Những điều cần biết về vắc xin phòng viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi lây truyền, gây bệnh trên hệ thần kinh và có thể gây ra những biến chứng, di chứng nguy hiểm. Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc…hàng năm đều có dịch bệnh Viêm não Nhật Bản với số người mắc khá cao.
Nội dung bài viêt
Tình hình mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, là điều kiện cho loài muỗi phát triển, điều kiện thích hợp cho việc xuất hiện dịch bệnh. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch chủ yếu vào các tháng 5,6,7 tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du phía Bắc. Trước đây, số ca mắc lên đến hàng nghìn ca hàng năm, nhưng hiện nay con số đó chỉ còn khoảng từ 200-400. Do đó có thể thấy công tác phòng bệnh rất quan trọng, đặc biệt là việc tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản.
Tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản
Vì sao cần tiêm phòng Viêm não Nhật Bản?
Bệnh Viêm não Nhật Bản là bệnh lý do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Virus có tính chất hướng thần kinh nên xâm nhập vào hệ thần kinh, sinh sản và phát triển gây tổn thương bệnh lý ở não và gây ra các triệu chứng lâm sàng về thần kinh và tâm thần phong phú.
Nguy cơ tử vong
Người mắc bệnh có thể tử vong ngay những tuần đầu do những rối loạn gây nên suy hô hấp, trụy tim mạch.
Biến chứng có thể gặp
Ngoài ra, khi đã mắc bệnh còn có thể gặp những biến chứng và để lại nhiều di chứng nguy hiểm sau khi mắc bệnh.
Các biến chứng có thể gặp khi mắc viêm não Nhật Bản:
Nhiễm khuẩn đường hô hấp
Khi nhiễm virus hệ miễn dịch cơ thể suy giảm, hoạt động của các cơ quan miễn dịch không hiệu quả, là điều kiện cho các tác nhân như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng xâm nhập và gây bệnh. Cùng với đó là việc người bệnh phải nằm lâu tại giường, đặc biệt ở những bệnh nhân hôn mê thì càng có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi…
Nhiễm trùng tiết niệu
Tương tự như đã giải thích ở trên, các tác nhân vi khuẩn, virus, kí sinh trùng cũng sẽ có cơ hội để gây bệnh trên hệ tiết niệu của người bệnh. Đặc biệt là những bệnh nhân cần phải can thiệp các thủ thuật như đặt sonde tiểu thì nguy cơ đó lại tăng lên rất nhiều.
Loét do nằm lâu
Loét là hậu quả có tình trạng yếu liệt phải nằm lâu, ít được trăn trở, cùng với việc dinh dưỡng kém.
Rối loạn dinh dưỡng
Người bệnh phải nằm viện dài ngày, ăn uống kém cùng với tình trạng nhiễm trùng nên gầy sút là việc khó tránh khỏi, thậm chí có những trường hợp nặng người bệnh còn trở nên suy kiệt.
Di chứng có thể gặp
Ngoài ra sau khi mắc người bệnh còn có những di chứng nặng nề như:
Di chứng sớm
Rối loạn vận động
Virus tấn công vào bộ máy thần kinh và gây tổn thương tại các tổ chức não, các tế bào thần kinh liên quan đến chức năng vận động gây nên triệu chứng liệt nửa người hay liệt tứ chi. Sau khi mắc bệnh người bệnh không thể hồi phục được chức năng vận động của cơ thể, ảnh hưởng vô cùng lớn tới chất lượng cuộc sống.
Rối loạn ngôn ngữ
Trung tâm điều khiển ngôn ngữ, lời nói bị ảnh hưởng, dẫn tới việc chức năng bị rối loạn, người bệnh không nói được, hoặc nói ngọng gây khó khăn trong quá trình giao tiếp.
Rối loạn tâm thần
Đó là những rối loạn về hành vi tác phong, sa sút về trí tuệ, suy giảm trí nhớ…
Di chứng muộn
Các di chứng muộn thường gặp là: các di chứng này thường gặp từ sau khi mắc bệnh nhiều năm.
Động kinh
Có những cơn động kinh cục bộ hay toàn thể, là hậu quả của việc tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Parkinson
Là hậu quả của việc phá hủy các tế bào thần kinh của một vùng não bộ có tên là hạch cơ bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, các điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng. Do đó, việc phòng bệnh thực sự rất cần thiết, mà trong đó việc tiêm vaccine chính là biện pháp mang lại hiệu quả tốt nhất.
Vaccine phòng Viêm não Nhật Bản
Từ khi có vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản thì đã giảm được tỉ lệ mắc bệnh đáng kể. Việc tiêm vaccine được coi là phương pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng có những hiểu biết chính xác về vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Các loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản
Những loại vaccine đang có trên thị trường
Hiện nay tại nước ta đang có hai loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản đó là Jevax và Imojev.
Vaccine phòng Viêm não Nhật Bản Jevax
Jevax là vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi Vabiotech Việt Nam.
Chỉ định cho đối tượng nào?
Vaccine Jevax được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn. Vaccine được khuyến cáo không sử dụng cho các đối tượng:
- Người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào trong vaccine
- Người mắc các bệnh về tim, gan, thận
- Người đang mệt mỏi, sốt cao, hoặc đang mắc các bệnh nhiễm trùng tiến triển.
- Người mắc bệnh tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng
- Người mắc các bệnh lý ác tính
- Phụ nữ đang mang thai
Tiêm vào thời gian nào?
Vaccine Jevax được khuyến cao tiêm 3 mũi:
- Mũi 1: Vào thời điểm lần đầu tiên tiêm
- Mũi 2: Cách mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: Cách mũi 2 một năm
Sau 3 năm nên tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch.
Vaccine phòng Viêm não Nhật Bản Imojev
Imojev là vaccine do hãng Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất tại Thái Lan.
Chỉ định cho đối tượng nào?
Đây là vaccine được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn. Loại vaccine này khuyến cáo không sử dụng cho các đối tượng:
- Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Imojev
- Người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải làm suy yếu miễn dịch tế bào
- Người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc bằng chứng suy giảm chức năng miễn dịch
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Tiêm vào thời gian nào?
Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vaccine Jevax) có lịch tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: Là mũi tiêm đầu tiên
- Mũi 2: Cách mũi đầu tiên 1 năm
Người tròn 18 tuổi trở lên: Chỉ tiêm 1 mũi vaccine Imojev duy nhất.
Có thể tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản ở đâu và giá cả như thế nào?
Hiện nay có thể dễ dàng tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản tại các trung tâm y tế dự phòng tại địa phương, các hệ thống tiêm chủng trên cả nước hoặc tại một số bệnh viện có cung cấp dịch vụ tiêm chủng. Giá cả có thể có sự chênh lệch giữa các địa chỉ tiêm chủng khác nhau, do đó quý độc giả có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với hotline của cơ sở mà bản thân tin tưởng để được tư vấn cụ thể.
Những điều cần chú ý ở trẻ sau tiêm vaccine
Tác dụng phụ sau tiêm phòng viêm não Nhật Bản
Cần theo dõi những gì sau khi trẻ tiêm vaccine?
Sau khi tiêm phòng vaccine, trẻ sẽ được theo dõi tại cơ sở tiêm chủng trong vòng 30 phút để phát hiện những triệu chứng bất thường xuất hiện sớm mà quan trọng nhất là hiện tượng phản vệ. Khi về nhà, gia đình cần tiếp tục theo dõi trẻ để phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường về toàn thân như: tình trạng sốt, mệt mỏi, khó thở…hay tại vị trí tiêm như: nổi mẩn đỏ, sưng tấy…
Những tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm vaccine
Phản ứng tại chỗ tiêm
Các triệu chứng thường gặp sau tiêm như sưng đỏ, đau tại vị trí tiêm, thậm chí gây khó khăn khi cử động tay, chân do đau. Người nhà hoàn toàn không nên vì lo lắng mà bôi, đắp bất kỳ hóa chất hay loại thuốc nào lên vị trí đó tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
Phản ứng toàn thân
Triệu chứng thường gặp nhất là sốt. Khi trẻ có biểu hiện sốt, gia đình cần nới lỏng quần áo, chăn quấn, lau chườm bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ đo được ≥ 38,5 độ C.
Phản vệ sau tiêm
Phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine phòng viêm não Nhật bản không được ghi nhận nhiều nhưng cũng không phải không có khả năng xảy ra. Những biểu hiện dễ nhận biết như: Nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa, buồn nôn, nôn, khó thở, tím tái… cần được phát hiện sớm và liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.
Sau tiêm trẻ có biểu hiện như thế nào thì cần đến cơ sở y tế?
- Một trong số các triệu chứng của phản vệ: Nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa, buồn nôn, nôn, khó thở, tím tái…
- Sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Quầng đỏ sưng cứng tại vị trí tiêm có kích thước trên 2cm
Khi trẻ có một trong số những triệu chứng trên người chăm sóc trẻ cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để có những xử trí kịp thời.
Ngoài tiêm vaccine thì cần làm gì để phòng bệnh?
Việc tiêm phòng vaccine rất quan trọng trong phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tuy nhiên, bên cạnh đó, mọi người dân cần có ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác như:
- Thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng gia súc cần vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên để hạn chế nơi trú đậu, sinh sản và phát triển của muỗi.
- Khi ngủ cần mặc màn, đồng thời thực hiện các biện pháp diệt muỗi trong hộ gia đình.
- Nên thực hiện xây dựng nơi chăn nuôi gia súc ở cách xa khu vực nhà ở.
- Mọi người dân khi có biểu hiện bất thường cần đến khám tại cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và điều trị.
BS Lê Thảo