Những nguyên nhân khản tiếng và cách phòng ngừa

Giọng nói giúp con người có thể giao tiếp, truyền đạt thông tin với nhau nhờ cử động của lồng ngực và sự rung động của dây thanh âm. Khản tiếng là tình trạng giọng nói bị thay đổi âm sắc, không còn trong và mượt như bình thường mà bị rè, thều thào,… thậm chí là mất tiếng. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày tới vài tháng, tái đi tái lại nhiều lần. Xác định chính xác nguyên nhân gây khản tiếng sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu. Cùng điểm qua một số nguyên nhân gây khản tiếng trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây khản tiếng bạn có thể gặp phải
Nguyên nhân gây khản tiếng bạn có thể gặp phải

1. Nguyên nhân gây khản tiếng do viêm thanh quản

Viêm thanh quản là tình trạng lớp niêm mạc của thanh quản bị viêm, phù nề, loét hoặc thậm chí là viêm cơ, hoại tử sụn. Điều này làm sưng đau dây thanh âm, khiến không khí đi qua bị biến dạng âm thanh gây khàn giọng, mất giọng. Viêm thanh quản xảy ra do nhiều nguyên nhân khiến thanh quản bị quá tải như: Cảm lạnh, nói/ hát quá to quá nhiều, đặc biệt hay gặp ở những người có đặc thù công việc phải nói nhiều thường xuyên như giáo viên, ca sĩ, nhân viên bán hàng,… Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khản tiếng, mất tiếng.

2. Viêm họng, viêm amidan

Viêm họng, viêm amidan là bệnh thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột dẫn đến các triệu chứng như: Đau họng, khản tiếng, nói thều thào,… Đây là nguyên nhân khản tiếng thứ hai, chỉ sau viêm thanh quản.

3. U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm

U nang dây thanh âm là sự tích tụ các chất nhầy có vỏ bọc ở bề mặt dây thanh quản, trong khi đó polyp dây thanh quản là những khối u nhỏ nằm trong lòng dây thanh quản. Các u này chèn ép lên dây thanh âm khiến âm thanh bị biến dạng gây khản tiếng. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của u nang dây thanh âm, polyp dây thanh âm. Bệnh này thường gặp ở những người có công việc phải nói nhiều trong thời gian dài hoặc người có thói quen ép giọng lên cao.

4. Dị ứng

Khói bụi, phấn hoa, mùi nước hoa,… là một trong những tác nhân gây dị ứng thường gặp. Các tác nhân này tiếp xúc với niêm mạc mũi, họng gây kích ứng, phù nề. Từ đó gây ra các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, khản tiếng , giọng trở nên nghẹn đặc.

5. Nguyên nhân khản tiếng do trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng acid dạ dày trào ngược lên thực quản, đặc biệt sau khi ăn hoặc vào buổi đêm. Rất nhiều người bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng không hề biết do tình trạng trào ngược chủ yếu xảy ra vào buổi đêm trong giấc ngủ. Trào ngược trong thời gian dài khiến các cơ thực quản, thanh quản, miệng bị tổn thương do acid dạ dày. Acid dạ dày tiếp xúc với thanh quản cả đêm khiến miệng của bạn có vị chua, đắng và giọng nói trở khản đặc, thều thào sau khi ngủ dậy.

6. Mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp

Tuyến giáp nằm ở vùng cổ giống với dây thanh âm. Các tổn thương ở tuyến giáp thường kèm theo tổn thương dây thanh âm. Chính vì thế, khản tiếng trở thành một trong những dấu hiệu cơ bản của các bệnh lý tuyến giáp như: Suy giáp, hoặc sự chèn ép do các nhân xơ, khối u tuyến giáp.

7. Nguyên nhân khản tiếng do thói quen hút thuốc

Các chất độc hại trong thuốc lá sẽ làm tổn thương thanh quản trước khi gây hại cho phổi. Hút thuốc trong một thời gian dài sẽ khiến thanh quản thường xuyên bị kích ứng, sưng viêm làm thay đổi giọng nói. Người hút thuốc lá có thể cảm nhận rõ sự thay đổi của giọng nói khi hát hoặc hét to. Lúc này, dây thanh quản bị kéo căng sẽ lộ rõ nhất những tổn thương viêm, kích ứng.

8. Hít phải dị vật, tiếp xúc với các chất kích thích

Khi hít phải dị vật hay chất kích thích có trong không khí hoặc trong các sản phẩm tẩy rửa, dung dịch vệ sinh,… có thể gây trợt, loét, sưng nề vùng mũi và hầu họng. Thanh quản bị sưng nề sẽ gây ra khản tiếng, mất tiếng. Nếu tiếp xúc với các tác nhân này trong thời gian dài có thể gây khản tiếng mạn tính.

9. Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài

Corticosteroid dạng hít là thuốc thường dùng cho người bệnh hen mạn tính hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người mắc các bệnh này thường phải sử dụng thuốc liên tục nên có thể gặp phải những  tác dụng phụ không mong muốn. Khản tiếng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của loại thuốc này khi sử dụng trong thời gian dài.

Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài
Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài

10. Ung thư

Các bệnh ung thư như ung thư thanh quản, ung thư họng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, u lympho thường gây tổn thương thanh quản khiến giọng nói trở nên khản đặc. Ngoài ra, các khối u từ những bộ phận khác của cơ thể di căn lên vùng hầu họng chèn ép lên đường thở, dây thanh âm gây khản tiếng.

11. Nguyên nhân khản tiếng do chấn thương vùng cổ họng

Do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, phẫu thuật hay các kỹ thuật tác động lên vùng cổ gây tổn thương hầu họng, trong đó có dây thanh âm gây khản tiếng, giọng nói thều thào, mất tiếng hoàn toàn.

Xem thêm

Bé bị khản tiếng không ho có nguy hiểm không?

12. Liệt dây thần kinh thanh quản

Liệt dây thần kinh thanh quản có thể là kết quả của các tổn thương nhân xám, dải xám, thân chính dây thần kinh X hoặc các dây thần kinh quặt ngược. Liệt dây thần kinh thanh quản có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, thậm chí là thở. Tiếng nói bị khản, hụt hơi thường do liệt dây thanh một bên.

13. Chứng khó phát âm do co thắt

Chứng khó phát âm co thắt là tình trạng bất thường của các dây thần kinh ảnh hưởng đến khối cơ vùng thanh quản. Tình trạng này chủ yếu do sự rối loạn vùng hạch nên gây ra các bất thường về tâm lý. Chứng khó phát âm co thắt khiến giọng người bệnh bị vỡ hoặc không tròn vành rõ chữ, gằn giọng khi nói.

Khản tiếng không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đem tới nhiều phiền toái cho cuộc sống, công việc của người bệnh. Vì vậy, khi nhận thấy giọng nói bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp để nhanh chóng lấy lại giọng nói trong trẻo.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận