị bằng cách sử dụng thuốc
Tùy vào mức độ đau và biến chứng bệnh nhân sẽ được cân nhắc các loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol được chỉ định trong các trường hợp đau nhẹ.
- Chống viêm không steroid: Meloxicam, Diclofenac thường được dùng nhưng có thể gây đau dạ dày.
- Thuốc giãn cơ: làm giãn các cơ cạnh sống, giảm áp lực lên cột sống
- Thuốc chống trầm cảm: được chỉ định khi bệnh nhân đau vùng thắt lưng kèm theo lo âu kéo dài, trầm cảm.
- Tiêm ngoài màng cứng: khi có biểu hiện đau thần kinh tọa.
- Thuốc điều trị thoái hóa khớp theo cơ chế bệnh sinh (DMOADs – Disease Modifying Osteoarthritis Drugs)
- Glucosamine sulfate và Chondroitin sulfat: làm chậm quá trình thoái hóa và làm vững chắc xương.
Các phương pháp Y học cổ truyền
- Xoa bóp bấm huyệt
- Châm cứu
- Cấy chỉ: tức chôn một đoạn chỉ tự tiêu vào các huyệt để điều trị
- Nắn chỉnh cột sống: với các trường hợp xuất hiện cong vẹo hay biến dạng cột sống
- Bài thuốc cổ phương
- Thủy châm: sử dụng các thuốc vitamin B1, B12… thủy châm vào các huyệt để làm tăng dẫn truyền thần kinh.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp:
- Hội chứng đuôi ngựa.
- Thoát vị đĩa đệm phối hợp với đau dây thần kinh toạ kéo dài.
- Có biểu hiện hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng.
Tùy vào biến chứng mà áp dụng các loại phẫu thuật sau:
Cắt cung sau đốt sống: cắt bỏ một phần xương, cung xương hoặc dây chằng, nhằm giảm áp lực lên dây thần kinh cột sống, có thể làm cho cột sống của bạn kém ổn định hơn.
- Cắt bỏ gai xương: các gai xương chèn ép rẽ thần kinh sẽ bị cắt bỏ.
- Cắt bỏ túi thoát vị đĩa đệm.
- Thay thế đĩa đệm nhân tạo.
Cấy ghép interlaminar: Một thiết bị hình chữ U vào giữa hai đốt sống ở lưng dưới của bạn. Nó giúp giữ cho không gian giữa các đốt sống thông thoáng và giảm bớt áp lực lên các dây thần kinh cột sống.
Cần làm gì để phòng bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng?
Để phòng ngừa hạn bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng cần:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là các canxi, magie, glucosamine, vitamin D.
- Làm việc đúng tư thế, đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng, tránh xoắn vặn vùng thắt lưng. Có chế độ làm việc phù hợp như đi lại sau 40 – 60 ngồi làm việc.
- Tập luyện các động tác làm chắc khỏe cơ bụng, cơ lưng.
- Điều trị triệt để các chấn thương vùng cột sống thắt lưng.