Những điều cần biết về vắc xin phòng viêm não mô cầu
Nội dung bài viêt
- Bệnh viêm màng não mô cầu là gì?
- Bệnh viêm màng não do não mô cầu nguy hiểm như thế nào?
- Có nên tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu?
- Lịch tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu
- Có thể tiêm vắc xin ở đâu và chi phí như thế nào?
- Những đối tượng nào không nên tiêm vắc xin?
- Cần lưu ý những gì sau tiêm vắc xin?
- Ngoài tiêm vắc xin cần làm gì để phòng bệnh?
Bệnh viêm màng não mô cầu là gì?
Bệnh não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do một loại vi khuẩn có tên là Neisseria meningitidis (hay còn gọi là vi khuẩn não mô cầu) gây ra. Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, đau đầu dữ dội, cổ cứng, thường có mụn nước hoặc ban xuất huyết hình sao.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu nguy hiểm như thế nào?
Bệnh viêm màng não nguy hiểm như thế nào?
Dày dính màng não, tắc nghẽn mạch não
Dày dính màng não trong viêm màng não là do dùng kháng sinh muộn, nếu dày dính gây tắc nghẽn ở cao: lỗ Monro, cống Sylvius, hoặc lỗ Luschka dẫn tới phân ly protein và tế bào dẫn đến não úng thủy.
Viêm màng não dẫn đến dày dính, nhồi máu động mạch hoặc tĩnh mạch não gây nên huyết khối động mạch và tĩnh mạch ở các khu vực bề mặt hoặc ở sâu trong não.
Viêm não thất
Viêm màng não có thể lây lan đến não thất, mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào khoang não thất dẫn đến viêm não thất. Bệnh có các biểu hiện nhức đầu, sốt, co giật, dấu hiệu kích thích màng não, có thể có tình trạng ý thức xấu đi.
Các biến chứng khác
Liệt dây thần kinh sọ
Bệnh gây tổn thương các dây thần kinh sọ não như dây II, III, IV, VI, VII, VIII..
Áp xe não
Triệu chứng điển hình bao gồm đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn vọt, co giật, phù gai, thay đổi tính cách, và thiếu sót thần kinh khu trú tiến triển từ nhiều ngày đến vài tuần lễ.
Liệt nửa người
Viêm màng não là một nguyên nhân ít cấp tính góp phần khiến cho người bệnh bị liệt nửa người. Ở những bệnh nhân này, vùng tổn thương nằm bên não đối diện với phần bị tê liệt
Có nên tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu?
Vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu có chứa các kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu lên đến 90%. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam không bao gồm vắc-xin ngừa viêm não mô cầu mà thuộc vào loại vắc xin dịch vụ. Vì vậy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin này chưa cao. Trong khi đó, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào dù không phải nằm trong khu vực có dịch bệnh. Vì vậy, bên cạnh giữ vệ sinh nơi sinh sống và giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và gia đình thì việc tiêm phòng vắc-xin viêm não mô cầu bằng là biện pháp giúp trẻ phòng tránh bệnh tốt nhất.
Lịch tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu
Vắc-xin chủng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam với 3 type huyết thanh A, B, C có khả năng phòng ngừa các chủng vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Trẻ sẽ có khả năng miễn dịch với cả 3 thể vi khuẩn huyết thanh thường gặp nếu được tiêm vắc-xin. Thời điểm tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu như sau:
Vắc xin viêm não mô cầu AC
Phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp A và tuýp C: mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh). Lịch tiêm nhắc lại sau mỗi 3 – 5 năm.
Vắc-xin viêm não mô cầu BC
Vắc xin phòng viêm não mô cầu BC
Phòng ngừa bệnh não mô cầu do type B và type C: được tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Trẻ cần tiêm 2 mũi, mũi 2 tiêm cách mũi đầu 6 – 8 tuần.
Có thể tiêm vắc xin ở đâu và chi phí như thế nào?
