Những vấn đề xoay quanh xơ gan cổ trướng
Bệnh xơ gan cổ trướng là một biến chứng nguy hiểm và rất thường gặp của xơ gan, bệnh làm cho các đợt viêm càng nặng và khó chữa, tiên lượng của xơ gan trở nên xấu hơn khi kèm thêm biến chứng này. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh xơ gan cổ trướng:
Nội dung bài viêt
Thế nào là xơ gan cổ trướng?
Cổ trướng là gì?
Cổ trướng còn được gọi là dịch ổ bụng, được hiểu là sự tích tụ dịch bất thường(> 25ml) trong khoang phúc mạc gây ra tình trạng phình to ở ổ bụng. Ở người bình thường, khoang phúc mạc là một khoang ảo, không chứa dịch, do tá thành và lá tạng tạo ra. Vì một lý do nào đó, sự xuất hiện bất thường dịch ở giữa hai lá này tạo ra dịch ổ bụng, có thể chèn ép các tạng trong ổ bụng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Dịch cổ trướng thường là là chất lỏng có màu vàng chanh, tuy nhiên một vài trường hợp có thể có màu nâu đỏ.
Khi nào thì được coi là xơ gan cổ trướng?
Xơ gan cổ trướng được coi là giai đoạn muộn của bệnh xơ gan. Khi gan suy giảm chức năng nghiêm trọng cộng thêm quá trình tăng tạo xơ trong gan làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, sự thay đổi dòng máu đến các tạng, thay đổi huyết động, từ đó tạo áp lực đẩy dịch vào ổ bụng.
Xơ gan cổ trướng gây tích tụ dịch trong khoang bụng
Xơ gan cổ trướng có biểu hiện như thế nào?
Bệnh xơ gan cổ trướng còn được gọi là xơ gan giai đoạn muộn hoặc xơ gan mất bù, khi bệnh ở giai đoạn này thường tiên lượng không tốt. Các biểu hiện thường gặp của xơ gan cổ trướng giúp ta có thể nhận biết, điều trị kịp thời thông qua hai hội chứng chính đó là:
Hội chứng suy tế bào gan
Bao gồm các triệu chứng báo hiệu sự suy giảm chức năng của gan.
- Sức khỏe sa sút, ăn kém, người mệt mỏi
- Xuất huyết dưới da
- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng tự phát
- Vàng da
- Phù 2 chân
- Cổ chướng ở mức độ từ vừa đến rất to
- Có thể sờ thấy gan to
Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa
- Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ
- Lách to
- Qua nội soi có thể phát hiện có giãn tĩnh mạch thực quản với các mức độ khác nhau
- Có thể có các rối loạn về tinh thần và tâm thần như run tay , chậm chạp, mất ngủ
Biểu hiện của biến chứng
- Khi lượng dịch trong ổ bụng quá to có thể làm người bệnh khó chịu vì trướng bụng, chèn ép, đẩy cơ hoành gây nên tình trạng khó thở, đi lại khó khăn,..
- Người bệnh có thể nôn ra máu đỏ tươi, đi ngoài ra máu khi có biến chứng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, trường hợp mất máu quá nhiều người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc do mất máu với triệu chứng như huyết áp hạ, mạch nhanh, da niêm mạc nhợt, rối loạn ý thức,…
- Có thể có các dấu hiệu của sự nhiễm trùng dịch cổ trướng
Điều trị xơ gan cổ trướng như thế nào?
Xơ gan cổ trướng có thể chữa khỏi không?
Xơ gan cổ trướng là biến chứng và được coi là một bước ngoặt cho biết tiên lượng không tốt của xơ gan. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ, giai đoạn tiến triển của bệnh, cơ địa của người bệnh, xơ gan cổ chướng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, chức năng gan bị suy giảm trầm trọng cộng thêm sự xuất hiện các biến chứng kèm theo của xơ gan là cho khả năng điều trị bệnh rất khó khăn và tỉ lệ tử vong rất cao ở giai đoạn này.
Xơ gan cổ trướng có thể được kiểm soát tốt ở giai đoạn đầu mắc bệnh
Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Đây là bước tưởng chừng đơn giản nhưng lại giữ một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị xơ gan cổ chướng. Người bệnh hoàn toàn có thể chủ động ngăn chặn sự tiến triển và phòng ngừa được biến chứng xơ gan cổ trướng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong đợt tiến triển của bệnh, tốt nhất là nhập viện theo dõi
- Chế độ ăn phải đủ chất, đủ calo, nhiều đạm (100g/ngày)
- Hạn chế các thức ăn, đồ ăn chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ
- Ăn nhạt khi có phù nề, dịch cổ trướng
Điều trị nguyên nhân
Rất quan trọng nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại, tổn thương gan như điều trị viêm gan B, viêm gan C, ngừng uống rượu bia,…
Điều trị biến chứng
Cổ trướng: có chế độ ăn hạn chế muối, kết hợp với thuốc lợi tiểu nhóm kháng aldosteron và furosemid. Nếu dịch cổ trướng nhiều, dùng các thuốc không đỡ gây khó thở có thể chọc dịch, dẫn lưu ra ngoài hoặc dùng phương pháp nối thông hệ tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trên gan.
Giãn vỡ tĩnh mạch TQ: để cầm máu chính xác mạch máu đang chảy, có thể nội soi cầm máu, dùng các loại thuốc tác động đến vận mạch hoặc có thể làm thông giữa hai hệ thống tĩnh mạch cửa và chủ,..
Nhiễm trùng dịch cổ trướng: phần lớn là tự phát, không phát hiện được đường vào. Đa số vi khuẩn có nguồn gốc từ đường tiêu hóa của người bệnh. Khi phát hiện nhiễm trùng dịch cổ chướng cần phải sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn dựa vào kết quả kháng sinh đồ hoặc lựa chọn loại kháng sinh có phổ tác dụng trên các loại vi khuẩn thường gây ra nhiễm trùng dịch cổ trướng. Một vài kháng sinh có thể dùng như cefotaxim, ciprobay, rifaximin,..
Hội chứng gan thận: Xơ gan đôi khi cũng có thể dẫn đến suy thận. Thận suy thường sẽ dẫn đến suy các cơ quan khác của cơ thể và dễ dẫn đến tử vong. Khi có hội chứng gan thận thì phải ngừng các thuốc lợi tiểu mà đang dùng trước đó, dùng human albumin, ….
Giảm Natri máu: nên hạn chế dịch và nước để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh, cân nhắc sử dịch dịch muối ưu trương đường tĩnh mạch, cân nhắc dùng albumin,…
Bệnh lý não gan: ưu tiên cung cấp acid amin phân nhánh, uống lactulose để giảm lượng độc hấp thụ vào bên trong ống tiêu hóa.
Điều trị dự phòng biến chứng
Biến chứng của xơ gan cổ trướng khá nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy để tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra, khi bị xơ gan cổ chướng cần phải dự phòng những biến chứng hay gặp bằng cách như:
- Nội soi thắt các búi giãn, sử dụng các loại thuốc nhóm ức chế beta giao cảm để phòng biến chứng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản khi xơ gan có triệu chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Dùng các loại kháng sinh như ciprofloxacin, cephalosporin thế hệ 3 để ngừa biến chứng nhiễm trùng dịch cổ trướng.
- Uống hoặc thụt lactulose phòng ngừa biến chứng não gan.
- Tầm soát, theo dõi ít nhất 6 tháng/lần bằng siêu âm hoặc làm xét nghiệm AFP để tầm soát biến chứng ung thư hóa trên bệnh nhân xơ gan cổ trướng.
- Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng áp dụng đúng trên bệnh nhân cũng là một phương pháp dự phòng rất hữu hiệu các biến chứng có thể xảy ra.
Ghép gan
Phương pháp phẫu thuật thay thế toàn bộ gan bệnh bằng một phần hay toàn bộ gan lành từ người cho. Đây được coi là biện pháp điều trị hiệu quả nhất đối với một số bệnh lý của gan giai đoạn cuối, nhất là bệnh xơ gan giai đoạn cuối, mất bù hoặc có biến chứng, gan gần như mất toàn bộ chức năng. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị tốn kém, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và chính xác và còn phụ thuộc vào sự tương thích gan của người cho và người nhận. Vì thế, phương pháp này đang còn khá hạn chế và việc chỉ định ghép gan đòi hỏi phải xem xét rất kỹ.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Những người bị bệnh gan nói chung và xơ gan cổ trướng nói riêng phải rất cẩn trọng khi sử dụng thuốc vì gan là nơi chuyển hóa thuốc chính, là nơi để thải trừ chất lạ (thuốc) ra khỏi cơ thể. Khi gan tổn thương làm giảm chức năng chuyển hóa thuốc của các tế bào gan cũng suy giảm, từ đó người bệnh có thể nhiễm độc thuốc do tăng độc tính của thuốc nếu như không được cân nhắc kĩ khi sử dụng.
Dùng thuốc cần phải giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách dùng thuốc với người bệnh gan
Cần lưu ý một số nguyên tắc như sau:
- Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Trước khi sử dụng thuốc phải được tư vấn và dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh thuốc gây độc cho gan, giảm lượng thuốc cần dùng ở mức tối thiểu, nên lựa chọn các loại thuốc bài xuất chủ yếu qua thận.
- Điều chỉnh liều dùng của các loại thuốc cho người bệnh suy chức năng gan để tránh ngộ độc cho gan, có thể giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn bệnh, tình trạng dinh dưỡng, chức năng thận, khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.
- Theo dõi người bệnh thường xuyên để phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.
- Các loại thuốc gây ứ dịch (thuốc chống viêm không steroid, corticosteroid) có thể làm cho phù và cổ trướng nặng thêm ở bệnh nhân gan mạn tính.
- Bệnh não do gan có thể nặng thêm khi dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu mất kali, thuốc chống táo bón…
Làm thế nào để phòng xơ gan cổ trướng?
- Xơ gan cổ trướng là một loại bệnh mạn tính nguy hiểm, tuy nhiên bạn có thể chủ động phòng ngừa một cách tối ưu. Bao gồm việc tuân thủ việc điều trị, phác đồ của bác sĩ khi bệnh xơ gan đang ở giai đoạn đầu nhằm hạn chế sự tiến triển của bệnh đến giai đoạn cổ trướng.
- Cách tốt nhất để đề phòng các bệnh về gan cũng như xơ gan cổ trướng là loại bỏ các yếu tố nguy cơ, các tác nhân làm tổn thương tới gan như hạn chế bia rượu, xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát và theo dõi 6 tháng 1 lần ở những người có yếu tố nguy cơ.
- Bên cạnh đó, những bệnh nhân có bệnh gan mạn tính như viêm gan virus B, C cần được quản lý và theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn và phát hiện sớm các biến chứng.
BS. Quỳnh An