Phân biệt các loại mụn thường gặp và cách trị mụn hiệu quả

hạnh
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Mụn trứng cá, mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn đinh râu, mụn thịt, mụn cóc,… là các loại mụn hay gặp và dễ mắc phải ở mọi lứa tuổi. Một số loại mụn cứng đầu và rất khó điều trị dứt điểm, không gây sưng đau nhưng để lại sẹo làm mất thẩm mỹ. Mời các bạn đón đọc bài viết dưới đây để biết cách phân biệt các loại mụn thường gặp!

1. Các loại mụn thường gặp 

Các loại mụn thường gặp và được quan tâm hàng đầu hiện nay là:

1.1. Mụn trứng cá 

Mụn trứng cá

Mụn trứng cá là bệnh tổn thương nang lông tuyến bã da do sự tăng tiết chất bã nhờn, đọng lại ở các lỗ chân lông, kèm theo hiện tượng viêm nhiễm ở nang lông tuyến bã. Loại vi khuẩn Propionibacterium acnes sống kí sinh trên da và là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra mụn. Mụn trứng cá có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người da dầu và tuổi dậy thì. Loại mụn này thường xuất hiện trên trán, mặt, ngực, vai và vùng lưng trên với các biểu hiện: mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ,…

Chi phí điều trị mụn trứng cá khá cao vì vậy cần được chữa trị kịp thời, tuân thủ đúng phác đồ, lộ trình điều trị của bác sĩ da liễu nhằm tránh bệnh nặng nề hơn, để lại sẹo rỗ khó chữa, làm cho người bệnh mặc cảm, tự ti trong giao tiếp với mọi người xung quanh, giảm hiệu quả công việc.

1.2. Mụn ẩn 

Mụn ẩn thường xuất hiện ở vùng da má, trán hoặc dưới cằm

Loại mụn này có nhân mụn nằm sâu bên trong nang lông, nhân mụn không gây viêm, sưng tấy hay đau nhức mà chỉ là những nốt nhỏ li ti và mọc theo từng cụm ở vùng da má, trán hoặc dưới cằm. Bằng mắt thường rất khó để phát hiện các loại mụn này, có  thể cảm nhận mụn bằng cách dùng tay sờ lên vùng da mặt. Khi bị mụn ẩn, bề mặt da sần sùi, không mịn màng.

Mụn ẩn không nguy hiểm như các loại mụn nang, mụn đinh râu,… tuy nhiên nếu không được điều trị hoặc xử lý kịp thời, mụn ẩn có thể bị viêm, sưng lên và để lại thâm mụn, sẹo do tác động của môi trường bên ngoài, thay đổi nội tiết tố, stress,….

Mụn ẩn có thể xuất hiện do:

+ Vệ sinh da sơ sài không sạch sẽ, tạo điều kiện giúp bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào sâu trong da làm tăng nguy cơ bị mụn.

+ Lạm dụng mỹ phẩm: Không tẩy trang đúng cách sau khi trang điểm sẽ gây bít tắc lỗ chân lông làm xuất hiện mụn. Bên cạnh đó, sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhái, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến da làm da xấu hơn và bị mụn.

+ Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: Ăn quá nhiều thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thường xuyên ngủ muộn, thức khuya, stress,… là những lý do gây nên mụn.

1.3. Mụn đầu đen 

Mụn đầu đen xuất hiện nhiều ở mũi

Mụn đầu đen thường xuất hiện nhiều ở vùng mũi. Mụn có kích thước nhỏ khoảng 1mm và không gây cảm giác đau nhức. Nguyên nhân gây mụn đầu đen là do: các tuyến bã nhờn hoạt động nhiều gây bít tắc lỗ chân lông; ăn các loại thức ăn cay nóng, thường xuyên thức khuya, stress; uống quá ít nước. Mụn đầu đen cần tuân theo liệu trình điều trị của bác sĩ da liễu, không tự ý nặn sẽ khiến tình trạng mụn tồi tệ hơn và làm lỗ chân lông bị to ra.

1.4. Mụn đinh râu 

Mụn đinh râu

Mụn đinh râu tên gọi khác là mụn đầu đinh, các loại mụn này thường xuất hiện ở vùng da quanh môi, cằm và quanh mũi. Khi mới hình thành mụn, có dấu hiệu sưng viêm ở chân của sợi lông, chạm vào có cảm giác đau nhức. Lâu dần nếu không được xử lý, chăm sóc sai cách, mụn sẽ sưng to lên và xuất hiện mủ màu vàng trên đỉnh mụn. về sau tiến triển nặng làm cho mặt sưng vù, mất nước, sốt cao vì đã bị nhiễm độc tố của vi khuẩn.

Mụn đinh râu có thể do dùng dụng bị bẩn khi cạo râu, xăm môi, nặn mụn trứng cá,… gây nhiễm trùng (vi khuẩn kỵ khí, liên cầu, tụ cầu,…) tại vùng da bị tổn thương.

1.5. Mụn thịt 

Mụn thịt (còn được gọi là mụn đá, mụn gạo,…) xuất hiện do các Keratin (dạng Protein có nhiều trong mô da, mô tóc) bị ứ đọng lâu ngày trong lỗ chân lông không được đào thải ra ngoài gây nên. Mụn thịt có kích thước nhỏ, hình vòm, màu ngả vàng hoặc màu trùng với màu da. Các loại mụn này xuất hiện phổ biến ở vùng mắt, má, môi và cổ. Trong thời gian dài, nếu không có biện pháp can thiệp, liệu trình điều trị phù hợp, mụn thịt sẽ phát triển thành đám có màu vàng sẫm hoặc trắng lộ rõ trên da gây sần sùi, mất thẩm mỹ.

1.6. Mụn cóc 

Mụn cóc do virus HPV – Human Papilloma Virus gây ra

Mụn cóc (còn được gọi là mụn cơm) là một dạng tăng sinh bất thường của da, do virus HPV – Human Papilloma Virus, thuộc loại Papova Virus có ADN gây ra . Mụn có hình dạng khối u sần sùi, xấu xí,  xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau.

Mụn cóc có thể lây lan ở các bộ phận trên cơ thể hoặc lây từ người sang người, khi da tiếp xúc trực tiếp với da qua vết thương hở hoặc da tiếp xúc với các đồ vật có dính virus HPV của người bệnh như khăn tắm, đồ dùng cá nhân. Bên cạnh đó, vi khuẩn HPV cũng có thể lây qua bàn chân có vết thương hở khi đi chân trần ở hồ bơi.

2. Điều trị mụn đúng cách 

2.1. Thăm khám bác sỹ da liễu 

Thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn, điều trị mụn phù hợp

Với những người bệnh bị các loại mụn nói trên, điều quan trọng nhất là cần thăm khám bác sỹ da liễu để có phác đồ, liệu trình điều trị phù hợp:

+ Mụn viêm: mụn viêm thường sẽ gây ra thâm và sẹo rỗ sau này gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Vì vậy, cần đến bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ sẹo mụn và thâm.

+ Cần điều trị khỏi nhanh chóng hơn: điều trị bằng các phương pháp được chỉ định, kê đơn bởi bác sĩ da liễu sẽ giúp cải thiện trên làn da nhanh chóng hơn và hạn chế được những rủi ro khi điều trị.

Với các loại mụn không viêm, có cồi mụn đóng (mụn đầu trắng) hoặc mở (mụn đầu đen), người bệnh có thể tự điều trị tại nhà với thuốc các loại thuốc điều trị thông thường không cần kê đơn trong khoảng 4 đến 8 tuần nếu chưa thể đến gặp bác sĩ da liễu. Tuy nhiên, sau thời gian trên, nếu tình trạng mụn không thuyên giảm hoặc tình trạng mụn nặng hơn, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay lập tức để được thăm khám và điều trị.

2.2. Chăm sóc da hàng ngày 

Tẩy trang giúp có lông mi cong và dài (Ảnh Internet)

Tẩy trang kỹ càng sau khi trang điểm để phòng tránh các loại mụn

+ Dùng các loại sữa rửa mặt phù hợp, rửa mặt tối thiểu 2 lần/ngày, kết hợp thêm một số kem dưỡng da nhẹ nhàng, lành tính.

+ Sau khi trang điểm cần tẩy trang kỹ càng bằng nước tẩy trang và bông tẩy trang đảm bảo chất lượng. 

+ Định kỳ tẩy tế bào chết 1 tuần 1 lần để loại bỏ bã nhờn, da chết, tránh bít tắc lỗ chân lông, giảm sự sinh sản của vi khuẩn trên da.

+ Bỏ thói quen dùng tay sờ, chạm lên mặt, không tự ý nặn mụn vì có thể khiến vi khuẩn lây lan rộng hơn.

+ Ăn các loại thực phẩm tốt cho da, ăn nhiều rau xanh, hạn chế các loại đồ ăn cay nóng, bia rượu.

2.3. Sử dụng các thuốc trị mụn

+ Chọn những sản phẩm trị mụn có thương hiệu uy tín, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được khuyên dùng bởi bác sĩ da liễu. Ưu tiên các sản phẩm chiết xuất lành tính và không chứa thành phần độc hại cho da.

+ Khi sử dụng, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và hướng dẫn được in trên bao bì của nhà sản xuất. Nếu xuất hiện tình trạng kích ứng, dị ứng hoặc tình trạng mụn viêm nhiễm quá nặng, cần dừng ngay sản phẩm trị mụn và đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

BS Lê Thị Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận