Những lưu ý trong việc nuôi thú cưng ở người viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một tình trạng mũi bị kích thích và bị viêm gây hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi và đau họng. Do các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, khói bụi và côn trùng. Viêm mũi dị ứng được chia làm 2 thể: thể có chu kỳ (dị ứng theo mùa), thể không có chu kỳ (dị ứng quanh năm).

Lông vật nuôi thú cưng như chó mèo là một nguyên nhân thường gặp gây hiện tượng viêm mũi dị ứng ở nhiều người. Các lưu ý trong việc nuôi thú cưng dưới đây sẽ giúp hạn chế được tình trạng này.

Các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng

Hiện tượng dị ứng là gì?

Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại kháng nguyên lạ gây dị ứng xâm nhập. Khi cơ thể bị kháng nguyên lạ tấn công sẽ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên. Ở những lần sau tiếp xúc với dị nguyên thì kháng nguyên tấn công sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của kháng thể dẫn đến những rối loạn dị ứng. Kèm theo đó việc sản sinh ra các chất hóa học đi kèm như histamin gây ra các biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Có nhiều tác nhân là căn nguyên gây nên hiện tượng viêm mũi dị ứng. Thường do các vật lạ bay lẫn trong không khí. Có thể kể đến như phấn hoa là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp nhất theo mùa. Không khí lạnh, khói bụi, hóa chất hay khói thuốc lá, nấm mốc cũng dẫn tới tình trạng này. Một số loại thực phẩm gây dị ứng như hải sản, lạc, bột mì… Hoặc thực phẩm có tính kích thích như hạt tiêu, ớt cũng có thể gây ra biểu hiện của bệnh. Các chất này thường gây nên triệu chứng ở toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa. Nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường hô hấp trên như mũi xoang.

Lông thú cưng là một trong những nguyên nhân của viêm mũi dị ứng

Lông thú cưng là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Lông thú cưng là tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp

Lông thú nuôi trong nhà như lông chó mèo là một tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp. Thậm chí có nhiều người mắc phải các triệu chứng như hắt xì, ngứa mũi, chảy nước mũi liên tục mỗi khi về nhà. Nhưng lại không phát hiện ra thủ phạm chính là do những con thú cưng của mình gây nên.

Cơ thể loài thú cưng như chó mèo thường sản sinh ra các loại dị nguyên. Đó là những protein có khả năng gây dị ứng. Các dị nguyên này xuất hiện trên lông, da và nước bọt của những con vật nuôi này. Khi chó, mèo gãi hay rũ lông, lông của chúng sẽ bay ra, bám lại trên thảm và các vật dụng trong nhà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tất cả các dị nguyên từ chó mèo đều có khả năng gây dị ứng trên cơ thể người.

Viêm mũi dị ứng do vật nuôi gây ra các biểu hiện như:

  • Hắt hơi, sổ mũi
  • Ngứa đỏ, chảy nước mắt
  • Nghẹt mũi
  • Ngứa mũi, vòm miệng, cổ họng
  • Ho
  • Vùng da dưới mặt bị sưng, nổi quầng
  • Bệnh nhân mắc hen suyễn có thể gặp thêm các triệu chứng như khó thở, tức ngực, khò khè khi thở ra, khó ngủ do khó thở..
  • Một số triệu chứng trên da khác như: chàm, nổi mề đay

Những triệu chứng này tương tự như  biểu hiện của cảm lạnh thông thường. Do vậy nhiều khi khó để phân biệt một người bị dị ứng lông mèo hay cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nêu trên kéo dài hơn một tuần thì có khả năng cao đã bị viêm mũi dị ứng do lông của vật nuôi thú cưng.

Dị ứng lông thú cưng có nguy hiểm không?

Dị ứng lông chó mèo là tình trạng phổ biến và thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng nếu có các biện pháp xử lý và phòng ngừa kịp thời: Tuy nhiên, dị ứng có thể dẫn đến một số tình trạng như:

Viêm mũi xoang: Lông chó mèo có thể gây tắc nghẽn các hốc rỗng kết hợp với đường mũi (xoang). Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang như viêm xoang

Hen suyễn: Những người bị hen suyễn mà dị ứng lông động vật sẽ khó khăn trong kiểm soát các triệu chứng của hen suyễn. Vì vậy, ngay khi có các biểu hiện lên hen suyễn bất thường cần đưa đến các cơ sở y tế và cấp cứu để tránh rủi ro không mong muốn.

Dị ứng lông chó mèo khiến cho tình trạng viêm xoang, hen suyễn nặng hơn

Dị ứng lông chó mèo khiến cho tình trạng viêm xoang, hen suyễn nặng hơn

Điều trị dị ứng lông thú cưng như thế nào?

Cách duy nhất để tránh dị ứng lông chó là không nuôi thú cưng: chó, mèo.. trong nhà của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn chia tay với người bạn đáng yêu này, vẫn có nhiều cách để giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và giảm bớt các triệu chứng của bạn. Vậy, trong trường hợp bạn hít phải lông chó phải làm sao?

Dưới đây là một số nhóm thuốc và phương pháp điều trị giúp bạn kiểm soát được tình trạng dị ứng lông chó mèo:

  • Thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa, hắt hơi, sổ mũi
  • Thuốc có thành phần corticoid trị viêm mũi dị ứng, giúp giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng
  • Thuốc xịt mũi làm giảm các triệu chứng dị ứng
  • Một số phương pháp điều trị khác như: Tiêm chống dị ứng, thuốc ức chế leukotriene..

Các lưu ý khi nuôi thú cưng đối với người bị viêm mũi dị ứng

Tốt nhất đối với những người có cơ địa dị ứng với vật nuôi không nên nuôi chúng. Nếu có sở thích nuôi thú cưng thì cần lưu ý một vài điểm sau đây để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với các dị nguyên này.

  • Không nên để thú cưng của mình sinh hoạt trong nhà.
  • Nên cách ly chó mèo với phòng ăn uống và phòng ngủ.
  • Tốt nhất đừng nên ôm hôn chó mèo. Nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với chúng, đặc biệt những người có cơ địa nhạy cảm.
  • Nếu đã tiếp xúc với chó mèo thì phải rửa tay sạch bằng nước và xà phòng.
  • Thường xuyên vệ sinh quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Có thể lắp đặt máy lọc không khí trong phòng ngủ hoặc phòng khách để loại bỏ các dị nguyên từ thú cưng. Hoặc sử dụng máy hút bụi để làm sạch những lông chó mèo vương vãi trên sàn nhà, ga thảm. Chọn lọai thảm mỏng và giặt thảm thường xuyên
  • Nên vệ sinh tắm rửa cho mèo thường xuyên, ít nhất là mỗi tuần một lần.

Các lưu ý khác để phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Tránh tiếp xúc với dị nguyên

Cách điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên để phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra. Các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng bao gồm:

  • Giữ nhà cửa khô ráo sạch sẽ, thoáng khí, hút bụi thường xuyên. Giặt giũ ga giường và phơi nắng để loại bỏ nấm mốc và con mạt nhà.
  • Giữa ấm cơ thể vào mùa lạnh đặc biệt là khu vực vùng cổ, ngực và mũi. Không nên tắm nước lạnh.
  • Bỏ hút thuốc lá thuốc lào.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm.

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể

  • Vệ sinh tai mũi họng, răng miệng sạch sẽ.
  • Tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý cân bằng, tích cực bổ sung rau xanh và trái cây

Phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh viêm mũi dị ứng

Điều trị sớm và đúng bệnh viêm mũi dị ứng
Điều trị sớm và đúng bệnh viêm mũi dị ứng
  • Khi mắc phải các triệu chứng viêm mũi dị ứng cần đi khám và chữa viêm mũi dị ứng sớm để tránh bệnh trở nên nặng và mạn tính.
  • Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể gây nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc. Dùng thuốc theo kê toa của bác sỹ và đúng liều lượng để tránh những tác dụng phụ đi kèm.

Chó mèo là những loài vật gần gũi gắn bó với con người. Không những thế đối với một số người chúng còn là những người bạn thân thiết. Để đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng mà vẫn có thể chung sống khỏe mạnh hạnh phúc bên thú cưng của mình, mọi người cần lưu ý các vấn đề trong chăm sóc thú cưng trên đây.

BS Huyền Hương

Theo Nội khoa Việt Nam

Xem thêm: Những cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà đơn giản

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận