Những điều cần biết về vaccine phòng bạch hầu

Tổng quan về vi khuẩn gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có tên là Corynebacterium diptheria (Klefs – Loeffler), thuộc họ Corynebacteriaceae, có 3 typ sinh học là Mitis, Intermedius, Gravis.

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu

Hình thể vi khuẩn đa dạng, bắt màu gram (+). Điển hình là hình trực, có một hoặc hay đầu phình to nên còn gọi là trực khuẩn hình chùy, dài 2-6µm, rộng 0,5-1µm. Vi khuẩn không di động, không có vỏ, không sinh nha bào, sống lâu ở giả mạc và họng người bệnh.

Dưới điều kiện ánh sáng có thể sống tới 6 tháng trên đồ chơi, áo choàng nhân viên y tế ,… Vi khuẩn bạch hầu chết ở nhiệt độ 58ºC trong vòng 10 phút và chết trong vài giờ dưới ánh sáng mặt trời.

Vi khuẩn  tiết ra ngoại độc tố, bản chất là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, có độc tính cao, gây hoại tử tế bào, nhiễm độc thần kinh, cơ tim.

Vì sao cần tiêm vaccine phòng bạch hầu?

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, bệnh lây lan rất nhanh cũng như diễn biến nhanh, khó lường, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác làm chậm trễ việc điều trị có thể gây ra biến chứng nặng nề và thậm chí có thể dẫn đến tử vong do độc tố của vi khuẩn gây tổn thương tại các cơ quan.

Có thể gây tử vong

Người mắc bệnh bạch hầu có thể tử vong rất nhanh khi xuất hiện các màng giả lan rộng hầu họng làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Nó là một lớp màu trắng hay xám, dày, dai, khó bóc tách, rất dễ gây chảy máu khi bóc tách và không tan trong nước.

Biến chứng bệnh bạch hầu

Biến chứng bệnh bạch hầu

Có thể gây biến chứng nặng nề

Bên cạch biến chứng do màng giả gây ra, người bệnh còn có thể gặp các biến chứng nặng nề khác xuất hiện ở các cơ quan cơ thể như:

Biến chứng tim mạch

Do độc tố vi khuẩn theo đường máu đến cơ quan gây tổn thương

Viêm cơ tim

Đây là biến chứng hay gặp, do độc tố vi khuẩn theo đường máu đi khắp cơ thể.

Bệnh có thể xuất hiện sớm từ những ngày đầu của bệnh nhưng có thể xuất hiện muộn hơn vào giai đoạn hồi phục của bệnh, thường xuất hiện ở ngày thứ 6-14 của bệnh.

Triệu chứng gặp phải như rối loạn nhịp tim, khó thở, suy tim, trụy tim mạch,..

Huyết khối

Sự hình thành cục máu đông bất thường làm cản trở sự lưu thông của dòng máu có thể gây ra triệu chứng, biến chứng nặng nhẹ tùy vào vị trí của huyết khối.

Huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,.. đều có thể là hậu quả của huyết khối.

Biến chứng thần kinh

Đây là biến chứng thường gặp do ngoại độc tố vi khuẩn gây tổn thương đến hệ thống thần kinh gây ra.

Liệt màn hầu

Có thể gặp từ ngày 5-15 của bệnh. Người bệnh xuất hiện các rối loạn về nuốt, nói, nghe như sặc nước khi uống, nghe kém, ngủ ngáy, nói giọng mũi, không nói lâu được,…

Liệt cơ vận nhãn

Thường có các dấu hiệu như song thị, lác, hạn chế vận động các cơ bị liệt như hạn chế nhìn xuống, nhìn lên,…

Liệt chi dưới

Thường xuất hiện sau liệt màn hầu, người bệnh ban đầu thấy đi lại mỏi chân hơn, chóng mỏi, giảm cảm giác ở chân sau đó là liệt cả hai chân.

Liệt chi trên

Ít gặp hơn liệt hai chân.

Liệt cơ quan khác như:
  • Liệt thực quản gây khó nuốt
  • Liệt thanh quản gây khàn giọng, ho, nói không rõ
  • Liệt cơ hoành, cơ liên sườn gây khó thở, dễ tử vong do suy hô hấp
  • Có thể có liệt nửa người khi tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Biến chứng về thận

Ngoại độc tố của vi khuẩn còn gây tổn thương cầu thận, ống thận gây viêm thận, suy thận cấp,..

Các loại vaccine phòng bạch hầu hiện có và lịch tiêm

Lịch tiêm vaccin bạch hầu

Lịch tiêm vaccin bạch hầu

Biện pháp đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Vaccine phòng bệnh bạch hầu được điều chế từ độc tố vi khuẩn bạch hầu trong môi trường nuôi cấy và đã qua xử lý làm mất độc tính.

Hiện nay, có các loại vaccine chứa thành phần bạch hầu được sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

Vaccine 6 trong 1: phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza typ B (Hib), viêm gan B (Infanrix hexa, Hexaxim).

Vaccine 5 trong 1: Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b (Pentaxim).

Phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (CombeFive, Quinvaxem. Sll)

Vaccine 4 trong 1: phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Tetraxim).

Vaccine 3 trong 1: phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Adacel, Boostrix, DPT)

Vaccine 2 trong 1: phòng bạch hầu, uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập (TD).

Lịch tiêm chủng bắt buộc vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu gồm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng, bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và 1 mũi tiêm nhắc lại lần thứ tư lúc trẻ 18 tháng tuổi. Khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu vào các độ tuổi từ 4-7 tuổi, từ 12-15 tuổi và tiêm nhắc lại mỗi 10 năm/ lần.

Mũi tiêm nhắc lại là rất cần thiết vì nó giúp kéo dài hiệu quả bảo vệ của vaccine ít nhất 5 năm.

Các phản ứng có thể gặp sau tiêm vaccine bạch hầu?

Tiêm vaccine là đưa kháng nguyên vào cơ thể kích thích sự đáp ứng miễn dịch cơ thể và hoạt động tăng cường để sinh miễn dịch. Quá trình này có thể làm cơ thể sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, trẻ nhỏ thường quấy khóc hơn, sau 1-2 ngày các phản ứng này sẽ tự mất đi.

Nếu nhận thấy các bất thường như sốt cao, dùng hạ sốt không đỡ, phát ban, trẻ nhỏ quấy khóc liên tục, bỏ ăn, bỏ bú, li bì,… thì cần đến ngay cơ sở y tế để phát hiện và xử lý kịp thời.

Ngoài tiêm phòng vaccine cần làm gì để phòng bệnh?

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh nhằm hạn chế tối đa việc lây bệnh bạch hầu cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp khác.
  • Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin để nâng cao thể trạng.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

BS.Nguyễn An

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận