Những điều phụ nữ cần biết về “ngày ấy”
Kinh nguyệt là người bạn quen thuộc đồng hành với chị em phụ nữ trong mỗi tháng. Tuy vậy còn rất nhiều thắc mắc của chị em xoay quanh vấn đề này. Nhất là đối với các bạn gái mới dậy thì.
Nội dung bài viêt
1. Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ. Niêm mạc tử cung bong ra gây chảy máu gây ra kinh nguyệt. Hiện tượng này diễn ra mỗi tháng một lần ở nữ giới đang trong độ tuổi sinh đẻ. Chúng là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể. Khi có kinh nguyệt lần đầu tiên đánh dấu người phụ nữ có khả năng làm mẹ.
- Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ (Ảnh: internet)
Kinh nguyệt diễn ra có tính chất chu kỳ đều đặn hàng tháng là do có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng và phức tạp của hệ thống nội tiết sinh sản bên trong cơ thể người phụ nữ. Bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Khi có một rối loạn bất kỳ của quá trình hoạt động này sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, cũng như ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
2. Thời điểm xuất hiện kinh nguyệt
Ở các bạn gái, thời kỳ kinh nguyệt thường bắt đầu từ 8 đến 16 tuổi và tiếp tục cho đến độ tuổi 45 đến 55 tuổi. Tuổi trung bình thấy kinh nguyệt lần đầu là 12 tuổi. Nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ 8 đến 16 tuổi. Lần kinh cuối cùng hay bắt đầu mãn kinh thì xảy ra vào giữa độ tuổi 45 và 55.
3. Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính bắt đầu từ ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu hành kinh của chu kỳ kế tiếp. Một chu kỳ kinh nguyệt được phân chia thành hai phần. Đó là chu kỳ buồng trứng và chu kỳ tử cung. Đối với hầu hết phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 25-30 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt ngắn là khoảng 21 ngày và dài là hơn 35 ngày. Nhưng có sự thay đổi số ngày trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt qua các tháng khác nhau của một người phụ nữ.
- Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ (Ảnh: Internet)
Rối loạn kinh nguyệt là một từ chung dùng để biểu thị những bất thường của kinh nguyệt. Như rối loạn về tuổi bắt đầu có kinh, tuổi mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt, thời gian hành kinh, lượng máu kinh… Một số rối loạn kinh nguyệt thường gặp như rong kinh, cường kinh, vô kinh …
4. Lượng máu kinh trong một chu kỳ
Lượng máu mất trong mỗi kỳ hành kinh khoảng 50 đến 70ml diễn ra trong 3-4 ngày. Máu hành kinh thường loãng, đỏ sậm và không đông.
Máu kinh bao gồm máu và các tế bào niêm mạc tử cung bong ra. Nếu máu kinh ra nhiều và kéo dài trên 7 ngày, máu đỏ tươi có lẫn máu cục cần đi khám phụ khoa. Do đó là các dấu hiệu bệnh lý cần được điều trị sớm.
5. Những dấu hiệu báo hiệu sắp tới chu kỳ kinh nguyệt
Trước khi hành kinh khoảng 1 tuần cơ thể người phụ nữ sẽ có những dấu hiệu để báo trước kinh nguyệt sắp đến. Tuy nhiên, những dấu hiệu này của mỗi chị em là khác nhau, không ai giống ai. Bởi mỗi người có một cơ địa khác nhau. Thường gặp hơn cả đó là dấu hiệu ngực căng tức và bụng dưới hơi tức. Ngoài ra một số người có thể nổi mụn, đau lưng, ra nhiều khí hư hay cảm xúc thay đổi dễ cáu giận, nhạy cảm…
6. Hiện tượng đau bụng kinh ở phụ nữ
Đau bụng kinh nguyệt thường xuất hiện khoảng 1 đến 2 ngày trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Tình trạng đau bụng kinh ở mỗi người không giống nhau. Có người chỉ đau bụng kinh nguyệt âm ỉ. Nhưng có người lại bị đau dữ dội ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, phải dùng tới thuốc giảm đau mới đỡ.
- Đau bụng kinh nguyệt thường xuất hiện khoảng 1 đến 2 ngày trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân thông thường là do các tế bào nội mạc tử cung tiết ra prostaglandin làm tử cung co thắt. Tử cung co thắt gây siết chặt mạch máu tử cung làm cho các tổ chức thiếu máu thiếu oxy, lớp nội mạc tử cung hoại tử và bong ra. Hiện tượng đau bụng kinh chính là bởi co thắt tử cung và thiếu oxy này gây ra.
Một số trường hợp khác đau bụng kinh do các nguyên nhân thứ phát. Hay gặp là lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai… Đối với các trường hợp thứ phát cần được đi khám và điều trị.
7. Những điều cần lưu ý trong những ngày “đèn đỏ”
7.1. Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi
- Vào những ngày “đèn đỏ”, chị em phụ nữ cần tắm rửa sạch sẽ hằng ngày. Khoảng 3 – 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần. Đặc biệt là ngày thứ nhất, thứ 2 của kỳ kinh, lượng máu kinh ra nhiều. Mỗi lần thay băng vệ sinh phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch. Tuy nhiên không nên xối nước mạnh hay xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo. Sau đó dùng khăn khô sạch để lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới.
- Nên lựa chọn mặc quần áo rộng rãi thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng stress. Duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
- Nên làm việc đi lại nhẹ nhàng. Không tập luyện các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực.
- Không quan hệ tình dục trong những ngày có kinh nguyệt.
7.2. Chế độ dinh dưỡng
- Uống đủ nước từ 2-3 lít nước mỗi ngày.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu sắt, magie, kẽm, canxi, kali… như cá, tôm, thịt bò, hải sản các loại…
- Bổ sung thêm vitamin đặc biệt vitamin C, E, B6… có trong hoa quả, các loại hạt, lòng đỏ trứng gà…
- Tránh sử dụng rượu bia, nước ngọt, cà phê… sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn trong những ngày “đèn đỏ”.