Vắc-xin viêm màng não mô cầu có tại hầu hết ở các cơ sở tiêm chủng tư nhân trên toàn đất nước Việt Nam với đội ngũ bác sĩ tư vấn tận tình, chu đáo, ví dụ như VNVC, Medlatec, THCare,… các bậc cha mẹ có thể chủng ngừa cho con tại các cơ sở tiêm chủng này. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở tiêm chủng, thời điểm tiêm chủng, sự tăng giá vắc xin chung trên toàn thế giới…Giá mũi tiêm của vắc-xin viêm màng não mô cầu BC do Cu Ba sản xuất dao động từ 250.000 VNĐ – 350.000 VNĐ , còn vắc-xin viêm màng não mô cầu AC do Mỹ sản xuất dao động từ 1.260.000 VNĐ – 1.512.000 VNĐ/mũi.
Những đối tượng nào không nên tiêm vắc xin?
- Người trước đây có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất cứ thành phần của vắc-xin hoặc một vắc-xin khác chứa cùng một thành phần.
- Người đang sốt vừa và cao, dị ứng đang tiến triển, nhiễm khuẩn cấp tính.
- Người vừa tiêm một loại vắc-xin khác trong vòng 14 ngày.
- Thận trọng khi tiêm cho người mắc bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải; người có rối loạn đông máu hay giảm tiểu cầu.
Cần lưu ý những gì sau tiêm vắc xin?
Những vấn đề cần theo dõi
Sau khi tiêm, cần giữ trẻ lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như quấy khóc liên tục, tinh thần không tỉnh táo, li bì, thở khò khè, da mẩn đỏ, nôn trớ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế để xử lí kịp thời, tránh việc trẻ có phản ứng phản vệ sau tiêm.
Những phản ứng có thể có và cách xử lý
Sốt: các bố mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của trẻ 2 – 3 giờ/lần hoặc 15-30 phút/lần. Trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cho bé dùng thuốc hạ sốt bằng đường uống hoặc viên đặt hậu môn; trường hợp nhiệt độ ở dưới 38 độ C, các bố mẹ chỉ cần chườm ấm, lau người (đặc biệt cổ, nách, bẹn) với nước ấm tốt nhất dưới 1 độ so với nhiệt độ cơ thể đo được; hoặc dán trán bằng miếng dán hạ sốt và theo dõi trẻ.
Đau tại chỗ tiêm: biểu hiện này, không cần điều trị gì và tự khỏi sau vài ngày. Các bố mẹ không nên đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm của trẻ như khoai tây, chanh…hoặc chườm nước nóng hoặc chườm đá. Trường hợp trẻ sưng đau vị trí tiêm, khóc nhiều, có thể dùng paracetamol với liều hạ sốt để giảm đau cho trẻ.
Ngoài tiêm vắc xin cần làm gì để phòng bệnh?
Phòng bệnh chung
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên : rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; súc miệng, súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, nhà trẻ, lớp học thường xuyên: đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, nâng cao thể trạng.
- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não mô cầu như: đau đầu, sốt cao, buồn nôn và nôn, cổ cứng cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị dự phòng
Sử dụng Sunfamit trong 5 ngày:
- Liều cho trẻ em là 1gam/ngày chia đều 2 lần
- Liều cho người lớn là 2gam/ngày chia đều 2 lần.
- Liều cho trẻ dưới 5 tuổi là 0,05 gam/kg/ngày chia đều 2 lần trong 5 ngày.
Trường hợp Sunfamit không còn nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu thì có thể dùng rifamycin thay thế với liều người lớn là 600 mg/ngày chia đều 2 lần trong 2 ngày; liều cho trẻ > 1 tháng tuổi là 10 mg/kg/ngày và liều cho trẻ < 1 tháng tuổi là 5 mg/kg/ ngày, chia đều 2 lần trong 2 ngày.
BS. Lê Hạnh