Những yếu tố nguy cơ tim mạch mà bạn cần biết

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người dân ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Thực tế là độ tuổi mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa. Không chỉ ở người già mà tần suất mắc bệnh ở thanh niên và những người trong độ tuổi trung niên ngày càng tăng. Kiến thức về các yếu tố nguy cơ tim mạch trong bài viết dưới đây sẽ giúp mỗi chúng ta ý thức được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phòng tránh bệnh và xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý.

1. Yếu tố nguy cơ tim mạch là gì?

Dịch tễ học định nghĩa các yếu tố nguy cơ tim mạch là những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch hoặc làm nặng hơn bệnh lý tim mạch mà bạn đã mắc phải. Những yếu tố này có thể là yếu tố sinh học, hóa học hoặc yếu tố vật lý.

địa chỉ khám tim mạch

Dự phòng các yếu tố nguy cơ tim mạch giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và giảm tỷ lệ tử vong.

2. Những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được?

Đây là nhóm những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch. Nói cách khác, khi bạn có những yếu tố nguy cơ này thì khả năng bạn có bệnh lý tim mạch sẽ tăng cao hơn nhiều so với những người không có yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được. Nhưng rất may mắn, đây là những yếu tố nguy cơ chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn hoặc có thể hạn chế được. Những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được bao gồm:

2.1 Tăng huyết áp

Bản thân tăng huyết áp đã là một bệnh lý của hệ thống tim mạch. Tuy nhiên nó cũng là yếu tố nguy cơ tim mạch làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ, bệnh lý động mạch vành, suy tim… Đây là nhóm bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh.

Vì vậy nếu kiểm soát tốt chỉ số huyết áp bằng cách thay đổi lối sống, luyện tập thể dục và uống thuốc đều đặn cũng đồng nghĩa góp phần kéo dài tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch gây ra. Mức huyết áp cần đạt ở mỗi lứa tuổi, mỗi cá nhân riêng biệt là khác nhau. Thực tế ta thường lấy chỉ số huyết áp khi nghỉ ngơi ở người lớn rơi vào khoảng 120/80 mmHg là chỉ số lý tưởng.

2.2 Rối loạn mỡ máu

Chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý giúp hạn chế nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.

Rối loạn mỡ máu là yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp khi đời sống con người được nâng cao như ngày nay. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu làm tăng lượng Cholesterol có hại cho cơ thể ( chỉ số LDL- Cholesterol), từ đó tạo điều kiện hình thành mảng xơ vữa, viêm mạch, giảm tính đàn hồi ở các mạch máu. Tăng lượng LDL- Cholesterol trong máu kéo theo tăng tần suất mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục là bước đầu để thay đổi yếu tố nguy cơ tim mạch rối loạn mỡ máu. Nếu tình trạng mỡ máu quá cao có thể cần đến các thuốc hạ mỡ máu dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.

2.3 Đái tháo đường

Thực tế ghi nhận đái tháo đường là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được, mặc dù bệnh đái tháo đường không thể được chữa khỏi hoàn toàn. Duy trì lượng đường trong máu ổn định sẽ làm giảm đáng kể các biến chứng của bệnh đái tháo đường, trong đó có biến chứng tim mạch.

Tần suất mắc đái tháo đường ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Vì vậy bạn cần sớm nhận biết được các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như: ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều,… để kịp thời tới khám cũng như được chẩn đoán và điều trị đái tháo đường.

2.4 Thừa cân béo phì

Thừa cân béo phì thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch bạn có thể thay đổi được thông qua việc ăn uống cân đối các thành phần trong bữa ăn, ăn nhiều rau xanh, giảm tinh bột, giảm chất béo bão hòa, tập thể dục và hạn chế stress tâm lý… Tính chỉ số khối cơ thể ( hay BMI) có thể sơ bộ đánh giá xem bạn có thừa cân béo phì hay không, và giúp bạn theo dõi hiệu quả giảm cân của bản thân.

2.5 Hút thuốc lá

Cai thuốc lá là loại bỏ một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hút thuốc lá đồng nghĩa với việc bạn đưa vào người rất nhiều chất độc với cơ thể như nicotin, hắc ín, formaldehyt, cyanid,… gây tổn thương không chỉ hệ thống tim mạch mà cả hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh,… Hút thuốc lá càng nhiều, càng lâu ngày thì càng làm tăng tần suất mắc bệnh tim mạch và nặng hơn các bệnh tim mạch hiện có. Việc bỏ thuốc lá không chỉ là loại bỏ hoàn toàn một yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được, mà còn giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ở các cơ quan khác.

Hiện nay đã có rất nhiều cách và các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá. Vì vậy dù khó khăn nhưng cai thuốc lá hoàn toàn là việc bạn có thể làm được để bảo vệ sức khỏe.

2.6 Lười vận động

Lối sống quá tĩnh tại, lười vận động là yếu tố nguy cơ tim mạch làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về mạch máu như trĩ, giãn tĩnh mạch chi,… đồng thời cũng tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong cơ thể đặc biệt với những người lớn tuổi.

Việc xây dựng thói quen vận động đều đặn mỗi ngày giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, giúp giảm mỡ máu cũng như cải thiện cả về sức khỏe tinh thần.

3. Những yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được?

Bên cạnh những yếu tố nguy cơ tim mạch có thể thay đổi được đã nêu ở trên là những yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được. Tuy nhiên nhóm này chỉ chiếm số ít trong tổng số những yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Nhận thức được các yếu tố nguy cơ tim mạch không thay đổi được ngay từ đầu giúp bạn có thái độ đúng đắn, không lo lắng thái quá và chủ động phòng tránh bệnh lý tim mạch.

3.1 Tuổi

Tuổi già làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng tăng lên. Ở người già, thành mạch máu kém đàn hồi, chức năng bơm máu của tim suy giảm dần làm tăng tần suất mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý mạch vành cũng như các bệnh lý khác của hệ tim mạch. Già đi là một quy luật của tự nhiên và đây là điều không ai có thể thể tránh khỏi. Chấp nhận tuổi già, xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, có thái độ sống vui, sống có ích giúp người cao tuổi mạnh khỏe hơn và có góc nhìn tích cực hơn về các bệnh lý mà bản thân mắc phải.

3.2 Giới tính

Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên sau độ tuổi 65, hoặc khi phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh thì tỷ lệ mắc bệnh tim mạch là như nhau ở cả hai giới.

3.3 Di truyền

Các nghiên cứu nhận thấy có tính chất di truyền ở các bệnh lý tim mạch. Nói cách khác, trong gia đình bạn có ông, bà, bố, mẹ, anh chị em… mắc các bệnh lý tim mạch thì bạn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người mà trong gia đình không có ai mắc bệnh lý tim mạch.

Những thông tin về các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch kể trên không thể thay thế bất kỳ chẩn đoán của bác sĩ trong tất cả các trường hợp. Vì vậy khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh lý tim mạch, bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám bệnh, điều trị và tư vấn kịp thời.

BS Hoàng Ngọc Anh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận