Những phương pháp điều trị ung thư vú hiệu quả

Với sự phát triển của khoa học, các phương pháp điều trị ung thư vú được nghiên cứu không ngừng. Nhờ đó, người bệnh ung thư vú có nhiều cơ hội chữa khỏi bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

I. Nguyên tắc chung trong điều trị ung thư vú

Điều trị ung thư vú cho bất kỳ người bệnh nào, ở giai đoạn nào, đều phải đảm bảo các nguyên tắc điều trị chung sau:

  • Phải chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học để chắc chắn người bệnh mắc bệnh ung thư vú. Tránh trường hợp nhầm với các bệnh vú khác như u xơ vú,viêm vú. Đồng thời xác định loại tế bào ác tính của người bệnh.
  • Chẩn đoán giai đoạn bệnh để lựa chọn phương pháp và lập kế hoạch điều trị phù hợp với mỗi người bệnh.
  • Cần phát hiện các bệnh lý khác ngoài bệnh ung thư để điều trị kết hợp. Phát hiện chống chỉ định của các phương pháp điều trị.
  • Giải thích cho bệnh nhân về tình trạng bệnh và các phương pháp điều trị. Tư vấn bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Lập kế hoạch điều trị cụ thể dựa trên tình trạng ung thư, tình trạng sức khỏe tổng thể và tâm tư nguyện vọng của người bệnh.
  • Theo dõi để phát hiện các biến chứng do diễn biến tự nhiên của bệnh và biến chứng do quá trình điều trị. Kịp thời điều trị các biến chứng.
  • Cần đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
  Đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân (Ảnh Internet)

II. Các phương pháp điều trị ung thư vú:

Hiện nay có 5 phương pháp điều trị ung thư vú là:

  • Phẫu thuật.
  • Xạ trị tức là điều trị bằng tia xạ.
  • Hóa trị tức là điều trị bằng hóa chất.
  • Điều trị nội tiết.
  • Điều trị đích.

1. Phương pháp phẫu thuật:

Đây là phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất. Mục đích của phẫu thuật ung thư vú là:

  • Cắt được toàn bộ tổ chức ung thư.
  • Đồng thời nạo vét hạch ở cạnh vùng ung thư để xét nghiệm xem có hạch di căn hay không.

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư vú từ giai đoạn I đến giai đoạn III. Những trường hợp không được phẫu thuật, gọi là chống chỉ định phẫu thuật là:

Có dấu hiệu nhiễm trùng ở vùng vú cần phẫu thuật.

  • Khối u “dính”cố định vào thành ngực.
  • Hạch di động kém.
  • Ung thư vú thể viêm.
  • Ngoài ra, nếu bệnh nhân thiếu máu, có bệnh lý rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường… có thể trì hoãn cuộc mổ để điều trị ổn định các bệnh trên.

Có hai kỹ thuật phẫu thuật là:

-Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú:

  • Được chỉ định cho khối u kích thước từ 3cm trở xuống.
  • Kỹ thuật này chỉ cắt bỏ vùng ung thư. Các phần vú lành được bảo tồn.
  • Cần đảm bảo các diện cắt không có tế bào ung thư, bằng cách thực hiện xét nghiệm mô bệnh học các diện cắt ngay trong cuộc mổ.

– Phẫu thuật cắt tuyến vú toàn bộ:

  • Được chỉ định cho khối u lớn hơn 3cm, hoặc người bệnh có nhiều khối u.
  • Kỹ thuật này sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
  • Với cả hai kỹ thuật này, đều cần nạo vét hạch để kiểm tra có hạch di căn không.

Người bệnh sau mổ có thể gặp các vấn đề không mong muốn là:

  • Chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, vết mổ khó lành.
  • Không cắt được hết tổ chức ung thư.
  • Vết mổ để lại sẹo.
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị ung thu vú.
 Phẫu thuật là phương pháp phổ biến điều trị ung thư vú. (Ảnh Internet)

2. Phương pháp xạ trị:

Đây là phương pháp sử dụng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ.

Xạ trị được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân sau phẫu thuật bảo tồn tuyến vú được xạ trị thường quy.
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật toàn bộ tuyến vú mà có nhiều nguy cơ tái phát.
  • Bệnh nhân di căn xương, di căn não được xạ trị nhằm giảm đau, giảm nhẹ triệu chứng.

Quy trình thực hiện xạ trị là:

  • Những vị trí chiếu xạ và liều lượng được tính toán kỹ lưỡng từ trước nhằm giảm thiểu những tác dụng xấu của tia xạ đến mô lành.
  •  Bệnh nhân được chiếu tia xạ từ một thiết bị gọi là máy gia tốc.

Trong quá trình chiếu xạ, bệnh nhân không đau, gần giống với chụp X – Quang. Tuy vậy, về lâu dài, tia xạ có thể gây ra các tác dụng không mong muốn là:

  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Da sưng tấy, mẩn đỏ, ngứa thậm chí bỏng rát.
  • Phần vú được xạ có thể trở nên cứng và nhỏ hơn.
  • Có thể gây hạ bạch cầu, suy tủy.
Xạ trị ung thư vú.
 Xạ trị ung thư vú. (Ảnh Internet)

3. Phương pháp hóa trị liệu:

Đây là phương pháp điều trị toàn thân. Hóa chất có thể tiêu diệt hoặc làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể.

Điều trị hóa chất được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Điều trị trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối ung thư, tạo thuận lợi cho phẫu thuật.
  • Điều trị sau phẫu thuật cho những người bệnh có nguy cơ tái phát cao.
  • Điều trị cho những bệnh nhân ung thư vú đã di căn.

Hóa chất được dùng bằng đường uống hoặc đường tiêm. Một số loại hóa chất được dùng là: Anthracycline, Cyclophosphamide, Taxane, 5-FU…

Điều trị hóa chất có thể gặp các tác dụng không mong muốn là:

  • Thường gặp cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
  • Rụng tóc. Khi ngừng điều trị hóa chất, tóc sẽ mọc lại.
  • Phụ nữ trẻ tuổi có thể vô sinh, mãn kinh sớm.
  • Hạ bạch cầu, suy tủy.
Dùng hóa chất đường tiêm truyền cho bệnh nhân.
Dùng hóa chất đường tiêm truyền cho bệnh nhân. (Ảnh Internet)

4. Phương pháp điều trị nội tiết:

Đây là phương pháp điều trị toàn thân, nhằm ngăn chặn và giảm lượng hormon trong cơ thể người bệnh. Bằng cách này sẽ ngăn chặn và làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.

Phương pháp này chỉ được chỉ định cho những người có xét nghiệm thụ thể nội tiết ER hay PR dương tính.

Một số thuốc nội tiết hiện nay là: Tamoxifen, Letrozole, Anastrozole…

Tác dụng phụ của các thuốc điều trị nội tiết là:

  • Tamoxifen có thể gây tắc mạch máu do hình thành huyết khối, nóng bừng, gây ung thư nội mạc tử cung…
  • Letrozole, Anastrozole… gây sút cân, nóng bừng mặt, loãng xương…

5. Phương pháp điều trị đích:

Her-2 là một thụ thể khiến ung thư phát triển và di căn. Thuốc điều trị đích sẽ ngăn chặn thụ thể này, từ đó ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Đây là một phương pháp điều trị mới.

Phương pháp điều trị đích chỉ được chỉ định cho những người có xét nghiệm thụ thể Her-2 dương tính nhiều.

Thuốc điều trị đích đang được sử dụng hiện nay là: Trastuzumab (Herceptin).

Thuốc có thể gây suy tim nếu dùng với Anthracycline.

III. Làm thế nào để ung thư vú điều trị hiệu quả.

Cần phải hiểu ung thư vú là bệnh toàn thân. Do đó ung thư vú điều trị phải kết hợp nhiều phương pháp. Nếu chỉ dùng một phương pháp như phẫu thuật hay hóa trị… thì không thể đạt được hiệu quả.

  • Với ung thư vú chưa di căn, phẫu thuật kết hợp xạ trị là phương pháp điều trị chủ yếu. Có thể kết hợp điều trị hóa chất để giảm khả năng tái phát. Dùng thuốc điều trị đích và thuốc điều trị nội tiết (nếu người bệnh có chỉ định) đem lại hiệu quả cao, kéo dài thời gian khỏi bệnh cho bệnh nhân.
  • Với ung thư vú đã di căn, cần điều trị hóa chất để tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư trong khắp cơ thể. Cần phối hợp với phẫu thuật và xạ trị để giải quyết khối ung thư nguyên phát.
  • Với ung thư vú giai đoạn cuối, điều trị hóa chất kết hợp xạ trị để giảm nhẹ triệu chứng, giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư vú.
Cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư vú (Ảnh internet)

Những phương pháp điều trị ung thư vú đang được nghiên cứu và phát triển từng ngày. Bằng cách phối hợp nhiều phương pháp, điều trị ung thư vú đã cho kết quả khả quan. Người bệnh ung thư vú hãy giữ vững niềm tin và hy vọng trên con đường chiến đấu với căn bệnh này.

BS. Hồng Hạnh

Bệnh Viện Ung Bướu Thanh Hóa.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận